Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

QUÀ TẶNG THẦY CÔ


Trong cuộc sống, mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau. Riêng về việc học hành, ít nhiều ai cũng có một thời học sinh được ngồi trên ghế nhà trường, được học hỏi những kiến thức từ thầy cô. Những người không được may mắn đến trường thì trong đời ít ra cũng học được một nghề hay một điều gì đó nơi người khác. Nhìn chung ai cũng có thầy cô dẫn dắt trong đời.

Người Việt nam ta thường hay nói: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, nghĩa là một chữ cũng là thầy mà nửa chữ cũng là thầy. Khi ta đã học hỏi được điều gì nơi người khác cho dù ít hay nhiều, dù lâu hay mau thì người đó vẫn là người thầy ta phải ghi ơn.
Đất nước Việt nam ta, một đất nước hơn bốn ngàn năm Văn Hiến, từ vua quan đến thường dân ai ai cũng đều tôn kính thầy dạy của mình. Người thầy không những dạy chữ nghĩa mà còn dạy cách làm người, không những hướng dẫn học sinh tiếp thu kiến thức mà còn chỉ bảo cách sống cho học trò của mình. Vì thế, từ xa xưa nghề giáo là một nghề vốn được xã hội rất kính trọng. Người thầy còn là người có thể thay cha mẹ để dạy dỗ bảo ban mình, vì thế mỗi người chúng ta phải biết “Tôn sư trọng đạo”, nghĩa là phải biết trọng thầy, kính yêu thầy, khiêm tốn vâng lời thầy, làm vẻ vang cho thầy, như ca dao Việt Nam có câu:
Muốn sang thì bắc cầu kiều
 Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy
Cụ thể hơn là phải biết nỗ lực trong học tập, chúng ta phải biết cố gắng vươn lên tìm tòi học hỏi, rèn luyện đạo đức, rèn luyện bản thân. Truyền thống hiếu học luôn tiềm ẩn trong mỗi con người Việt nam ta từ bao đời nay. Bất cứ người cha người mẹ nào dù nghèo tới đâu cũng đều có những ước vọng cho con cháu mình đến trường đến lớp, ai cũng muốn “biết cái chữ cái nghĩa cho bằng anh bằng em”. Chính vì thế mà không ít người đã sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, để được học hành mong được trở nên người hữu dụng cho xã hội. Vì thế, truyền thống tôn sư trọng đạo càng phải được đề cao trong thời kỳ đổi mới như hiện nay. “Trọng đạo” phải được mỗi người thể hiện bằng hành động cụ thể, ngoài việc chăm chỉ học hỏi, nắm vững kiến thức ta còn phải biết siêng năng rèn luyện nhân cách, đạo đức tác phong, vì: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”.
Nền kinh tế Việt nam ta đang trong thời kỳ phát triển, mọi cái đều tiến lên theo kịp đà phát triển của thế giới. Nhưng bên cạnh đó ngành giáo dục đang là nỗi lo của nhiều người, sự phát triển về Trí, Đức xem ra không thể theo kịp đà tiến cũng những nhu cầu đỏi hỏi của xã hội ngày nay, mà nó còn có chiều hướng thụt lùi nữa. Vấn đề đào tạo cũng như chính sách giáo dục còn quá nhiều điều đáng lo ngại. Ngành giáo dục chưa quan tâm đúng mức đến việc học hành; nghề giáo trong xã hội chưa được đánh giá thoả đáng; thái độ không tốt với thầy cô giáo vẫn thường xảy ra ở một vài nơi; đồng lương của nhà giáo vẫn chưa được tương xứng với công sức họ bỏ ra… Mặt khác, cũng chính sự phát triển về kinh tế như hiện nay, đồng tiền đã làm lu mờ, xói mòn đạo đức cũng như nhân cách của nhiều người. Nhiều kẻ vô tâm đã lợi dụng giáo dục để thu vén làm giàu cho bản thân. Tình trạng dạy thêm, dạy kèm tràn lan không thể kiểm soát được, đang làm đau đầu không ít các bậc phụ huynh. Tình trạng bằng cấp giả ngay trong tầng lớp giáo dục cũng là vấn đề thật đáng cho chúng ta phải suy nghĩ… Nhìn chung hệ thống giáo dục của ta trong những năm gần đây còn rất nhiều điều trì trệ, luẩn quẩn… Sách giáo khoa thì đổi tới đổi lui, hình thức thi cử thì lủng củng, lộn xộn chưa tìm được sự thống nhất chung… Đáng báo động hơn là tình trạng học tập cũng như đạo đức của học sinh ngày càng thấp kém. Tình trạng bỏ học, trốn học, gian lận trong thi cử…ngày càng nhiều. Tình trạng thô lỗ thiếu văn hóa, tìm đọc sách báo, phim ảnh không lành mạnh cùng với việc ăn chơi đua đòi, trộm cướp, đâm chém, băng đảng…cũng không nằm ngoài những em học sinh.
Để khôi phục lại nền giáo dục nước nhà, đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực từ mọi phía, mọi ban ngành đoàn thể cùng với sự ý thức của mỗi người chúng ta. Có được sự cộng tác của mọi thành phần trong xã hội, cùng với tinh thần hiếu học của dân tộc Việt nam ta, thì tình trạng sa sút của ngành giáo dục hiện nay thiết nghĩ đó chỉ là một biến động nhất thời. Một khi đã có được nền giáo dục lành mạnh rồi thì đất nước sẽ ngày một vươn lên. Do đó, mỗi người chúng ta ai cũng phải có bổn phận đẩy lui những yếu tố tiêu cực, phát huy những điểm tích cực, nhanh chóng khôi phục lại truyền thống tốt đẹp từ bao đời cha ông để lại.
Ngày 20-11 mừng ngày Hiến Chương các Nhà Giáo, mỗi người chúng ta có dịp nhìn lại những kỷ niệm của thời học sinh, nhớ lại những công ơn dạy dỗ của thầy cô giáo. Chính nhờ công sức cùng những hy sinh của thầy cô mà ngày hôm nay cuộc đời chúng ta được thêm tươi sáng. Mặt khác chúng ta cũng phải biết phát huy và duy trì truyền thống “Tôn sư trọng đạo” mà cha ông chúng ta đã cố công xây dựng, bằng cách chăm chỉ học tập, trao dồi kiến thức rèn luyện đạo đức để trở thành những người hữu dụng cho quê hương đất nước, đồng thời góp phần xây dựng thế hệ trẻ tương lai. Làm được như vậy thì chúng ta mới xứng đáng là những người đi đầu trong việc duy trì và bảo vệ truyền thống “Tôn sư trọng đạo”.Với tôi đây mới là món quà cao quý nhất để dâng lên các thầy cô nhân ngày 20-11.

Bênađô

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP