Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

ĐỐI THOẠI GIỮA ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ

Mỗi người đều tìm cho mình những khái niệm để có thể hiểu về Thượng Đế, về con người, về thế giới quan… Triết học đã tiên phong trong việc tìm hiểu và khám phá những khái niệm mà biết bao người vẫn thường xuyên tra vấn chính mình như có Thượng Đế chăng? Con người từ đâu đến trần gian này? Vũ trụ được làm ra từ những gì?  Không những triết học đã có sự giải thích thế giới quan bên ngoài, mà triết học đã đi sâu vào vấn đề nội tâm như vấn đề về đức tin, vấn đề về lý trí. Triết học thời trung cổ với những triết gia như: Clément D’Alexandrie, Augustin, Thomas d’Aquin, đã có những tìm tòi nhằm giải đáp thắc mắc cho nhân loại nhiều vấn đề mà cho đến ngày nay vẫn còn mang tính thời sự. Đó là những vấn đề về Thiên Chúa, về linh hồn, đức tin và lý trí. Các vấn đề đó cũng chính nền tảng cho việc nghiên cứu những môn thần học ngày nay. Trong bài này chúng ta cùng tìm hiểu một khía cạnh rất quan trọng của triết học thời gian này đó là cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí theo quan điểm của một số triết gia.

1. Một số quan niệm về đức tin và lý trí của các triết gia
Triết học Tây Phương bắt đầu xuất hiện ở Hy Lạp khoảng những năm 800 đến 200 trước công nguyên. Thời gian này Hy Lạp đã xuất hiện một số triết gia lớn như: Parménide, Socrate, Platon, Aristote… Chính những triết gia này đã đi vào lĩnh vực tôn giáo phượng tự khi cho rằng tôn giáo đã góp phần quan trọng trong hầu hết mọi nền văn minh của dân tộc. Chính tình cảm tôn giáo đã tạo nên một sức mạnh đặc biệt nơi một dân tộc bị đè nén do những sức mạnh ghê gớm của các thần thoại. Nhưng có thể nói triết học thời thượng cổ vẫn chỉ được gọi là “triết học ngoại giáo”. Kể từ khi xuất hiện những triết gia như: Clément D’Alexandrie, Augustin, Thomas d’Aquin… thì triết học Kitô giáo có những cuộc tranh luận sôi nổi trong đó phải nói đến những cuộc tranh luận trong khoảng thế kỷ thứ X đến XII. Chính những cuộc tranh luận này đã làm cho triết học Kitô giáo thực sự bừng tỉnh. Sau đây là tóm tắt một số quan niệm về đức tin và lý trí của các triết gia này.
v  Clément D’Alexandrie sinh tại Athènes vào khoảng năm 150 trong một gia đình ngoại giáo. Sau một thời gian tìm tòi ông đã trở lại Kitô giáo. Ông quan niệm triết học không thể thay thế cho mạc khải được. Triết học là để chuẩn bị tâm hồn đón nhận đức tin. Triết học và đức tin không nghịch nhau. Đức tin thật sự là khởi điểm cho đời sống mới. Clément cũng cho rằng nếu khước từ mọi hiểu biết tự nhiên là một thái độ hoàn toàn không có nền tảng, bởi vì đức tin không hề là kẻ thù của lý trí. Ông có một nhận xét rất chí lý là không thể đào sâu đức tin nếu không có lý trí. Những quan niệm về lý trí và đức tin của Clément D’Alexandrie cũng chịu ảnh hưởng một phần nào đó theo quan niệm triết học thượng cổ của Platon và phái khắc kỷ.
v  Thánh Augustin sinh năm 354 tại thành Thagaste, một thành phố nhỏ miền Bắc Phi. Đời sống gia đình thánh Augustin không được dư giả và có lẽ cũng không được yên ấm lắm. Cha của Augustin không phải là một Kitô hữu và là một người nghiêm khắc với vợ con nhưng lại dễ dãi với chính mình. Mẹ của Augustin là thánh nữ Mônica, là một mẫu gương đặc biệt của tấm lòng một người mẹ. Bà là một phụ nữ cầu nguyện, một vị thánh của Giáo Hội, bà hết mực lo cho Augustin được ghi tên vào sổ các dự tòng, nhưng Augustin chưa được lãnh nhận bí tích rửa tội. Ngay từ nhỏ Augustin đã nhiễm những thói xấu của một đứa trẻ thông minh và quậy phá. Thời gian đi học Augustin đã cùng với bạn bè lao vào con đường vui chơi trụy lạc. Năm 19 tuổi  Augustin đọc tác phẩm Hortensius của Cicéro và Augustin thao thức tìm kiếm một thứ chân lý mang lại hạnh phúc đích thực. Tuy nhiên những năm đó Augustin tiếp xúc với lạc giáo, tưởng nơi đây có được chân lý mình tìm kiếm. Lý thuyết này giúp Augustin an tâm hơn về những đam mê xác thịt của mình, bởi theo Manichéisme, sự ác cũng là một nguyên lý căn bản như sự thiện, nó cũng có đủ sức mạnh để khuất phục con người như nguyên lý thiện. Tuy nhiên sau một thời gian Augustin không thoả mãn với học thuyết này, và từ bỏ giáo phái và học thuyết này.
Tình cờ Augustin đọc được tác phẩm Ennéades của Plotin và khám phá ra một thế giới khác, thế giới chỉ xuất phát từ Đơn Nhất thế giới siêu nhiên hay thế giới của sự Thiện, là nguồn suối của mọi hiện hữu; theo đó sự ác chỉ là sự khiếm khuyết sự thiện (privatio boni) mà thôi. Augustin thú nhận rằng chính lý thuyết của những triết gia tân Platon đã giúp Augustin tìm thấy triết lý Kitô giáo trước khi đọc Kinh Thánh và chuẩn bị tâm hồn đến với niềm tin Kitô giáo.
Khi đã trở lại thánh Augustin đã sáng tác hết sức phong phú, Augustin viết rất nhiều tác phẩm và đề cập đến rất nhiều vấn đề, khoảng 130 nhan đề, trong đó là những tác phẩm triết học và thần học có giá trị trong Giáo Hội.
Thánh Augustin đã quan niệm về đức tin và lý trí không thể tách rời nhau cũng giống như triết học và thần học không thể tách rời nơi một người đạo Kitô. Lý trí và đức tin phải kết hợp theo công thức: credo ut intelligas (In Joan, 29,6). Chúng ta có thể tưởng rằng đó là một công thức duy tín, nhưng thật ra không phải thế nếu chúng ta chú ý đến cách giải thích của Augustin: “Dù không người nào có thể tin nếu trước tiên không hiểu, thế nhưng đức tin lúc nào cũng giúp cho người ấy hiểu tốt hơn” (In Psalm 118,18,3). Vì thế Augustin thừa nhận rằng lý trí chúng ta có thể đạt đến những chân lý nào đó, bởi sức mình, nhưng vì thiên hướng đạo đức và sự hướng dẫn của trí tuệ, đức tin làm cho tinh thần chúng ta có nhiều khả năng hơn để đạt đến các chân lý, kể cả chân lý tự nhiên. Theo Augustin điều quan trọng là đức tin chắc chắn hơn sự hiểu biết, điều này mang lại sự giải thoát cho con người không phải là suy tư trừu tượng, nhưng là lòng tin. Đức tin và lý trí sẽ bổ sung cho nhau “hãy hiểu để tin, hãy tin để hiểu”.
v  Thánh Thomas d’Aquin sinh năm 1226, gần Naple. Năm 1243 ngài vào tu trong dòng Đa Minh. Ngài là học trò của Albert Cả ở Paris rồi ở Cologne. Từ năm 1252, ngài tự mình giảng dạy, trước tiên ở Paris, rồi ở Rôma, sau đó về lại Paris và sau cùng ở Naples. Năm 1274, Đức giáo hoàng Grégoire X gọi ngài đến dự Công Đồng chung ở Lyon, Thomas d’Aquin ngả bệnh trên đường và qua đời. Những tác phẩm chính là Tổng luận chống lương dân và nhất là Tổng luận thần học còn dang dở chưa hoàn thành.
Thánh Thomas quan niệm đức tin và triết lý là hai hình thức hiểu biết hoàn toàn khác biệt nhau. Triết lý chấp nhận một chân lý dựa trên sự hiển nhiên nội tại của chân lý ấy, trong khi đó đức tin đón nhận một chân lý dựa trên uy tín của Thiên Chúa Đấng mạc khải.
Đức tin và triết lý không mâu thuẫn nhau bởi vì: Chân lý triết học không bao giờ xung đột với chân lý mạc khải bởi vì cội nguồn của cả hai chính là Thiên Chúa. Nếu có mâu thuẫn đó là dấu không có chân lý, mà chỉ là những kết luận sai lầm hoặc không cần thiết. Đức tin và lý trí có những tương đồng bởi vì những gì con người biết bằng lý trí tự nhiên có những tương đồng thông thường với nhau qua trung gian đức tin. Do đó nếu triết thuyết có chứa đựng những điều nghịch đức tin, điều đó không do triết lý, mà do sự lạm dụng triết lý và sự yếu đuối của lý trí.
Đức tin là điều tối cần vì nếu chỉ nhờ triết lý con người  không thể đạt đến sự hiểu biết có thể cứu thoát nó. Để được cứu rỗi ngoài những hiểu biết triết học, con người cần phải có một giáo thuyết bắt nguồn từ mạc khải của Thiên Chúa. Vì con người hướng đến Thiên Chúa như một cứu cánh vượt khỏi khả năng lý trí.
Đức tin định hướng cho triết lý, vì triết lý biết được chân lý tự nhiên, nhưng bất lực để biết được mầu nhiệm Thiên Chúa.
Thánh Thomas khẳng định chân lý là một, nên lý tính không thể nói ngược lại đức tin; chính đức tin ấy sử dụng lý tính để chỉ ra những mục đích mà đức tin hướng tới. Nhưng lý tính phải hoàn toàn tự do phát triển nội dung theo sự chính xác của các yêu sách của lý tính. Không còn cái “đức tin tìm kiếm trí tuệ” của Anselme, nhưng “lý trí được đức tin xác nhận”. Nói cách khác, triết học của thánh nhân không rút ra giá trị của nó vì nó là triết học của đạo Kitô nhưng vì nó đúng. Do đó cùng với Albert Cả, thánh Thomas là triết gia hiện đại đầu tiên.

Bart khánh
(Còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP