Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Hiểu Thế Nào về “EX OPERE OPERATO” và “EX OPERE OPERANTIS” trong Bí tích


Có một câu chuyện tường thuật lại một thương gia phái Tin Lành bị bệnh nặng và đến hỏi Mục sư: “Thưa ngài có thể tha tội cho con không?”. Mục sư đáp: “Xin ông cứ an tâm, Thiên Chúa đã tha mọi tội lỗi cho ông rồi”. Nhưng thương gia đó hỏi  lại: “Con không hỏi Mục sư: Chúa đã tha thứ cho con chưa, nhưng con muốn hỏi Mục sư có quyền tha thứ các tội lỗi cho con không?” Mục sư đáp lại: “Chắc chắn là tôi không có quyền làm như vậy”. Thương gia liền nói: “Con rất tiếc là từ trước đến nay con vẫn là một tín hữu Tin Lành…”. Sau đó người thương gia đi gặp một linh mục Công giáo và hỏi: “Thưa Cha, cha có thể tha thứ các tội lỗi của con được không?” Vị linh mục đáp: “Có chứ! Nhưng ông là một tín hữu Tin Lành mà”. Thương gia tiếp: “Nếu con trở lại Công giáo thì sao?” Vị linh mục vui vẻ nói: “Như vậy chắc chắn tôi có thể ban phép giải tội cho anh”. Thương gia nói: “Vậy xin cha hãy tiếp nhận con vào Giáo hội Công giáo, con muốn được tha thứ mọi tội lỗi và chết trong Giáo hội Chúa Kitô”. Với câu trả lời cho vị thương gia, vị Linh mục đã xác tín một điều quan trọng trong giáo lý Công giáo về bí tích giải tội, đó là Linh mục có quyền tha tội; sở dĩ Linh mục có quyền đó là do Chúa Kitô ban. Nghĩa là, khi vị Linh mục cử hành các Bí tích, người linh mục hành động trong cương vị của Chúa Kitô. Thật vậy, Giáo hội Công giáo xác tín rằng: Chúa Kitô là tác nhân chủ yếu, Giáo hội và các thừa tác viên chỉ là dụng cụ sống động Chúa dùng để cử hành các Bí tích[1]. Chính giáo huấn về sự hiệu năng của bí tích minh chứng một sự khác biệt căn bản giữa giáo lý bí tích Công giáo và Tin lành. Vì thế giáo lý Công giáo khẳng định: các bí tích có hiệu quả “ex opere operato (dịch từng chữ là: do chính sự việc thực hiện)[2].
Lịch sử của thành ngữ “ex opere operato”:[3]
Đây là một thành ngữ chuyên môn trong thần học Tín lý của Giáo hội Công giáo nhằm phân biệt giữa sự việc làm (opus operatum) với sự việc hành động (opus operans). Đầu tiên ý tứ của thành ngữ này: trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, những việc opus operatum, là cái do Chúa Kitô đã hoàn thành, nhất là do chính cuộc cứu chuộc; còn opus operans, là cái mà những người Do Thái, thủ trấn Philatô, và bọn lính đóng đinh Chúa Giêsu làm. Dần về sau, thành ngữ này được đưa vào để phân biệt công hiệu trong các bí tích. Chẳng hạn, trong phép rửa tội, người ta phân biệt cái opus operans là điều thừa tác viên làm; còn cái opus operatum là chính sự rửa tội hay là hệ quả của hành động của thừa tác viên. Một cách cụ thể hơn, người ta áp dụng câu opus operatum vào hiệu lực nội tại của bí tích; và opus operans vào hành động của thừa tác viên khi cử hành các bí tích. Cho nên mục đích chính của thành ngữ ex opere operato là xác định: opus operatum là “do hiệu lực của Chúa Kitô”, “công hiệu do cuộc khổ nạn của Chúa Kitô”, do “Chúa Kitô và Thiên Chúa”; còn opus operans là “do sự chu toàn nghi thức bí tích với tinh thần đức tin của thừa tác viên và của thụ nhân”.
Thành ngữ này đã được Công đồng Trento sử dụng lần đầu tiên nhằm muốn tuyên bố rằng ơn thánh được ban do chính hành động bí tích, và được thi hành một cách chính đáng[4]. Nghĩa là, bí tích có hiệu lực nội tại. Điều này nhằm chống lại quan điểm của Tin lành chối bỏ hiệu lực nội tại của bí tích. Họ nhấn mạnh đến hiệu năng ngoại tại mà phát xuất do hành vi của chủ thể, đặc biệt là do lòng tin phó thác của chủ thể. Tuy nhiên, ta cũng biết rằng, Công đồng Trento không phủ nhận hiệu năng ngoại tại của hành vi bí tích, bởi vì ít nhiều các hành vi và lòng tin của chủ thể và thụ nhân cũng ảnh hưởng tới mức độ ơn thánh do bí tích ban. Nhưng điều quan trọng nhất của giáo huấn này là bí tích hay hành vi của bí tích, tự nó có hiệu lực độc lập với những hành vi của thụ nhân và thừa tác viên.
Thánh Kinh không đưa ra một lý chứng nào rõ ràng về ex opere operato của các bí tích. Nhưng cũng có những dấu chỉ, nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, Giáo hội đã giải thích hiệu năng nội tại của bí tích là không hệ tại ở thừa tác viên hay thụ nhận nhưng hệ tại những nghi thức của bí tích. Cụ thể là đoạn Phúc Âm Ga 1,13 và 3,5 khẳng định tái sinh là do Chúa Thánh Thần.
Vậy ta cần hiểu thành ngữ ex opere operato như thế nào?
Bàn về chính bí tích:
Thành ngữ này nhằm cho chúng ta thấy giá trị và hiệu năng của cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trên thập giá và công nghiệp của Ngài thủ đắc là cho nhân loại. Sự hiện diện của các bí tích chỉ là dụng cụ cho hoạt động của Chúa Kitô mà thôi. Công hiệu của bí tích dĩ nhiên không phải là công nghiệp của người thụ nhân hay thừa tác viên, như hạt giống được vùi vào lòng đất, dù bàn tay người nông dân bẩn hay sạch, nếu có đủ điều kiện, hạt giống vẫn nảy mầm và lớn lên sinh hoa trái. Nhưng opus operatum là nghi thức bí tích được hoàn thành chính với ý nghĩa mà Chúa Kitô đã đặt ra. Do đó, opus operatum nghĩa là:
-         nhờ công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô qua tính cách được hiện diện hóa trong nghi thức bí tích;
-         hay nhờ hành động bí tích với tích cách biểu hiện và bao hàm công trình cứu rỗi của Ngài;
-         hay nhờ bí tích với tính cách là Chúa Kitô hành động trong đó và qua đó.
Bàn về bí tích ban ơn thánh
Từ ý nghĩa trên, ta có thể tạm dịch thành ngữ “ex opere operato”“nhờ chính hành động bí tích” mà bí tích ban cho ơn cho thụ nhân. Có nghĩa là:
-         Sự ban ơn thánh phát xuất tự nghi thức bí tích được thi hành một cách chính đáng, chứ không tùy thuộc vào những hành vi chủ quan của thừa tác viên chủ thể.
-         Do việc Chúa thiết lập nên nghi thức bí tích hàm chứa ơn thánh và ban ơn thánh, bởi vì công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô hiện diện trong nghi thức đó.
-         Có một sự liên kết chặt chẽ giữa nghi thức bí tích được thi hành chính đáng với việc Chúa ban ơn thánh và ban bí tích.
Dĩ nhiên chúng ta cũng không phủ nhận hiệu năng ngoại tại của việc cử hành bí tích. Nhưng hiệu năng ngoại tại – lòng sốt sắng, lòng yêu mến,… không là mục đích đệ nhất hay độc nhất của việc thiết lập bí tích. Khẳng định cho tín điều này, Công đồng Trento đã nêu rõ: “Nếu ai nói rằng các bí tích chỉ lập ra để nuôi dưỡng đức tin thì bị vạ tuyệt thông” (Cđ. Trento DS 1605). Tuy nhiên, cần phải có sự liên kết giữa “ex opere operato” – hành động của Thiên Chúa hay của Chúa Kitô với “ex opere operantis là điều cần thiết. Ví dụ, sự rao giảng Lời Chúa phát sinh là do “ex opere operato” một ân sủng cho những người nghe lời Chúa. Nhưng khi nói rằng kinh nguyện là một hiệu năng cần thiết là nhắm tới hiệu năng do hành động của người cầu nguyện (ex opere operantis). Thánh Tôma giải thích thêm rằng: cũng giống như kinh nguyện được đọc trong khi cử hành bí tích không được dâng lên Thiên Chúa nhân danh cá nhân, nhưng dân danh toàn thể Giáo hội, và lời nguyện đó dễ được Thiên Chúa lắng nghe như Chúa Giêsu đã nói: Nếu trong các ngươi, hai người họp lại cầu nguyện nhân danh Thầy thì Cha ta sẽ ban cho (Mt 18, 19). Cũng vậy, tuy không gì ngăn cản lòng sốt sắng của thừa tác viên để góp phần vào hiệu năng đó, nhưng hiệu năng đích thực không xảy ra nhờ lời cầu nguyện của Giáo hội hay thừa tác viên, nhưng do nhờ công nghiệp khổ nạn của Chúa Kitô vẫn tiếp tục hoạt động trong các bí tích[5]. Điều này thực sự cần thiết. Cho nên hành động của thừa tác viên và thụ nhân lãnh nhận khi cử hành bí tích là cần thiết để hiệu năng nội tại có thể có. Vì lẽ đó, việc cử hành bí tích phải thi hành đúng đắn và thụ nhân không được bị cản trở cho việc đón nhận ân sủng. Thừa tác viên phải cử hành theo như ý Giáo hội và thụ nhân phải có ý muốn lãnh nhận bí tích. Chúng ta có thể nói rằng bí tích như là một cuộc gặp gỡ giữa con người với Chúa Kitô. Để cuộc gặp gỡ này xảy ra và hiệu quả, tác động của Chúa Kitô phải thể hiện trong nghi thức bí tích (thừa tác viên) và thụ nhân phải muốn gặp Chúa Kitô trong bí tích (ý hướng) và sửa soạn bề trong để đón nhận ân sủng.
Bàn về ơn tha tội và ban ân sủng (công chính hóa):
Đúng vậy, trước khi chia tay với các môn đệ về trời, Chúa Kitô đã ban các Bí tích cho Giáo hội thi hành. Nhưng Chúa Kitô không phải là người đứng bên ngoài để chiêm ngắm khi Giáo hội cử hành các Bí tích; mà là chính Ngài hoạt động và hiện tại hóa các dấu chỉ Bí tích. Nghĩa là “Chính Thiên Chúa công chính hóa” (Rm 8,33). Bởi vì, hiệu quả bên trong của bí tích là công chính hóa, chính Thiên Chúa thực hiệu hiệu quả bên trong của bí tích. Theo Thánh Tôma Acquinô, duy Thiên Chúa thực hiện hiệu quả bên trong của bí tích. Đó là bởi vì duy Thiên Chúa đi vào trong tâm hồn mà hiệu quả của bí tích ở đó, và một hữu thể không thể hành động trực tiếp ở nơi mà nó không có ở đó. Đó cũng là bởi vì điều riêng chỉ thuộc về Thiên Chúa là tạo nên ân sủng, và ân sủng là hiệu quả bên trong của bí tích (I-II, q.112, a.1). “Bí tích là dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng do Chúa Kitô thiết lập và ủy thác cho Hội thánh”[6]. Xét tự bí tích, nó biểu thị hiệu quả phát sinh do bí tích, là ân sủng. Nghĩa là công cuộc của Chúa Kitô hiện diện nơi bí tích và ban ân sủng cho thụ nhân. Phát sinh ân sủng là ân sủng của Chúa Kitô trở thành hiện diện trong nghi thức bí tích và đến trao ban cho thụ nhân.
Tới đây nảy sinh ra một vấn nạn là xem ra việc cử hành bí tích gần giống như là một phép ma thuật. Ở đây cần phải xác tín rằng thành ngữ ex opere operato không nhắm nói việc cử hành bí tích như một hành vi phù thủy ma thuật. Nhưng cho chúng ta thấy rằng: các dấu chỉ bí tích chỉ là dụng cụ cho hoạt động cứu độ của Chúa Kitô. Chính Chúa Kitô mới là thừa tác viên chủ yếu và vô hình của bí tích. Ở một góc độ nào, có một sự tương đồng  giữa nghi thức bí tích và phép ma thuật nhưng giữa chúng có một sự khác biệt khá lớn và sâu xa.
-         Trong phép thuật, có sự bắt buộc quyền lực vô danh hay cố gắng chế ngự. Còn trong bí tích, không có quyền lực nào ngoài chính Thiên Chúa và cũng không ai có quyền bắt ép.
-         Trong phép thuật, không tùy thuộc vào Thiên Chúa, thường phản lại Thiên Chúa. Trong bí tích, là một cuộc gặp gỡ thân tình giữa con người với Thiên Chúa và con người tiếp nhận tặng vật từ Thiên Chúa.
-         Trong nghi thức phép thuật, hiệu năng sinh ra cách máy móc. Còn trong bí tích, cả nơi thừa tác viên và thụ nhân cần có một số điều hiện nhất định phải chu toàn để được hiệu quả.
-         Mục đích của phép thuật hoàn toàn trần tục; còn mục tiêu của bí tích là có tính cách tôn giáo, cứu rỗi và thánh hóa con người
-         Phép thuật thường có tính cách hèn hạ; còn bí tích cử hành trong bầu khí trang nghiêm, thánh thoát và vui mừng[7].
Tóm lại, Bí tích có sức thánh hóa không phải do chính bí bích nhưng mà do chính quyền năng của Thiên Chúa hoặc Chúa Kitô ban cho. Cũng vậy, vì chính Chúa Kitô thiết lập các bí tích và hiện diện trong nghi thức bí tích (thừa tác viên chính) nên hiệu quả không phụ thuộc vào thừa tác viên hữu hình. Tất cả điều đó nhằm quả quyết một tín lý quan trọng trong Giáo hội Công giáo là các bí tích có hiệu quả ex opere operato.
Để hiểu tín điều này rõ hơn, chúng ta có thể ví dụ như một kho tàng của nhà vua, với những thỏi vàng nặng. Người quản lý có nhiệm vụ coi cửa và mở cửa cho những người có quyền vào. Tùy theo sức khỏe của mình, mỗi người sẽ lấy được nhiều vàng hay ít. Do đó, sẽ có kẻ lấy được nhiều, kẻ ít; nhưng cũng có kẻ đau yếu không lấy được gì.
Kho tàng ấy là bí tích; vàng là ân sủng của bí tích; người quản lý là thừa tác viên, những kẻ đến tìm vàng là những thụ nhân bí tích và sức khỏe của họ chính là dọn đường.
Cũng như người quản lý nào cũng có thể mở khóa, nếu người ấy là đầy tớ, dù người ấy có trung thực hay không, vậy thừa tác viên nào cũng có thể làm bí tích thành sự, bất chấp tình trạng linh hồn người đó như thế nào trước mặt Thiên Chúa. Cũng có những kẻ đến tìm vàng lấy được nhiều hay ít tùy sức khỏe, thì kẻ chịu bí tích cũng lãnh nhiều ân sủng tùy theo sự dọn mình của họ; càng dọn mình nhiều càng lãnh nhiều ân sủng, và nếu không dọn mình hẳn hoi sẽ không nhận được ân sủng nào. Cuối cùng, sức khỏe của kẻ đến tìm kho vàng không phải là nguyên nhân, để góp thêm một lạng vàng cho cái phần vàng họ được lãnh, nhưng nhằm để chứng tỏ họ xứng đáng lãnh nhận nhiều ít mà thôi. Tất cả vàng là ân huệ của nhà vua; tất cả ân sủng cũng là của Thiên Chúa.
Như vậy, sự dọn mình của thụ nhân và tình trạng linh hồn của thừa tác viên không là nguyên nhân, song chỉ là điều kiện, nghĩa là không góp gì vào ân sủng do bí tích phân phát, nhưng chỉ điều chế và định đoạt số lượng ta đáng được[8].

Nguyễn Thanh Hoài



[1] Cf Thánh Tôma Aquinô. Tổng Luận Thần Học. III, q.68, a.8.
[2] GLHTCG số 1128.
[3] Cf A. Drexel. Bí Tích Đại Cương. Giáo Hoàng Học Viện Pio X. trang 98.
[4] Cđ Trento. DS 1608.
[5] Cf Thánh Tôma Aquinô. Tổng Luận Thần Học. III, q.64, a.1.
[6] GLCG số 1131.
[7]  Cf A. Drexel. Bí Tích Đại Cương. Giáo Hoàng Học Viện Pio X. trang 104.
[8] Cf 7 Bí tích. Không tên tác giả. Không nhà xuất bản. trang 5.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP