Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Hướng Về Đời Sau


Bước vào đầu tháng 11 này, hai ngày lễ đầu tháng đều mời gọi ta hướng về đời sau: Ngày 1/11 đại lễ Chư Thánh, ngày 2/11 lễ cầu cho những người quá cố. Đối tượng của cả 2 ngày lễ đặc biệt này là những người đã ra đi trước chúng ta, trong đó nhất định phải có những người thân quen của chúng ta trước đây. Vậy nhân dịp Tháng 11, cũng thường được gọi là THÁNG CÁC LINH HỒN và là tháng để chúng ta cầu nguyện nhiều cho “Các Đẳng” nơi Luyện ngục, theo tinh thần “Các Thánh Thông công”. Chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về những “cư dân” ở cả hai nơi: Thiên đàng và Luyện ngục mà chúng ta hy vọng sẽ đến Sau khi “nhắm mắt lìa đời”.
Trước tiên, dù rất ngại, chúng ta cũng phải khẳng định là sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ đến ngày phải lìa đời, sau ngày đó chúng ta sẽ về đâu?! Ở đây có thể nói: “Hỏi tức là trả lời” và câu trả lời đó hoàn toàn tùy thuộc vào cách sống của mỗi chúng ta hôm nay. Nhất là đối với những người “đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” (Mt 19,27), tức là những người đang sống đời thánh hiến, mà lại bị loại thì đúng là “mất cả chì lẫn chài”! Vậy câu trả lời đơn giản là: để có thể được xen hàng với các Thánh ở trên trời và được mừng lễ vào ngày 1/11 thì ngay hôm nay ta phải sống thế nào thì chắc ai cũng biết. Nếu sau khi nhắm mắt xuôi tay mà thánh Phêrô thấy “chưa đạt yêu cầu” nên không chịu mở cửa tiếp nhận thì ít ra chúng ta cũng phải được vào tạm trú ở Luyện ngục để hy vọng được mọi người nhớ đến ngày hôm sau, tức ngày 2/11, chứ đừng vô phúc mà đi định cư vĩnh viễn ở chỗ mà đời đời “ phải khóc lóc và nghiến răng!”.
Vậy Thiên đàng là gì và ở đâu? Theo “Điển ngữ Đức Tin Công giáo” của Cha Hồng Phúc thì “Thiên đàng là nơi các người lành được hưởng hạnh phúc”, mà Hạnh phúc đó không gì khác hơn là đời đời chiêm ngắm Chúa Tình Yêu. Có lẽ không cần bàn nhiều về mục này, chủ yếu là ta cố gắng luôn luôn “làm tất cả vì Đức Ái” (1Cr 16,14) thì nhất định sau này Thiên đàng sẽ là “của ta”! Để minh họa cho  đề tài này, tôi xin kể lại một chuyện thật rất xúc động của cố Tu huynh linh mục Philibert Nguyễn văn Ba, cựu Bề trên Dòng Thánh Gia trong giây phút cuối đời của ngài vào giữa tháng 05 / 1998 mà có lẽ nhiều anh em còn nhớ. Hôm ấy, đang nằm thiêm thiếp trên giường bệnh ở cộng đoàn Cần Thơ, thì em gái của ngài, một chị nữ tu dòng Chúa Quan Phòng đến thăm và đơn sơ hỏi: “Anh có sợ chết không?!”, với một phản ứng gần như tức thời, ngài trợn mắt nói: “Hỏi gì kỳ vậy?”, đến lượt bà sơ ngỡ ngàng: “Sao kỳ?!” và đã nhận được một câu trả lời ít ai ngờ tới: “Một người mình đã yêu suốt đời, tới giờ gặp gỡ, sao lại sợ?!” Đúng là phản ứng của một vị chân tu, suốt đời yêu Chúa. Sau đó, mệt lả, ngài đã gắng gọi anh Chiến, nay là Tu huynh Thiện_Chiến đàn cho nghe một bản nhạc cổ điển…Sau đó ngài đã vĩnh viễn về với Người Yêu đang mong đợi. Thật tuyệt vời, “thấy mà ham”!
Bây giờ ta hãy thử tìm hiểu xem Luyện ngục là chốn nào? Dĩ nhiên là chưa ai trong chúng ta, những người đang cầm trong tay tờ nội san DL này, đã có kinh nghiệm bản thân để có thể trả lời một cách thỏa đáng 100%. Nhưng dựa vào câu trích sách Gióp sau đây ta cũng hiểu được phần nào: “Các anh, bạn hữu của tôi ơi, hãy thương, hãy thương tôi, vì bàn tay của Thiên Chúa đã đánh tôi!”(G 19,21). Lý do của sự “bị đòn” này là vì chúng ta chưa thật ngoan khi còn tại thế, vì để được vào Thiên đàng, chúng ta phải hoàn toàn trong sạch, không còn một vết nhơ tội lỗi nào! Ngay bây giờ, chúng ta thử thành thật và khiêm tốn nhìn lại chính mình xem, có lẽ chúng ta cũng đoán được chỗ phải đến nếu Chúa gọi chúng ta ngay giờ phút này! Mặt khác, câu trích từ sách Gióp trên đây cũng cho chúng ta thấy là “các bạn hữu của tôi” có thể thương giúp tôi, cho tôi khỏi “bị đòn” hoặc bị ít hơn và nhanh hơn, tức giúp tôi thanh luyện để nên hoàn toàn trong sạch, xứng đáng với Thiên đàng. Cách thương giúp các linh hồn trong luyện hình đó, cũng là bổn phận của mỗi Kitô hữu đang hành hương về quê trời, không gì khác hơn là những Thánh lễ, kinh nguyện và các việc hy sinh hãm mình, các việc lành phúc đức mà những người còn sống làm để chỉ cho các linh hồn trong luyện ngục, nhất là trong tháng 11 này, tháng cuối cùng của Niên Lịch Phụng Vụ.
Tháng này cũng là dịp để chúng ta nhớ đến giờ phút chúng ta sẽ được gọi ra khỏi cuộc đời này mà không ai trong chúng ta biết được lúc nào và cách nào. Điều đó không làm cho chúng ta bi quan, chán nản về cuộc sống cũng như không làm chúng ta sợ hãi, lo âu một cách quá đáng. Trái lại trong niềm tin vào Chúa Giêsu Phục sinh và lên trời vinh hiển để dọn đường về trời cho chúng ta, chúng ta vẫn luôn vui sống cuộc sống hàng ngày. Dĩ  nhiên không phải là sống “vô tư” hoặc “đến đâu hay đến đó”, chúng ta cần luôn sống sẵn sàng đón chờ Chúa đến trong niềm tin yêu, với một sự bình an nội tâm.
Để kết thúc, tôi lại xin kể thêm một chuyện nữa về thánh trẻ Đaminh SAVIO trước cái chết. Một hôm, trong giờ các đệ tử chơi đá bóng, trong đó có chú Đaminh Savio là một cầu thủ nhí. Để thử xem các con cái mình phản ứng thế nào trước giờ chết sắp đến, thánh Don BOSCO đã bảo các em tạm ngưng cuộc chơi và gọi lại hỏi: “Nếu bây giờ Chúa cho các con biết là mình sắp chết thì các con sẽ làm gì?!” Tất cả, mỗi em một cách trả lời cha, đa số nói là sẽ ngưng cuộc chơi mà vào nhà nguyện dọn mình chết hoặc sẽ đi xưng tội, riêng chú Savio thì lại nói: “Thưa, con tiếp tục…đá banh!” Các bạn sửng sốt và cười ồ lên: “Thằng này mát rồi!”. Chính cha thánh Bosco cũng ngỡ ngàng, ngài hỏi lại: “Vậy con không dọn mình chết sao?” – “Thưa Cha, Savio đáp, thì đá banh là cách con dọn mình chết đó!…”. Vì nhiều lần chính Cha đã dạy chúng con: “Vâng lời đấng bề trên thì luôn luôn là đẹp lòng Chúa, vậy con đá banh đúng giờ quy định là con đang vâng lời Bề trên, nên con thiết nghĩ như vậy là Chúa gọi con trong khi con đang vâng lời thì không còn cách nào dọn mình chết hay hơn!” Trước câu trả lời bất ngờ và rất chí lý này, thánh Bosco đã gật đầu tán thưởng. Phải chăng thánh trẻ Savio đã hiểu được dụ ngôn người tôi tớ trung thành đang làm theo ý Chủ khi chờ Chủ dự tiệc cưới về, và Chủ đã khen thưởng người tôi trung ấy (x. Lc 12,39-48). Rất mong đây cũng là suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta trong tháng 11 này cũng như trong suốt cuộc đời trần thế !

Chú BA

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP