Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

ĐỐI THOẠI GIỮA ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ

(tiếp theo và hết)

2. Bài học được rút ra từ một số quan niệm của các triết gia về đức tin và lý trí           
Lịch sử nền triết học bắt đầu xuất hiện các triết gia vào những năm 800 trước công nguyên. Nhưng triết học thật sự đi sâu vào lĩnh vực Kitô giáo từ khoảng thế kỷ thứ X. Triết học kinh viện đã để lại cho chúng ta nhiều bài học phong phú, điển hình nhất chính là bài học về đức tin và lý trí. Cũng nhờ những quan điểm của các triết gia như thánh Augustin, Thomas mà nền triết học và thần học Kitô giáo đã đứng vững trước bao nhiêu là quan điểm phủ nhận niềm tin vào Thiên Chúa.

Ngay từ khi Giáo hội sơ khai, sau khi làm phép lạ chữa lành một người què, các thánh tông đồ đã dạy các tín đồ theo đạo Kitô giáo rằng: “Chính nhờ lòng tin vào danh Người, mà danh Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp; chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn, như thế, ngay trước mặt tất cả anh em” (Cv 3,16). Như vậy điều cốt lõi của đạo Kitô giáo đã được các tông đồ nhấn mạnh khi rao truyền Chúa Phục Sinh chính là đức tin. Nhưng đức tin lại là một thứ siêu nhiên, không thể có được khi chỉ dựa vào lý trí, mà cần có sự trợ giúp của Thiên Chúa qua mạc khải. Chính Chúa Giêsu sau khi phục sinh đã hiện đến với các tông đồ. Trong một số lần hiện đến thì không có mặt tông đồ Tôma. Trong một lần khác hiện đến, và lần này có mặt ông Tôma ở đó, Người đã cho ông xem các vết tích ở tay, cạnh sườn và ông đã tin, sau đó Chúa còn để lại một lời chúc phúc rằng “phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20,29). Đây là một câu nói vẫn dùng để nhắc nhở những kẻ kém tin. Còn thánh Phaolô lại nhắc nhở rằng “Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng: ngưòi ta nên công chính vì tin chứ không phải vì làm những điều Luật dạy” (Rm 3, 28-29). Ngoài ra Giáo hội cũng xác quyết rằng mạc khải phải được đón nhận bằng đức tin (x. Rm 16,26; Rm 1,5; 2Cr 10,5-6). Nhờ sự vâng phục đó, con người phó thác toàn thân cho Thiên Chúa một cách tự do, “dâng lên Thiên Chúa mạc khải sự quy phục hoàn toàn của lý trí và ý chí” đồng thời sẵn sàng chấp nhận mạc khải Ngài ban cho. Để được niềm tin này, cần có ân sủng Thiên Chúa đi trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần, Ngài thúc đẩy, quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và làm cho “mọi người cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tin theo chân lý” và để việc hiểu biết được sâu rộng thêm mãi, cũng chính Chúa Thánh Thần không ngừng kiện toàn đức tin qua các ơn của Ngài. Vậy có thể nói người theo Thiên Chúa để được cứu rỗi thì phải có niềm tin vào Ngài. Còn những triết gia thì nói về đức tin như thế nào? Chúng ta biết rằng để tin vào Thiên Chúa, Giáo Hội đã dựa vào những mạc khải chính yếu từ Thiên Chúa. Đó chính là mạc khải qua Thánh Kinh và qua truyền thống của các thánh Tông đồ thời Chúa Giêsu. Cũng giống như thánh Tôma đã từng thách thức các môn đệ và thách thức cả Chúa Phục Sinh rằng nếu tôi không thấy Ngài thì tôi không tin. Chúng ta cũng là những con người còn nhiều giới hạn về lý trí. Nên không thể dùng lý trí để hiểu hết mọi sự. Còn cần phải có sự trợ giúp của đức tin để có thể chấp nhận chân lý tuyệt đối.        
Triết gia Clément d’Alexandrie cho rằng triết học không thể nào thay thế được mạc khải. Điều này đã là những chứng cứ để phản đối lại tư tưởng của một số triết gia quá đề cao sự hiểu biết của con người. Họ cho rằng tất cả mọi sự như: Thượng đế, vũ trụ, con người… đều có thể hiểu được thông qua triết học mà cụ thể là các triết gia mà thôi. Mạc khải theo quan điểm của Clément mới có thể giúp con người tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. Triết học là tri thức phù hợp bản tính với con người. Theo ông, triết học chỉ trong khả năng nhận thức của con người. Do đó triết học cũng còn hạn chế không thể giải thích mọi khúc mắc cho con người về Thiên Chúa, mà triết học hay lý trí con người chỉ có thể là phương tiện giúp niềm tin của chúng ta thêm vững chắc. Hay triết học chỉ là nền móng giúp chúng ta đón nhận đức tin một cách chắc chắn hơn. Triết gia Clément khẳng định rằng triết lý của triết học không những nghịch với đức tin mà còn giúp đào sâu đức tin. Không thể đào sâu đức tin nếu không có sự đóng góp của lý trí. Lý trí giúp cho đức tin trở nên khả tín.
Thánh Augustin là một con người đã có một thời gian dài ăn chơi sa đoạ trước khi trở lại với Kitô giáo. Ngài có một kiến thức rất sâu sắc. Khi trở lại Kitô giáo ngài có nhiều kinh nghiệm để nói về đức tin. Từ sau biến cố trở lại, ngài coi Kinh Thánh là nguồn mạch chắc chắn hơn mảnh đất của lý luận. Đối với Augustin, đức tin chắc chắn hơn sự hiểu biết; điều mang lại giải thoát cho con người không phải là suy tư trừu tượng nhưng là lòng tin nơi sự kiện lịch sử về cuộc đời, cuộc tử nạn và Phục Sinh của Đức Kitô. Cũng theo ngài, sự hiểu biết của lý trí và đức tin là hai điều không thể tách rời nhau và có giá trị như nhau khi ngài tuyên bố: “Hãy hiểu để tin, hãy tin để hiểu”. Hiểu để tin nghĩa là đức tin của chúng ta phải dựa vào những cách thức suy tư triết học, kiến thức, nhưng không có nghĩa là đức tin sẽ phụ thuộc vào lý trí. Hiểu để tin cũng phải là quá trình học hỏi sau khi đã nhận được đức tin, để cho đức tin thêm sáng tỏ và lan toả trong nhiều lĩnh vực đời sống của nhân loại. Như vậy lý trí xuất hiện trong cả hai trường hợp trước và sau khi tin. Quan điểm của thánh Augustin hài hoà giữa lý trí và đức tin: cần có sự hiểu biết thì đức tin mới đạt đến trạng thái đỉnh điểm. Tuy nhiên nếu chỉ có lý trí, hoặc sự hiểu biết thì cũng không thể nào đi tìm ngay được đức tin, mà cũng cần phải có một đức tin cơ bản thì mới có thể giúp chúng ta đào sâu thêm đức tin qua các phương tiện của lý trí. Nhưng chúng ta sẽ không chỉ ngồi đó mà chờ đợi để có đức tin, và đức tin sẽ không có một cách tự nhiên cho con người. Muốn có đức tin không gì khác chúng ta phải lao động cật lực mày mò tìm hiểu thông qua tri thức để đạt được nó cách chắc chắn. Lý trí là một phần rất quan trọng giúp chúng đạt được những chân lý nào đó phù hợp với sức của mình. Còn đối với những vấn đề thuộc về đạo đức cần có một sự hướng dẫn của trí tuệ, đức tin mới làm cho tinh thần chúng ta có khả năng đón nhận những chân lý.
Thánh Thomas lại có những quan điểm khác với Clément và Augustin, khi ngài cho rằng đức tin và triết lý là hai lĩnh vực hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên những nhận định của thánh Thomas là hoàn toàn phù hợp, bởi vì cách đón nhận những chân lý khác nhau, có nhiều chân lý, triết lý chỉ có thể đón nhận được chân lý hiển nhiên nội tại. Còn đối với đức tin thì có thể đón nhận được những chân lý siêu nhiên dựa trên những mạc khải của chính Thiên Chúa. Từ những nhận định trên của thánh Thomas giúp chúng ta có thể có một lối nhìn sâu sắc hơn về đức tin và lý trí. Ngoài ra trong một vài trường hợp, chúng ta đôi khi đòi hỏi một cách quá đáng khi muốn đi đến tận cùng của chân lý siêu nhiên thì mới chấp nhận sự thật. Tất nhiên điều này là không thể mà chỉ có đức tin mới giúp ta đi đến tận cùng của chân lý mà thôi. Thánh Thomas cũng chỉ ra rằng chân lý siêu nhiên không thể tìm được bằng lý trí, mà phải cần đến đức tin. Chúng ta cần phải có những trung gian để làm sáng tỏ hơn giữa đức tin và lý trí. Tất cả những triết thuyết mà chúng ta muốn đưa ra làm trung gian cần phải tham khảo xem có phù hợp với đức tin không? Nếu không phù hợp cần phải xét lại triết thuyết đó. Cũng có những lúc chúng ta mượn danh lý trí để có thể bác bỏ một quan niện của đức tin, điều này cho ta thấy đó chỉ là một sự yếu kém của lý trí mà hoàn toàn không phù hợp với đức tin. Chúng ta cũng không quá chủ quan vào lý trí của mình trong lĩnh vực siêu nhiên mà cần phải có sự hướng dẫn của đức tin kèm theo. Sự hướng dẫn của đức tin là dựa vào những mạc khải của chính Chúa thông qua Giáo hội. Vì thánh Thomas cho biết triết lý chân lý tự nhiên không thể biết được chân lý mầu nhiệm Thiên Chúa do đó chỉ bằng con đường đức tin chúng ta mới có thể chấp nhận những chân lý siêu nhiên. Chúng ta chỉ có thể coi lý trí như là những phương tiện phục vụ cho đức tin, dùng triết lý để đẩy lui và loại bỏ những điều nghịch với đức tin.
Qua việc tìm hiểu những quan niện về đức tin và lý trí của các triết gia Clément D’Alexandrie, Augustin, Thomas. Chúng ta có được những bài học mới để hiểu thêm con đường đi tìm chân lý tuyệt đối là Thiên Chúa. Muốn hiểu biết chân lý tuyệt đối về Chúa, về các mầu nhiệm. Chúng ta cần phải biết dựa vào sự hiểu biết của lý trí đồng thời cũng cần một đức tin vững mạnh để đón nhận chân lý tuyệt đối ấy. Thánh Augustin và thánh Thomas cũng chính là những nhà thần học vĩ đại trong lịch sử Giáo Hội, những quan điểm về thần học của hai thánh nhân chính là  nền tảng về thần học ngày nay của Giáo Hội. Bài học về đức tin và lý trí có một giá trị cụ thể giúp cho mỗi người chúng ta có thể đào sâu thêm đức tin của mình thông qua lý trí hiểu biết. Đồng thời chúng ta có thể chia sẻ và giúp đỡ những người xung quanh để họ cũng đón nhận được chân lý tuyệt đối là Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc của mọi chân lý.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Trọng Viễn. Lịch sử triết học tây phương, tập II. TPHCM, Học viện Đa Minh, Nxb: 1998.
- Vĩnh An. Triết học tây phương, tập III. TPHCM, Trẻ, 2006.
- Đỗ Ngọc Bảo. Chuyển ngữ Nhập môn triết học. TPHCM, Học viện Đa Minh, Nxb: 2007.
- Veritas. Những vấn đề thời sự. Chân lý Giáo hội trong thế giới ngày nay.

Bart khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP