Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

CON ĐƯỜNG ĐI THEO CHÚA….


Kính gởi Chúa kính yêu của con,
Con mới chuyển tới chỗ mới nên hơi khó ngủ. Đang khi trằn trọc canh một…canh hai… canh ba… giấc chẳng lành, con nghĩ tới Chúa. Nên con đã quyết định không ngủ nhưng tối mai ngủ bù để viết thư cho Chúa.
Lạy Chúa, chính vì tình yêu thương mà Chúa đã dựng nên con. Rồi khi chúng con nghe theo lời dụ dỗ của ma quỷ phản bội lại cùng Chúa, chính Chúa đã ban chính con của Ngài để cứu chuộc loài người chúng con qua con đường nhập thể và nhập thế.

Chính vì tình yêu thương mà Ngài đã gọi con, và “chính  Ngài đã quyến rũ con, và con để Ngài quyến rũ” (Gr 20, 7). Điều này là bởi vì con đã nhận ra rằng: “chính Thầy là  con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga, 14, 6). Thật vậy, trên con đường đi theo Ngài, bao con đường đi qua, con không nhớ hết, nhưng tối nay con muốn tâm sự với Chúa những con đường mà con nhớ và chứng kiến được. Con không những chứng kiến trong chính hội dòng con, mà còn ở nơi những hội dòng khác.
Con đường hy vọng là con đường khi vào những ngày đầu con đi theo Chúa, vào những ngày tháng năm đầu của ngày con tiên khấn. Con đường này được tô bằng màu hồng với bao điều tốt đẹp, hứa hẹn cho tương lại. Con hy vọng Dòng sẽ phát triển hơn về mặt nhân sự, tri thức, tầm hoạt động, cộng tác vào cánh đồng truyền giáo. Con sẽ quyết tâm trở thành một tu sĩ, linh mục thánh thiện, đạo đức, tri thức,..  Phía trước mặt con bây giờ là con đường của “Tâm hồn con mừng rỡ, miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng” (Tv 15, 9; Cv 2, 26).
Con đường tham vọng là con đường khi con bị thế lực của trần gian lôi kéo. Có thể con vẫn biết đâu là ý Chúa sai con thông qua bề trên và những người có trách nhiệm trên con. Nhưng con muốn làm hơn thế nữa, con muốn làm những việc trọng đại hơn những công việc nhỏ bé, tầm thường. Con đã từng nghĩ rằng “một con chim có thể làm nên mùa xuân”. Con nghĩ, với khả năng của con, sẽ làm được mọi sự. Nhưng đó vẫn chỉ là những ý tưởng mà thôi Chúa ơi!
Con đường ảo vọng là con đường khi con không còn sống với thực tại của chính con nữa. Con đã nghĩ rằng, với khả năng của con cao hơn những anh em khác, con sẽ làm được tất cả. Nhưng trên kinh nghiệm thực tế không phải đơn giản như thế! Ngoài khả năng về tri thức, còn nhiều yếu tố khá quan trọng nữa mà con chưa biết được. Hơn thế nữa, con không nhìn thấy được mặt yếu kém của con về trình độ, lãnh đạo, tổ chức, mục vụ,… Con cứ nghĩ rằng các anh em khác được đi học, con cũng phải được đi học. Con cứ nghĩ rằng các anh em khác lãnh nhận chức linh mục, thì đương nhiên con cũng có thể. Con lầm nghĩ rằng, bề trên và ban cố vấn không sáng suốt hoặc không có cái nhìn vĩ mô khi những ý kiến và đề xuất của con không được chấp nhận. Con đã lầm tưởng mình là số “number one” nhưng con quên đi còn có Coca cola, 7-up, Pepsi,… hấp dẫn và chất lượng hơn nhiều. Con chưa có một cái nhìn thấu đáo và dự phóng nên con nghĩ nếu công việc này hay Dòng mà được trao vào tay, con sẽ làm tốt hơn nhiều.
Con đường thất vọng là con đường khi con không còn gì để hy vọng nữa. Con hầu như mất hết niềm tin vào chính hội Dòng, vào khả năng lãnh đạo của bề trên và ban cố vấn. Con chứng kiến quá nhiều điều đã xảy ra không tốt cho dòng. Khi con thấy nhà dòng thực sự chưa có điều kiện khách quan và chủ quan để phát triển và hoạt động đúng với linh đạo của mình. Do đó, Chúa ơi, ít nhiều cũng ảnh hưởng tới sự thu hút ơn gọi của dòng con. Khi con thấy hình như bề dưới mới chỉ “khẩu phục” chứ chưa “tâm phục” bề trên và những người lãnh đạo. Khi con thấy, bề trên dùng quyền lực hơn là quyền bính để điều khiển hội dòng và cộng đoàn. Ngoài ra, với cương vị của bề trên và những người đào tạo, khi con thấy có những anh em sống lơ là với ơn gọi tu sĩ, làm việc và học tập không theo một nguyên tắc gì cả. Sa sút về mặt tri thức và đạo đức. Khi con thấy mặt bằng tri thức của các em dự tu ngày càng thấp.
Con đường cô đơn là con đường khi con có cảm giác như bị Dòng và anh em bỏ rơi. Trong công việc, nhiều khi con tưởng chừng chỉ có một mình con làm, không ai quan tâm, thăm hỏi, ủi an. Đôi khi con nghĩ giống như đây là công việc của riêng con. Ôi lạy Chúa, công việc của con thật nhiều, có những lúc con muốn buông tất cả. Khi con cảm thấy bề trên và ban cố vấn không muốn tạo cơ hội cho con cộng tác vào việc phát triển Dòng. Khi con cảm thấy không còn đủ tin tưởng để đối thoại với bề trên và ban cố vấn. Con cảm thấy như mình bị lãng quên, con không còn nhiệt huyết và kiên nhẫn để làm việc. Thế rồi con đã tự rút lui, mà người ta gọi là “ngủ đông” đó Chúa ôi!
Con đường bối rối là con đường khi con thực sự muốn tiếp tục sống đời dâng hiến trong Dòng nhưng con lại chứng kiến những điều tiêu cực đã và đang xảy ra cho Dòng. Trong khi đó con thấy các dòng khác phát triển rất nhanh về mặt nhân lực, cơ sở vật chất, và những hoạt động đóng góp cho giáo hội nói chung và cho Giáo hội địa phương nói riêng. Với chút toan tính của con người, con tự đặt câu hỏi cho mình: liệu con còn đủ can đảm, lòng quảng đại để tiếp tục sống đời dâng hiến ở đây hay con sẽ chuyển ơn gọi sang một hội dòng khác?
Con đường lạc lối là con đường khi con không còn sống và làm việc đúng nghĩa với vai trò của một tu sĩ, mặc dù trên danh nghĩa con vẫn là tu sĩ. Con đã đi ra ngoài quỹ đạo của linh đạo của hội dòng con đang sống. Con sống với hai khuân mặt: một tu sĩ và một giáo dân. Khi con tự tìm đường tiến thân cho riêng mình mà không theo ý hướng hay chủ trương phát triển, đào tạo của Dòng. Có đôi lần, con đã thầm tự nhủ nếu Dòng không tạo điều kiện cho con tự tiến thân cho riêng mình, con sẽ bỏ ơn gọi của Dòng. Ôi lạy Chúa, thật là buồn nhưng đó là sự thực Chúa ơi!
Con đường tội lỗi là con đường khi con đã không còn ý thức mình là một tu sĩ nữa. Khi con đã mất đi niềm hạnh phúc và bình an trong Dòng và con đã đi tìm tình cảm riêng tư cho mình. Khi con không còn khả năng để giữ ba lời khuyên Phúc Âm mà con đã  công khai tuyên khấn một cách long trọng trước mặt vị Bề Trên, đại diện của Chúa.
Con đường giả tạo là con đường khi con nói một đường mà làm một nẻo. Khi con  luôn luôn “đao to, búa lớn”, nói “chém chém không khí” rằng: anh em chúng ta hãy sống theo tinh thần đặc trưng của dòng chúng ta một cách triệt để nhưng con lại chẳng bao giờ làm điều gì nói lên tình huynh đệ, thậm chí con chưa bao giờ quan tâm và lo lắng cho các tu huynh lớn tuổi, về hưu, đặc biệt khi các ngài lâm bệnh và qua đời. Khi con nói một cách hăng say là anh em ta hãy cùng chung sức làm cho Dòng thăng tiến nhưng con lại chẳng bao giờ chu toàn một cách căn bản nhiệm vụ mà bề trên và anh em đã tin tưởng trao phó. Khi con luôn khẳng định như “đinh đóng cột” rằng anh em hãy “thắt lưng buộc bụng” để đóng góp xây dựng cơ sở vật chất cho Dòng nhưng con lại rất vụng về trong việc quản lý chi tiêu cho cộng đoàn và cá nhân, đặc biệt không rõ ràng cho việc báo báo sổ chi thu cho bề trên và anh em trong Dòng.
Con đường an phận là con đường khi con đã vĩnh khấn hay lãnh chức linh mục. Con đã nghĩ rằng, dù sao bây giờ ta cũng đã khấn “lọn” rồi, chẳng có chi đáng sợ nữa, đâu dễ loại bỏ ta. Con cứ sống tà tà, lai rai trong việc học cũng như việc làm. Ngày nào biết ngày đó, con không có một thao thức mong cho Dòng phát triển. Ngoài ra, với chức linh mục, con nghĩ đó là đích điểm của đời tu nên không cần cố gắng gì nữa. Con cũng chẳng tự nghiên cứu, tự học hỏi cho mình để có khả năng làm tốt hơn, chu đáo hơn các công tác phụng vụ và giảng dạy lời Chúa đã được trao phó cho con khi lãnh nhận chức thánh. Với những công việc Dòng, con chẳng muốn “ôm rơm cho rặm bụng”. Nguyên tắc sống của con là: “mackeno”.
Con đường dúm dó là con đường khi con đang còn trong giai đoạn được đào tạo. Con sống hình như chưa thực sự với bản chất của mình. Đối với những người có trách nhiệm trên con, trước mặt họ con luôn thể hiện là một người đạo đức thánh thiện, giữ luật tốt nhưng khi vắng mặt họ thì con lại không hẳn là như vậy. Khi phải nói chuyện với bề trên hay những người có trách nhiệm, con nói rất ư là tốt và đôi khi còn “nịnh hót” một cách trắng toát nữa. Hình như con chưa bao giờ  thể hiện thực con người, hoài bão, lập trường của mình. Trước mặt bề trên và những người có trách nhiệm, con hầu như không có một lỗi hay tật xấu nào trong việc giữ 3 lời khấn, nhưng con cũng chẳng có gì là nổi bật.
Con đường tủi thân là con đường khi con đã đi tới đoạn cuối của hành trình đi theo Chúa. Khi con không còn sức khỏe và quyền hành trong tay. Khi tuổi già đã đến, bệnh tật đè nặng trên hai vai, đôi khi con không còn tự chăm sóc cho chính bản thân mình. Khi con cảm thấy các tu sĩ trẻ, đặc biệt những người có trách nhiệm không hiểu và thông cảm cho con. Con cảm thấy tủi thân và  bị bỏ rơi khi bị từ chối lúc xin tiền đi khám bệnh! Đến nỗi con đã phải thốt lên: “Lạy Chúa, xin đừng sa thải con lúc đuổi đà xế bóng, chớ bỏ rơi khi sức lực suy tàn” (Tv 71, 9).
Con đường thống hối là con đường khi con thực sự nhìn nhận ra những con đường lạc lối của mình. Con không chỉ quyết tâm trong lời nói nhưng còn trong hành động. Khi con quyết tâm quay về cùng Chúa, cùng Dòng và cùng anh em. Con đã thưa lên, như ông Gióp đã thưa cùng với Chúa, rằng: “Vì thế điều đã nói con xin rút lại, trên tro bụi con sấp mình thống hối ăn năn” (G 41, 6).
Lạy Chúa, đó là những con đường con đã đi, có những con đường con đi cùng Chúa, nhưng cũng những con đường con đi một mình. Ngoài những những con đường chan chứa niềm vui và hạnh phúc, thì cũng có những con đường đầy bao đau khổ, cô đơn và nước mắt. Bên cạnh con đường mùa xuân của muôn màu hoa nở tươi thắm, có con đường tàn héo khô cằn của mùa hè nắng cháy. Con đã từng cảm nghiệm không khí ấm áp, dễ chịu của mùa thu nhưng cũng đã phải nếm chịu cái rét giá lạnh, cô đơn khi mùa đông về trên con đường đi theo Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con đi trọn con đường theo Chúa. Con đi ngủ đây vì mai con lại có một đoạn đường vất vả phải đi nữa Chúa ơi. Con chào Chúa, chúc Chúa ngủ ngon. Bye, bye. G9!

Bertrand Nguyễn Thanh Hoài

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP