Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

HIỂU THẾ NÀO VỀ TÍNH DỤC?

Ngày nay, những vấn đề liên quan đến tính dục được phơi bày trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng thử hỏi mấy người hiểu được ý nghĩa của tính dục là gì? Phần đông, khi nói đến tính dục người ta thường nghĩ ngay đến cái gì xấu xa, ghê tởm và cho là không nghiêm túc. Để có cái nhìn đúng về tính dục, người viết chỉ trình bày khía cạnh vẻ đẹp cũng như tính mong manh của nó. Trong bài này, người viết chỉ trình bày tính dục theo cái nhìn của kitô giáo trong chiều kích hôn nhân.Và trước khi đi vào vấn đề, người viết cũng trình bày qua khái niệm tính dục là gì.
            1. Tính dục là gì?
Trong cuộc sống thường ngày, người ta hay lẫn lộn giữa “tính dục” và “tình dục”. Vậy tình dục là gì? Theo Đào Xuân Dũng, “tình dục là hành vi để tìm kiếm khoái cảm hoặc để sinh sản, có nội hàm rộng, không chỉ có nghĩa là giao hợp giữa người nam và người nữ mà còn bao gồm cả nhiều hành vi khác nhằm đem lại khoái cảm”[1]. Còn theo sách Giáo lý hôn nhân của Hội đồng Giám mục Việt nam, “tình  dục là toàn bộ những cách thế mà người nam và người nữ vận dụng bản năng giới tính để yêu thương, ước muốn kết hợp với nhau như vợ chồng”[2].
Còn tính dục thì sao? Trước hết, tính dục là một xung lực nội tại, một xu hướng thường trực thôi thúc con người tìm kiếm sự thoả mãn những nhu cầu sinh lý và tâm lý của mình[3]. Còn theo uỷ ban giáo dục và thông tin về tính dục của Mỹ, “tính dục là tổng thể con người, bao gồm mọi khía cạnh đặc trưng của con trai hoặc con gái, đàn ông hoặc đàn bà và biến động suốt đời. Tính dục phản ánh tính cách người, không chỉ là bản chất sinh dục. Vì là một biểu đạt tổng thể của nhân cách, tính dục liên quan tới yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội, tinh thần và văn hoá của đời sống. Những yếu tố này ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách và mối quan hệ giữa người với người và do đó tác động trở lại xã hội”[4]. Và sách Giáo lý hôn nhân của Hội đồng Giám mục Việt nam định nghĩa: “tính dục là một khuynh hướng tự nhiên nơi người nam và người nữ vận dụng giới tính để tìm kiếm, hiểu biết và yêu thương nhau dù nam hay nữ”[5].
            2. Vẻ đẹp của tính dục
            a.Tặng phẩm của Thiên Chúa
Sách Sáng thế đã mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ (St1,27), và đó như là nền tảng của con người mà Thiên Chúa muốn. Tính dục đã tạo nên sự khác biệt giữa người nam và người nữ, tính dục ảnh hưởng trên mọi bình diện của con người, thống nhất cả hồn và xác[6]. Chúng ta cũng thấy rằng, tính dục của con người không phải là một điều gì ghê sợ hay là một điều khốn khổ và điều ác, mà tính dục là một ơn ban của Thiên Chúa cho con người[7]. Trong Tin mừng, cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người Pharisêu về vấn đề ly dị, chúng ta thấy Ngài đã trưng dẫn sách Sáng thế và thêm mấy lời chú giải: “các ông đã không đọc thấy điều này sao: “Thuở ban đầu, Đấng tạo hoá đã làm ra con người có nam có nữ, và Người phán: “Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một sương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”(Mt 19,4-6). Như vậy, trong giai đoạn này Người đã không nhắc đến câu kế tiếp:hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất (St 1,28). Qua đoạn này đã cho thấy sự khác biệt tính dục là do ý định của Thiên Chúa khi Ngài sáng tạo con người theo hình ảnh của Ngài(St 1,26)
Qua đoạn trên, chúng ta thấy truyền thống Tin mừng đã dựa vào thế giá của Chúa Giêsu xác định rằng tính dục là sáng tạo tốt của Thiên Chúa, thuộc về con người nguyên thuỷ mà chính Đấng Tạo hoá đã muốn tạo dựng nên[8]. Sự khác biệt tính dục không làm cho con người trở nên xa lạ với nhau, nhưng là mời gọi họ trở nên một xương một thịt (x. St 2,24). Sự kết hợp ấy được gắn kết bằng tình yêu lâu dài bằng hôn ước đời sống chung. Tình yêu của hai người đã được Chúa Giêsu ví như tình yêu của Ngài với Hội thánh là hiền thê của Người. Chính tình yêu này đã đem lại cho tính dục một ý nghĩa, nếu không sẽ là sự lợi dụng nhau. Trong tình yêu của hai người, sự trao hiến trọn vẹn sẽ làm phát sinh sự sống, qua đó đóng góp vào công trình tạo dựng qua việc duy trì sự sống.
            b.Trưởng thành
Sự khác biệt về tính dục không làm cho người nam và người nữ trở nên xa lạ nhưng được mời gọi đi vào sống tương quan với nhau. Và chúng ta cũng có thể nói rằng tính dục không chỉ nhắm đến việc sinh sản mà còn là thể hiện tương quan với nhau. Việc sống tương quan được thể hiện qua hai người trở nên một xương một thịt (x. Mt 19,5). Kiểu nói này đã cho thấy sức mạnh của dục vọng, vốn mạnh hơn những mối liên hệ gia đình của người con với cha mẹ, nguồn gốc cội rễ, mà còn nói lên một lời hứa gắn liền với tính dục; giao hợp thân thể có thể sáng tạo nên một nhục thể mới, và đôi lứa ở đây được diễn tả như là chia sẻ cả cuộc sống, một lịch sử chung mới mẻ có thể có. Và như vậy, nếu hai người nam và nữ không thoát ra khỏi tình trạng ấu trĩ để đi đến trưởng thành thì họ không thể thiết lập được một tương quan đích thực. Hai người cần rời bỏ khung cảnh gia đình, bạn bè để thiết lập một gia đình mới với những thử thách và bão táp trong đời sống hôn nhân của họ. Tính dục là một khả năng và là một kết quả của việc từ bỏ tình trạng ấu trĩ như trẻ con để đến trưởng thành: người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình (Mt19,5).
Sự trưởng thành tính dục của con người không chỉ dừng lại giữa con người với nhau, nhưng qua một tương quan trở nên một xác thể mà Thiên Chúa đã muốn nơi họ. Như vậy, để đạt đến sự trưởng thành thì con người cần thoát ra khỏi tình trạng ấu trĩ; chỉ khi thoát ra khỏi tình trạng này, con người mới có thể thiết lập được một tương quan đích thực.
             c.Tương quan
Ađam cảm thấy cô đơn và không hạnh phúc khi sống trong vườn Eden. Bởi vì Adam không có được sự hài hoà, không được thoả mãn và các thú vật mà Thiên Chúa tạo cho Adam cũng không lấp đầy được khoảng trống trải, buồn bã. Cái mà Adam cần đó là một người khác đề nhìn nhận ông và nhìn nhận lẫn nhau để đối thoại với nhau. Trước tình cảnh đó, Thiên Chúa đã tạo cho Ađam một người trợ tá tương xứng (x. St 2,18). Và khi Ađam thấy Evà, ông đã sửng sốt, ngẩn ngơ và say mê vẻ đẹp của nàng và ông đã cất lên lời cảm thán của bản tình ca đầu tiên. Ông cảm nhận được một sự gần gũi, thân thiết, một tự ngã khác của mình mà bấy lâu tìm kiếm. Và bà đã được trao ban, hiến dâng cho ông một cách huyền nhiệm và cũng là một thực tại mầu nhiệm[9]. Từ đây, hai ông bà đi vào trong tương quan với nhau.
Để đi vào tương quan, tính dục cần phải thoát ra khỏi tình trạng ấu trĩ, chỉ khi thoát ra tình trạng này thì tính dục mới đi vào được tương quan với nhau. Chỉ trong tương quan, con người mới thực sự thể hiện được chính mình, hay nói cách khác là có thể làm người[10]. Và tính dục chỉ thực sự có tính người khi đi ngang qua tiến trình này đó là nhìn nhận người khác trong ước muốn của tính dục được diễn tả trong kiểu nói trở nên một xương một thịt (x. St 2,24; Mt 19,5). Như vậy, tính dục thuộc trật tự tương quan hơn là chỉ nhắm đến chức năng sinh sản. Việc hai người đến với nhau được xem là lời mời gọi đầu tiên của Thiên Chúa; qua đó, hai người khám phá ra nhau có một điều gì sâu xa và thân thiết nhất của đời sống con người.
Thiên Chúa đã sáng tạo con người có khác biệt tính dục. Chính sự khác biệt này mà con người đi vào trong tình yêu. Sự khác biệt tính dục cũng nói lên thân phận của con người mà con người không phải là Thiên Chúa. Nhưng chính sự khác biệt này mà chúng ta đi vào trong tương quan với Thiên Chúa.Trong hôn nhân, tình yêu chính là sự đón nhận tính dục trong hoà hợp. Và khi tính dục được nhìn nhận trong sự trọn vẹn thì con người sẽ đón nhận người khác trong đối tác của một giao ước, giao ước đó là giao ước tương quan trong đó mỗi người được nhìn nhận và yêu thương lẫn nhau.
Trong tương quan, con người không đánh mất chính mình dẫu rằng cả hai trở nên một xương một thịt (x. Mt 19,5). Và trong đời sống hôn nhân, tương quan không chỉ có con người với con người mà còn là tương quan với Thiên Chúa: điều gì Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được phân ly (Mt 19,6). Như thế, tính dục là một dấu chỉ ơn gọi  để con người đi vào trong tương quan với Thiên Chúa và với nhau.
Tương quan được thể hiện rõ nhất là qua sự thân mật của vợ chồng. Sự  thân mật vợ chồng là một trong những hành vi thích hợp để biểu lộ tình yêu và sự quý trọng mà hai người dành cho nhau, cũng như sự hiệp nhất giữa hai người được sâu sắc hơn: “Sự âu yếm trên được biểu lộ và hoàn hảo cách đặc biệt qua những động tác riêng của hôn nhân. Bởi vậy, những hành vi thực hiện sự kết hiệp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng đều cao quý và chính đáng. Được thi hành cách thực sự nhân linh, những hành vi ấy biểu hiện và khích lệ sự trao hiến hỗ tương, nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn”[11]
Như vậy, sự thân mật của vợ chồng rất thích hợp để diễn tả sự quý trọng và yêu thương nhau. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy sự thân mật trong đời sống hôn nhân còn tạo ra một cộng đoàn. Sự thân mật nó ràng buộc con người lại với nhau. Con người càng tham gia nhiều vào sự thân mật thì khả năng ràng buộc giữa những người càng lớn và bền chặt hơn. Sự thân mật sẽ tạo ra một bầu khi yêu thương, gợi lên tâm tình biết ơn, quảng đại và vui tươi[12]. Và chúng ta thấy rằng sự hoà điệu trong đời sống hôn nhân sẽ ảnh hưởng rất nhiều trên sự hoà điệu tổng thể những giá trị, những ý tưởng và những ước vọng mà hai người đã có. Hai người càng quan tâm đến sự hoà hợp thì sẽ làm cho đời sống của họ càng trở nên nguồn mạch của niềm vui và bình an. Sự kết hợp tâm hồn và thân xác trong cùng một nhịp là một trong những giây phút tuyệt vời nhất của đời sống hôn nhân và là một trong những biểu lộ sâu xa tuyệt vời nhất của tình yêu[13].
Nói tóm lại, tương quan tình yêu vợ chồng để bền lâu thì vợ chồng càng bị ràng buộc với nhau bằng sự kết hợp lâu dài qua đời sống chung. Sự ràng buộc này là những phương thế đem lại những điều kiện tốt nhất hai người trong tình thần yêu thương thực sự chứ không tìm thoả mãn tính dục cho riêng mình một cách ích kỉ; người ấy sẽ đem lại cho bạn mình sự an toàn và che chở, và chỉ có kết hợp như thế mới đáp ứng được nhu cầu tâm lý sâu xa của tình yêu tính dục[14].
3. Tính mong manh của tính dục
Ở trên, chúng ta đã nói đến vẻ đẹp của tính dục, vậy thì tính mong manh của nó là gì? Theo cái nhìn của kitô giáo, tính mong manh của tính dục là không đi đúng với trật tự mà Thiên Chúa muốn. Tính mong manh này thường được thấy qua việc con người đánh mất chính mình. Việc đánh mất chính mình được thể hiện qua việc thần thánh hoá chính mình hay đánh mất tương quan ngôi vị, nghĩa là chỉ biết quy về mình.
Ngay từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã sáng tạo người nam và người nữ với những khác biệt để bổ trợ lẫn nhau và kết hiệp chúng để dẫn đến phát sinh sự sống. Và thuở ban đầu cả hai trần truồng mà không cảm thấy xấu hổ (x. St 2,25). Đây cũng là tính dục của con người khi còn ở thuở ban đầu. Nhưng khi con người pham tội thì tình trạng này đã bị đánh mất. Và tội không chỉ gây ra xáo trộn thế giới, mà còn gây ra xáo trộn trong quan hệ tính dục: “mắt hai người mở ra, và họ biết mình trần truồng” (St3,7). Khi con người phạm tội, tính dục đã bị tổn thương trầm trọng. Tội đã làm cho con người tách lìa và tạo ra khoảng cách với Thiên Chúa và gây nên sợ hãi. Từ khi con người phạm tội, tính dục trở nên rắc rối. Tuy bản chất tính dục là tốt lành, nhưng nó đã rơi vào mãnh lực chia rẽ là tội lỗi. Thay vì vui mừng vì sự di biệt bất khả giản lược, thì nay đôi bạn cảm thấy ước muốn chiếm hữu một cách ích kỉ. Động lực tính dục có đặc điểm là hướng ngoại nay lại bị rối loạn bởi một chuyển động hướng nội: thay vì quy về người khác, nó lại thu về mình.
Lúc đầu, Ađam tiếp nhận Evà như là hồng ân và là quà tặng của Thiên Chúa, nhưng sau khi phạm tội, ông đã đổ hết khó khăn của ông cho bà. Không những vậy, Ađam còn đổ tội cho Thiên Chúa, ông nói: “người đàn bà Ngài cho ở với con, bà ấy đã cho con trái cây” (St 3,12). Và Ađam đã đổ tội cho Evà và tất cả mọi tội lỗi đều do Evà mà ra.
Nhìn lại trong dòng lịch sử con người, chúng ta thấy người đàn bà thường gánh chịu biết bao là đau khổ vì sự thống trị của người đàn ông: “Ngươi thèm thuồng chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi”(St 3,16). Đây không phải là ý định của Thiên Chúa, nhưng là do tội của con người. Tội của con người đã làm cho con người đánh mất đi tương quan với người khác. Và cái thèm muốn người chồng của người đàn bà sa ngã cũng có cùng một nguồn gốc với sự lo lắng của đàn ông. Trong khi đàn ông thường thống trị và thao túng đàn bà để thoả mãn dục vọng của họ thì đàn bà thường dùng nữ sắc để lèo lái đàn ông và có thể là để thoả mãn cảm xúc hơn là chuyện gì khác. Thói xấu nào cũng bóp méo trầm trọng tình yêu đích thực. Cả hai đều coi người khác không phải là con người được tạo dựng cho chính bản thân mình nữa, nhưng là một vật được sử dụng để thoả mãn ích kỉ của riêng họ.
Nói tóm lại,
Con người là một nhân vị được mời gọi để sống trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa. Con người sau khi đã nhận được tình yêu Thiên Chúa, được mời gọi trao tặng bản thân lại cho Thiên Chúa cũng được mời gọi tính yêu với người khác (x. Mt 22,37-40). Ơn gọi này được đóng ấn trong chính hữu thể của họ, và họ chỉ có thể hoàn toàn thành chính họ bằng cách thi hành theo tiến gọi hiến trao thân mình cho người khác[15]. Sự hiến trao này chính là vẻ đẹp của tính dục mà Thiên Chúa ban cho con người. Nhưng từ khi con người phạm tội, tính dục trở thành nguy cơ làm huỷ hoại mối tương quan nhân vị. Lúc đó, con người chỉ muốn chiếm hữu, chỉ muốn thoả mãn những dục vọng thấp hèn của bản thân mình. Lòng ham muốn đó đã làm cho người nam và người nữ không còn nhận ra được chân tính của họ và làm méo mó tính dục, nhưng trong Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần đã cho phép người nam và người nữ yêu nhau như họ được mời gọi lúc ban đầu.
Tính dục không phải là chuyện bên lề, chuyện phụ thuộc. Nhưng tính dục có một vị trí thiết yếu trong kế hoạch của Thiên Chúa. Ơn gọi vào tình yêu hôn nhân được bày tỏ qua tính dục của chúng ta là yêu tố căn bản của sự hiện hữu của con người trên thế giới và không có gì có thể quan trọng hơn điều đó. Và chúng ta sẽ không hiểu kitô giáo là gì nếu không hiểu sự thật và ý nghĩa của tính dục chúng ta[16].
Cuối cùng, chúng ta thấy rằng tính dục không chỉ thuộc bình diện sinh lý, nhưng nó liên quan đến bản chất sâu thẳm nhất của con người và đến một mức độ mà nếu hiểu biết của chúng ta về tính dục bị lệch lạc thì hiểu biết về chính mình cũng bị lệch lạc. Tính dục và sự sống có một tương quan chặt chẽ với nhau và,  không có tính dục thì cũng không có sự sống[17]. Sự thật sâu xa nhất về sự sống đó là chúng ta được mời gọi thông qua món quà ân sủng của Thiên Chúa để chia sẻ sự sống của Ngài bằng việc yêu thương Ngài như Ngài đã yêu thương. Như vậy, tính dục được trao ban cho chúng ta như là một bản năng yêu thương dẫn đến sự sống. Chỉ khi hiểu được tính dục, chúng ta mới có thể sống đúng người hơn, hay nói cách dễ hiểu hơn là chúng ta chỉ nên thánh trong tính dục của mình. Nếu chúng ta chối bỏ tính dục là chối bỏ chính mình cũng như chối bỏ Đấng Tạo dựng nên mình.

Thiện Chiến


[1] Đào Xuân Dũng, Tình dục học đại cương,(Hà Nội: Y học, 2006) tr.35.
[2] Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Giáo lý hôn nhân và gia đình, truy cập ngày 08/12/08; http://www.tgmtb.net/kinhthanh/Giaolyhonnhan/Bai08.htm.
[3] Đào Xuân Dũng, Tình dục học đại cương, (Hà Nội: Y học, 2006) tr.74.
[4] Trích lại từ Đào Xuân Dũng, Tình dục học đại cương, (Hà Nội: Y học, 2006) tr.76.
[5] Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Giáo lý hôn nhân và gia đình, truy cập ngày 08/12/08; http://www.tgmtb.net/kinhthanh/Giaolyhonnhan/Bai08.htm.
[6] Xc. Giáo lý hội thánh Công giáo, số 2332.
[7] Xc. Eric Fuchs, Một luân lý kitô giáo về tính dục, Bernard Lauret và Francois Refoulé biên tập, Đường vào thần học, tập 4B:Thần học luân lý, tr.78.
[8] Xc. Eric Fuchs, Một luân lý kitô giáo về tính dục, Bernard Lauret và Francois Refoulé biên tập, Đường vào thần học, tập 4B:Thần học luân lý, tr.78.
[9] Équipe Notre Dame, Tình yêu và hôn nhân. Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn, dg., tr.46.
[10] Xc. Ngô Sĩ Đình, Luân lý phái tính (Đa Minh, 2003-2004), tr.19.
[11] Gaudium et Spes, số 49.
[12] Xc. Karl H.Peschke, Thần học luân lý chuyên biệt tập III, tr.27.
[13] Xc. Nguyễn Văn Dụ, Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến với tình yêu, tr.65.
[14] Xc. Karl H.Peschke, Thần học luân lý chuyên biệt tập III, tr.27.
[15] Xc.Gaudium et Spes, số 24.
[16] Xc. Christopher West, Tin mừng về tính dục và hôn nhân, tr.23.
[17] Sđd., tr.64.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP