Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

“Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho mình, hãy hỏi mình có thể làm gì cho đất nước”.

Một phản đề của sự hiệp thông.

Chắc hẳn không mấy ai còn xa lạ với câu nói này. Đây là câu nói nổi tiếng trong bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống John F. Kennedy vào ngày 20/01/1961. Nguyên văn câu nói này như sau:
Hỡi những công dân Mỹ : đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho mình, hãy hỏi mình có thể làm gì cho đất nước” (my fellow Americans: ask not what your country can do for you, ask what you can do for your country)

Câu nói này đã trở nên nổi tiếng và được rất nhiều người trích lại trong nhiều dịp khác nhau, đặc biệt trong những dịp học hỏi mang tính cách tuyên truyền lý tưởng dấn thân cho công ích. Câu nói này cũng là nguồn cảm hứng cho một ca khúc rất hay “Khát Vọng Tuổi Trẻ” của nhạc sĩ Vũ Hoàng. Tuy nhiên nếu không hiểu đúng đắn, nó sẽ trở thành vũ khí cổ võ cho chủ nghĩa “mọi người vì một người” một cách không lành mạnh, và tạo nên những mối tương quan, và cách hành xử không thật sự theo tinh thần Tin Mừng.
  1. Một vài vấn đề liên quan
Đã có một thời khẩu hiệu “một người vì mọi người” trở thành “luật sống” của người dân Việt nam. Thời mà những quyền lợi cá nhân bị chối bỏ một cách không thương tiếc nhân công ích. Người ta thường “cả vú lấp miệng em” rằng : anh không lo làm gì để xây dựng đất nước, xây dựng xã hội, mà cứ đòi quyền lợi này quyền lợi nọ từ xã hội, từ đất nước. Và người dân trong trường hợp này chỉ có cách ngậm bồ hòn làm ngọt! Khẩu hiệu “một người vì mọi người” chỉ đúng nếu vế sau “mọi người vì một người” được thực hiện một cách tương ứng với vế trước. Và điều này phải được thực hiện với một ý thức tự giác cao độ. Nhưng trong thực tế, điều đó là một ảo tưởng, vì nó là sản phẩm của chủ nghĩa duy ý chí, không quan tâm đến thực tế con người và xã hội. Một xã hội đặt cơ sở trên những khẩu hiệu duy ý chí không thể là một xã hội tiến bộ phát triển.
Trong đời sống Giáo Hội cũng vậy, đây đó ta cũng nghe nói: anh đã làm được gì, nhà dòng đã làm được gì cho Giáo Hội, mà cứ đòi Giáo Hội phải làm cho anh, cho nhà dòng điều này điều nọ. Thật xót xa khi nghe những điều này. Xót xa vì thấy mình làm được quá ít, đóng góp quá khiêm tốn cho Giáo Hội và cho Thiên Chúa. Xót xa vì thấy rằng các mối tương quan, cách hành xử được đặt trên giá trị thực dụng và hiệu quả, có thể cân, đong, đo, đếm theo cách con người, chứ không đặt trên tình yêu, sự cảm thông và liên đới mang chiều kích đức tin và siêu nhiên. Xót xa vì nhận thấy rằng những mối liên hệ tương giao là những mối liên hệ phân cực loại trừ: anh thuộc bên này, tôi thuộc bên kia,…chứ không nằm trong sự hiệp thông duy nhất của một thân thể mầu nhiệm.
Những vấn đề điển hình trên ít nhiều là hệ quả của tư tưởng liên quan đến câu nói nổi tiếng của cố tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy. Trước hết ta hãy tìm hiểu bối cảnh của câu nói trên.
  1. Bối cảnh của câu nói
Trong diễn văn nhậm chức, tổng thống Kennedy đã kêu gọi đồng bào của mình hãy chung vai sát cánh xây dựng tổ quốc. Ông kêu gọi đồng bào của mình hãy coi đây là một bổn phận của một công dân đối với tổ quốc. Cần quan tâm ítt nhất hai điểm sau đây liên quan đến câu nói của vị tổng thống Hoa Kỳ này:
  • Khi nói những lời này ông Kennedy không tách mình ra khỏi “công dân Hoa Kỳ”, tuy rằng ông phát ngôn trên cương vị tổng thống. Ông không sắm vai đất nước để nói với những người không phải đất nước. Ở đây không có sự phân cực một bên là đất nước và một bên là người dân. Chỉ có một đất nước của công dân và những công dân thuộc đất nước. Ông cũng là một công dân. Ông thuộc về nhóm những người công dân và ông kêu gọi những người công dân (trong đó tất nhiên có ông) hãy ý thức trách nhiệm xây dựng đất nước. Ở đây không hề có tách biệt, hơn nữa không thể có sự đối lập, giữa quyền lợi của công dân và quyền lợi của đất nước.
  • Vào thời điểm những năm 60, Hoa Kỳ đã là một cường quốc. Công dân hoa kỳ, một cách nào đó, đã hưởng được khá nhiều quyền lợi mà đất nước Hoa Kỳ mang lại cho họ (so với công dân ở các nước khác trên thế giới). Hay nói cách khác, đất nước (Hoa Kỳ) đã làm trước cho họ quá nhiều điều. Vì vậy, công bằng mà nói, câu nói :  “đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho mình, hãy hỏi mình có thể làm gì cho đất nước” cũng là điều hết sức bình thường và dễ hiểu, chứ chưa cần vịn đến khía cạnh lý tưởng dấn thân cao đẹp!
  1. Cái nhìn Kinh Thánh
Mạc khải thánh kinh cho chúng ta thấy rằng, Thiên Chúa chọn cách thức hành xử hoàn toàn khác. Ngài không bao giờ đặt vấn đề con người có thể làm gì cho Ngài, hoặc con người có xứng đáng không để thi ân giáng phúc cho họ.
  • Khi sáng tạo con người và vũ trụ, Thiên Chúa “dành ra” những năm ngày để “trang bị những thứ cần thiết” cho con người. Ngài đã trao quyền bá chủ thế giới cho con người. Ngài đã làm tất cả điều đó vì tình thương chứ không phải do công trạng của con người (x. St 1,1-31)
  • Việc Thiên Chúa ra tay giải thoát dân Do thái khỏi ách nô lệ của Ai cập là một minh chứng hùng hồn tình thương nhưng không của Thiên Chúa. Dân Do thái bị oàn lưng dưới ách thống trị của Ai cập. Có thể nói họ đã bị tước đoạt tất cả. Họ không có quyền dành thời gian và tiền bạc để dâng tiến lễ vật cho Thiên Chúa. Có thể nói họ không “làm được gì” cho Thiên Chúa cả. Có chăng chỉ là lòng khao khát, ước muốn mà thôi. Thiên Chúa đã “nghe” được tiếng lòng của họ (x. Xh 3,7tt). Ngài đã giơ cánh tay uy quyền để giải thoát họ khỏi ách nô lệ, đưa họ ra khỏi cảnh khốn khổ lầm than để họ có thể phục vụ Người trong phẩm giá của một con người tự do. Vâng, mỗi khi con người lâm cảnh cơ cực, và kêu lên Người thì Người không bao giờ từ chối cả.
  • Việc Thiên Chúa chăm sóc và thiết lập giao ước Israel được tiên tri Ezekiel kể lại thật cảm động: Từ một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi giữa đồng vắng, Thiên Chúa đã “đầu tư” cho đến khi cô trở thành một thiếu nữ xinh đẹp kiêu sa (x. Ed 16,1-19). Thiên Chúa đã đi bước trước, đã làm tất cả điều đó chỉ vì tình yêu. Đó cũng là cách hành sử của cha mẹ đối với con cái. Chẳng quản nắng mưa, khó nhọc, tiền bạc miễn sao con cái nên người và thành tài là cha mẹ làm tất cả. Cha mẹ chẳng bao giờ tính công với con cái, cũng chẳng bao giờ đòi con cái phải đền ơn, trả lễ các ngài, tuy nhiên đó là trách nhiệm của con cái, nhất là khi chúng đã thành đạt. Con cái càng yếu đau, kém may mắn thì cha mẹ lại càng yêu thương săn sóc nhiều hơn.
  • Khi Chúa Giêsu chọn gọi các tông đồ, Ngài không hề căn cứ vào trình độ hay công lênh của các ông. Người đã không chọn những người giỏi dang để đỡ tốn công huấn luyện. Người đã từng phải than phiền về cái đầu tăm tối (x. Mc 4,13; 7,18) và lòng tin yếu kém của họ (x. Mc 4,40). Việc tuyển chọn và giao cho Phêrô trách nhiệm cai quản Hội Thánh cũng thế. Phêrô không phải là người tài cán học thức hơn các Tông đồ khác. Phêrô cũng không phải là người hội đủ các yếu tố của một người lãnh đạo hơn các anh em khác. Ngài đã từng bị Chúa mắng là Satan (Mt 16,23), là người nói mà không biết mình nói gì (Lc 9,33), là người dễ thay đổi lập trường (x. Ga 13,1-11 ), là người đã ba lần chối Thầy,.. Nhưng, bất chấp những khuyết điểm, Đức Giêsu vẫn chọn Phêrô và trao cho ngài những trách vụ quan trọng trong Giáo Hội mà Người sẽ thiết lập.
  1. Thực tế xã hội trong việc đầu tư nhân lực
Đối với các doanh nghiệp, phương châm “anh đã làm được gì cho đất nước” vẫn đang được áp dụng, nhưng có lẽ chỉ áp dụng đối với những công nhân bậc trung  bình. Còn xét về mặt chiến lược phát triển thì người ta ưu tiên phương thức tìm kiếm và đầu tư nhân tài. Phương thức này tỏ ra ít tốn kém và đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Việc đầu tư đào tạo các tuyển thủ bóng đá là một ví dụ điển hình nhất. Những câu lạc bộ lớn, những học viện bóng đá thường bỏ công sức và tiền bạc đi tìm kiếm và đào tạo những tiềm năng có thể trở thành những ngôi sao lớn sau này. Khi họ đào tạo được những cầu thủ giỏi, thì họ sẽ thu được những món lợi kếch xù, vì những cầu thủ này thuộc quyền sở hữu của họ (dĩ nhiên một thời hạn nào đó theo hợp đồng). Lúc này hai câu lạc bộ khổng lồ của Tây Ban Nha là Real Madrid và Barcelona đang dành nhau cầu thủ 14 tuổi người Argentina, Mauro Icardi. Họ nghĩ rằng cầu thủ này sẽ làm nên lịch sử như những Ronaldo hay Lionel Messi vậy.
Rất nhiều công ty hiện nay cũng không ngần ngại bỏ tiền để tìm kiếm vào đào tạo nhân sự với điều kiện sau này họ sẽ về làm việc cho họ. Không phải tất cả mọi đầu tư đều đưa đến thành công như mong đợi, nhưng đó vẫn là cách tốt nhất, và rẻ nhất. Vì việc tuyển chọn nhân tài tại chỗ ngày càng trở nên khó khăn và tốn kém.
Trong Giáo Hội cũng vậy, đặc biệt là ở các nước phương tây khan hiếm ơn gọi. Giáo Hội ở đây sãn sàng bỏ tiền đào tạo ơn gọi đến từ những khu vực khác với hợp đồng là sau đó phải làm việc một thời gian nhất định để “trả công” Giáo Hội nơi đây đã bỏ ra đào tạo mình.
  1. Người tu sĩ và sứ mạng tông đồ
Đời sống thánh hiến là một là một ơn huệ Thiên Chúa Cha ban cho Giáo Hội (Đời sống thánh hiến, số 1). Chính vì vậy mà người tu sĩ không có quyền sống khép kín chỉ cho riêng mình, cho dù là thánh thiện đi nữa. Hơn nữa, ơn gọi của họ là đi theo Đấng mang trong mình một sứ mạng, sứ mạng loan báo và thiết lập Nước Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu là Đấng mà Chúa Cha đã thánh hiến và sai đi một cách trọn hảo (x. Ga 10,36). Người là khuôn mẫu cho mọi hình thức đời sống tận hiến.
Hơn nữa, “khi Thiên Chúa thánh hiến một người nào, thì Người ban cho họ một ân huệ đặc biệt để thực hiện ý định hoà giải của Người nhằm cứu độ thế giới. Thiên Chúa không những chọn một người, tách riêng và thánh hiến người đó cho Người, mà còn đưa họ vào dự phóng của Người. Sự thánh hiến luôn luôn đi kèm một sứ mạng”. (Đời sống thánh hiến, số 23). Khi dấn thân vào đời sống thánh hiến, người tu sĩ đã quảng đại đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô, “lời mời gọi đối với họ, bao hàm cam kết dâng hiến toàn thân cho sứ mạng; hơn nữa, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, nguồn gốc mọi ơn gọi và mọi đoàn sủng, chính đời thánh hiến trở thành một sứ mạng. Nhìn từ góc độ đó chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng của việc tuyên giữa các lời khuyên Phúc Âm, giúp con người hoàn toàn tự do để phục vụ Tin Mừng” (Đời sống thánh hiến, số 72). Vì thế trách nhiệm cộng tác vào việc loan báo Tin Mừng của người tu sĩ là hiển nhiên và không cần phải bàn cãi. Vấn đề là người tu sĩ phải cộng tác như thế nào theo ơn gọi đặc biệt của mình?
  1. Đóng góp của người tu sĩ cho Giáo hội và cho thế giới
Giáo luật điều 673 nhấn mạnh rằng: “Việc tông đồ của mọi tu sĩ trước tiên hệ tại ở chứng tá đời sống thánh hiến của họ mà họ có bổn phận phải gìn giữ bằng lời cầu nguyện và bằng việc sám hối”. Đây là điều hết sức quan trọng. Thật vậy, vì đời tu thuộc về sự thánh thiện của Giáo Hội (x. GH 44). Dựa trên xác tín này của Công Đồng Vatican II, Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II nói thêm rằng: “khi xét tới sứ mạng của Giáo Hội là phải biểu lộ sự thánh thiện, thì phải công nhận, với cái nhìn khách quan, là đời sống thánh hiến đứng ở bình diện ưu việt, bởi vì phản ánh chính lối sống của Đức Kitô” (Đời sống thánh hiến, số 32).
Như vậy, lối sống và sự hiện diện của các tu sĩ đã là một lời loan báo Tin Mừng, và là một công việc tông đồ rồi. Tuy nhiên, ngày nay không nhiều người nhận ra điều này, vì chúng ta thường hay nhìn và đánh giá một sự việc dưới nhãn quan hiệu quả và thực dụng. Cách đây gần ba năm trong một dịp nói chuyện với thầy Yannick thuộc dòng Ploërmel, một dòng chuyên lo việc giáo dục tương tự như dòng Lasan, tôi được nghe một chuyện hết sức cảm động. Thầy kể rằng, khi thầy còn là giám tỉnh của tỉnh dòng Pháp (bây giờ thầy là bề trên tổng quyền của dòng Ploërmel), có một đức cha đến nói với Thầy rằng ngài rất muốn Thầy đến thành lập một cộng đoàn trong giáo phận của ngài. Thầy từ chối với lí do là vì tỉnh dòng của Thầy giờ chỉ còn những người già, không đủ sức để làm những việc tông đồ. Nhưng sau đó Thầy thật bất ngờ khi nghe đức cha nói với Thầy rằng, ngài không xin các thầy đến để làm việc này, việc nọ… vì ngài có sẵn những chuyên viên để làm những công tác đó. Ngài nói ngài chỉ muốn các thầy hiện diện và đọc kinh cầu nguyện với tư cách là tu sĩ, trong giáo phận của ngài mà thôi, đó là điều mà các chuyên viên không thể làm được!
Thật vậy, “Nguyên bằng sự hiện diện của mình, một cộng đoàn tu trì không chỉ mang trong mình sự phong phú của đời sống kitô hữu mà thôi, nhưng vì là một đơn vị, cộng đoàn làm thành lời loan báo sứ điệp kitô giáo một cách đặc biệt hiệu nghiệm. Có thể nói đó là một lời rao giảng sống động và liên tục” (Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, số 60). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đánh giá rất cao tầm quan trọng của sự hiện diện chứng tá này của các tu sĩ trong Giáo Hội và trong xã hội, đặc biệt là chứng tá của đời sống cộng đoàn khi nói rằng: “Hơn nữa, đời tu lại còn tham gia vào sứ mạng của Đức Kitô bằng một yếu tố khác, riêng của mình, đó là đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, hướng về sứ mạng. Như vậy, việc hiến dâng cho Chúa Giêsu càng đi vào nội tâm, cách sống cộng đoàn càng đậm tình huynh đệ, sự dấn thân vào sứ mạng đặc thù của tu hội càng hăng say, thì đời tu càng có giá trị tông đồ” (Đời sống thánh hiến, số 72).
Để tránh những tiêu cực có thể xảy ra liên quan đến cách thức hiện diện và tham gia vào sứ mạng tông đồ, hoặc do khép kín không tham gia vào các công tác mục vụ, hoặc chỉ chú tâm vào các công tác mục vụ mà quên đi ý nghĩa đích thực của đời tận hiến, thánh bộ tu sĩ lưu ý con cái nên đề phòng kẻo rơi vào hai thái cực đó : “Cộng đoàn tu trì có nguy cơ là một đàng hiện diện ở địa phương mà không gắn bó với đời sống hoặc chương trình mục vụ của Giáo Hội đó, đàng khác chỉ giản lược vào các phận sự mục vụ mà thôi” (Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, số 60).


  1. Hướng đến một linh đạo hiệp thông

Chúa Giêsu được sai đến trần gian không làm gì khác hơn là tái lập sự hiệp thông đã bị phá vỡ do sự bất tuân của nguyên tổ Ađam. Sự hiệp thông bắt nguồn từ chính Ba Ngôi Thiên Chúa. Sứ mạng tái lập sự hiệp thông của Đức Giêsu bắt đầu bằng việc kêu gọi các tông đồ để lập nên một nhóm cùng sống và cùng chia sẻ sứ mạng với ngài.
Nhìn từ góc cạnh này Giáo Hội chính là một sự hiệp thông. Hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa qua trung gian của Đức Kitô; hiệp thông giữa những người anh em cùng chia sẻ một sứ mạng của Đức Kitô; hiệp thông trong cùng một sức sống giữa đầu và các chi thể trong một thân thể duy nhất. Tính cách giáo hội học này đã được Công Đồng Vatican II nhấn mạnh một cách đặc biệt (x. Giáo Hội, số 7).
Vì vậy xét về phương diện này, sứ mạng tông đồ trước tiên là sứ mạng phục vụ sự hiệp thông. Người tu sĩ, tự bản chất của mình đã là một sứ mạng vì “thật vậy, cộng đoàn tu trì cảm thấy chính mình đang tiếp nối nhóm người đã theo Đức Giêsu. Người đã gọi đích danh từng người một để họ sống hiệp thông với chính Người và với các môn đệ khác, để chia sẻ cuộc sống và thân phận của Người, và qua đó cộng đoàn tu trì trở thành dấu chỉ sự sống, sự hiệp thông mà Người đã khởi đầu” (Đời sống thánh hiến, số 10). Đây chính là sứ mạng tông đồ trước tiên và quan trọng nhất mà người tu sĩ phải chú tâm thực hiện. Vì “Quả thế đời sống hiệp thông trở thành một dấu chỉ cho thế giới và một sức mạnh thu hút người ta tin vào Đức Kitô” (Đời sống thánh hiến, số 46). Cũng chính vì thế mà Giáo Hội mong muốn “Tất cả mọi việc phải được làm trong hiệp thông và trong đối thoại với những thành phần khác trong Giáo Hội” (Đời sống thánh hiến, số 74). Đồng thời “Hoạt động tông đồ cần được thực hiện nhân danh và với sự uỷ nhiệm của Giáo Hội, cũng như trong sự hiệp thông với Giáo Hội (Can. 675§3), để “Những yếu tố và những ân huệ đó thực sự quy hướng về sự hiệp thông duy nhất và về sứ mạng của cũng một ‘thân thể’ (x. Giáo Hội, số 7, Tông đồ giáo dân, số 3)” (Các liên hệ hỗ tương, số 2).
Lạy cha, xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17, 21)



Dom. Ninh Nguyễn Thông Phán

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP