Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

ĐAU KHỔ VÀ TIẾN TRÌNH CHỮA LÀNH

Đau khổ-vấn đề cuộc sống. Hầu như đã là con người thì ai cũng đã một lần nếm trái đắng của đau khổ và trải qua kinh nghiệm  khổ đau. Đau khổ dường như gắn liền với cuộc sống con người. Đau khổ đôi lúc làm con người  càng thêm nhiều phiền muộn và bị tổn thương. Đôi khi đau khổ giúp con người tìm thấy ý nghĩa và hạnh phúc. Trong hạnh phúc cũng có đau khổ và sau đau khổ cũng sẽ tìm thấy bình an và hạnh phúc. Đau khổ cũng làm con người được lớn lên và trưởng thành trong nhân cách sống và đối xử với tha nhân. Đau khổ đôi lúc cũng vùi dập và xô đẩy con người xuống tận vực thẳm là tuyệt vọng và chán chuờng.

1. Đau khổ là gì?
Là một cảm giác đau buồn tột độ, cảm giác bị xé lòng, cảm giác bị dằn vặt và xáo trộn khi trải qua một hoặc những kinh nghiệm mất mát lớn về vật chất cũng như tinh thần. Những mất mát về thể chất, đặc biệt là tinh thần sẽ làm con người đau khổ. Đối diện với những mất mát to lớn, chúng ta không thể đắp đầy những thiếu hụt và chữa lành những tổn thương một cách tức thời, đau khổ như là một cơ chế phòng thủ để bảo vệ con người khỏi sự phá hủy và ngã quỵ. Trong đời sống tinh thần, đau khổ thể hiện rõ sự yếu đuối và mong manh của con người. Khi con người cá nhân ở ta nổi lên chống lại cái luật mất quân bình của con người trước những mất mát và tang thương do hoàn cảnh cuộc sống mang lại, chúng ta trở thành nhỏ nhen, trơ trọi, cô đơn và run sợ trên phương diện tinh thần và chúng ta phải đau khổ.

2. Những đau khổ thường gặp
Có rất nhiều loại đau khổ mà con người phải chạm trán trong cuộc sống, chúng được chia ra làm hai loại đau khổ chính, đó là đau khổ về tinh thần và đau khổ về thể xác. Đau khổ thể chất có thể là nguyên nhân dẫn đến đau khổ tinh thần. Đau khổ tinh thần bắt con người dằn vặt, mất bình tĩnh và kết quả là có những hành động thiếu cân nhắc và nóng vội dẫn đến tổn hại về thể xác.
Đau khổ về tinh thần như là một người thân yêu vĩnh viễn ra đi, gia đình tan nát, mất nhiều tài sản, mất mối tương giao với bạn bè trong cuộc sống, với người khác trong công việc làm ăn, thất nghiệp hoặc mất cơ hội thăng tiến tốt trong công việc. Những cảm giác như cô đơn, lo sợ, chán nản và tuyệt vọng do hoàn cảnh đưa đẩy, do bản thân và người khác tạo ra cũng sẽ để lại những sự buồn khổ. Sự mất thăng bằng trong cuộc sống, mất định hướng trong lý tưởng cũng sẽ dễ dàng dẫn đến những sự bất an và khủng hoảng. Một tâm hồn bất an và lạc lõng luôn chứa đựng một sự lo lắng và buồn đau.
Trong đời sống cộng đoàn, thiếu đoàn kết và thương yêu cũng sẽ tồn tại những mối bất hòa và chán nản. Thiếu sự điều đình hoặc lãnh đạo thiếu hợp lý, thiếu quan tâm, thiếu giúp đỡ và lắng nghe của những bậc bề trên cũng sẽ  làm cho cả bề trên và những người dưới quyền bị đau khổ. Đau khổ do sự chia rẽ. Đau khô do cô đơn. Đau khổ do bị hoặc tự cô lập. Đau khổ do không được lắng nghe và bày tỏ nỗi lòng. Đau khổ do áp lực từ cuộc sống và do dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, sức khỏe sa sút do đau yếu bởi bệnh tật, do tai nạn cũng sẽ để lại sự buồn khổ cho con người. Đau buồn bởi những thiếu hụt về thể chất khi so sánh với những người xung quanh. Họ hoàn toàn mạnh khỏe còn tôi thì đau yếu. Họ có đầy đủ các chức năng của một con người còn tôi thì giống như kẻ tàn phế. Khi so sánh những thiếu hụt của bản thân với những sự vẹn đầy của người khác, con người thường cảm thấy mất tự tin vào bản thân và vào cuộc sống. Khi không còn đủ tự tin, bản lãnh để hòa giải và điều đình những vấn đề trong cuộc sống, con người sẽ đau khổ.
3. Tiến trình chữa lành của đau khổ
Đau khổ có thể tồn tại hai mặt tích cực và tiêu cực. Tích cực khi hiểu được kinh nghiệm qua sự chữa lành của vết thương, tiêu cực khi vết đau vẫn tiếp tục mưng mủ, sưng tấy và bầm dập hoặc chưa được chữa lành. Hai mặt luôn bổ sung cho nhau khi chúng ta biết đọc dấu chỉ và hiểu những giá trị từ đau khổ. Đau khổ cũng là một bước ngoặc quyết định sau một vấn đề hay một tiến trình của hành động phải tiếp diễn, hoặc phải thay đổi hoặc hoàn tất, một thời điểm mang tính chất quyết định quan trọng, một bước chuyển. Như một qui luật tự nhiên của tiến trình sống, con người được sinh ra, phát triển và trưởng thành. Những đau khổ do những thiếu hụt và mất mát để lại cho con người cũng sẽ được chữa lành. Về mặt sinh lý, cơ thể con người luôn sản sinh ra những chất đề kháng giúp chữa lành khi phát hiện những vết đau trên cơ thể. Dưới góc độ tâm lý, sự phát triển nhân cách giúp con người biết nhận thức, đối đầu và tự khâu lành những vết thương tâm hồn. Tuy nhiên, thời gian và cách chữa lành các vết thương thì không bao giờ giống nhau, có thể là 3 tháng, 10 tháng và có khi là 2 đến 3 năm, phụ thuộc vào độ sâu, chiều dài của vết thương và đặc biệt là khả năng lĩnh hội hay năng lực của mỗi con người trước những đau thương đó. Thông thường, tiến trình chữa lành của đau khổ gồm 5 giai đoạn:
Sự phủ nhận  (Denial)
Trước những mất mát lớn lao, con người luôn phản ứng bằng cách chối bỏ sự thật. Em bé tuổi khôn luôn nói rằng, cha mẹ của em vẫn còn đang sống, dầu tận mắt chứng kiến cái chết của cha mẹ. Người mẹ phủ nhận cái chết của người con yêu duy nhất. Người vợ không tin vào sự ra đi của người chồng khi vừa mới đám cưới. Sự phủ nhận này nhằm làm giảm hoặc hạ nhiệt cho sự đau đớn quá mức, ngoài sức tưởng tượng và tầm kiểm soát của mỗi con người. Trong con người thời điểm này tồn tại những mâu thuẫn. Những mâu thuẫn nội tại tạo ra một tình trạng mất cân bằng giữa lý trí và cảm xúc, những cảm xúc đau khổ, bối rối, giận dữ, chênh vênh, hoảng loạn…tràn ngập, xâm chiếm trong tâm trí, đẩy lùi tính sáng suốt của lý trí. Lúc này con người như bị đè xuống và rơi vào một vòng xoáy, quay mạnh đến nỗi con người  không thể dùng lý trí nhận định bản thân cũng như thế giới bên ngoài.
Mặt khác, một sự mất mát quá lớn xảy ra nằm ngoài kế hoạch và tưởng tượng của mình thì sự chối bỏ sự thật như là một phương thế để làm cho con người được an tâm và thanh thản.  An tâm và bình thản bảo vệ  và bao bọc cho sự bất toàn và tính yếu đuối của con người khi đối diện với những đau thương và mất mát. Cho nên, phủ nhận sự mất mát thì mặt nào đó giúp con người tự tin và hiệu quả hơn trong công việc cũng như cuộc sống. Tuy nhiên, phủ nhận điều mất mát làm cho nỗi đau thêm trầm trọng và nặng nề hơn bởi mỗi lần nghĩ là mỗi lần nỗi đau hiện về, càng nghĩ lại càng đau.
Sự giận  dữ (Anger)
Sau giai đoạn phủ nhận đến giai đoạn tức giận. Ở giai đoạn này, chúng ta đã nhìn nhận sự mất mát. Chúng ta tin rằng sự mất mát đã là sự thật và chính chúng ta đang gánh chịu nó. Bởi vì vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận sự mất mát, nên chúng ta phản ứng lại bằng cách tức giận. Tức giận là một phản ứng tâm lý bình thường trước một sự việc xảy ra không như mong muốn. Tức giận nói lên sự bất lực của con người trước những sự kiện và vấn đề đang diễn ra mà bản thân không thể làm chủ hoặc ý thức được một cách đầy đủ. Tức giận với bản thân mình, với người khác và ngay cả với Thiên Chúa. Chẳng hạn như tại sao Chúa lại để cho sự dữ xảy đến. Chúa ở đâu khi con đang đau khổ, sao Ngài không đến can thiệp và ủi an. Đối diện với tức giận, chúng ta cũng thường oán trách sự vô dụng của bản thân không làm được gì trước sự mất mát. Tôi thật là một kẻ vô dụng! Sự oán trách bản thân vì cho rằng chính mình là nguyên nhân. Có lẽ mình là người xấu. Bởi khi đó trong đầu luôn tồn tại những suy nghĩ rất ngây ngô, người tốt thì không chết hoặc không bao giờ đáng nhận sự tang thương hay mất mát.
Sự mặc cả (Bargaining/Negotiating)
Sau khi cơn giận đã nguôi ngoai, chúng ta bước sang một giai đoạn khác đó là sự mặc cả hay sự thương lượng. Ở giai đoạn này, cơ bản con người đã chấp nhận sự mất mát nhưng vẫn còn hụt hẫng và thiếu vắng điều gì đó khó có thể hình dung. Để làm giảm nhẹ sự hụt hẫng ta bắt đầu mặc cả. Mặc cả trước đau khổ của bản thân qua sự mất mát. Mặc cả vì vẫn chưa thể tin rằng sự ra đi của người thân, sự mất việc, gia đình đổ vỡ, lý tưởng tan tành là thật.
Ở lứa tuổi học sinh thì các em vẫn tin rằng, những sự mất mát như mất cha mẹ, người thân do thiên tai, bênh tật và tai nạn gây nên một cách đột ngột là hoàn toàn không có thật. Sự mất mát này chỉ mang tính tạm thời và sẽ trở lại trong một khoảng thời gian ngắn. Thật ra, trước những mất mát to lớn này con người buộc phải thương lượng để tránh sự “gãy vụn” về lý trí và hoảng loạn về cảm xúc. Lý trí lúc này rời rạc và không thể tập trung, cảm xúc thì hoang mang và bị xáo trộn. Chẳng hạn như dù tận mắt chứng kiến sự ra đi của người thân yêu và biết rằng sự ra đi là vĩnh viễn, ta vẫn cứ mong muốn rằng người thân đó trở lại. Ta cam kết rằng với bản thân là sẽ sống tốt hơn, sẽ làm tất cả mọi thứ miễn là người thân phải quay trở lại. Ta cũng thường thương lượng với Chúa rằng, lạy Ngài hãy cho con thêm thời gian để con được chiếm ngắm người thân, chiêm ngắm những thành quả của cuộc sống. Cho con thêm thời gian để con chuẩn bị, con chưa sẵn sàng đón nhận biến cố này. Biến cố này quá lớn và quá tàn nhẫn.
Sau một thời gian thương lượng, nhưng vẫn không có sự trả lời. Sự mất mát vẫn thinh lặng và không trở lại như thuở ban đầu, con người bắt đầu buồn chán, đau khổ và có cảm giác của sự tuyệt vọng, của sự bất lực trước những biến cố. Đây cũng là lúc bước qua giai đoạn mới, giai đoạn cảm xúc đau khổ.
Sự buồn sầu (Depression)
Đây là giai đoạn khó khăn nhất của quá trình diễn biến đau khổ. Là giai đoạn rất hụt hẫng và khủng hoạng. Kết quả là cảm xúc của sự đau đớn cực độ đang giày xéo bởi tất cả những nỗ lực cá nhân hoàn toàn bị phá huỷ. Trước những sự mất mát lớn lao, con người luôn tìm kiếm sự trợ giúp, tìm kiếm giải pháp, tìm kiếm một lối thoát để bản thân có thể đương đầu và sống tiếp. Khi tất cả những sự tìm kiếm trở thành vô vọng, bản thân lột tả rõ sự yếu đuối và mỏng dòn của kiếp người. Con người bất lực khi can thiệp vào trước những biến cố của cuộc sống. Cuộc sống thật chẳng còn có ý nghĩa. Họ bắt đầu khóc. Khóc cho sự cô độc và trống trải của bản thân. Khóc cho sự chán nản về cuộc sống.
Thời điểm này, nhiều người rơi vào tình trạng trầm cảm như tự cô lập bản thân và không muốn tiếp xúc với người khác và thế giới bên ngoài. Cảm giác chơi vơi và không tin vào tương lai, vào cuộc sống mai hậu. Họ dường như đóng cửa tâm hồn bằng cách chẳng cần quan tâm đến các hoạt động sống. Họ lười ăn, luời uống, chỉ muốn ngủ và chán ghét tất cả. Tệ hơn nữa là chán sống, tuyệt vọng và có ý định hành vi quyên sinh. Có hai yếu tố dẫn con người có hành vi tự sát đó là sự tuyệt vọng và cảm giác vô dụng dù bản thân đang hiện hữu và hoạt động. Tuyệt vọng luôn tiềm tàng trong tâm trí khi nghĩ về sự bất lực của chính mình và những hành vi can thiệp bất lực của người khác khi bản thân đang chịu đau khổ và mất mát. Cảm giác của sự vô dụng là mặc cảm của tội lỗi, cô đơn và chán chường vào bản thân và cuộc sống.
Thời gian gần đây hiện tượng tự sát tăng cao, đặc biệt là các sao của Hàn Quốc. Người ta tìm thấy những chứng tích còn sót lại của những vụ tự sát là do áp lực của gia đình, xã hội, đặc biệt là chính bản thân. Bản thân cảm thấy khủng hoảng, cô độc và chông chênh bởi không nhận được sự an ủi và giúp đỡ từ những người khác và từ thế giới bên ngoài. Kết cuộc là tìm đến cái chết như là một sự tự giải thoát.
Sau một thời gian dài gặm nhấm nỗi đau do sự mất mát, con người tự lĩnh hội được là cần phải đứng lên và tiếp tục sống. Con người với ý chí và nghị lực nay vùng lên khỏi bóng tối của sự cô đơn, mất mát và hụt hẫng bởi ý thức được bản chất và giá trị của cuộc sống. Con người lúc này chấp nhận sự đau khổ. Đau khổ lúc này như là một kinh nghiệm sống.
Sự chấp nhận (Acceptance)
Đây là giai đoạn mà nỗi đau đã dịu lắng và nhỏ lại. Thật ra nỗi đau vẫn còn đó, vẫn còn những cảm giác nhớ nhung khi người thân vĩnh viễn ra đi, còn nuối tiếc khi bị mất mát nhưng ta đã biết chấp nhận. Chấp nhận không phải là buông xuôi hoặc bị dồn vào ngõ cụt. Chấp nhận ở đây vừa có nghĩa nhìn nhận sự thật một cách có ý thức vừa coi đó như là một qui luật của cuộc sống. Chấp nhận lúc này là hoàn toàn ý thức được ý chí và sức mạnh của con người là dám đương đầu với khó khăn và thách thức. Con người như trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn khi nói về nỗi đau. Nỗi đau như là một thước đo cho giá trị của cuộc sống. Cảnh khổ chính là nấc thang thành công của bậc anh tài.
Lúc này đây, chúng ta đã biết muốn mạnh phải tuân phục các qui luật của các lực lượng vũ trụ và phải công nhận rằng các lực lượng ấy là của chúng ta. Cũng vậy, muốn hạnh phúc, phải bắt ý chí cá nhân ta quy thuận bá quyền của ý chí vũ trụ, và cảm thức thực thụ rằng ý chí này chính là ý chí của chúng ta. Một khi ta đạt đến trạng thái mà cái giới hạn ở ta lại hoàn toàn thích nghi với cái vô hạn, thì đau khổ trở thành một sở hữu quý báu cho ta. Lúc ấy, con người nhận thức được rằng đời sống của mình ở đời này phải trải qua đau khổ, đau khổ như là một bài học qúy giá khi ta lợi dụng được nó và chuyển nó thành hoan h. Không một người nào trên đời này lại muốn mất đi hẳn cái quyền được đau khổ, vì đó cũng là cái quyền của mình được làm người. Sự tự do của con người chẳng hề là muốn trốn tránh các khó khăn và thử thách, mà là đương đầu với các khó khăn ấy để có lợi cho mình.
Giai đoạn chấp nhận đau khổ một cách ý thức cũng chính là lúc vết thương được chữa lành. Dù vết sẹo vẫn còn đọng lại, nhưng những vết này vừa là một kỳ tích của sự thắng lợi, vừa là một bài học của sự lớn lên từ đau khổ. Đau khổ không còn quyền lực trói buộc và nhận chìm cuộc sống con người nhưng được chuyển thể và thăng hoa thành hoan lạc và bình an. Con người được thêm sức mạnh, thêm lòng tin và sẵn sàng đối đầu với những khó khăn mới cam go và khốc liệt hơn.
Giá trị và ý nghĩa của đau khổ không bóp nghẹt và chèn ép con người nhưng giúp ta vượt thắng sự yếu đuối và bất toàn. Con người làm chủ được bản thân và làm chủ được đau khổ. Đau khổ như là phương cách đưa con người đến sự trưởng thành. Trưởng thành trong cách ứng phó với những biến cố trong cuộc sống. Trưởng thành trong sự thấu hiểu và đồng cảm với nỗi đau của người khác. Trưởng thành trong ý thức về hành động và suy nghĩ của bản thân. Lĩnh hội về tiến trình của đau khổ và kinh nghiệm qua đau khổ, điều không thể thiếu trong cuộc sống, giúp con người  hiểu về bản thân, hiểu về người khác, hiểu về thế giới và tạo nên sự cân bằng cho bản thân khi đương đầu với những khó khăn và thử thách.

Anthony Phạm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP