Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Sống đời sống gia đình


Những ngày này khí hậu ở Philippin bắt đầu mát mẻ hơn và chính vì thế mà nhịp sống bắt đầu hối hả hơn nhưng có điều mà người viết luôn cảm nhận được đó là dù ở bất kỳ dòng chảy và nhịp sống như thế nào thì người Phi luôn giữ được sự cùng đi của các thành viên trong gia đình.

Từ công viên
Những hình ảnh rất đẹp mà người viết thấy được thường xuyên trong thời gian ở trên đất Phi này là dù ở nông thôn hay thành thị, cha mẹ đều có thói quen đưa con của họ tới công viên để những đứa trẻ sống với thiên nhiên, điều này rất quan trọng trong tiến trình học tập của con trẻ, vì ngoài những kiến thức ở nhà trường đứa trẻ còn học được những thứ rất thật ngoài cuộc sống thực tế và những bài học này giúp cho đứa bé phát triển toàn diện hơn. Không chỉ là cha mẹ và con cái cùng trải một cái bạt hoặc ngồi trên cỏ, ăn vài thức ăn nhẹ do chính người mẹ chuẩn bị, mà ở đây đứa trẻ còn được sống với cỏ cây, với gió thiên nhiên và ánh nắng mặt trời, và hơn nữa chính cha mẹ cũng cảm thấy được niềm vui từ niềm vui của con trẻ. Trong hoàn cảnh đó người cha và người mẹ thấy hết được vai trò làm cha làm mẹ và họ biết con họ thật sự cần gì và chính bản thân họ cần phải làm gì?
Chính người viết đã đặt vấn đề này với một số gia đình trẻ ở Việt Nam và nhận được câu trả lời rất thẳng thắn: “Làm còn không có thời gian để thở nữa là đi công viên cho nắng nôi mất thời gian…” Dẫu biết rằng hoàn cảnh mỗi nơi mỗi khác nhưng một năm đôi lần cả nhà cùng ra công viên để sống bầu không khí gia đình thiết nghĩ đó là một trong những nhu cầu chính đáng mà đứa trẻ cần được hưởng.
Đến siêu thị
Nếu ai đã từng sống trên đất Phi thì đều biết ở Phi có văn hóa siêu thị, tức là mọi sinh hoạt đều diễn ra trong siêu thị, từ mua sắm, học tập, ăn uống, làm đẹp, giải trí thậm chí cả hoạt động tôn giáo đều diễn ra trong siêu thị và họ cũng khá là linh động khi vận dụng tất cả những yếu tố này để xây dựng mối liên kết trong gia đình.
Thường là những ngày cuối tuần cha mẹ và con cái cùng đưa nhau đến siêu thị, mục đích thì tùy vào mỗi gia đình nhưng nhìn chung là họ đến siêu thị để cùng ăn uống chung và cùng nói chuyện chung với nhau, nhiều khi chỉ đơn giản là cùng nhau đi dạo trong siêu thị để hưởng thụ cái văn hóa siêu thị, nhưng có điều đặc biệt là khi đứa trẻ cần mua món đồ gì đó thì chính đứa trẻ sẽ là người được chọn lựa và phải chăng đó là sự giáo dục tính tự lập từ từ cho đứa trẻ.
Nhìn lại Việt Nam, chưa nói đến việc cả gia đình cùng đi mua sắm, chỉ cần nói đến việc mua sắm cho con trẻ thì cha mẹ thường là người quyết định và đứa trẻ không có cơ hội chọn lựa. Cha mẹ là người mua và đứa trẻ là người nhận không có chuyện thích hay không thích. Chính điều này tạo ra một nghịch lý trong gia đình Việt Nam đó là nhiều khi cha mẹ bực bội với con cái vì đã mất công mất tiền đi mua mà đứa trẻ lại không thích.
Đứa trẻ được đi mua sắm với bố mẹ, tự nó sẽ nhận ra được giá trị của đồng tiền mà bố mẹ nó đã phải bỏ ra và tự nó cũng cảm nhận được nó hạnh phúc và may mắn hơn những đứa trẻ khác. Một cơ hội rất lớn để xây dựng sự bền vững cho gia đình mà người viết nghĩ các gia đình Việt Nam đang bỏ lỡ.
Trong nhà thờ
Xin phải nói ngay một điều là một trong những động lực thúc đẩy người viết bài này chính là cảnh cha mẹ, con cái, nhiều khi là cả một đại gia đình cùng đến nhà thờ vào ngày chúa nhật, ngồi chung với nhau và cùng ôm hôn chúc bình an cho nhau. Quả thật là một hình ảnh quá đẹp và rất khó để có hình ảnh nào đẹp hơn khi diễn tả về sự tương quan của các thành viên trong gia đình. Điều này có lẽ ai đã từng sống trên đất Phi đều thấy được. Nó không phải một sớm một chiều mà có được mà cả là một tiến trình và từ từ ăn sâu vào ý thức của mỗi gia đình. Con cái mong chờ tới ngày chúa nhật để được đi lễ chung với cha mẹ, vợ chồng dù có đang giận nhau thì cái ôm hôn chúc bình an trong thánh lễ chính là kí hiệu cho sự giảng hòa và tha thứ. Mọi người hiệp thông với nhau trong thánh lễ và chắc chắn gia đình đó sẽ được Chúa chúc phúc.
Với gia đình công giáo Việt Nam thì đến nhà thờ cũng là nhiệm vụ bắt buộc của mỗi gia đình và cha mẹ cũng luôn làm rất tốt nhiệm vụ nhắc nhở con cái đến nhà thờ nhưng hình như chuyện đi chung và ngồi chung với nhau xem ra không là điều phổ biến. Nhất là ở những vùng nông thôn thì cảnh bà đi trước ông đi sau còn khá là phổ biến và có lẽ đó chính là nét văn hóa riêng của gia đình Việt Nam?!
Và tháng 11 trong nghĩa trang
Khi viết bài viết này thì ở Phi đang chuẩn bị cho ngày lễ các đẳng và theo văn hóa của người Phi thì trong 3 ngày đầu của tháng 11, họ dọn ra ngoài nghĩa trang để ở với ông bà và những người thân đã qua đời. Do vậy, nếu bạn ở Phi vào những ngày đầu tháng 11 thì cũng đừng ngạc nhiên tại sao các nghĩa trang luôn sáng đèn vào ban đêm. Chính điều này cũng đã tạo sự tò mò và thích thú cho rất nhiều du khách khi đến Phi vào dịp này.
Họ sẽ làm gì ở nghĩa trang trong 3 ngày? Tất nhiên họ ở đây với rất nhiều ý nghĩa tâm linh nhưng người viết chỉ muốn nhắm đến yếu tố gia đình. Những bài học thiết thực như thế trẻ em rất dễ đón nhận và áp dụng trong cuộc đời của nó sau này. Không cần phải bằng những triết lý nhưng chính bằng những hành động làm gương trẻ em sẽ bắt chước.
Điều gì đó đang mất đi
Với một vài suy nghĩ như thế và nhìn vào thực trạng gia đình trong xã hội Việt Nam, người viết nhận thấy gia đình Việt Nam đang mất đi một cái gì đó không phải một mà rất nhiều và nếu không tìm kiếm lại chúng ta sẽ mất hết và sẽ đến lúc phải trả giá cho sự mất mát đó.
Người viết vẫn còn nhớ một câu chuyện xảy ra gần cộng đoàn tu sinh Hàng Xanh (khoảng năm 2000). Một gia đình bố mẹ đều là những người có trí thức và công việc bận rộn hái ra tiền, nhưng cuối cùng 2 đứa con đã bỏ nhà ra đi vì không tìm được sự quan tâm của bố mẹ. Rất đau lòng khi người mẹ đó nói: “Con chúng tôi không cần tiền của chúng tôi”. Và 2 đứa con đó đã nói như thế nào: “Chúng tôi là những thanh niên trí thức thành đạt của đô thị, chúng tôi nghèo đến nỗi chỉ còn….tiền”. Ai là người mang cái nghèo đó đến cho chúng? Chính gia đình và xã hội Việt Nam có câu trả lời.

Albert Hoài Phú
Philipppin 07/10/2008

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP