Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

ĐỒNG HÀNH VỚI ĐẤNG PHỤC SINH

( Gợi ý từ Lc 24,13-35 )

“Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bùng cháy lên sao”     (Lc 24,32).
Trên đây là nhận định của hai môn đệ Emmau về cảm nhận của họ sau đoạn đường được Chúa Phục sinh đồng hành, trước khi nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh. Qua những gì Phúc âm kể lại sau biến cố chịu nạn, chúng ta thấy rõ là các tông đồ và môn đệ vẫn chưa tin vào việc Chúa sống lại, họ đã hoang mang cực độ đến nỗi có người đã nản lòng bỏ cuộc như trường hợp hai môn đệ làng Emmau nói trên, như chính họ đã thổ lộ cho vị khách đồng hành (Xc. Lc 24,17-24).

Vâng, làm sao mà không nản lòng khi mà chính họ trước đây, khi đi theo Chúa,  “vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel” (Lc 24, 21) tức sẽ đưa dân tộc Do Thái thoát ách đô hộ của La Mã, sẽ tái lập nước Israel, để rồi sau đó họ sẽ được ngồi bên tả và bên hữu “Vua dân Do Thái” (Xc. Mc 10,37)?! Nay hoàn toàn vỡ mộng! Rất may là Chúa đã “thông cảm” với sự sai lầm rất người của họ, Người chỉ trách nhẹ: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" (Lc 24,25).
Từ câu truyện trên đây, chúng ta nên nhìn lại chính mình và có lẽ chúng ta sẽ nhận thấy mình trong hai môn đệ Emmau?! Chúng ta cũng là những người đang theo Chúa, ít ra là về mặt lý thuyết và cả về hình thức khi chúng ta đang tự xưng mình là “Kitô hữu” hoặc, hơn thế nữa, là những người đang “nối gót Chúa Kitô” trong đời sống  thánh hiến. Chúng ta hãy thành thật tự vấn lương tâm mình xem lý do thật hay cái động cơ chính khiến chúng ta dấn thân theo Chúa là gì? Có phải thực sự vì Nước Trời, vì yêu Chúa hay, ít nhất là trong tiềm thức, chúng ta đang theo Chúa để sau này, một cách nào đó cũng sẽ được “ngồi bên tả hoặc bên hữu Chúa trong nước Chúa” (được hiểu theo kiểu suy nghĩ đầy thực dụng của hai anh em con ông Dêbêđê (Mc 10,37)?! Để đánh giá đúng nguyện vọng của chúng ta trên đường theo Chúa, chúng ta hãy thử nhìn lại tâm trạng của chúng ta xem nó ra sao khi chúng ta gặp những trở ngại, những điều trái ý nghịch lòng do chính đời sống hay bậc sống mà chúng đã chọn lựa và đang dấn bước. Trong những nghịch cảnh đó, chúng ta có thấy mình bị hoang mang dao động không hoặc nghiêm trọng hơn, chúng ta có thấy nản lòng và muốn bỏ cuộc để trở về làng Emmau của mình không?
Rất may là hai môn đệ Emmau đã có Chúa Phục sinh đồng hành để đưa họ về với cộng đoàn: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó” (Lc 24,33). Sở dĩ họ được diễm phúc đó trước hết là dù bỏ cộng đoàn “nhóm Mười Một” để về quê cũ, họ vẫn tiếp tục “trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra” (Lc 24,14) tức là tâm trí của họ vẫn hướng về Thầy qúy yêu, vẫn nhớ đến anh em mình; tiếp đến là họ đã chịu khó lắng nghe người khách lạ giảng giải về Kinh Thánh, và sau hết, khi gần về đến làng của họ, người lữ khách làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn" (Lc 24, 28-29). Và đỉnh điểm hồng phúc của cuộc gặp gỡ này là “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24, 30-31).
Từ những nhận định trên đây, ta có thể rút ra những kết luận cụ thể để áp dụng vào cuộc hành trình của chúng ta hôm nay:
·    Chúng ta luôn xác tín là có Chúa Phục Sinh đang đồng hành với chúng ta nếu chúng ta luôn hướng về Chúa và anh em trong cộng đoàn mình, cụ thể là trong Hội Dòng mình, trong Giáo phận mình, trong Giáo Hội mình với tất cả lòng yêu thương gắn bó. Nhất là khi chúng ta gặp thử thách, những lúc chúng ta bị khủng hoảng về ơn gọi đến độ muốn bỏ cuộc mà trở về…làng cũ!
·    Chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện đó của Chúa, sẽ gặp gỡ thân mật với Chúa khi chúng ta siêng năng, chăm chú lắng nghe và tìm hiểu Lời Chúa trong Thánh Kinh cũng như khi chúng ta đến với Thánh Thể Chúa, đặc biệt là siêng năng tham dự vào sự “Bẻ Bánh”, tức tham dự Thánh Lễ và các lễ nghi phụng vụ.
Mong rằng mùa Vượt Qua này sẽ giúp củng cố niềm tin của chúng ta vào Chúa Phục Sinh, giúp chúng ta vững tin vào sự đồng hành đầy tình thương của Người trên mọi nẻo đường dương thế hiện nay của mỗi người chúng ta, để hướng dẫn bằng Lời Chúa và dưỡng nuôi, nâng đỡ bằng Thánh Thể Chúa. Như vậy chúng ta sẽ vững tâm mà dấn thân theo Chúa để đi trọn con đường đã chọn.

Tuần Bát Nhật Phục Sinh 2008
                                                          Chú BA

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP