Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

CHỨNG NHÂN

Một điều quan trọng nhất mà Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ đến các Môn đệ trước khi về trời là: “anh em hãy là những chứng nhân cho Thầy”. Chứng nhân là người không chỉ làm chứng mà còn sống điều mình chứng kiến đó. Điều Chúa muốn các Môn đệ làm chứng nhân là “có lời Kinh Thánh chép rằng, Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,46-7).

Các Môn đệ, để trở nên những chứng nhân cho Chúa, trong thời gian đầu các ông cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có những lúc các ông muốn bỏ cuộc, như hai môn đệ trên đường trở về quê Em-mau. Nhưng khi được Chúa hiện đến, đồng hành và thêm đức tin cho các ông, thì các ông đã can đảm làm chứng về biến cố tử nạn và phục sinh của Người. Sau biến cố này theo Công vụ Tông đồ thuật lại, thì các ông đã làm nhiều điềm thiêng dấu lạ, rao giảng Đức Kitô Phục Sinh một cách hăng say, không quản ngại những thế lực ngăm đe, bách đạo lúc bấy giờ. Điều có thể giúp cho các ông chính là ơn Chúa Thánh Thần, và sự hiệp thông vơi Đức Kitô Phục Sinh qua việc cử hành nghi lễ bẻ bánh, đời sống cầu nguyện liên lỉ: “tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí và chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1,14). Có thể nói, đó chính là nguồn mạch nuôi dưỡng đời sống chứng nhân của các Tông đồ đối với mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô.
Khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên những chứng nhân đích thực cho Đức Kitô, vì khi đó chúng ta được gọi bằng một tên mới là kitô hữu, tức là những người có Đức Kitô. Hay nói như thánh Phao-lô “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Thật vậy, cả cuộc đời Đức Giêsu là chứng nhân cho Thiên Chúa Cha, chứng nhân về tình yêu thương và lòng thương xót, chứng nhân về sự tha thứ, chứng nhân về sự hy sinh tận hiến cho con người đến chết, mà chứng nhân quan trọng là chứng nhân quyền năng vinh hiển của Thiên Chúa Cha, bằng cách Người đã phục sinh đời đời cùng Thiên Chúa, sau khi chết được ba ngày.
Sau khi lãnh nhận ơn gọi làm con cái Chúa, tuỳ theo ơn gọi và sự đáp lại tiếng Chúa gọi mà mỗi người chúng ta sẽ là những chứng nhân trong đời sống gia đình, trong đời sống tu trì (ơn gọi làm linh mục, tu sĩ). Như vậy, cuộc sống của chúng ta phải thể hiện ra bên ngoài một hình ảnh Đức Kitô luôn biết yêu thương, sẵn sàng tha thứ, và không ngại hy sinh cho mọi người xung quanh. Giáo hội chúng ta là Giáo hội chứng nhân, nên mỗi thành viên sống trong Giáo hội dù ở môi trường nào cũng được mời gọi là chứng nhân cho Đức Kitô Phục Sinh. Chứng nhân cho sự ăn năn sám hối từ bỏ tội lỗi để cũng được đón nhận sự sống viên mãn cùng với Đức Kitô Phục Sinh trong ngày sau hết. Một trong những điều vẫn đang diễn ra hàng ngày trong Giáo hội là việc lắng nghe Lời Chúa và thực hành điều Chúa dạy có khoảng cách rất xa. Cụ thể là những người kitô hữu vẫn đến nhà thờ tham dự thánh lễ và các nghi thức phục vụ, nhưng khi trở về cuộc sống thì họ chưa mang được tin mừng của Đức Kitô vào cuộc sống. Một số kitô hữu chưa sống lời Chúa, thậm chí còn có một đời sống phản Tin Mừng. Như vậy là chúng ta đâu có làm chứng cho Chúa mà chúng ta đang làm chứng cho chúng ta, vì chúng ta không sống theo lời Chúa. Từ đó có thể gây nên gương mù cho chính những người theo Chúa hoặc những người xung quanh.
Là một kitô hữu, chúng ta có nhiệm vụ là chứng nhân cho Đức Kitô, vì qua bí tích thánh tẩy chúng ta được tham dự vào ba chức vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương giả của Đức Kitô. Cho nên, bổn phận sống chứng nhân đối với mỗi người chúng ta quả thật nặng nề vì chính thánh Tông đồ  Phao-lô đã cho ta những kinh nghiệm đó: “sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm7,19). Chứng nhân cho Chúa dường như vượt ngoài bản tính tự nhiên của con người của chúng ta. Nhưng với sự hy vọng và niềm tin vào Chúa Phục Sinh như các tông đồ, cộng thêm sự hiệp thông sâu xa hơn với Chúa qua lời cầu nguyện, và chính Mình Máu Thánh Người nơi bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng đời sống đức tin mỗi ngày của chúng ta, thì chắc chắn rằng mỗi người chúng ta sẽ có thể làm chứng nhân cho Chúa bằng thi hành lời của Người trong cuộc sống của mình.

Bart Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP