Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

CÁCH HIỂU ƠN CÔNG CHÍNH GIỮA TIN LÀNH VÀ CÔNG GIÁO


Bart. Khánh

Công chính hóa là quá trình một tội nhân được trở nên công chính hay được hòa giải với Thiên Chúa. Công đồng Trentô định nghĩa: “Công chính hóa là thay đổi từ tình trạng là con cái của Ađam thứ nhất khi ta sinh ra sang tình trạng ân sủng và được Thiên Chúa nhận làm con cái của Người nhờ công trạng của Ađam thứ hai là Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta” (Denzinger 1524). Về mặt tiêu cực, công chính là tẩy trừ tội lỗi thật sự, chứ không phải là chỉ bỏ qua các tội lỗi ấy hay không còn dựa vào các tội lỗi ấy để kết án tội nhân. Về mặt tích cực đó là thánh hóa một cách siêu nhiên và đổi mới con người để nó trở nên thánh đẹp lòng Chúa và được hưởng thiên đàng.[1]
Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu quan điểm công chính hóa của Tin lành và giáo lý Công giáo, từ đó nêu lên những điểm khác biệt sự công chính hóa giữa Tin lành và Công giáo.
1.     Công chính hóa theo quan điểm của Tin lành
Thế kỷ thứ XV, thế giới đang náo động ở cao trào biến đổi trong mọi lãnh vực. Luther mở ra cho thần học những điều mới lạ, nhưng quan điểm thần học về ơn công chính hóa của Luther đã bị Giáo hội gạt bỏ tại Công đồng Trentô. Vì vậy đây chính là một trong những nguyên nhân phát sinh giáo phái Tin lành với Luther là ông tổ.
Luther sinh tại Esleben (Saxe) năm 1483, ông đã nối kết nơi mình lòng đạo đức của phong trào sùng kính hiện đại (sách Gương Chúa Giêsu), truyền thống thần học Âu tinh, lòng say mê Kinh Thánh và tính tình của một kẻ đấu tranh. Là đan sĩ Âu tinh lúc 20 tuổi, ông trải qua nỗi lo sợ trước cơn giận của Thiên Chúa, mặc dù tuân giữ luật dòng rất chu đáo. Luther có thiên tư thần học, ông lao mình vào việc học Kinh Thánh và tìm thấy trong thư thánh Phaolô điều mà Kinh viện đã giấu ông, đó là Tin Mừng cứu độ được Thiên Chúa ban cách nhưng không cho những ai tin vào Đức Giêsu Kitô, Luther vốn là một người khinh dể Kinh viện. Luther cho rằng nếu Kinh Thánh nói hết điều cốt yếu rồi, thì tham khảo Aristote và các nhà giảng giải Aristote là vô ích. Với Luther đức tin là đủ rồi và đức tin miễn cho khỏi gánh nặng của những việc đạo đức mà người ta cứ gia tăng không suy xét. Sự cứu độ của ta, chính là Đức Giêsu Kitô, và chỉ một mình Ngài mà thôi.[2]
Luther đưa Lời Chúa đến một vị trí độc tôn được xác định bởi Kinh Thánh và biểu lộ trong Đức Giêsu Kitô. Ông đã đặt Lời Chúa lên trên và xóa bỏ việc tôn kính Đức Mẹ và các thánh để làm nổi bật Đức Kitô. Ông không cho rằng thánh lễ là một lễ tế nếu điều đó có nghĩa là linh mục lấn qua vai trò của một mình Đức Kitô, Luther phủ nhận quyền giáo huấn của Giáo hội. Mọi người tín đồ chỉ liên quan đến Đức Kitô, không với ai khác hay người nào khác.[3]
Sự công chính hóa chiếm vị trí trung tâm trong nền thần học của Tin lành. Theo đó con người chỉ được công chính hóa nhờ một niềm tin vào Đức Kitô mà thôi, chứ không nhờ vào công việc của mình. Sự công chính hóa thuần túy phát xuất từ ân sủng được Đấng cứu độ loài người ban tặng. Sự công chính hóa được hiểu như từ bên ngoài đến với ta và không biến đổi nội tâm của con người, có thể nói khái niệm này xuất phát từ việc quan niệm về tội lỗi của Tin lành. Luther cho rằng tội nguyên tổ hủy hoại tận gốc bản tính nhân loại, con người không còn có thể biết và yêu mến Thiên Chúa. Con người cũng không còn khả năng hướng thượng. Vật dục là nguyên tội hành động trong con người và trói buộc ý chí tự do của con người. Luther chủ trương định mệnh thuyết tuyệt đối. Ông cho rằng con người mất hết tự do. Chính điều này đưa đến hai hậu quả là con người bất lực hoàn toàn như lương dân không giữ được luật tự nhiên, Do thái không giữ được luật Maisen. Do đó mọi việc chúng ta làm đều thối nát. Bí tích Rửa tội không xóa được vết thương chí tử do Nguyên tội gây nên và như vậy ma quỷ mạnh hơn Thiên Chúa. Nên việc Thiên Chúa công chính hóa là việc bề ngoài, thủ tục kiểu tòa án, nghĩa là tội nhân được công bố là công chính hóa, chứ tội vẫn còn.[4] Như vậy Luther rất bi quan khi đề cập đến tội. Ông cũng không có sự phân biệt giữa tội Tổ tông và các tội riêng, tất cả chỉ là một khối thống nhất. Luther cho rằng ai lãnh nhận Phép Rửa thì được công chính hóa, nghĩa là được Thiên Chúa tha thứ và không quy trách nhiệm nữa, nhưng thực tế dục tình còn bám sát và có mặt trong tất cả các hoạt động của người Kitô hữu nên ta vừa được công chính hóa nhưng đồng thời vẫn là tội nhân.
Có thể nói Luther của Tin lành quan niệm đức tin công chính hóa chỉ là một tình cảm, một tin tưởng, một sự chuyển động của con tim: tâm hồn cảm thấy lòng ưu ái của Chúa, tin tưởng vào sự thương xót của Người. Như vậy, công chính hóa chỉ là việc hoàn toàn tâm lý và chủ quan… Được công chính hóa bằng đức tin, tức là bằng sự tin tưởng chắc chắn rằng mình được như thế.[5]
2.     Công chính hóa theo Công giáo
Theo Kinh Thánh Cựu Ước Thiên Chúa tỏ bày lòng ưu ái cho mọi thụ tạo (Hc 1,8), đặc biệt cho Ít-ra-el. Dấu hiệu rõ nét nhất khi Ngài chọn họ làm dân riêng (Đnl 7,8; 8). Ân huệ của Ngài tuyệt đối nhưng không (Xh 33,19).[6]
Theo Tân Ước, Thiên Chúa tỏ lòng ưu ái đối với loài người bằng nhiều đường lối khác nhau. Ân huệ của Ngài xuất hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng thông ban ơn cứu độ cho hết mọi người (Tm 2,11). Chúng ta được công chính hóa, dù không xứng đáng, nhờ ân huệ Thiên Chúa qua sự cứu rỗi của Chúa Giêsu (2Cr 9,14). Ơn thánh của Chúa được ban cách nhưng không cho các tín hữu, như những người thụ hưởng lòng Chúa yêu thương cứu vớt. Trong Tin Mừng Nhất Lãm ơn thánh gắn liền với Nước Trời và được ban cho mọi người với điều kiện ăn năn sám hối. Phúc Âm Gioan ý niệm ơn thánh tìm thấy trong lời giảng của Chúa Giêsu về việc sinh lại bởi trời (Ga 3,3) là đời sống mới, sự hiện diện mới của Thiên Chúa trong linh hồn các tín hữu.[7]
Giáo huấn Công giáo với ơn thánh hóa. Sự công chính hóa hệ tại tội lỗi được tha thứ và ơn thánh được tuôn đổ xuống, cùng với các nhân đức và ơn Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sống trong linh hồn công chính để chia sẻ đời sống Chúa Ba Ngôi cho đương sự. Qua ơn thánh, chúng ta trở thành con “nuôi” của Thiên Chúa được quyền thừa hưởng Nước Trời. Đời sống thần linh của ơn thánh tăng trưởng nhờ tuân giữ các giới răn và thực hiện các việc lành, giúp chúng ta lập công phúc để đáng hưởng đời sống vĩnh cửu. Ơn thánh là quà tặng của Thiên Chúa, nó sẽ nâng chúng ta lên mức sống siêu nhiên. Tội trọng phá hủy đời sống ơn thánh hóa trong linh hồn, nhưng con người có thể phục hồi đời sống đó nhờ ăn năn sám hối và lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt Bí tích Hòa giải. Ngoài ra tội nhân cũng phải chuẩn bị linh hồn để lãnh nhận ơn công chính hóa bằng những hành động tin, cậy mến và thống hối. Tuy nhiên trong tiến trình đó ơn thánh không tước bỏ tự do của đương sự.[8] Thánh Âu tinh đưa ra nguyên tắc mà các nhà thần học vẫn dùng: “Ngài dựng nên không cần có con; nhưng Ngài không công chính con nếu không có con cộng tác” và “Ngài dựng nên ta khi ta không biết, Người công chính hóa ta khi ta muốn”.
Công đồng Tridentinô dạy: “Sau khi chuẩn bị là đến cuộc công chính hóa, việc này không chỉ là việc tha tội, mà còn là việc thánh hóa và canh tân nội tâm con người, nhờ ở chỗ họ tự do chấp nhận ân sủng và ân huệ, họ từ bất chính trở nên công chính, từ thù địch trở nên bạn hữu”; “Ai bảo người ta được công chính hóa là do việc quy trách ân sủng của Chúa Kitô hay chỉ là việc tội được tha, còn ân sủng và đức ái bị thải ra ngoài, trong lúc ân sủng được Chúa Thánh Thần phú nhập vào linh hồn và niêm kết vào đấy, hay ân sủng công chính hóa chúng ta chỉ là một việc Chúa bênh vực- AS.”[9]
Hội thánh Công giáo đã xác định năm yếu tố trong việc công chính hóa, và phải gộp chung năm yếu tố ấy lại mới hiểu được ý nghĩa trọn vẹn của việc công chính hóa. Mục đích đầu tiên của việc này là tôn vinh Thiên Chúa và tôn vinh Đức Kitô. Mục đích thứ hai là ban sự sống vĩnh cửu cho loài người. Nguyên nhân tác thành hay tác nhân chính của việc này là lòng thương xót của Thiên Chúa. Nguyên nhân dụng cụ chính là Bí tích Rửa tội, còn gọi là “Bí tích đức tin”, để nhấn mạnh nhu cầu phải có đức tin thì mới được cứu độ. Rồi bản chất hay cái làm nên ơn công chính hóa là sự công chính của Thiên Chúa; ta được công chính hóa không phải vì tự Người đã là Đấng công chính, nhưng vì Người đã làm cho ta nên công chính, hay nói cụ thể ta được công chính hóa là do ơn thánh hóa. Còn nhiều cách công chính hóa, tùy theo tội mà ta cần được giải thoát. Trẻ em được công chính hóa nhờ phép Rửa tội và nhờ đức tin của người xin hoặc của người ban Bí tích. Người lớn được công chính hóa lần đầu là do đức tin của cá nhân, sự ăn năn về tội lỗi của mình và chịu phép Rửa hoặc do yêu Chúa hết lòng, vì đây ít ra cũng là hình thức chịu phép rửa bằng ước muốn. Người lớn đã phạm tội nặng sau khi đã được công chính hóa có thể được ơn này lại nhờ sự xá giải theo Bí tích hay nhờ ăn năn trọn vẹn về tội lỗi của mình (Lt. justus, công chính + facere, làm, làm cho trở nên: justificatio, công chính hóa).[10]
3.     So sánh
Tin lành cho rằng chỉ cần có niềm tin vào Đức Kitô là nguồn mạch đầu tiên của sự công chính hóa. Sự công chính này chỉ được hiểu như bên ngoài đến với ta (tha lực) và không biến đổi nội tâm của con người. Ơn công chính hóa này nhờ tin và như bình phong che chắn cái tội, như cái áo khoác lên mình dơ bẩn của tội nhân. Nói về nguyên nhân công chính hóa trong giáo lý của hệ phản thì khó xác định, có lúc là Chúa Kitô, lúc lại cho là đức tin. Dường như cả hai đều là công chính hóa và chỉ là lá chắn.[11] Tin lành với Calvin (1509-1564) cho rằng: “những việc làm tốt diễn tả lòng biết ơn đối với Đức Kitô là Đấng cần ban cho người tín hữu sự công chính hóa”. Luther thì mọi hành động được gọi là tốt không phải nó được thực hiện phù hợp với luật Chúa, nhưng chỉ trở thành tốt khi nó đưa đến sự công chính hóa và được ân sủng Chúa đón nhận.[12] Như vậy, giáo phái Tin lành đã làm tăng khái niệm tội lỗi và ân sủng mà bỏ qua ý niệm nhân đức và công nghiệp.
Khác hẳn với giáo thuyết Tin lành, giáo lý Công giáo cho rằng sự công chính hóa tẩy sạch nội tâm khỏi tội lỗi và thực sự thánh hóa con người. Cho nên nếu nói nhờ sự công chính hóa, tội lỗi của con người không bị Chúa quy trách nhiệm nữa, những vẫn không được xóa bỏ thì thực sự không thể chấp nhận được với Công giáo. Công đồng Vatican II cũng nhấn mạnh đến sự công chính hóa là sự biến đổi thực sự nội tâm của con người: “Chính Chúa đã đến giải thoát cho con người và ban cho con người sức mạnh, bằng cách đổi mới tâm can” (GS số 13), và khẳng định con người được Đức Kitô cứu chuộc và đã trở thành tạo vật mới của Chúa Thánh Thần (GS số 37).
Cũng theo Công giáo với ơn Chúa Thánh Thần, con người được công chính hóa thực sự có được những việc lành, cho dù có pha trộn một chút gì bất toàn, nhưng chúng không phải là những hành vi tội lỗi như anh em Tin lành quan niệm. Giáo lý Công giáo coi trọng nhân vị và tự do của con người trong việc đón nhận công chính hóa của Chúa vì Bí tích Rửa tội đã làm cho con người trở nên một con người mới hoàn toàn trong Chúa, và ơn công chính hóa một phía do ơn ban nhưng không của Thiên Chúa nhưng cũng cần có sự đáp trả và khả năng thuận phục trước những ơn thánh đó. Còn Tin lành thì cho dù con người được công chính hóa thì vẫn là tội nhân, phép rửa không thể xóa tận căn tội lỗi của con người.
Nhưng đáng mừng là, vào cuối thế kỷ thứ 20, cuộc đối thoại giữa những người Tin lành và Công giáo đã đưa đến một tuyên bố chung làm sáng tỏ và vượt qua sự bất đồng. Mặc dù còn có sự khác biệt trong cách tiếp cận và chú giải Kinh Thánh, nhưng cả hai phái có thể đồng ý rằng giáo lý của Phaolô về ơn nên công chính hóa bởi đức tin có ý nói đó là quà tặng ban không của ơn cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô.[13]


[1] Lm Đặng Xuân Thành, chủ biên, Từ điển Công giáo phổ thông, Nhà Xb Đông Phương, tr.95
[2] Nguyễn Hồng Giáo, Ofm, phiên dịch, Tham Quan Xứ Sở Thần Học, tr.50.
[3] Sđd, tr.50.
[4] Giáo trình Ân Sủng, Học viện Đa Minh 2010, tr.89.
[5] Giáo trình Ân Sủng, Học viện Đa Minh 2010, tr.84.
[6] Aquinô, Tổng Luận Thần Học, Trần Ngọc Túy, O.P. và Nguyễn Đức Hòa, O.P., dịch giả, Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, 2009-2010, tr.167.
[7] Sđd, tr.168.
[8] Aquinô, Tổng Luận Thần Học, Trần Ngọc Túy, O.P. và Nguyễn Đức Hòa, O.P., dịch giả, Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, 2009-2010, tr.167.
[9] Giáo trình Ân Sủng, Học viện Đa Minh 2010, tr.90.
[10] Đặng Xuân Thành, chủ biên, Từ điển Công giáo phổ thông, Nhà Xb Đông Phương, tr.95.
[11] Giáo trình Ân Sủng, Học viện Đa Minh 2010, tr.89
[12] Nguyễn Đức Quang, Luân Lý Cơ Bản, 2007, tr.92
[13] Ronald D. Witherup, 101 Câu Hỏi Đáp về Thánh Phaolô, 2010, tr.177.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP