Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

NGƯỜI GIÁO DÂN THEO HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM


Trong những lần đi mục vụ giáo xứ, người viết nhận thấy phần đông người giáo dân Việt nam nói chung và đồng bằng sông Cửu long nói riêng chỉ biết đi lễ đọc kinh, còn những việc tông đồ thì có vẻ rất yếu, thụ động. Từ đó, người viết tự hỏi điều gì đã làm cho người giáo dân Việt nam thụ động trong những hoạt động tông đồ? Phải chăng là người giáo dân chưa được đào tạo, hướng dẫn về vai trò của họ trong Giáo hội? Cũng từ bối cảnh đó, người viết xin được trình bày đôi nét cái nhìn của Giáo hội về người giáo dân theo hiến chế Lumen Gentium.
1. Người giáo dân là ai?
Trước hết, nhìn lại trong suốt chiều dài lịch sử của Giáo hội, chúng ta nhận thấy cái nhìn của Giáo hội về người giáo dân có những bước thăng trầm. Trong thế kỉ đầu, chúng ta thấy chưa có sự phân cấp nào giáo dân và giáo sĩ, mà trong thời này, người kitô hữu ngồi chung bàn với nhau trong Tiệc thánh, yêu thương nhau, chia sẻ tài sản[1]. Từ khoảng thế kỉ thứ ba, các cộng đoàn kitô hữu phát triển và từ ngữ giáo dân mới xuất hiện, nhưng từ ngữ giáo dân không mang tính tiêu cực mà chỉ mang ý nghĩa là một dân được tập họp lại[2].
Từ thời Trung cổ đến trước Công đồng Vaticanô II, cái nhìn về người giáo dân bị coi thường, là giáo dân hạng hai, phẩm giá người giáo sĩ cao hơn giáo dân. Giáo sĩ trong thời này được xem là người chủ chăn nắm trọn quyền quyết định trong Giáo hội và giáo dân phải nghe theo. Người giáo dân trong thời này là vâng lời, góp tiền, xem lễ ngày chủ nhật và lễ buộc[3]. Từ Vaticanô II trở đi, Giáo hội đã có cái nhìn tích cực về người giáo dân. Điều này được thấy qua sắc lệnh Apostolicam Actuositaem, hiến chế Lumen Gentium, tông huấn Christifideles Laici và gần đây nhất là sách Giáo lý Hội thánh Công giáo.
Vậy người giáo dân là ai?
Theo định nghĩa của hiến chế Lumen Gentium, người giáo dân: “Là những kitô hữu được nhập hiệp vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép Rửa, đã trở nên dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri, vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ”[4]. Đây là điểm tích cực nhất của định nghĩa. Tiếp đến, khía cạnh thứ hai của định nghĩa, người “giáo dân là tất cả người kitô hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo hội công nhận”[5]. Ngoài ra, định nghĩa về người giáo dân theo hiến chế Lumen Gentium còn được lập lại trong tông huấn Christifideles Laici[6]. Qua định nghĩa này, Công đồng Vaticanô II có cái nhìn tích cực về người giáo dân là người đã trở nên Dân Thiên Chúa. Chính lối nhìn này làm cho Giáo hội ngày càng phát triển, năng động hơn nhờ những người giáo dân tích cực tham gia vào sứ mạng của Giáo hội.
2. Nền tảng và tính cách đặc thù của người giáo dân
Chúng ta thấy Giáo hội có một định nghĩa tích cực về người giáo dân, nhưng nền tảng của người giáo dân thì sao?
Hiến chế Lumen Gentium đã cho thấy nền tảng của người giáo dân là có “cùng chung một phẩm giá của những chi thể vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô, cùng một ân huệ được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia”[7]. Như vậy, qua phép Rửa, người giáo dân có cùng một phẩm giá với các thành phần khác cũng như có trách nhiệm với sứ mạng của Giáo hội.
Ngoài nền tảng là có cùng chung một phẩm giá thì người giáo dân còn có một tính cách riêng biệt, đặc thù đó là tính cách trần thế. Tính cách trần thế của người giáo dân là “tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và xã hội”[8]. Tính cách trần thế của người giáo dân còn được diễn tả trong tông huấn Christifideles Laici của đức giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Không chỉ hiểu định nghĩa theo quan niệm xã hội, mà theo ý nghĩa thần học. Tính cách trần thế phải hiểu theo ánh sáng của tác động tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa, Đấng đã trao phó trần thế này cho con người cả nam lẫn nữ để họ tham gia vào việc tạo dựng, để họ giải thoát thụ tạo khỏi ảnh hưởng tội lỗi, để họ tự thánh hoá mình trong đời sống hôn nhân hoặc độc thân, trong gia đình, trong chức nghiệp và trong hoạt động xã hội”[9].
3. Vai trò và sứ mạng của người giáo dân
Từ công đồng Vaticanô II, chúng ta thấy giáo hội đã làm nổi bật vai trò của người giáo dân trong Giáo hội, mà điều này được mô tả trong hiến chế Lumen Gentium: “Những Kitô hữu đã được nhập hiệp vào thân thể Chúa Kitô nhờ phép Rửa, đã trở nên Dân Thiên Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương gia của Chúa Kitô theo cách thức của họ”[10]. Hay trong một bản văn khác của công đồng Vaticanô II đã xác định ba sứ vụ mà người giáo dân phải chu toàn trong cuộc sống của mình: “Giáo dân, vì họ tham dự thực sự vào nhiệm vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô, nên họ chu toàn phần việc của mình trong sứ mệnh của toàn dân Thiên Chúa trong Giáo hội và ở trần gian”[11]. Vai trò và sứ mạng của người giáo dân còn được Giáo luật xác định thêm[12].
Sau đây, chúng ta xét đến vai trò của người giáo dân trong Giáo hội dựa trên nền tảng ba chức vụ mà họ có do phép Rửa.
a. Chức vụ tư tế
Trước hết, hiến chế Lumen Gentium cho thấy sự khác biệt cấp bậc, yếu tính giữa chức tư tế chung và tư tế thừa tác, nhưng chúng lại bổ túc cho nhau vì cả hai đều tham dự vào chức vụ tư tế duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình[13].  Vậy đâu là nét riêng biệt của chức tư tế của giáo dân?
Hiến chế đã mô tả cho chúng ta về người giáo dân khi tham dự vào chức tư tế chung này: “Thực vậy, mọi hoạt động kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần, và cả đển những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô (1Pr 2,5)[14]. Như vậy, người giáo dân khi tham dự váo chức tư tế của Chúa Kitô không phải là làm giống như giám mục, linh phục và phó tế mà làm làm theo cách thức riêng của mình. Người giáo dân làm theo cách thức riêng của mình qua cuộc sống khi vui cũng như lúc buồn. Khi làm như vậy, người giáo dân được thánh hoá, và nhờ đó, họ dâng hiến cho Thiên Chúa[15].
b. Chức vụ ngôn sứ
Nhờ phép Rửa, người giáo dân được tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô. Chúa Kitô đã thực hiện chức năng ngôn sứ của mình bằng lời nói và bằng hành động thì người giáo dân cũng phải thực hiện chức năng đó trong cuộc sống của mình. Chức năng ngôn sứ của người giáo dân đó là tham gia vào sứ mạng rao giảng Tin mừng qua đời sống hằng ngày ở trong gia đình cũng như ngoài xã hội; và chức năng này được hiến chế Lumen Gentium nói rất rõ:
“Có một bậc sống rất giá trị để thể hiện nhiệm vụ đó, bậc sống được một Bí tích đặc biệt thánh hoá, đó là đời sống hôn nhân và gia đình. Gia đình là môi trường hoạt động và trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân. Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào các tổ chức cuộc sống và dân dần biến đổi các tổ chức ấy; nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con cái lòng tin và tình yêu Chúa Kitô. Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế, bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô giáo làm cho thế gian nhận biết tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang tìm chân lý”[16].
Như vậy, theo cái nhìn của giáo hội thì chức vụ ngôn sứ của người giáo dân là rao giảng Tin mừng bằng đời sống chứng nhân của mình trong môi trường hằng ngày. Chứng nhân trong môi trường hằng ngày có nghĩa là chu toàn những bổn phận trong gia đình và ngoài xã hội. Trong gia đình, người giáo dân phải chu toàn bổn phận trong vai trò làm cha làm mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em. Ngoài xã hội, người giáo dân phải làm chứng tá trong môi trường của mình như Chúa Giêsu đã dạy: “ánh sáng của anh em phải chiếu dãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
Ngoài ra, với tính cách trần thế, người giáo dân có nhiều cơ hội thuận tiện để rao giảng Tin mừng bằng đời sống của mình. Nếu người giáo dân thực hiện hết chức năng ngôn sứ của mình trong môi trường sống của mình thì có một giá trị và hiệu quả thuyết phục rất lớn. Chính vì thế mà hiến chế Lumen Gentium viết: “Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo hội hiện diện và hoạt động trong những nơi và hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo hội sẽ không trở thành muối của thế gian”[17].
Tóm lại, qua chức vụ ngôn sứ, người giáo dân phải thực hiện trên hai bình diện: bình diện xã hội và bình diện Giáo hội. Trong hai bình diện này, người giáo dân phải làm cho nước Chúa hiển, trị.
c. Chức vụ vương giả
Không chỉ có hàng giáo sĩ mới được mời gọi thực hiện chức vụ vương giả của Chúa Kitô mà người giáo dân cũng được mợi gọi thực hiện chức vụ này. Qua phép Rửa, người giáo dân được tham dự vào chức vụ vương giả của Chúa Kitô. Điều này được nói đến trong hiến chế Lumen Gentium: “Chúa cũng muốn nhờ cả giáo dân để mở rộng nước Người, nước của chân lý và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hoà bình”[18]. Chức vụ vương giả của người giáo dân còn là để phục vụ Ngài trong lịch sử, và người giáo dân sống chức vụ này trước tiên bằng cách chiến đấu để chiến thắng thế gian tội lỗi ngay trong chính mình họ, rồi họ hiến dâng mình để phục vụ trong đức ái và trong công bằng. Chính Đức Kitô hiện diện trong mọi ngươi anh em, nhất là trong những người thấp hèn nhất[19].
Ngoài ra, hiến chế Lemen Gentium còn nhắc đến nhiệm vụ cao cả và riêng biệt của của người giáo là phục hội giá trị và nguyên thủy cho công trình tạo dựng: “Vì thế, tín hữu phải nhận biết bản tính sâu xa của thụ tạo, giá trị của chúng và cùng đích của chúng là ca tụng Thiên Chúa; đồng thời phải giúp nhau sống đời thánh thiện, nhờ những việc trần thế, để thế gian thấm nhuần tình thần Chúa Kitô và đạt đến cùng đích một cách hữu hiệu hơn trong công lý, bác ái và hoà bình. Giáo dân giữ lấy vai trò chính yếu trong khi chu toàn nhiệm vụ phổ quát đó”[20]. Như vậy, chức vụ vương giả của người giáo dân là được mời gọi và có bổn phận để mở mang nước Chúa hiển, trị trên khắp trần gian này. Điều này có nghĩa là người giáo dân phải dùng ánh sáng của Chúa Kitô để đẩy lui mọi sự ác, sự dữ, mọi bất công trong xã hội. Trong mọi hoạt động cũng như hoàn cảnh sống, người giáo dân phải nêu cao giá trị của Tin mừng trong bối cảnh đó, làm cho bối cảnh đó mỗi ngày trở nên tốt đẹp hơn như men trong bột.
Nói ngắn gọn lại, người giáo dân được tham gia vào ba chức vụ của Chúa Kitô là nhờ phép Rửa; ba chức vụ này được phát triển nhờ Bí tích Thêm sức và được nâng đỡ, kiện toàn trong Bí tích Thánh thể. Khi tham gia vào ba chức vụ này, người giáo dân phải sống và thực hiện trong sự hiệp thông và để sự hiệp thông này luôn tăng trưởng trong Giáo hội[21].
4. Ơn gọi  và bổn phận của người giáo dân
Trước hết, xét về ơn gọi, hiến chế Lumen Gentium cho thấy rằng tất cả mọi người đều được mời gọi nên thánh: “Vì Thiên Chúa muốn cho anh em được thánh hoá (1Tx 4,3; Ep 1,4)[22]. Như vậy, tất cả mọi người kitô hữu bất luận ở bậc sống nào cũng đều được mời gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và tiến đến sự trọn lành của đức ái[23]. Hiến chế không chỉ kêu gọi mọi người kitô hữu nên thánh mà còn chỉ cho thấy những đường lối nên thánh. Còn đường chính yếu và cần thiết của giáo dân để nên thánh là đức ái, là tinh thần tám mối phúc thật, các bí tích, lời kinh nguyện, sự quên mình. Cuối cùng, hiến chế còn nhấn mạnh đến con đường nên thánh của giáo dân trong những điều kiện và hoàn cảnh sống của mình[24].
Còn bổn phận của người giáo dân thì sao?
Hiến chế đã cho thấy bổn phận của người giáo dân là vâng lời các mục tử như là đại diện Chúa Kitô: “Với tinh thần vâng lời của người Kitô hữu, giáo dân cũng hay mau mắn chấp nhận những điều các chủ chăn có nhiệm vụ thánh đại diện Chúa Kitô, đã quyết định với tư cách những thày dạy và những nhà lãnh đạo trong Giáo hội”[25]. Nhưng vâng lời của người giáo dân ở đây không hiểu là vâng lời tối mặt, không được phát biểu hay đóng góp gì cho Giáo hội, mà vâng lời được hiểu ở đây vẫn có quyền phát biểu những thắc mắc, những nhu cầu và khát vọng của mình một cách tự do và tín cẩn[26]. Ngoài ra, vâng phục ở đây phải hiểu là vâng phục về mặt đức tin trong khía cạnh luân lý và tín lý mà Giáo hội đã khẳng định. Tiếp theo, hiến chế còn nhắc đến bổn phận kế tiếp của người giáo dân là cầu nguyện cho các cấp bậc trong Giáo hội: “Giáo dân đừng quên dùng lời cầu nguyện phó dâng các vị lãnh đạo của mình cho Thiên Chúa, để các ngài hoan hỷ mà không than phiền thi hành nhiệm vụ chăm sóc linh hồn chúng ta, như những người sẽ phải trả lẽ”[27].
Kết luận
Qua những gì vừa trình bày ở trên, chúng ta nhận thấy công đồng Vaticanô II đã trình bày một giáo huấn tích cực về người giáo dân. Tính tích cực trước hết là nhìn nhận người giáo dân có cùng chung phẩm giá như cách thành phẩn khác trong Giáo hội. Không chỉ vậy, Công đồng còn cho thấy tính năng động của người giáo dân trong việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô. Tính năng động đó chính là tính cách ttrần thể của người giáo dân. Tiếp đến, Công đồng còn cho thấy việc nên thánh không chỉ có hàng giáo, sĩ tu sĩ mà cả giáo dân, và người giáo dân nên thánh trong mọi hoàn cảnh sống của mình. Cuối cùng, bổn phận người giáo dân là vâng phục và cầu nguyện cho các cấp bậc trong Giáo hội.


Thiện Chiến


[1] Xc. F. Gómez Ngô Minh, Giáo dân trong Hội thánh, truy cập ngày 20/04/09; http://www.htth.org/so34/2-giao_dan_trong_lich_su.htm.
[2] Xc. Nguyễn Văn Nội, Người giáo dân qua dòng lịch sử, truy cập ngày 20/04/09; http://www.chungnhanduckito.net/thangtien/Giao%20Dan%20Truong%20Thanh/Tai%20Lieu%2021.htm.
[3] Xc. F. Gómez Ngô Minh, Giáo dân trong Hội thánh, truy cập ngày 20/04/09; http://www.htth.org/so34/1-giao_dan_trong_hoi_thanh.htm.
[4] Lumen Gentium, số 31.
[5] Sđd.,
[6] Xc. Gioan Phaol ô II, Christifideles Laici,  số 9.
[7] Lumen Gentium, số 32.
[8] Lumen Gentium, số 31.
[9] Gioan Phaol ô II, Christifideles Laici,  số 15.
[10] Lumen Gentium, số 31.
[11] Aposolicam Actuositatem, số 2.
[12] Xc. Giáo luật, số 204.
[13] Lumen Gentium, số 10.
[14] Lumen Gentium, số 34.
[15] Xc. Nguyễn Đức Khiết, Phẩm giá của kitô hữu giáo dân trong Giáo hội mầu nhiệm, truy cập ngày 25/04/08; http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThuongHuan/ThuongHuan2001/B2Pham%20gia.htm.
[16] Lumen Gentium, số 35.
[17] Lumen Gentium, số 33.
[18] Lumen Gentium, số 36.
[19] Xc. Gioan Phaol ô II, Christifideles Laici,  số 14.
[20] Lumen Gentium, số 36.
[21] Xc. Gioan Phaol ô II, Christifideles Laici,  số 14.
[22] Lumen Gentium, số 39.
[23] Sđd., số 40.
[24] Sđd., s ố 42
[25] Sđd., số 37.
[26] Sđd.,
[27] Sđd.,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP