Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Trở Về Nguồn

Để cung cấp thêm tư liệu cho những suy tư về căn tính và đoàn sủng của Dòng, Dựng Lều xin giới thiệu một số tài liệu liên quan đến lịch sử và các Đấng tổ phụ của Dòng. Những tài liệu này trích dịch từ những báo cáo thường niên của các vị thừa sai (MEP) ở Campuchia và từ Bản tin của Hội Thừa Sai Paris (MEP) vào những năm đầu thế kỉ 20, tức thời kì khai sinh của Dòng Thánh Gia

Tu huynh giảng viên giáo lí
ở Campuchia
[1]
Joseph Vullilez
Quãng năm 1943, những giảng viên giáo lí giáo dân không còn tồn tại ở vùng truyền giáo Campuchia nữa. Chẳng ai lấy làm tiếc về điều đó. Nhà giảng đã bị mất uy tín dưới mắt những người kitô hữu. Từ 10 năm, đại diện tông toà đã cố gắng thay thế bằng một thực thể khác được tổ chức tốt hơn và phù hợp hơn.
Trước đây những giảng viên giáo lí được tuyển chọn trong số những thiếu niên ở các họ đạo. Nhà giảng đào tạo trong 2 hoặc 3 năm trước khi họ đi phục vụ giảng dạy ít nhất là 3 năm. Sau đó họ có thể trở về quê mình để lập gia đình, hoặc tiếp tục làm giảng viên giáo lí. Thực tế, đây là một bậc sống chứ không đơn thuần là là một chức nghiệp: “những giáo dân đạo đức”. Giảng viên giáo lí bắt buộc phải sống độc thân và dấn thân hoàn toàn để phục vụ họ đạo. Họ đạo có bổn phận chu cấp cho họ.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người không thể chịu nổi bậc sống này, thậm chí chỉ 3 năm thôi. Người trẻ đến một cộng đoàn ở vùng quê chỉ với gói hành trang là tấm lòng. Không có một vốn văn hoá đạo đời nào ở tầm mức đáng cho người dân ở đây phải nể trọng. Khó thích nghi, lại không được trả lương cao. Lại bị cô lập, đặc biệt về mặt luân lí.
Các linh mục thì thường ở những nơi trung tâm, hoặc di chuyển đây đó, không quan tâm hoặc nếu có cũng không thể chăm sóc các giảng viên giáo lí này. Không có gì lạ nếu các giảng giáo lí viên này thường tỏ ra yếu kém so với nhiệm vụ và chưa xứng đáng với sứ mạng của họ. Rất nhiều người bỏ sở sau một năm, hoặc thậm chí sau một vài tháng.
Đại diện tông toà lúc bấy giờ là Đức cha Herrgott. Đầu tiên ngài nghĩ có thể làm cho những giáo lí viên này đáng kính trọng hơn bằng cách cho họ mặc áo dòng. Những điều này không có tác dụng là mấy, vì ‘áo dòng không làm nên thầy tu’… Vì thế Đức cha Herrgott quyết định biến những giáo lí viên của ngài, nếu không trở thành những đan sĩ thì ít nhất cũng là những tu sĩ thực thụ. Với những người vẫn còn kiên trì, ngài thành lập Hội Dòng Các Thầy Thánh Gia năm 1932[2]. Những sự biến đổi cũng không đi đến đâu: Năm tập cũng chỉ là một năm học vắn vỏi, tầm thường, và một khi ra phục vụ ở họ đạo, các thầy lại cũng vẫn phải sống trong cùng một điều kiện thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Kết quả có tốt hơn chút ít so với các giáo lí viên giáo dân.
Do đó khi trao cho tôi lãnh đạo Hội dòng năm 1939, vị đại diện tông toà mới, Đức cha Chabalier, trao cho tôi trách nhiệm tổ chức Hội dòng sao cho phù hợp với mục đích đề ra. Không dễ tìm ra một giải pháp; phải mất một thời gian dài mò mẫm, điều chỉnh Hiến pháp và luật sống, thậm chí phải đấu tranh để được chấp nhận một số điều cần thiết cả về phương diện huấn luyện lẫn tông đồ… Hôm nay, giai đoạn thành lập đã gần hoàn tất: Mặc dù chỉ có khoảng 40 thầy khấn, tuổi trung bình không quá 40, những thầy dòng Thánh Gia cung cấp cho Phủ DoãnTông Toà [Nam vang] những giảng viên giáo lí chất lượng. Vì vậy, tôi thấy nên giới thiệu tổ chức hiện thời của Dòng về công tác tông đồ, và sau đó là cách thức đào tạo để chuẩn bị cho việc tông đồ này[3].
I.                   Đời Sống Tông Đồ
Những giảng viên giáo lí này là những tu sĩ, họ thuộc về một cộng đoàn. Cứ 2 tháng 1 lần, họ gởi cho tôi bản báo cáo về đời sống tu trì, cũng như công việc hoạt động của họ theo bản câu hỏi chi tiết. Hàng năm họ trở về sống chung 1 tháng với nhau ở nhà Mẹ ở Banam, để tham gia các khoá học và tĩnh tâm năm. Trong mỗi vùng (hạt), có một Thầy chịu trách nhiệm; Thầy có nhiệm vụ quy tụ anh em mỗi tháng một lần để tĩnh tâm chung. Cuối cùng, ở nơi được sai đến, về nguyên tắc, họ sống từng hai người một. Sống đơn độc một mình chỉ được chấp nhận đối với một thầy khấn trọn và chỉ một vài tháng mà thôi.
Nguyên tắc sống và làm việc từng hai người, từ nay đã được ghi trong Hiến pháp, không dễ được chấp nhận. Các cha xin người không ngừng. Vấn đề lại càng phức tạp lúc bổ nhiệm nhân sự, vì phải xem có phù hợp với cá tính hay không. Nhưng đó là quy luật căn bản của đời sống thánh hiến của tu sĩ. Dù sống từng hai người một, họ vẫn cảm thấy bị thử thách nặng nề khi làm việc ở những làng xa xôi, thường không được sự nâng đỡ và củng cố của các linh mục,cũng như bởi các bí tích. Đó là lí do tại sao các người trẻ khi vừa mãn tập viện, ở tuổi đôi mươi, tốt nhất thường được sai đến những trường học của Dòng, để trang bị những hành trang đầu tiên bên cạnh những đàn anh kinh nghiệm.
Giáo xứ nhận sự phục vụ của các Thầy, trả cho mỗi người khoảng 800 riels/tháng[4]. Đây là một gánh nặng tài chánh đối với một cha sở ở Campuchia; tuy nhiên, đó chỉ mới vừa đủ sống với điều kiện không bị bệnh hoạn gì. Còn về chỗ ở, các Thầy thường bằng lòng ở đâu cũng được, ví dụ như một góc trong phòng thánh, nhất là khi họ không ở lại lâu trong làng đó.
Vì các thầy không ở một chỗ cố định, có nhóm di chuyển từ giáo điểm này đến giáo điểm khác sau 3 tháng lưu lại để giúp các trẻ dọn mình Rước lễ Trọng thể và các dự tòng chuẩn bị nhận BT Rửa tội. Có anh em khác lại ở cố định nơi các giáo điểm quan trọng hơn, nhưng lại vắng LM thường trú. Luật đã qui định anh em có thể ở lại một chỗ như vậy suốt 3 năm. Trong tuần, ngày 2 buổi dạy học sáng chiều, với 3 tiết cho mỗi buổi,   Ngoài ra còn phải có giờ tập hát và dạy các dự tòng . Sáng ngày CN anh em phải dạy giáo lý cho giáo dân khi họ đến nhà thờ để “dự lễ thiêng liêng”, gồm đọc kinh, hát thánh ca và hiệp ý dâng lễ với các giáo dân đang dự lễ thật ở nhà thờ giáo xứ. Buổi chiều CN các thầy cũng tập hợp giáo dân một lần nữa để tiếp tục dạy giáo lý và đọc kinh chung. Do đó, các cha xứ có thể yên tâm giao cho các thầy thay mặt cha mà điều hành giáo điểm.
Các thầy đã làm hết sức để chu toàn nhiệm vụ khó khăn này, nhất là đối với các anh em thuộc nhóm di động. Hằng ngày các thầy không chỉ chứng tỏ một tinh thần xả kỳ và một lòng quảng đại cao độ, mà còn cho thấy một năng lực thực sự. Là người gốc Việt như đa số các giáo dân ở đây, họ được trang bị tấm bằng trung học pháp (Brevet élémentaire) hoặc một sự giáo dục tương đương. Vì vậy họ có thể đứng lớp dạy trẻ, và có tầm ảnh hưởng đối với những người trưởng thành. Khả năng đọc được tiếng pháp cho phép họ kín múc được ở những nguồn tốt nhất để dạy giáo lí. Họ có thể điều khiển cộng đoàn cầu nguyện, tập hát ca đoàn (họ muốn thay đổi thường xuyên những bài hát mới…)
Ngoài việc giảng dạy sơ cấp ở các làng quê, các thầy còn điều hành hai trường học ở trung tâm thành phố, một ở Kompong Cham, một ở Kompong Thom, được nhìn nhận như một trường học của Pháp nhằm chuẩn bị cho các học sinh thi vào trung học (C.E.P). Chương trình được giảng dạy ở đây bằng 3 thứ tiếng: tiếng pháp, tiếng camphuchia và tiếng việt. chắc chắn những trường này không phải là mục đích hàng đầu của các Thầy giảng viên giáo lí, tuy nhiên nó giúp cấu thành những cộng đoàn rất tốt cho những tu sĩ trẻ. Hơn nữa đó là một phương tiện quí giá trong công tác tông đồ (truyền giáo), bởi vì những học sinh của trường phần lớn là những người bên lương.
Một cái nhìn thoáng qua trên công tác tông đồ của các Thầy như trên cho phép có một vài nhận xét. Trước hết, cách thức làm việc theo ê-kíp đã chứng tỏ được tác dụng. Bao lâu nó không thể được áp dụng, thì có nhiều điều ca thán trong hàng ngũ các Thầy. Bây giờ, bình thường các Thầy làm việc từng hai người một, công việc tốt hơn và sống đời tu cũng trung thành hơn.
Mặt khác, các cha cũng đánh giá cao sự phục vụ của họ: Các ngài xin họ giúp. Nhưng mong rằng các Thầy được tham dự các buổi hội thảo và những khoá học do các cha tổ chức, hoặc thỉnh thoảng tham dự các buổi họp với các ngài. Còn nhiều điều phải làm để có sự cộng tác chặt chẽ trong công tác tông đồ.
Bên cạnh đó, Dòng Thánh Gia cũng có những bước tiến phải làm. Số lượng giảm sút còn khoảng mười mấy người, khó có thể đảm nhận tất cả các loại công việc nơi truyền giáo. Những nhu cầu của các kitô hữu đã muốn nuốt trửng các Thầy rồi, các Thầy không còn thời gian cho việc loan báo Tin Mừng cách trực tiếp. Mà đó lại là nhiệt huyết và ơn gọi của họ (Đức cha Chabalier lấy làm tiếc tại sao Dòng lại không được đặt dưới sự bảo trợ của thánh Gioan Tẩy Giả). Trong chính môi trường kitô giáo, họ cần phải sớm trở thành những linh hoạt viên của những hoạt động công giáo. Ở những khoá huấn luyện ở Banam, chúng tôi bắt đầu dạy họ phương pháp sinh hoạt Đạo binh Đức Mẹ, cũng như Đạo binh Thánh Thể và những phong trào khác.

(còn tiếp)
Thông Phán chuyển ngữ


[1] Trích Documentation M.E.P, Juillet 1963
[2] Ở đây có một sự nhầm lẫn. Thật ra Dòng Thánh Gia được thành lập năm 1931 chứ không phải năm 1932 như cha Joseph viết ở đây (xem chỉ dụ lập Dòng Thánh Gia; xem thêm Dựng lều 14, tr. 67)
[3] Công cuộc cải tổ bắt đầu năm 1939 không thể diễn ra trong những điều kiện thuận lợi. sau năm 1941, sự chiếm đóng của Nhật đẩy chúng tôi vào trong một sự thiều thốn gần như là khốn cùng. Rồi chiến tranh Đông Dương, từ 1945 đến 1954, tàn phá miền nam Việt nam (thuộc Phủ doãn tông toà Nam vang): Nguồn tuyển lựa ơn gọi tốt nhất của chúng tôi bị cạn kiệt trong những vùng Việt Minh chiếm đóng. Hoà bình trở lại và vương quốc Khmer được độc lập, Toà Thánh tách các tỉnh của Việt nam khỏi nam vang. Từ đó, trong cộng đoàn công giáo chủ yếu gồm những người Việt định cư ở Campuchia, có nhiều người trở về quê hương nguyên thuỷ của mình. Chính vì thế năm 1957, hàng ngàn người trở về kéo theo hơn 20 em đệ tử của chúng tôi. Cuộc xuất hành này vẫn còn tiếp tục những năm sau đó.
Năm 1963, Dòng Thánh Gia có 54 đệ tử, 10 tập sinh, 39 thầy khấn, trong đó có 15 thầy khấn trọn.
[4] Tương đương 80 francs (khoảng 160.000 ĐVN)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP