Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Đối Thoại

Âu Phủ

Trong cửa hàng điện tử, anh Tý loay hoay mãi, cuối cùng cũng chọn mua được một chiếc ti-vi của Nhật, máy tốt. Vì khách hàng đông, nên nhân viên bán hàng chỉ hướng dẫn anh một cách sơ sài cho xong thủ tục.

- Anh biết xài ti-vi chứ? - Nhân viên hỏi.
- Biết! Đã xài qua … vài cái. - Tý trả lời.
- Tốt, nhưng cần đọc kỹ hưỡng dẫn trước khi sử dụng, đặc biệt là hướng dẫn về nguồn điện! Ok? – Nhân viên vừa nói vừa đưa cho anh mấy tờ hướng dẫn.
- Ok! Đơn giản. – Tý nhún vai và trả lời.
Về đến nhà, mấy đứa nhỏ cứ chạy lăng xăng và nói ríu rít: - Ba mở ti-vi! Ba mở ti-vi cho con xem đi!...
Chúng hối anh mở ngay ti-vi như thể nếu không thì trời sẽ sập vậy. Vợ anh đứng ngay gần lối cửa ra vào, tay ẵm ngửa đứa nhỏ nhất mới vài tháng tuổi, nhìn anh một cách âu yếm và trìu mến. Cả nhà ai nấy đều phấn khởi và sốt ruột muốn được xem ti-vi mới, khiến anh cũng trở nên bối rối và phấn chấn trong hạnh phúc.
Không kịp đọc hướng dẫn, lắp ráp xong các phụ kiện, anh cắm điện và mở máy. Máy bật sáng. Trẻ nhỏ reo lên. Đột ngột một tiếng nổ:
- Bục!!!
- Khói bốc lên …, từ chiếc ti-vi.
Nhanh như cắt, anh Tý rút ngay chuôi điện. Mấy đứa nhỏ mắt tròn xoe tỏ sự sợ hãi và nín phăng phắc, vì chúng biết rằng có điều gì đó bất ổn xảy ra dù không hiểu đó là cái gì.
Giờ anh mới lấy tờ hướng dẫn ra xem. Ngay mấy dòng đầu có ghi chú, máy xài nguồn điện 110V. Buông tờ hướng dẫn, anh thở dài cùng với câu nói an ủi: - Còn may là không ai bị thương, không bị cháy nhà!
***
Ví dụ trên diễn tả phần nào khái niệm về đối thoại và tầm quan trọng của nó. Không chỉ có đối thoại bằng lời giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, mà cuộc sống được hình thành cùng với sự phong phú đến bất tận của đối thoại. Đối thoại có thể được hiểu một cách đơn giản là sự trao đổi thông tin giữa hai hay nhiều đối tượng cho một mục đích nhất định nào đó. Tuy nhiên, vì cuộc sống phong phú đến bất tận, nên cuối cùng, đối thoại thực chất là gì và đưa đến điều gì sau sự phong phú đến bất tận đó của cuộc sống? Có lẽ khái niệm đối thoại có thể được hiểu rõ hơn qua việc tìm hiểu các khía cạnh sau:
1. Nguồn gốc
Điều rõ ràng và thuyết phục nhất đối với mọi người, đó là con người có khả năng đối thoại và làm cho đối thoại trở nên hiện thực. Qua ngôn ngữ (lời nói hay chữ viết), con người trao đổi tư tưởng tình cảm; từ đó họ có thể hiểu nhau và chia sẻ đời sống vật chất cũng như tinh thần cho nhau. Chính nhờ đối thoại mà kiến thức được xây dựng và xã hội được hình thành. Đối thoại được bắt đầu từ mỗi cá nhân. Mỗi cá nhân tự đối thoại với chính mình qua việc ý thức, kiểm thảo và đặt ra mục đích về cuộc sống của mình. Kế đến, đối thoại được mở rộng trong phạm vi gia đình. Bằng đối thoại của tình yêu đôi lứa, những đứa con được sinh ra; và rồi qua đối thoại giữa cha mẹ và con cái, giữa con cái với nhau, một gia đình thống nhất được hình thành. Mọi người đều có khả năng thực hiện đối thoại, nên một xã hội của hàng ngàn, hàng triệu người vẫn có thể duy trì được một cuộc sống ổn định và mỗi ngày một phát triển.
Quan sát thiên nhiên, chúng ta thấy rằng, một cách nào đó, các loài động vật cũng có ngôn ngữ và đối thoại. Nếu hiểu đối thoại như là một sự trao đổi thông tin giữa hai hay nhiều đối tượng cho một mục đích nhất định nào đó, thì trong thế giới động vật, ngay cả thực vật, các loài đều có đối thoại với đầy đủ những yếu tố trên. Loài ong là một điển hình: chúng có thể thông tin cho nhau biết nơi nào có nhiều hoa để lấy mật. Đối với thực vật, các cây cùng loại tiết ra một loại chất không chống lại nhau nhưng chống lại cây của những loài khác. Ngay cả thế giới vô tri cũng có tiếng nói của nó. Sự thay đổi về thời tiết, những cơn bão lụt hay hạn hán là những tiếng nói của thiên nhiên tới chúng ta. Nếu chúng ta không lắng nghe và đối thoại, thì hậu quả không chỉ là một chiếc ti-vi như ví dụ trên, mà có thể là mạng sống của chính mình, hoặc lớn hơn là sự tồn vong của địa cầu.
Trải dài theo thời gian và không gian bất tận, đối thoại cũng triền miên và mở rộng đến bất tận. Như vậy, đối thoại phát xuất từ đâu? Hay nó chỉ là những hiện tượng bất định của thế giới vật chất?
Theo như niềm tin và theo như mạc khải, đối thoại phát xuất từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong sách Sáng thế, từ đối thoại của Ba Ngôi mà muôn vật được tạo thành. Mọi sự được bắt đầu bằng, “Thiên Chúa nói, “Hãy có ánh sáng;” và có ánh sáng…”Hãy có…”; và có…” Con người thì được sáng tạo một cách đặc biệt hơn. “Thiên Chúa nói, “Chúng ta hãy làm ra con người trong hình ảnh ta…” (St 1:1-31). Như vậy, lời nói của Ba Ngôi, đối thoại của Ba Ngôi là sự sáng tạo ra vạn vật. Qua đối thoại mà vạn vật được tạo thành. Cũng vậy, qua đối thoại mà công cuộc cứu chuộc được thiết lập. Lời chào của Gabriel, “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng bà!” đã làm Ma-ri-a bối rối; nhưng sau cuộc đối thoại, với tiếng xin vâng của Ma-ri-a (Lc 1:26-38) thì công cuộc cứu chuộc chính thức được thực hiện. Ngày cánh chung cũng chính là ngày của đối thoại. “… Khi ta đói các ngươi đã cho ăn… Rồi họ trả lời…” (Mt 25:31-46).
2. Bản chất
Chính từ nơi Thiên Chúa Ba Ngôi mà mọi vật được tạo thành, và cũng từ đó, qua đối thoại mà công cuộc sáng tạo, cứu chuộc và phán xét được tiếp diễn từ nguyên thủy cho đến tận cùng. Nếu đối thoại có nguồn gốc từ Thiên Chúa, thì bản chất của nó không chỉ đơn thần là việc trao đổi thông tin về các chi tiết của cuộc sống, hoặc trao đổi về kiến thức, hoặc trao đổi về tình cảm ghét thương; nhưng bản chất của nó là một con đường đưa đến Thiên Chúa: con đường mạc khải của một Thiên Chúa hằng sống, con đường thể hiện một Thiên Chúa là tình yêu, và con đường của hạnh phúc chân thật.
Con đường của sự sống. Vì Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống, nên thông tin được trao đổi giữa Thiên Chúa và con người là chính sự sống. Đồng thời với lời của Thiên Chúa là sự sống. Nội dung trong đối thoại mà Thiên Chúa truyền tải cho tạo vật là chính sự tồn tại và sự sống của chúng. Tường thuật về sáng tạo trong sách Sáng thế 1:1-31 đã mạc khải về cuộc đối thoại mang đến sự sống này. Sau khi gặp gỡ và sống gần gũi với Chúa Giê-su, Phê-rô nhận ra và tuyên tín rằng: “Bỏ Thầy con biết theo ai, vì Thầy có lời hằng sống” (Ga 6:68). Lời Chúa là lời hằng sống, lắng nghe và đáp trả lời Ngài là có được sự sống vậy (Ga 8:51). Thật vậy, lời Chúa làm phát sinh sự sống và làm triển nở sự sống ấy. Tiên tri I-sa-i-a đã thấy và đã từng làm chứng: lời từ miệng Thiên Chúa phán ra sẽ không trống rỗng, nhưng chúng như mưa như tuyết tưới gội trên mặt đất, làm phát sinh sự sống, sự phì nhiêu và sinh hoa kết trái (Is 55:10-11).
Con đường của tình yêu. Trong đối thoại, Thiên Chúa đã tỏ lộ và trao ban chính Ngài. Ngài là sự sống, nên những gì Ngài đã trao ban chính là sự sống của Ngài và Ngài đã trao ban sự sống đó một cách nhưng không. Sự hiện hữu của trời đất muôn vật và sự sống của chúng ta là một bằng chứng hiển hiện. Từ hư vô, chúng ta được trao tặng một món quà tuyệt đối cao quý, duy nhất và trọn vẹn thuộc về chúng ta, đó là sự sống của chính mỗi người chúng ta. Chúng ta như là những thần minh, có tự do nội tại vô biên và được tôn trọng như một người bạn của Thiên Chúa, thậm chí tự do đến độ có thể quay lưng lại với Ngài. Cuộc đời và cái chết của Chúa Giê-su là một mức độ cụ thể hơn về sự tỏ lộ tình yêu của Thiên Chúa. Ngài không chỉ cởi mở trong đối thoại với con người và vạn vật, nhưng chính Ngài đã sống như những gì Ngài đã đối thoại: “Ngôi Lời đã trở nên nhục thể và ở giữa chúng ta” (Ga 1:14). Và Ngài đã đối thoại với chúng ta bằng trọn vẹn bản thân Ngài: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15:13).
Con đường của hạnh phúc. Thiên Chúa không ép buộc hay áp đặt những mệnh lệnh của Ngài trên chúng ta như người chủ áp đặt trên đầy tớ, nhưng qua đối thoại như những người bạn (Ga 15:15). Quả thật, tự do là điều kiện để có thể có hạnh phúc thật và tự do là bước đầu của hạnh phúc. Tiếp đến, Ngài mời gọi chúng ta nên bạn trong sự hiệp nhất, trong sự chia sẻ sự tốt lành nơi Ngài: “Hãy đến với ta…, vì ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng…” (Mt 11:28-29). Chỉ trong đối thoại, trong sự hiệp nhất với Đức Ki-tô, thì chúng ta mới có thể có hạnh phúc thật là những hoa trái của sự sống. “Hãy ở lại trong Thầy, và Thầy sẽ ở trong anh em. Như cành không thể sinh hoa trái nếu nó không liền với thân, thì anh em cũng vậy nếu anh em không ở lại trong Thầy” (Ga 15:4). Chính trong đối thoại, trong sự hiệp thông hiệp nhất trong tự do với Thiên Chúa thì chúng ta mới có thể sống và sống hạnh phúc. Nếu không, thì cành sẽ héo khô và hoa trái sẽ không bao giờ có.
3. Đối tượng
Từ thực tại con người, từ vị trí của chính mình như là con người, chúng ta có thể nhận diện và thực hiện cuộc đối thoại với ba đối tượng chung đó là: con người, thiên nhiên, và Thiên Chúa.
Đối với đối tượng là con người, nghĩa là là con người, thì đối thoại phải là đối thoại của con người. Trong lịch sử loài người, tiếc thay, đối thoại của con người, theo đúng nghĩa của nó (người – người), đã không được thiết lập một cách phổ biến và rộng rãi; mà ngược lại, đối thoại không của con người (người – vật) lại đã rất phổ biến. Những đối thoại không của con người (người – vật) phổ biến rộng rãi dưới nhiều hình thức như: vua – tôi, chủ - tớ, áp bức – bị áp bức, lường gạt – bị lường gạt, độc đoán – bị lệ thuộc, và nhiều hình thức có tính cưỡng bức tương tự. Đối tượng con người bao gồm chính bản thân mình và người khác, nên nhiều khi đối thoại không  của con người (người – vật) lại xảy ra nơi chính mình. Khi chúng ta không biết tự trọng hặc không biết tự kiểm thì đó chính là khi chúng ta không đối thoại với chính mình như là một con người.
Chúa Giê-su đã dạy một cách rõ ràng về cách con người phải đối thoại với nhau: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả phải là người phục vụ anh em” (Mt 23:8-11). Như thế, trong đối thoại, mỗi người phải tự quyết định cho chính mình và không ai có thể quyết định trên người khác ngoài việc phục vụ đơn thuần. Thêm vào đó, yếu tố chia sẻ, hiệp thông và cởi mở cũng không thể thiếu: “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe biết nơi Cha Thầy thì Thầy cũng đã nói cho anh em hay” (Ga 15:15). Chúa Giê-su không cần phải nói, thì dân chúng cũng biết và kháo với nhau rằng Người là “bạn của dân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11:19). Yếu tố cao quý nhất trong đối thoại ban hữu là sự cho đi chính mình, mạng sống mình vì ban hữu (Ga 15:13). Mọi người là bạn hữu, là anh em.
Ngày nay, đối tượng thiên nhiên rất được chú ý trong đối thoại. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, những lời kêu gọi hãy đối thoại và lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên được đề cập thường xuyên. Sự thay đổi về thời tiết khí hậu và những biến chuyển của thiên nhiên cho chúng ta thấy, chúng ta cần và phải đối thoại với thiên nhiên như đối thoại với một chủ thể chứ không phải là một đối tượng phụ thuộc. Thiên nhiên có tiếng nói riêng – những luật lệ, quy luật độc lập – của chúng mà con người cần tôn trọng, vì nếu không thì đồng nghĩa với sự phá hủy thiên nhiên là việc con người giết hại chính mình.
Trong đối thoại với thiên nhiên, ngôn ngữ để đối thoại chính là khoa học kỹ thuật, và cách vận dụng khoa học kỹ thuật vào việc khai thác thiên nhiên chính là phương cách đối thoại. Thực chất, khoa học kỹ thật là sự bắt chước tự nhiên. Qua việc “lắng nghe” - quan sát, nghiên cứu - thiên nhiên, con người khám phá ra những quy luật tự nhiên, rồi vận dụng chúng cho lợi ích và mục đích của mình. Thiên nhiên luôn mở rộng và “lắng nghe” những nhu cầu của con người. Chúng đang ở với và gắn bó với mọi nhu cầu con người. Đất đai luôn sẵn sàng trao tặng sự phì nhiêu, mặt trời vẫn đang cho đi nguồn năng lượng, và nước luôn cho sự tươi mát… Điều quan trọng là con người có biết “lắng nghe” và vận dụng những khám phá về thiên nhiên một cách hợp lý hay không. Trong thực tiễn cuộc sống, chúng ta không nên chống lại, nhưng vận dụng và khích lệ sự phát triển các công nghệ cao một cách thích hợp.
Trong khi đối tượng con người và thiên nhiên đang được đề cao trong đối thoại, thì dường như Thiên Chúa đang bị quên lãng. Hình ảnh Đấng Tạo Hóa đang bị lu mờ trước sự phong phú và thịnh vượng của vật chất. Dường như sự hưởng thụ một cuộc sống an toàn và sung túc với mọi tiện nghi là tất cả. Nhưng, “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi mạng ngượi, thì…” (Lc 12:20).
4. Mục đích
Mục đích của đối thoại nói chung là thông tin, mà thông tin nguyên thủy và cuối cùng là sự sống được mời gọi và ban tặng qua công cuộc cứu chuộc của Chúa Giê-su; do đó, nói một cách ngắn gọn: Mục đích của đối thoại là sự cứu độ.
 Đối thoại phát xuất từ Thiên Chúa, thì mục đích của nó phải là sự hướng về Thiên Chúa. Qua công cuộc sáng tạo, và sau hết, qua Đức Giê-su Ki-tô, cùng với sự hoạt động sinh động của Chúa Thánh Thần giữa Giáo hội và trần gian, Thiên Chúa Cha đã mạc khải cho nhân loại kế hoạch cứu chuộc đầy tình yêu dành cho hết mọi loài trong Đức Ki-tô, Con yêu quý của Ngài. Kế hoạch này được bắt đầu và thực hiện qua đối thoại, đối thoại trước hết nơi Ba Ngôi, rồi kế đến là đối thoại giữa Thiên Chúa và muôn loài. Bằng đối thoại trong tự do và tình yêu mà Thiên Chúa đã thực thi mầu nhiệm[1] ơn cứu độ, chứ Ngài không áp đặt ơn cứu độ cho muôn loài.  Bằng đối thoại, Thiên Chúa mời gọi và trao ban ơn cứu độ cho con người, đó là được nên một trong sự hợp nhất với Thiên Chúa Ba Ngôi; và cũng bằng đối thoại, con người co thể đáp trả và đón nhận ơn cứu độ từ Thiên Chúa.
Vì con người luôn trong mối tương quan: tương quan với con người, với vạn vật và với Thiên Chúa, mà mọi tương quan đều hướng về sự hợp nhất, về Thiên Chúa trong tự do và tình yêu; nên mọi hoạt động, mọi đối thoại của con người cần phải phục vụ cho sự hợp nhất và hướng về Thiên Chúa. Chính vì thế mà, “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9:41-42). Trong cuộc sống hàng ngày, dù những đối thoại tầm thường đến mấy nhưng nếu chúng mang hình ảnh Thiên Chúa thì chúng đều có giá trị cứu chuộc. Mọi đối thoại để thông hiểu nhau, dù rất đơn sơ và mộc mạc, nhưng với một tình yêu tình mến chân thành thì đều dẫn đến sự hiệp nhất trong Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Tuy nhiên cũng cần phân biệt rằng, không phải mọi cuộc nói chuyện với nhau là đối thoại.
5. Ý nghĩa
Khi nói đến đối thoại, chúng ta thường hình dung ngay đến sự bình đẳng, cởi mở, tôn trọng, liên đới và hiểu biết nhau hơn giữa những người đối thoại. Những điều này cần thiết, vì thực tế, con người không thể lĩnh hội toàn bộ chân lý và sự thật trong một lúc một buổi nhưng là từng bước một. Đối thoại chính là con đường mà con người có thể đi đến và thực hiện từng bước tiến này. Lịch sử nhân loại cho thấy, con người tiến triển theo dòng thời gian, từ hoang dã cho đến tổ chức xã hội chặt chẽ, từ man di cho đến văn minh hiện đại. Điều kiện sống, trí tuệ và tài năng của con người không ngừng được nâng cao, phát triển. Cũng qua đối thoại mà mỗi cá nhân có thể từng bước khám phá ra chính mình. Đối thoại giúp mỗi cá nhân đối diện với chính mình và với người khác một cách hài hòa.
Nhìn lại lịch sử Giáo hội, chúng ta cũng thấy rằng, Thiên Chúa không mạc khải về chính Ngài trong một lúc cố định, nhưng là theo dòng thời gian tiến triển của con người. Thiên Chúa đồng hành với nhân loại như cha mẹ đồng hành với con cái của mình: thủa bé thơ, cha mẹ bồng ẵm; tập đi, cha mẹ dìu dắt; tuổi trưởng thành, cha mẹ tín thác sự nghiệp nhưng vẫn luôn thương yêu, dìu dắt và đỡ nâng. Từ thủa khai thiên lập địa, Thiên Chúa đã ủ ấp các tổ phụ; thời lữ hành, Ngài dìu dắt Ít-ra-en; và khi thời gian tới hồi viên mãn, Ngài tỏ chính Ngài qua Con Người, Đức Giê-su Con Một Ngài; và Chúa Thánh Thần tiếp tục công trình tình yêu ấy.
Ý thức sứ mạng của mình, Giáo hội ngày nay rất chú trọng đến đối thoại. Giáo hoàng Phao-lô VI được xem như là người tiên phong trong việc khám phá lại giá trị của đối thoại. Ngài viết, “Giáo hội nên tham gia cuộc đối thoại với thế giới nơi mà nó tồn tại và ra công làm việc” (Ecclesiam Suam, 67). Nói về ý nghĩa của đối thoại, thì ngài nói rằng, chúng ta “cần chờ đợi thời gian khi mà Thiên Chúa làm cho đối thoại của chúng ta trở nên có tác dụng” (ES, 79). Nhiều tài liệu của Giáo hội (Nosta Aetate, Lumen Gentium, Ad Gentes, Gaudium et Spes), cùng với việc nhìn nhận giá trị của các tôn giáo khác, đã cổ võ cho đối thoại và hợp tác rộng rãi giữa Công giáo và các tôn giáo khác. Riêng Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II kêu gọi, “Mỗi thành viên của người tín hữu và mọi cộng đoàn Ki-tô hữu được mời gọi thực hiện việc đối thoại” (Redemtoris Missio, 57). Đối thoại từng bước giúp chúng ta khám phá ra chính mình, đón nhận người khác và đi đến chân lý.
***
Từ những tìm hiểu trên, chúng ta nhận thấy rằng, để đến với sự sống, tình yêu và hạnh phúc, đối thoại cần được thực hiện một cách nghiêm túc trong cuộc sống mỗi ngày, nơi mỗi người và đặc biệt là trong các cộng đoàn tu. Đối thoại không là một khái niệm thuộc về lý thuyết, một phương thế để khéo léo giải quyết các vấn đề; nhưng là một khái niệm đòi hỏi thực hành, đòi hỏi sống và làm hiện thực nó, không chỉ bằng lời nói mà bằng cả cảm xúc, tư tưởng và hành động. Mong rằng, qua đối thoại, hết mọi người chúng ta được hòa giải với nhau và với Thiên Chúa!n


[1] “Mầu nhiệm”: - Đối với người Ki-tô hữu, khái niệm “mầu nhiệm” không có nghĩa là “không biết”, nhưng được hiểu là kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho hết mọi loài trong Đức Ki-tô, và kế hoạch này không thể được hiểu theo cách lý giải, tư duy của con người nhưng là bằng niềm tin siêu nhiên.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP