Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

SỐNG Ở ĐỜI…

“Sống ở đời…”. Bây giờ đọc trong các sách triết lý cuộc sống, hay nghe nơi cửa miệng nhiều người câu này quá! Ngay cả tôi cũng thỉnh thoảng vô tình nói ra, nói mà không suy nghĩ, nói như một kiểu tỏ vẻ hiểu đời (nhưng thật ra chẳng hiểu gì cả!). Nhưng rồi hôm nay ngẫm nghĩ lại, chợt thấy hơi băn khoăn về 3 chữ này. Sống ở đời… Phải sống thế nào?

Người ta hay rỉ tai nhau những thói sống, những cách xử sự, những kiểu đối nhân xử thế mà khi nghe xong tôi chỉ còn biết…kêu trời! Có lần tôi nghe được một cuộc đối thoại giữa người mẹ và đứa con gái chỉ mới 4 tuổi:
            _ Con ngu quá, đi học mà không biết nịnh cô gì hết à!
            _ Nịnh là sao hả mẹ?
            _ Là theo cô, nhõng nhẽo với cô, khen cô mặc áo này đẹp, nghe lời cô, lâu lâu hôn cô một cái!
Nghe xong tôi chỉ biết lắc đầu. Dạy con kiểu này… Đúng là không có gì sai trái nghiêm trọng, nhưng tâm hồn đứa trẻ đã bị áp đặt những suy nghĩ, những cách xử sự “khôn ngoan” của người lớn mất rồi! Có thể nó sẽ làm tất cả những việc đó theo tình cảm của nó, nhưng bây giờ thì nó đã biết đó là “nịnh”, và nó biết nó phải làm như thế để nó được cô thương hơn, được cô ưu tiên, dành cho nhiều đặc ân hơn. Những lời nói, những hành động yêu thương vô tình bị đem ra thành một món hàng để đổi chác.
Tôi đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến những việc tưởng như rất bình thuờng nhưng…rất không bình thường! Nguời ta sống không thật ở mọi nơi, trong mọi việc (dĩ nhiên là vẫn có ngoại lệ). Bây giờ có lẽ người ta không lạ gì một đứa bé 3 tuổi biết nói này nói nọ, biết khen mình cái này cái kia để xin một món gì đó, cây kẹo chẳng hạn, được rồi thì đi ngay, và lại tiếp tục khen người khác để xin cái khác. Nhiều khi chúng khen mà chẳng biết mình khen gì, vì chúng đã được lập trình sẵn bởi cách giáo dục của gia đình, của những người xung quanh. Từ nhỏ, những cô bé, cậu bé đã được rót vào tai “Con phải…” thế này thế nọ…, và từ từ những thứ ấy ăn sâu vào tiềm thức đến nỗi không thể xóa đi. Rồi những đứa bé ấy lớn lên, tiếp tục truyền lại lối sống ấy cho những đứa trẻ khác. Thế là một tình trạng đáng buồn cứ tiếp tục trên hết thế hệ này đến thế hệ khác mà không có hướng khắc phục, hay chính xác hơn là ít có ai muốn khắc phục.
Vậy thì tại sao người ta muốn duy trì một lối sống như thế?
  • Cha truyền con nối.
Trước tiên cần nhìn vào khía cạnh này như một sự khẳng định rõ ràng. Một đứa trẻ sinh ra tự nó không biết gì, không thể làm được gì cả. Tất cả những gì nó có, những gì nó biết đều là do ảnh hưởng rất lớn bởi một nền giáo dục, mà gia đình là cội rễ sâu xa nhất và có giá trị quyết định nền tảng của cả một con người. Dĩ nhiên lúc nào cũng có ngoại lệ, nhưng một cách tổng quát, người ta có thể nhìn vào gia đình của một người mà đoán được người đó như thế nào. Nhận lãnh thế nào thì trao ban thế ấy, nhận lãnh điều gì thì trao ban điều ấy. Ngày nay người ta không lạ gì những tên khủng bố, những kẻ giết người hàng loạt đều có một điểm chung, đó là xuất thân từ một gia đình không tốt với kiểu dạy con “Thương cho roi cho vọt” của đa số các vị phụ huynh ở mọi thời đại. Có phải là “thương” không hay chỉ là một cách ngụy biện có cơ sở cho những hành động thiếu hiểu biết, thiếu lắng nghe, thiếu thông cảm và thiếu tôn trọng của mình? Đúng là con mình sinh ra, mình có trách nhiệm và quyền dạy dỗ, nhưng không phải muốn làm gì thì làm. Các bậc cha mẹ thường có quan niệm con phải nghe mình chứ mình không phải nghe con; và cứ giáo dục con cái theo một đường lối làm cho trẻ sợ chứ không phục, và điều này nuôi dưỡng những uất ức, những ưu phiền biến chất theo thời gian, và đến khi nó bùng nổ thì đó là tội ác. Thực tế đã chứng minh điều đó. Ngay cả chúng ta, khi bị áp lực công việc hay những ưu phiền quá mức thì bị stress, ta đã không thể tránh khỏi điều này, thì huống chi là những đứa trẻ bị dồn nén ngày này qua ngày khác? Vậy thì tại sao phải dồn nén chúng? Tại sao phải tạo cho chúng những áp lực vô lý từ nền giáo dục mà lẽ ra từ đó mà chúng được hình thành và phát triển một cách toàn vẹn nhất? Không ai có thể trả lời một cách chân thật và chính xác cho câu hỏi này, bởi vì đôi khi chúng ta cũng đã là một nạn nhân. Một cách khách quan mà nói thì đó đã là một truyền thống, một lối mòn mà ai cũng phải đi qua, quan trọng là người ta trở thành gì sau khi đi qua lối mòn đó. Có những người dám chọn một lối đi khác, nhưng cũng có người lại tiếp tục đi trên lối mòn ấy và lại dắt con cái mình đi theo một cách vô tội vạ. Xin trích dẫn ra đây một số câu nhỏ, rất thường gặp trong cuộc sống:
_ Đi ngủ nhanh lên, không thôi tao đánh à!
_ Ăn nhanh lên đi, không ăn mẹ đem cho thằng Tũn hàng xóm ăn đó!
_ Cha nói sao không biết nghe vậy hả? Con cái gì mà thích cãi cha mẹ quá vậy hả? Nói không nghe cha đuổi ra ngoài đường ở bây giờ!
Thật ra không cần những lời như vậy mới có thể làm cho con cái vâng lời cha mẹ. Những lời dọa nạt, quát mắng như vậy hoàn toàn không thể xây dựng một nhân cách tốt đẹp, không thể khơi dậy cái thiện nơi trẻ. Tôi vẫn thường thấy những đứa trẻ nói với em nhỏ hơn chúng cũng bằng chính cái giọng điệu ấy. Trẻ biết bắt chước người lớn những điều tốt thì cũng biết bắt chước những điều xấu. Chúng không đủ khôn ngoan để nhận biết đâu là tốt, đâu là không tốt, tất cả chỉ là do người lớn mà thôi. Với lại người ta cũng không xem điều đó là xấu! Đó là tốt, là dạy con! Để rồi khi con lớn lên,  chúng cũng dùng chính kiểu nói năng ấy để nói chuyện lại với mình. Đến khi ấy thì lại bảo là do bạn bè, xã hội làm con mình hư, không ai nhìn lại xem mình đã nhét vào đầu con những thứ gì để bây giờ nó cho ra những thứ như vậy. Rồi chỉ biết ngồi đó mà trách con, trách mình đã không dạy con tốt hơn. (Dạy như thế mà con còn ra như thế, dạy tốt hơn nữa thì con như thế nào…có Chúa mới biết!)
  • Tạo cho mình một vỏ bọc
Trong một thế giới điên đảo như ngày nay, ai cũng có một xu huớng muốn tạo cho mình một vị trí an toàn để thể hiện mình. Và như thế người ta cố gằng hết sức để thực hiện điều ấy,  đồng nghĩa với càng ngày càng lún sâu vào sự giả dối. Dần dần người ta nghi ngờ lẫn nhau, đố kị lẫn nhau và hạ bệ lẫn nhau. Người ta thích thú khi đạp người khác xuống dưới chân mình. Người ta hân hoan khi thấy mình được nổi bật, được nhiều người kính trọng, được nhiều người biết và nhớ đến. Đây là một lối sống mà không riêng ở đời, ngay cả trong Giáo Hội và các hội dòng, kiểu ham thích khẳng định mình đã bén rễ và có vẻ như ngày càng phát triển. Khi sống một cách “biết điều”, người ta nghĩ rằng mình đã có thể tạo cho mình một chỗ đứng khá an toàn, không ai có thể xâm phạm hay đạp đổ. Và thế là cứ phải ra sức gồng mình chiều chuộng hết người này đến người khác, không phải vì họ mà là vì mình và cho mình. Tôi nhận thấy trong tiềm thức của phần lớn con người bây giờ, không có gì là cho không cả, và cũng không ai tự nhiên tốt với mình. Đúng là thận trọng thì tốt, nhưng thận trọng quá đến mức nghi ngờ lòng tốt của người khác thì thật là…vô duyên. Tôi không ít lần bị rơi vào những trường hợp này. Có lần giúp bà lão qua đường (trông bà cũng thuộc dạng giàu có), mình tỏ vẻ muốn giúp, mình đề nghị thì bà lại lảng đi. Lúc đó tôi cũng đoán ra được chuyện gì rồi, bèn đứng đó, chờ xem bà sẽ qua đường bằng cách nào. Đứng một hồi, hình như đã sốt ruột, bà mới ôm thật chặt cái giỏ xách mà tôi đoán là có nhiều tiền ở trong đó, rụt rè nhờ tôi dẫn qua đường. Nhờ tôi, nhưng hai tay cứ ôm khư khư giỏ xách trước ngực. Tôi chỉ mỉm cười rồi dẫn bà qua, rồi đi tiếp. Bà cảm ơn mà hai tay vẫn ôm thật chặt cái giỏ xách. Tôi chỉ biết cười… Cũng chẳng còn biết nói gì và suy nghĩ gì hơn nữa, đã là một nếp nghĩ rồi. Nhưng từ chuyện người mà ngẫm đến chuyện mình. Người Kitô hữu đã sống tinh thần con trẻ Tin Mừng thế nào? Hay cũng chỉ như một “người lớn” bình thường, e dè, khép kín, thận trọng đến mức nghi ngờ mọi người? Đã dám sống thật với con người mình để đón nhận những đóng góp, xây dựng hay cố gắng hết sức để tạo cho mình một vỏ ốc có vẻ an toàn rồi dần dần mục nát, thối rữa trong chính vỏ ốc ấy? Hay có khi lại chỉ vì lòng ganh tị, vì cái tôi quá lớn mà nghĩ sai, nói sai về người khác để tự tôn vinh mình? Hãy nhìn lại mình và suy nghĩ, bởi biết đâu những cạm bẫy, những mầm mống khôn ngoan theo kiểu người đời ấy đã âm thầm gieo vào lòng chúng ta – những người bước theo Chúa Giêsu và nguyện một đời sống như Người?
Người ta thường hay sống theo kiểu mà họ cho là khôn ngoan, và dễ dàng đánh giá người khác cũng như mọi thứ theo cách chủ quan của mình. Không ít bạn trẻ dù tin hay không tin đều đã nói rằng đi tu là ngu, ở hiền là điên, và những người thật thà, ngay thẳng thường bị cô lập không thương tiếc. Hẳn là ai cũng đã một lần có kinh nghiệm thương đau về chuyện này. Cũng có những người nhận biết rằng thứ khôn ngoan ấy là thứ khôn ngoan giả dối, nhưng không đủ cam đảm và bản lĩnh để phủ nhận nó. Cái tôi to lớn đôi khi dìm chết chính mình vào những thứ mà mình biết rõ dính vào sẽ chết. Và rồi như thế, con người đánh mất chính mình, đánh mất nhân vị cao đẹp mà Chúa đã tạo dựng rất riêng, không trùng lặp. Người ta buông mình vào một vòng xoáy để sống một cuộc đời thiếu vắng bình an và hạnh phúc đích thực. Cứ lẩn quẩn như thế và không bao giờ thoát ra. Chỉ có một lối thoát duy nhất là tinh thần con trẻ Tin Mừng thì không mấy người biết đến, và biết đến cũng chưa hẳn muốn bước theo. Theo sao được? Con nít thì có biết gì đâu, có nói được gì đâu, có làm được gì đâu, có hiểu biết gì đâu?! Người ta mắng cũng không biết cãi lại, người ta đánh cũng chẳng biết đánh lại, người ta gạt thì chỉ biết tin mà thôi. Vậy mà…Con nít không bao giờ biết ưu tư phiền muộn, không bao giờ biết giận biết hờn, không bao giờ biết than trời trách người, và không bao giờ biết…tìm cách tự tử!
Lạy Chúa, Chúa lúc nào cũng mời gọi con trở thành con trẻ của Nước Trời, lúc nào Chúa cũng muốn con ngoan ngoãn nằm trong vòng tay của Chúa.
Đôi khi nhìn vào cuộc đời, con chán ngán vì nhiều thứ, và đôi khi cảm thấy mình bất lực trước những tiêu cực, trước những bất công và sự đi xuống của cả một nền nhân bản, của cả một thế hệ loài người. Đôi khi con tự hỏi: có phải ơn cứu độ đã bị lãng quên và hư mất rồi không?
Nhưng Chúa đã nói gì với con?
Biết bao nhiêu lần Chúa đã mời gọi con sống trọn vẹn tinh thần con trẻ Tin Mừng, biết bao nhiêu lần Chúa đã mời gọi con sống cho Chúa và chỉ một mình Chúa mà thôi. Chúa muốn con hướng về Chúa trong từng suy nghĩ của con, Chúa muốn con chỉ  yêu mến một mình Chúa mà thôi, Chúa không muốn con lo gì khác ngoài việc ném mình trọn vẹn cho tình yêu của Chúa. Vậy mà con đã không trung tín đến như vậy… Lạy Chúa, xin dạy cho con biết rằng nếu cần phải thay đổi thì người đó là con, nếu cần phải sửa mình thì người đó là con, nếu cần phải yêu thương nhiều hơn thì người đó cũng phải là con. Con không khiêm nhường cũng không hề nhu nhược; con biết chẳng có cách nào xây dựng bình an tốt hơn là xây dựng bình an trong chính tâm hồn, con người của con.
Xin cho con thấy Chúa là một người thợ mộc nghèo hèn ở Nazareth, để con biết sống âm thầm và trông đợi vào duy nhất một mình Chúa, là Đấng làm nên mọi sự cho đời con.
Xin cho con thấy Chúa là một trẻ thơ bất lực trong máng cỏ, để con biết mỉm cười hiền hòa trước những mối nguy hại trong cuộc sống và đón lấy cuộc sống với tất cả những điều không vừa ý.
Xin cho con thấy Chúa trên Thập Giá, để con đón nhận Thánh Ý như mối quan tâm duy nhất của đời con.
Và xin cho con thấy Chúa như người cha nhân hậu để con lúc nào cũng đặt mọi sự, mọi biến cố xảy đến trong đời con vào vòng tay ấm áp của Chúa. Amen.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP