Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

HẠNH PHÚC THEO QUAN ĐIỂM CỦA ARISTOTLE



Hạnh phúc là một khái niệm rộng lớn được con người thuộc mọi thời quan tâm một cách đặc biệt. Con người ở bất kỳ thời đại nào đều có chung một mục đích là theo đuổi cuộc sống hạnh phúc, và hạnh phúc luôn là mục đích tối hậu mà con người tìm kiếm.  Mong cầu hạnh phúc và đi tìm hạnh phúc là dấu hiệu nhận biết sự lành mạnh (sự thiện) của mỗi con người. Suy cho cùng, tất cả ý nghĩa, giá trị, niềm vui của cuộc sống mà chúng ta cảm thấy đều được gói gém trong khái niệm hạnh phúc. Đó là một khái niệm triết học rộng lớn phản ánh mục tiêu phát triển của toàn nhân loại. Nhưng trong những bước tìm kiếm hạnh phúc của đời mình, con người lại giới hạn khái niệm này thành những mục tiêu rất hạn hẹp và cụ thể, ví dụ quy hạnh phúc thành khoái lạc, giàu sang, sự thỏa mãn, hay danh dự... Thậm chí cùng một cá nhân có khi còn quan niệm hạnh phúc khác nhau tùy vào mỗi hoàn cảnh cách nhau: Nếu nghèo đói, họ sẽ ước muốn giàu sang làm hạnh phúc; nếu đau yếu, họ sẽ ước mong sức khỏe làm hạnh phúc; nếu bị cầm tù, họ sẽ ước mong tự do làm hạnh phúc; nếu lạnh lẽo hay cô đơn, họ sẽ ước mong hơi ấm hay sự gần gũi với người khác làm hạnh phúc.
Thế đâu là khái niệm hạnh phúc được hiểu một cách tốt nhất? Như trình bày ở trên, khái niệm hạnh phúc được hiểu nhiều cách khác nhau. Cho nên người viết không dám liều lĩnh trình bày khái niệm này theo cái nhìn chủ quan của mình hay theo quan điểm tôn giáo nhưng trình bày dưới cái nhìn triết học đạo đức Nichomachus của Aristotle.
Học thuyết đạo đức học của Aristotle xoay quanh niềm tin của ông rằng con người, giống như mọi sự vật khác trong thiên nhiên, có một mục đích đặc trưng phải đạt tới hay một chức năng phải hoàn thành. Ông mở đầu đạo đức học Nichomachus bằng câu: “Mọi nghệ thuật và mọi sự tìm tòi, cũng như mọi hành động và mọi sự theo đuổi, đều được nghĩ là nhắm tới một cái thiện nào đó.”  Cái thiện mà hành vi con người nhắm tới là gì? Theo ông, nguyên lý cái hiện và đúng được ghi tạc trong lòng mỗi người; hơn nữa nguyên lý này có thể được khám phá ra nhờ nghiên cứu bản chất cốt yếu của loài người và có thể đạt tới qua hành vi cư xử thực tế trong đời sống hằng ngày.
Hành động của con người phải nhắm tới mục đích riêng của nó. Đâu đâu người ta cũng tìm kiếm lạc thú, của cải và danh vọng. Mặc dù chúng có giá trị, nhưng không một mục đích nào trong số này có thể thay thế cho điều tốt lành chính yếu mà người ta phải nhắm tới. Để là một mục đích cuối cùng, một hành vi phải tự mình đầy đủ và là cuối cùng, nghĩa là một hành vi luôn luôn được ước muốn vì chính nó và không bao giờ vì một cái gì khác, và phải có thể đạt được bởi con người. Aristotle chắc rằng mọi người đều nhất trí hạnh phúc là mục đích mà một mình nó đủ đáp ứng mọi yêu cầu để là mục đích cuối cùng của hành vi con người. Thực vậy, chúng ta chọn lạc thú, của cải và danh vọng vì chúng ta nghĩ rằng nhờ những thứ đó làm công cụ, chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc. Hạnh phúc là một từ để chỉ về cái thiện, vì cũng như cái thiện, hạnh phúc là sự hoàn thành chức năng đặc trưng  của con người;
Aristotle phân biệt hai loại mục đích lớn, gọi là các mục đích công cụ và các mục đích nội tại. Mục đích công cụ là các hành vi được dùng làm phương tiện để đạt tới các mục đích khác. Còn mục đích nội tại là các hành vi được làm vì chính chúng. Ông dùng ví dụ về mọi hành vi liên hệ đến chiến tranh để minh họa cho hai loại mục đích này. Ông nói, khi chúng ta xét từng bước đến những gì liên quan đến toàn thể hoạt động chiến tranh, chúng ta thấy có một chuỗi các loại hành vi đặc biệt, mỗi hành vi có mục đích riêng của nó, nhưng khi hoàn thành, chúng chỉ là những phương tiện để đạt tới những mục đích khác. Lấy ví dụ người làm dây cương ngựa. Khi dây cương được làm xong, người thợ đã hoàn thành mục đích của mình, nhưng dây cương chỉ là phương tiện cho người lính cưỡi ngựa ra chiến trường. Cũng thế, người thợ đóng tàu hoàn thành mục đích của mình là những chiếc tàu, nhưng những chiếc tàu này lại là phương tiện chuyên chở lính ra mặt trận. Bác sĩ quân y hoàn thành chức năng giữ gìn sức khỏe cho quân lính, nhưng mục đích sức khỏe ở đây trở thành phương tiện để binh lính chiến đấu tốt. Sĩ quan chỉ huy nhắm mục đích thắng trận, nhưng chiến thắng ở mặt trận lại là phương tiện cho hòa bình. Ngay cả hòa bình, mặc dù đôi khi được tưởng lầm là mục đích cuối cùng của chiến tranh, cũng chỉ là phương tiện để tạo ra những điều kiện cho con người có thể sống và hoàn thành chức năng con người của mình. Khi chúng ta khám phá ra những mục đích con người nhắm tới, không phải như những thợ đóng tàu, bác sĩ hay tướng chỉ huy quân đội, mà như là những con người, chúng ta sẽ đạt tới hành động vì mục đích cuối cùng của nó, mà tất cả các hành động khác chỉ là phương tiện,  và theo Aristotle, mục đích cuối cùng này phải là cái tốt (thiện) của con người.
Theo Aristotle dường như mọi người đều đồng ý rằng cái thiện tối cao là hạnh phúc tuyệt đối của con người và đời sống thực tiễn hoạt động của con người là hướng về cái đích thiện hảo là hạnh phúc, để đạt được cái đích của sự thiện hảo là hạnh phúc con người phải hoàn thành chức năng hoạt động của mình như một con người.
Chức năng của con người là gì? Có phải chức năng của con người giống như chức năng của một người thợ mộc hay một bác sĩ? Có phải chức năng của con người là những hoạt động thể lý hay đời sống cảm giác? Con người chắc hẳn phải có một chức năng hoạt động đặc trưng, nhưng đó là gì? Ở đây Aristotle phân tích bản chất con người để khám phá ra hoạt động độc đáo của con người. Trước hết, mục đích của con người không chỉ là sự sống đơn thuần, vì cây cỏ cũng có sự sống này. Kế đến, con người cũng có đời sống cảm giác, nhưng sự sống này trâu bò và mọi loài động vật đều có. Vậy chúng ta cần biết điều gì là riêng cho con người. Đó là “một sự sống hoạt động của yếu tố lý tính”. Nếu chức năng của con người là một hoạt động của linh hồn[1] tuân theo hay bao gồm một nguyên lý lý tính thì cái tốt của con người chính là hoạt động của linh hồn phù hợp với đức hạnh. Phần nguyên lý lý tính có chức năng hoạt động là kiểm soát và hướng dẫn các phần phi lý tính. Người tốt không phải là người làm một hành động tốt lúc này hày lúc khác, chỗ này hay chỗ kia, mà là người có toàn thể đời sống tốt. Cho nên, không phải một ngày hay một thời gian ngắn làm cho một người được hạnh phúc mãn nguyện.
Tóm lại, Aristotle coi đạo đức học là cuộc tìm kiếm hạnh phúc và hạnh phúc liên hệ mật thiết với cái đích hay mục đích của một người. Để đạt được hạnh phúc, người ta phải hoàn thành mục đích của mình bằng cách hoàn thành các chức năng hoạt động của mình như một con người (hành động theo lý trí). Các chức năng hoạt động của mình như một con người  là luôn nhắm tới một sự thiện nào đó. Aristole lý luận rằng sự thiện cao nhất của con người là mục đích cuối cùng của mọi hoạt động của chúng ta, chính là hạnh phúc. Trong khi chúng ta có thể không ý thức rằng mình đang luôn luôn tìm kiếm hạnh phúc, Aristotle cho rằng trong hực tế mọi người đều cố gắng theo đuổi mục đích này, vì nó được xây dựng trong chính cấu trúc bản tính con người chúng ta. Vì hạnh phúc là mục đích cuối cùng của chúng ta, và vì đạo đức học quan tâm tới việc đạt mục đích cuối cùng của chúng ta, nên theo Aristotle đạo đức học là khoa học để đạt hạnh phúc.


Richard Công
(Viết theo Lịch sử triết học và các luận đề của Samuel Enoch Stumpf, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 2004)


[1] Aristotle mô tả linh hồn là hình thức của thân xác và là toàn bộ con người. Linh hồn được ông chia ra làm hai phần, phần phi lý tính và phần lý tính. Phần phi lý tính bao gồm phần thực vật và phần ham muốn hay dục vọng. Phần lớn các phần này đi ngược lại với nguyên lý lý tính. Sự xung đột giữa các yếu tố lý tính và phi lý tính  nơi con người làm nảy sinh các vấn đề và nội dung của đạo đức. Phần nguyên lý lý tính có chức năng hoạt động là kiểm soát và hướng dẫn các phần phi lý lý tính.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP