Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Tình người…

Dân gian có câu: “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Mặc dù chỉ là câu nói truyền miệng của người xưa để lại, nhưng nó cũng mang một ý nghĩa nào đó nói lên tình người và mối tương quan giữa con người với con người, nhất là những người gần gũi với ta. Ngày nay, câu nói này đối với những người ở nông thôn thì còn có thể, nhưng giữa chốn thành thị thì điều này chưa hẳn đã đúng. Ngày nay, con người ta dường như ít quan tâm đến cái gọi là “tình”, “nghĩa”, “tình người”... Họ đối xử, liên hệ với nhau không phải vì cái “tình” mà là vì tiền bạc, quyền lợi, chỉ vì miếng cơm manh áo mà thôi.

Đó là những chuyện thường tình xảy ra hằng ngày mà ta có thể thấy nhan nhản trên các báo viết về những tranh chấp, tranh cãi, chém giết hay một va chạm nho nhỏ khi tham gia giao thông dẫn đến chửi mắng, xô xát, ẩu đả… chỉ vì một câu nói có thể dẫn đến chém giết lẫn nhau. Phải chăng con người ta ngày nay càng ngày càng mất đi cái gọi là “tình người”? Dĩ nhiên hai cái chén sành để gần nhau thế nào cũng có tiếng kêu, nhưng nếu người đặt hai cái chén gần nhau đó chịu khó để ý một tí thì tiếng kêu của hai cái chén sẽ nhỏ lại, sự tiếp xúc, va chạm sẽ ít đi, và điều quan trọng nữa là một trong hai cái chén sẽ không vỡ, không bị sứt mẻ…
Trong cuộc sống, có những đụng chạm thật là nhỏ nhoi nhưng nếu ta cứ làm cho nó to lên thì cái đụng chạm ấy cũng sẽ rất to. Trong gia đình, “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa mấy đời mà khê”. Vậy cớ sao chúng ta lại không đối xử với nhau bằng “tình người” hơn? Thay vì những đố kỵ, ghen ghét, hung bạo…? Chúng ta lại không đối xử với nhau như hai “động vật có linh hồn”, hai ngôi vị, hai con người, hai tâm hồn? Và chắc chắn một điều là chúng ta sống không phải chỉ có một mình mà là sống liên đới, sống cộng đoàn, cộng đồng, vì con người có xã hội tính.
Đạo Công giáo còn được gọi là đạo tình thương, đạo yêu mến, “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12). Và điều răn quan trọng nhất là mến Chúa, yêu người (Mt 23, 34-39; Lc 10, 25-28; Mc 12, 28-34). Là Kitô hữu, hơn nữa chúng ta là những người quyết tâm bước theo gót Chúa Kitô thì trước tiên chúng ta cũng phải đối xử với nhau bằng tình thương, sự yêu mến và quý trọng. chứ không phải bằng những ghen ghét, đố kỵ, hung bạo. Khuôn vàng thước ngọc cho chúng ta là: “tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7, 12; Lc 6, 31). Tại sao chúng ta muốn những sự tốt lành cho mình còn người khác thì không? Vả lại, Chúa Giêsu còn dạy: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44) còn ai xúc phạm đến mình thì không phải tha đến 7 lần mà bảy mươi lần bảy ( x. Mt 18, 21-22).
Được mệnh danh là những chứng nhân của Chúa, những người quyết bước theo sát Chúa Kitô, tại sao chúng ta không học theo gương Chúa là yêu thương và tha thứ? Nhất là trong đời sống cộng đoàn, nếu mỗi người biết quên đi cái tôi của mình, biết sống vì người khác, biết yêu thương anh em mình, biết đối xử với nhau bằng tình người, thì chính cuộc sống của chúng ta đã là một minh chứng hùng hồn cho bậc sống của những người quyết bước theo sát Chúa Kitô. Chẳng phải chính Mẹ Têrêsa đã chứng minh hành động yêu thương của Chúa qua việc làm của Mẹ đó sao? Và Mẹ đã được cả thế giới biết đến vì Mẹ đã có lòng yêu mến anh em, yêu mến đồng loại, tha nhân như chính Chúa vậy. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta qua cái chết trên thập giá để minh chứng cho tình yêu mà Người dành cho thế gian.
“Hãy đối xử với người bạn gặp gỡ hằng ngày bằng tình thương và tình người”.

Hoa Sữa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP