Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Ngày Thế Giới Truyền Giáo



Sáng ngày 12-7-2008 ĐTC Bênêđictô XVI đã cho công bố sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo, ngày 19 tháng 10, với đề tài là “được mời gọi làm đầy tớ và Tông Đồ của Đức Chúa Giêsu Kitô vào đầu thiên niên kỷ mới”, trong đó ĐTC tái xác định rằng truyền giáo là bổn phận cấp bách của mọi thành phần Dân Thiên Chúa.

Nhân dịp này, để góp phần với Dựng Lều 14, C3 xin dựa vào lời chỉ đạo của Đức Bênêđictô XVI , có một vài chia sẻ với quí độc giả về nhiệm vụ và phương cách truyền giáo của các Kitô hữu, nói chung, và các thành viên DTG, nói riêng.
Vâng, chính Chúa Giêsu, trước khi về trời đã có một mệnh lệnh rõ ràng cho các tông đồ và môn đệ của Người, cũng như cho mỗi tín hữu chúng ta : "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc.16,15). Qua mệnh lệnh trên, chúng ta có thể khẳng định : Truyền giáo là một nhiệm vụ không có hạn chế về thời gian, không gian, nhân sự và hạng người thụ hưởng. Hơn nữa, trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, Đức Phaolô VI đã nói rõ : “Truyền giáo là một ân sủng, ơn gọi xứng hợp, và căn tính sâu xa nhất của Hội Thánh” (số 14), và để các môn đệ vững tâm hơn trong nhiệm vụ của mình, Chúa Giêsu còn hứa : “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19- 20).
Những nhận định trên đây cho chúng ta thấy rõ hơn tính phổ quát và cấp bách của nhiệm vụ truyền giáo, đồng thời cũng là dịp để chúng ta nhìn lại chính mình xem ý thức truyền giáo của chúng ta ra sao và có được bộc lộ ra trong cách sống cũng như trong quan hệ của chúng ta đối với anh em ngoài Công giáo hay không. Nếu thành thật với chính mình, hẳn chúng ta không tự hào lắm về “thành tích” truyền giáo của mình! Đặc biệt hơn nữa, chúng ta đang ở trong Năm Thánh Phaolô thì lại càng phải học hỏi kỹ hơn về tinh thần truyền giáo của vị “Tông Đồ Dân Ngoại” này, ngài đã khẳng định : “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cor.9,16).
Cũng từ những gì đã nói trên đây, ta có thể nêu lên những lý do chính thúc giục ta dấn thân truyền giáo :
·  Truyền giáo(TG) là một mệnh lệnh của chính Chúa Kitô ban hành mà mỗi Kitô hữu phải nghiêm chỉnh chấp hành. Tránh né hoặc không tích cực TG đều là cãi lệnh Chúa và phải trả lời khi ra trước toà Chúa.!
·  TG không chấp nhận bất cứ một hạn chế nào nên ta không thể nại vào sự yếu kém về khả năng, trình độ hoặc vào sự nghèo túng hoặc hạn chế về phương tiện mà thoái thác sứ mạng truyền giáo của mình. Chúa ban cho chúng ta khả năng đến đâu thì tận dụng đến đó, dĩ nhiên là Chúa không đòi hỏi ta những gì quá sức của mình.
·  TG là một nhiệm vụ thuộc đức ái  vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8), do đó truyền giáo là chỉ cho mọi người thấy Tình Yêu của Chúa, là sống và làm việc cho Tình Yêu và là “hoàn toàn hiến thân cách vô điều kiện để rải khắp thế giới hương thơm đức ái của Đức Kitô”. (trích Thông điệp mới nhất của Đức Bênêdictô XVI về Ngày Truyền giáo)
·  TG là tiếp tục và làm sống động công việc mà chính Chúa Giêsu đã khởi đầu từ 2000 năm nay  với niềm tin vào sự đồng hành của Ngài trên mọi nẻo đường truyền giáo của chúng ta như chính Ngài đã hứa : Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19- 20)
·  TG còn là động lực giúp chúng ta sống chứng tá thiết thực cho Đức Ái vì nó thúc giục chúng ta phải sống yêu thương nhau như là dấu chỉ, là bằng chứng của người môn đệ đích thực của Đức Kitô : “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Gn.13,35).
·  Riêng với anh em Dòng Thánh Gia thì Truyền giáo còn là biến thành hiện thực khẩu hiệu của Dòng là “Nguyện Nước Cha Trị Đến” (ART), do đó bất cứ một thành viên DTG nào không tha thiết với việc Truyền giáo thì phải được xem như không chu toàn nhiệm vụ được giao, là phản bội với lý tưởng của Dòng, là không đồng hành với anh em trong Dòng.
Ngoài ra, chúng ta cũng không được quên yếu tố vô cùng quan trọng để việc truyền giáo có thể đạt được những kết quả tốt đẹp, đó là sự cầu nguyện. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng sự đóng góp ưu tiên và tuyệt hảo mà chúng ta được kêu gọi để góp phần vào việc truyền giáo của Giáo Hội là lời cầu nguyện. Chúa nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt ra gặt lúa về”(Lc 10, 2).
Để kết luận, chúng ta hãy đọc kỹ đoạn kết của Sứ điệp Truyền giáo mà ĐGH mới ban hành ngày 11/5 vừa qua :Sau cùng, xin cho những lời cầu nguyện, là phương tiện tinh thần thiết yếu cho việc truyền bá giữa tất cả mọi người ánh sáng của Đức Kitô, “ánh sáng tuyệt vời” chiếu soi “tăm tối của lịch sử” (Spe Salvi, 49), được thêm sốt sắng hơn bao giờ hết trong dân chúng Kitô giáo. Trong khi phó thác cho Chúa việc tông đồ của các nhà truyền giáo, các Giáo Hội [địa phương] khắp nơi trên thế giới và các tín hữu tham gia và những hoạt động truyền giáo khác nhau cùng cầu xin Thánh Phaolô và Đức Thánh Maria, “Hòm Bia Giao Ước sống động”, ngôi Sao của truyền giáo và hy vọng, cầu bầu”.

Chú Ba

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP