Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Đức Ái, Động Lực Của Việc Truyền Giáo

Trước hết, chúng ta hãy nghe lại mệnh lệnh của Đức Giêsu trước khi về trời: “Anh em hãy đi khắp thế giới, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16/15). Vậy là đã rõ: Truyền giáo là một nhiệm vụ đã được chính Chúa giao cho chúng ta qua các Tông đồ và môn đệ của Chúa. Cũng chính vì mệnh lệnh này mà Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Bản tính của Giáo Hội là Truyền giáo” (Ad Gentes,2).
Riêng với Dòng Thánh Gia chúng ta, từ ngày Bề trên và BPV mới lãnh đạo Dòng, trong hướng trở về nguồn, các ngài đã đặc biệt quan tâm về việc truyền giáo mà chính các Đấng Sáng lập đã nêu lên như đặc sủng của Dòng. Đây lại thêm một lý do nữa khiến chúng ta phải chú tâm đến việc truyền giáo.
Tuy nhiên, xét về tâm lý tự nhiên, thì cái gì mình thích, mình quí, mình yêu thì mới tích cực hành động. Do đó mà Đức Bênêdictô XVI trong Sứ điệp ngày Truyền giáo năm 2006 đã nhận định: “Ðức Bác Ái, Linh Hồn của Sứ Mạng Truyền Giáo."  và ngài nói rõ thêm: “Sứ mạng truyền giáo, nếu không được định hướng bởi Ðức Bác Ái, nếu không phát sinh từ một hành động sâu xa của tình yêu thần thiêng, thì sứ mạng đó liền bị rút gọn về chỉ còn như là một hành vi nhân ái và xã hội không hơn không kém.” Dựa vào lời của Đức Thánh Cha trên đây, ta thấy rõ giá trị đích thực của việc truyền giáo phải phát xuất từ đức ái. Điều này, chính Thánh Phaolô cũng đã quả quyết trong thư 2 gửi giáo đoàn Corintô (5,14) : “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi.”
Xem lại các chương đầu của sách Công vụ các Tông đồ, chúng ta thấy rõ ảnh hưởng của đức ái cộng đoàn, của cuộc sống yêu thương chia sẻ giữa các Kitô hữu tiên khởi đã làm ngỡ ngàng những người ngoại đạo, làm cho họ thán phục, có cảm tình với Kitô giáo và rất đông người đã xin được tòng giáo.
Từ những nhận định trên đây, ta hãy nhìn lại phương cách cũng như tinh thần truyền giáo của chúng ta, để xem đức ái có đang chiếm vị trí ưu tiên trong mọi sinh hoạt của chúng ta không. Dĩ nhiên là chúng ta không phủ nhận hoặc coi thường vai trò của tri thức trong công tác truyền giáo, nhưng tất cả phải được thúc đẩy do Đức Ái, vì dẫu ta có làm được những việc kinh thiên động địa đi nữa thì cũng là vô ích nếu không có đức mến, Thánh Phaolô đã quả quyết như thế (X. 1 Cor.13, 1-3).
Xét về lý thuyết thì chắc ai trong chúng ta cũng biết như vậy và có khi cũng đã hùng hồn giảng dạy như thế. Nhưng hãy khiêm tốn và thành thật nhìn lại cộng đoàn mình, bản thân mình xem chúng ta đang sống cụ thể đức ái như thế nào trong tương quan với Chúa và với anh em, với những người chúng ta tiếp xúc. Chắc chắn còn nhiều điều chúng ta cần xét lại ?! Hơn nữa, Bác ái Huynh đệ giữa chúng ta trong đời sống cộng đoàn lại còn là dấu chỉ xác định chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa Kitô (X. Gn 13,35), do đó, thiếu yêu thương, đoàn kết giữa chúng ta với nhau sẽ là một phản chứng, một trở ngại lớn cho việc truyền giáo. “Thiên Chúa là Tình Yêu”, qua chính con người của Đức Giêsu, đã cho ta một bằng chứng và một kiểu mẫu tuyệt vời của một Tình yêu xả kỷ: “Trong điều này được thể hiện Tình yêu của Thiên Chúa cho chúng ta: Ðó là Thiên Chúa đã sai Con Một vào trong thế gian, ngõ hầu chúng ta được sống nhờ Người.” (1 Gn 4, 9). Chúng ta không thể làm khác đi nếu thực sự muốn biến mệnh lệnh truyền giáo của Đức Giêsu thành hiện thực.
Cụ thể và thực tế hơn, trong Sứ điệp kể trên, Đức Thánh Cha đã gọi mệnh lệnh truyền giáo này là “Mệnh lệnh...rao giảng Tình thương” mà mỗi người chúng ta phải thực hiện đối với mọi người, đặc biệt hơn, đối với những con người khốn khổ nhất: “Là nhà truyền giáo, có nghĩa là yêu mến Thiên Chúa với trọn cả con người mình, cho đến mức độ hy sinh, nếu cần, chính mạng sống mình vì Chúa. Biết bao linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân, cả trong thời đại chúng ta hôm nay, đã hiến dâng cho Chúa chứng tá tột cùng của tình yêu... (họ biết) cúi mình xuống, như người Samaritanô nhân lành, chăm sóc cho những nhu cầu của tất cả mọi người, nhất là của những kẻ nghèo cùng nhất, và cần được giúp đỡ nhất, bởi vì ai yêu thương bằng con tim của Chúa Kitô, thì không mưu tìm ích riêng, nhưng chỉ tìm vinh danh Thiên Chúa Cha và điều thiện hảo cho nguời lân cận. Chính đây là bí quyết cho sự phong phú tông đồ của hoạt động truyền giáo, một hoạt động vượt qua những ranh giới và những nền văn hoá, một hoạt động đến với các dân tộc và được phổ biến cho đến tận cùng thế giới.”
Trong Sứ điệp ngày Truyền giáo năm 2007 này, Đức Bênêdictô XVI lại nhắc ta thêm một yếu tố căn bản khác nữa để chúng ta yên tâm, vững dạ hơn trong công tác truyền giáo, đó là câu trấn an của chính Đức Kitô cho các tông đồ: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,19-20). Vậy là chúng ta không đơn thương độc mã trên con đường rao giảng Tin Mừng, mà có Chúa Kitô trợ lực và đồng hành với chúng ta, và trong đời sống cộng đoàn của hội Dòng, chúng ta lại còn luôn có anh em bên cạnh để cùng chia sẻ và gánh vác mọi trách nhiệm. Ở đây, một lần nữa chúng ta lại thấy vai trò của Đức Ái trong sứ mạng truyền giáo. Vâng, lời thuyết giảng của chúng ta làm sao có sức thuyết phục khi mà chúng ta không thể chứng minh được “giới luật yêu thương” chúng ta rao giảng bằng những gương sống thiết thực và cụ thể tình huynh đệ trong các cộng đoàn của chúng ta ?
Tóm lại, chúng ta phải làm sao cho mọi người, nhất là những anh em ngoài Kitô giáo, thấy và hiểu rõ là người Kitô hữu, trong đó có các anh em Thánh Gia chúng ta, “sống đạo” hôm nay là “sống tình thương” đích thực.
Lạy Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu hiền lành,xin đốt lòng con kính mến Chúa...và thực sự yêu mến anh em để cho “Nước Cha Trị Đến” !”

Chú Ba

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP