Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Thành Kiến Về Sự Phân Biệt…

Tháng 5, tháng hướng về Mẹ Maria, hướng về và tôn vinh một Người Phụ nữ tuyệt vời của nhân loại nói chung, và người Công giáo nói riêng. Nơi Mẹ, hình ảnh người phụ nữ được hoàn thiện và trở thành gương mẫu cho mọi gia đình. Tuy nhiên, ngày nay mặc dù người phụ nữ đã được nhìn nhận có một giá trị và quyền làm người như mọi người nam khác, thì điều đó, ít nhiều cũng chỉ còn ở bình diện lý thuyết. Và thực tế thì sao? Sau đây xin được chia sẻ một vài suy nghĩ về vấn đề này cùng bạn đọc, nhân dịp tháng kính Đức Mẹ.

Thế kỷ 20 vừa qua là một thế kỷ sôi động với các phong trào: Giải phóng dân tộc; giải phóng người phụ nữ; bênh vực quyền lợi phụ nữ và trẻ em, v.v… Thế nhưng, cho đến hôm nay, vấn đề nữ quyền vẫn còn là một vấn đề nóng bỏng và bức thiết cho thế kỷ 21.
Thật vậy, mặc dù người ta đã cố gắng bênh vực và đề cao phẩm giá của người phụ nữ, nhất là ở các nước Tây phương. Nhưng hình như, điều đó vẫn còn là một lý thuyết, một phong trào chứ chưa phải là chuyện của thực tế. Bởi lẽ sự phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn còn đó, nó đã ăn sâu vào trong tâm thức, văn hoá và nếp sống của con người và xã hội; nó đã trở thành một thứ thành kiến quá vững chắc, được xây dựng từ bao thế hệ, và gần như không thể nào phá đổ được…
Ngày nay, sự phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn luôn diễn ra trên thế giới với nhiều hình thức khác nhau, như là: buôn bán phụ nữ; quấy rối tình dục; trả lương không cân xứng; phân biệt trong công việc v.v… Gần đây, tại một cuộc họp do nhóm hoạt động “Vì quyền bình đẳng” của LHQ tổ chức nhân ngày Quốc tế Phụ Nữ 8/3, bà cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Rodham Clinton đã kêu gọi các nước hợp tác với nhau để chấm dứt nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em. Bà hết sức đả kích phong trào Hồi giáo cực đoan, đã xâm phạm nữ quyền tệ hại nhất trên thế giới. Bà còn chưng dẫn một vài sự kiện liên quan đến việc phân biệt đối xử: “người ta đã kể vô số chuyện về việc vi phạm nữ quyền: Chuyện người phụ nữ bị đánh đập bằng dây kim loại, vì dám để lộ mắt cá chân ra ngoài; chuyện người phụ nữ bị đưa từ bệnh viện này đến bệnh viện khác cho đến lúc chết, chỉ vì bệnh viện không có bác sĩ nữ, còn bác sĩ nam thì không chữa bệnh cho phụ nữ”[1].
Một sự phân biệt đối xử khác khá phổ biến là tại Bang Rajasthan thuộc miền bắc Ấn Độ, người phụ nữ bị đem bán và đổi trác như một thứ hàng hoá, mà giới cầm quyền vẫn làm ngơ xem như là chuyện bình thường. Còn ở các vùng nông thôn, các em gái thường được cha mẹ gả chồng, rồi sau đó có thể bị người chồng bán cho người khác làm vợ. Và người chồng sau này nếu thấy chán thì cứ tiếp tục bán cho người khác… cứ thế! Tệ hại hơn nữa là tại các nước Châu Phi, vấn đề nữ quyền bị chà đạp một cách nghiêm trọng với hủ tục cắt bộ sinh dục ngoài của phụ nữ. Ngoài nỗi đau suối đời không quên, biết bao phụ nữ phải bị bỏ mạng hay bị vô sinh, do bị nhiễm trùng từ dụng cụ cắt xẻo thiếu vệ sinh.
Còn tại các nước phát triển, sự phân biệt đối xử với phụ nữ tưởng chừng như không còn nữa. Thế nhưng, thực tế cho thấy, thành kiến và sự phân biệt vẫn còn đó, dưới nhiều hình thức khác nhau, phổ biến nhất là nạn quấy rối tình dục. Các Trung Tâm Tư Vấn cho biết, số phụ nữ bị quấy rối tình dục ngày càng gia tăng. Hàng năm có đến 4% trẻ em dưới 7 tuổi bị lạm dụng tình dục, 49% phụ nữ đưới 19 tuổi bị quấy rối tình dục; và 9% cho biết luôn bị nam giới coi thường và cưỡng ép tình dục. Đặc biệt, gần đây báo chí đưa tin, một ông bố 78 tuổi người Áo, đã giam đứa con gái út của mình trong căn hầm suốt 24 năm để lạm dụng tình dục. Thật là một điều không thể tưởng được tại một đất nước văn minh.
Còn ở việt Nam chúng ta thì sao? Rõ ràng là người phụ nữ vẫn còn bị phân biệt đối xử khá nhiều. Sự phân biệt đối xử đó một phần là do những thành kiến có tính cách tiên kiến, và một phần là do ảnh hưởng của nền văn hoá Nho giáo - Lão giáo. Nền văn hoá này đã làm cho người phụ nữ bị gò bó bởi “tứ đức tam tòng”, bởi “công dung ngôn hạnh”, bởi quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Vì thế, người phụ nữ bị phân biệt ngay từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, nhất là những phụ nữ thuộc gia đình phong kiến. Mới đây, một phóng sự của Đài VTV1 cho thấy, đa số dân miền bắc hôm nay vẫn thích sinh con trai hơn là con gái, và điều đó sẽ dẫn đến sự chênh lệnh về phái tính ngày càng trầm trọng[2]. Với quan niệm của người Việt, phụ nữ vẫn luôn bị coi là “phái yếu”; phái yếu nhưng lại thường phải làm việc quá tải và quá sức… Thật vậy, đa số người phụ nữ Việt Nam phải làm việc vất vả suốt ngày. Họ phải gánh vác nhiều công việc, từ việc đồng áng, cầy cày cho đến cộng việc nơi công xưởng lẫn nội trợ, từ việc nuôi dạy con cái cho đến phục vụ gia đình, dòng tộc… và còn biết bao nhiêu công việc không tên tuổi khác mà người phụ nữ phải làm, mà không bao giờ được trả lương cho tương xứng.!
Chính thành kiến của xã hội đã tạo nên những người phụ nữ như vậy. Và nếu một người phụ nữ nào đó không biết phục vụ chồng con, không biết làm việc nội trợ hay không quan tâm đến việc nuôi dạy con cái thì sẽ bị xã hội lên án gắt gao, cho rằng đó không phải là một người phụ nữ nết na, không có công dung ngôn hạnh, không có tứ đức tam tòng, không phải là một người phụ nữ lý tưởng, cho dù người đó là một lãnh tụ hay là một chính trị gia giỏi giang hoặc là một nhà kinh doanh đại tài vv… Điều này cho thấy rằng, thành kiến phân biệt đối xử đối với phụ nữ đã trở thành một ý thức hệ và đã ăn sâu vào tâm thức của con người. Mặc dù xã hội ngày hôm nay, đã có những quan niệm khá hơn về phẩm giá, về quyền bình đẳng của người phụ nữ trong tương quan với người khác phái. Thế nhưng, một cách nào đó, sự phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn luôn có mặt ngay trong những chuyện thường ngày, nơi gia đình, trong công xưởng và ngoài xã hội. Dù có cố gắng cách nào đi nữa thì họ cũng không thể thoát khỏi cái nhãn hiệu là “phái yếu”, là “liễu yếu đào tơ” là “chuyện đàn bà con nít”. Bởi vì thành trì của những thành kiến phân biệt đối xử đã bao quanh thế giới của họ, nhất là người phụ nữ ở những nước kém phát triển.
Tóm lại:  Sự phân biệt đối xử với phụ nữ là một vấn đề muôn thuở, chẳng bao giờ chấm dứt trong cuộc sống. Những cố gắng của xã hội nhằm bênh vực quyền lợi người phụ nữ, ngõ hầu cho họ được là chính mình một cách đúng nghĩa, thì vẫn còn là chuyện của lý thuyết, của phong trào, của sự hô hoán, bởi lẽ khó có thể thực hiện điều đó trong một sớm một chiều được. Điều đó thực sự là khó đối với xã hội con người, vì thế mà có ý tưởng cho rằng, “thà san bằng dãy núi Hy-mã-lạp-sơn còn dễ hơn là san bằng một thành kiến có từ trong bản chất”.
Nhìn lên Mẹ Maria, tất cả những người phụ nữ Công giáo có quyền được tự hào và “đứng thẳng người lên”, vì chúng ta có một người Mẹ tuyệt vời. Mẹ đã hoàn thành sứ mạng làm người phụ nữ nơi trần thế, với tất cả sự tự do và phẩm chất thiêng liêng cao quý của mình. Chắc chắn rằng, hình ảnh của Mẹ sẽ luôn là một sự soi chiếu và đồng hành với con cái mình, trên bước đường hoàn thành sứ mạng của người phụ nữ, đúng với phẩm chất và ơn gọi riêng.

Anphong Lê Quốc Dũng


[1] Báo Phụ nữ số 9, ra ngày 14-3-1999.
[2] Đài VTV1, phát lúc 19giờ 20 phút, ngày 05-05-2008.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP