Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Truyền Giáo Hôm Nay

Khi nhận được lời đề nghị viết cho Dựng Lều tháng sáu này về đề tài Truyền Giáo tôi cảm thấy băn khoăn và ái ngại. Ái ngại là bởi vì đây là một đề tài khá rộng, khá phổ biến, và đã có rất nhiều người đề cập đến. Chính vì biên độ và nội hàm khá rộng của nó mà tôi cứ loay hoay mãi không biết phải viết những gì và viết theo chiều hướng nào.

Đang lúc băn khoăn như thế, tôi chợt nhớ ra rằng khi còn đi giúp cho giáo xứ Hải Hưng, kênh C1, cứ mỗi thứ năm đầu tháng, tôi được tham dự buổi tĩnh tâm cùng với các linh mục và các tu sĩ thuộc giáo hạt Thốt nốt. Trong những buổi tĩnh tâm này, Đức Cha Giuse thường chia sẻ cho cộng đoàn một đề tài, như là một hướng dẫn tu đức và mục vụ để mọi người thực hành trong tháng đó.
Vào tháng 11 năm 2006, Đức cha đã chia sẻ cho cộng đoàn một đề tài, như là một thao thức và trăn trở nhất của ngài, đối với Giáo hội Việt nam cách chung và đối với giáo phận Long xuyên cách riêng. Đó là đề tài: “Truyền giáo hôm nay”. Tôi nhận thấy đây là một đề tài rất hay, rất thời sự và bổ ích, nên đã chăm chú lắng nghe.
Hôm nay, nhận thấy bài nói chuyện của Đức Cha ngày ấy có liên hệ với chủ đề Truyền Giáo của Dựng Lều tháng sáu, nên với sự đồng ý của ngài, tôi xin được chia sẻ những suy nghĩ ấy trong bài viết này. Với cách viết và cảm nhận của riêng tôi, tôi sẽ thêm bớt một chút để cho bài viết được hoàn chỉnh và phong phú hơn. Nội dung bài viết gồm có 3 phần chính:
-      Hoàn cảnh sống đạo hôm nay
-      Đâu là nguyên nhân tín hữu rời xa Giáo hội?
-      Cần phải làm gì để lấy lại niềm tin?
1.    Hoàn cảnh sống đạo hôm nay:
Một sự kiện mới đây nhất mà mọi người Công giáo đều quan tâm, đó là việc Đức Thánh Cha đi thăm vùng đất Nam mỹ, mà cụ thể là đất nước Brazil. Theo  cái nhìn của giới truyền thông, thì “cuộc viếng thăm của Giáo Hoàng là nhằm củng cố lại tình trạng càng ngày càng có nhiều người Nam Mỹ rời xa Giáo hội Công giáo, nhất là những thành phần trẻ” (tin từ VTV1). Chắc chắn rằng, chuyến viếng thăm của ĐTC đến Nam mỹ còn có nhiều mục đích khác nữa, nhưng việc càng ngày càng có nhiều người rời xa Giáo Hội Công Giáo là điều có thật và đáng quan tâm nhất.
Có lẽ chúng ta sẽ rất ngạc nhiên vì sự kiện bỏ đạo xảy ra ngay ở một đất nước thuộc Nam mỹ, nơi đại đa số là tín hữu kitô. Nhưng điều đó không làm cho ai ngạc nhiên nữa, khi chúng ta biết rằng, ngày nay tình trạng bỏ đạo của giáo dân Châu âu và Châu mỹ cũng đang xảy ra phổ biến.
Thật vậy, theo một cuộc thăm dò mới đây cho biết, hiện nay tại nước Mỹ có khoảng 17 triệu người bỏ đạo, mà phần đông vẫn là giới trẻ. Còn tại Châu âu, tình hình sống đạo cũng chẳng khá gì hơn. Một số linh mục Việt Nam phục vụ tại Giáo Hội Pháp kể lại rằng, một linh mục thường phải coi sóc nhiều giáo xứ. Nhưng điều buồn nhất là, có những khi các ngài phải đi hàng mấy trăm cây số trong điều kiện tuyết rơi, để đến dâng lễ ngày Chúa nhật cho giáo dân, nhưng khi đến nơi thì chỉ có 2 ông bà già tham dự. Quá buồn!
Cũng có vị linh mục về thăm Việt nam chia sẻ một cách vừa đùa vừa thật rằng: người Châu âu bây giờ người ta chỉ đến nhà thờ có 3 lần trong cuộc đời họ. Đó là: lúc rửa tội, khi làm phép cưới và lúc qua đời. Mà trong ba lần đó, có đến hai lần là do người khác đưa đến chứ không phải tự họ đến…
Ai trong chúng ta khi nghe biết tình trạng bỏ đạo của người tín hữu tại Châu âu, Châu mỹ và Nam mỹ, cũng ít nhiều cảm thấy trong lòng băn khoăn lo lắng. Không lo lắng sao được khi mà niềm tin vào Chúa trên mặt địa cầu này đang bị mất dần? Và rồi chúng ta cũng tự an ủi mình rằng, dù sao thì Giáo Hội VN của chúng ta cũng chưa bị rơi vào tình trạng như vậy. Chúng ta cảm thấy an tâm và vui vẻ với cách sống đạo của người VN hôm nay. Nhưng thực ra không phải thế.
Đất nước chúng ta đã bước vào thời đại mở cửa. Nền văn hóa toàn cầu cũng bắt đầu thâm nhập vào đời sống và nhận thức con người. Trong đó, niềm tin tôn giáo đang bị đặt lại vấn đề rất nhiều. Một số người, nhất là người trẻ nhận thấy rằng, niềm tin tôn giáo không giúp gì được cho họ cả, mà còn là những bó buộc cản bước chân tự do của họ. Còn một số người vì truyền thống của cha ông mà phải giữ đạo, thì “cái đạo” họ giữ cũng rất hời hợt. Đối với họ, Giáo Hội là cái gì thừa thãi. Giáo lý chỉ là những điều vớ vẩãn. Và Tin mừng không còn là Tin mừng nữa mà tin xấu… Thế nên, vấn đề truyền giáo hôm nay là một vấn đề cần phải được đặt ra cho Giáo Hội và mọi người tín hữu Việt nam trước khi quá muộn.
2. Đâu là nguyên nhân Tín hữu rời xa Giáo hội?
Đứng trước một hiện trạng như thế, mỗi người chúng ta hãy tự hỏi. Đâu là nguyên nhân đưa đến việc có nhiều người bỏ đạo như vậy? Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng ở đây Đức Cha Giuse đưa ra 6 nguyên nhân có tính căn cơ nhất.
a/ Những xung đột ngay trong gia đình: Ngày nay, sự xung đột lớn nhất trong các gia đình, chính là sự xung đột giữa các thế hệ: thế hệ người già và thế hệ người trẻ. Sự thấu hiểu giữa hai thế hệ này càng ngày càng bị xa cách và trầm trọng hơn.
Các ông bà già thường đến than thở với các cha xứ rằng: “con cái bây giờ sao dạy bảo nó chẳng thèm nghe. Nói nó đi nhà thờ thì nó bảo đi Nhà thờ để được gì? Giải thích làm sao nó cũng trả lời được. Không biết nó học đâu ra những thứ ấy chứ?”. Ngược lại, những người trẻ thì trách rằng: “ bố mẹ con chẳng hiểu gì cả. Con nói cái gì cũng cho là sai, là xấu. Bắt con phải giữ những điều con chẳng hiểu gì hết. Không bao giờ chịu giải thích”. Xã hội thay đổi quá nhanh đã làm cho thế hệ già-trẻ không bắt kịp được nhịp sống của nhau, nên dễ dàng xảy ra những xung đột. Hậu quả cuối cùng của sự xung đột là người trẻ đánh mất dần niềm tin. Niềm tin vào người lớn và niềm tin vào Đấng Tối Cao.
b/ Những xáo trộn kinh tế: Những xáo trộn về kinh tế cũng ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống đức tin của người tín hữu. Xáo trộn ở đây không phải là giữa giầu và nghèo, hay là sự phân tầng giai cấp trong xã hội. Mà là xáo trộn bởi những chọn lựa sống. Những chọn lựa này lại thường phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế rất nhiều. Cụ thể là hiện nay, tình trạng công nghiệp hóa đã lôi kéo con người vào guồng máy sản xuất. Làm cho con người không còn làm chủ được thời giờ của mình nữa (nào tăng ca, nào thêm giờ…). Do đó, những sinh hoạt tôn giáo bị ảnh hưởng. Lâu dần thành quen, cuối cùng không thấy nhu cầu cần đến nhà thờ nữa. Đó là chưa nói đến tình trạng di dân. Nhiều người khi còn ở dưới quê rất ngoan đạo nhưng vì nhu cầu kinh tế phải đi làm xa. Chẳng may đến những nơi không có nhà thờ, hay nhà thờ ở xa, không có phương tiện để đi lễ, đành ở nhà xem lễ từ xa…! Và rồi như  ông bà ta nói “xa mặt cách lòng”. Nếu tình trạng này mà kéo dài, thì có lẽ nhiều người sẽ “quên” rằng mình có đạo.
c/ Những đòi hỏi khắt khe của luân lý Công giáo: Bên cạnh những xáo trộn về kinh tế ảnh hưởng đến niềm tin người tín hữu, ngày nay, người ta còn rời bỏ Giáo Hội vì những đòi hỏi khắt khe của luân lý. Khắt khe nhất có lẽ chính là luật hôn nhân Công giáo. Nhiều người đã cảm thấy quá bế tắc cho tình trạng hôn nhân của họ, mà không một ai trong Giáo Hội có thể giúp họ giải quyết được. Và rồi để thích nghi với dòng chảy cuộc sống, họ bị rơi vào tình trạng rối đạo. Không được xưng tội rước lễ. Lúc đầu, có lẽ những người này cũng rất đau khổ cho tình trạng của mình. Họ tìm cách giải quyết, nhưng rồi giải quyết bên nào cũng không xong. Cuối cùng, một là họ chấp nhận sống trong tình trạng như vậy với bao nhiêu đau khổ vì phải đối diện với cộng đoàn tín hữu, hai là họ sẽ rời xa Giáo Hội để cho tâm hồn tạm được khuây khỏa.
Đó mới chỉ là sự khắt khe của luân lý hôn nhân. Còn biết bao nhiêu là luật khắt khe nữa mà người tín hữu phải tuân giữ. Đối với những người có đức tin mạnh mẽ, có lòng yêu mến và có một chút hiểu biết cơ bản về giáo lý, thì những luật lệ đó sẽ không phải là khắt khe lắm. Nhưng đối với những người yếu đức tin, nhất là những người tân tòng, thì thật là nan giải quá! 
d/ Bị tổn thương trong cộng đoàn: Một tình trạng nữa đã làm cho một số tín hữu trong cơn giận dữ đã giơ tay thề rằng: “suốt đời tôi sẽ không đến nhà thờ nữa”. Những người này có khi lại là những người rất hăng say trong việc phục vụ giáo xứ. Đó là tình trạng bị tổn thương công khai trước cộng đoàn. Tôi đã từng biết, có những người vì một lỗi nào đó, có khi là thầm kín hoặc bởi một lý do có thể rất khó nói ra, nhưng vì thiếu sự tế nhị và lòng cảm thông, cha xứ hay Hội đồng giáo xứ đã làm tổn thương đến danh dự của người đó, khiến cho họ không thể bước ra ngoài đường một cách bình thường được. Họ cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Một con dao đã ghim sâu vào trái tim họ. Họ quyết định rời xa Giáo Hội và không bao giờ đến Nhà thờ nữa. Thật buồn!
e/ Sự buồn tẻ của một Giáo xứ: Một yếu tố nữa cũng làm cho người trẻ ngày nay mất dần niềm tin sống đạo, đó là tình trạng buồn tẻ của một giáo xứ. Trách nhiệm này thường thuộc về cha xứ, vì ngài là người đứng đầu. Sự buồn tẻ đó đến từ hai chiều kích: bên ngoài và bên trong. Bên ngoài, có những giáo xứ suốt mấy chục năm chẳng có một chương trình nào dành cho giới trẻ: không sinh hoạt, không giao lưu, không hội thi thể dục thể thao, không hội kèn hội trống gì hết. Người trẻ đến nhà thờ với một tâm trạng chán nản và thừa thãi.
Đó là phần bên ngoài, còn bên trong đời sống thiêng liêng cũng thật là tẻ nhạt. Mỗi tuần cha xứ giảng cho một bài “dài hơi”chẳng đâu ra đâu. Một là ngài đọc một bài nào đó lấy từ trong các sách giảng lễ, với kiểu đọc rề rề thuốc lào rất gây buồn ngủ; hai là chửi mắng giáo dân không thấy chán, nếu như trong tuần có chuyện gì làm cho ngài phải bực tức. Còn trong phụng vụ thì bao là bát nháo. Ca đoàn muốn hát sao thì hát, muốn hát bài gì thì hát. Mặc kệ. Không quan tâm. Dâng lễ thì vội vội vàng vàng như sắp phải chạy loạn vậy. Không có một chút tâm tình sốt mến nào. Giáo dân cảm thấy thật trống vắng mỗi khi thánh lễ kết thúc. Những yếu tố như thế trong một xứ đạo, sẽ đưa giáo xứ đến tình trạng buồn tẻ, lạnh nhạt, không có gì thu hút. Rồi dần dần người trẻ không đến nhà thờ nữa. Tiếng chuông giáo đường bỗng trở nên xa lạ!
f/ Mất đoàn kết giữa các hội đoàn: Không nói ra thì chắc ai cũng biết, sự mất đoàn kết giữa các hội đoàn trong các giáo xứ là điều luôn xảy và thường đưa đến một hậu quả rất ư trầm trọng. Hội đoàn này nói xấu hội đoàn kia. Hội đoàn kia chê hội đoàn này. Chê bai qua lại. Lúc đầu, xích mích ở tầm mức tập thể, dần dần đưa đến xích mích ở phương diện cá nhân. Rồi không thèm gặp mặt nhau. Đoạn thề không đội trời chung. Không đội trời chung thì làm sao đứng với nhau trong một mái nhà thờ được? Cha xứ đứng ở giữa không giải quyết được. Một kẻ phải ra đi là điều phải xảy ra. Gương mù gương xấu cả thể. Aûnh hưởng đến niềm tin của cộng đoàn tín hữu. Bầu khí của xứ đạo trở nên u ám, buồn thảm và gây cấn. Với tâm trạng đó, người ta đến nhà thờ không còn vì lòng mến Chúa nữa, nhưng là để dòm ngó nhau, tìm những sơ hở của nhau để bắt bẻ, chỉ trích. Điều này đã làm cho đời sống đạo của giáo xứ bị xuống cấp trầm trọng. Và nhà thờ không còn là nơi để người ta trở về tìm phút bình an trong tâm hồn nữa.
Sáu nguyên nhân vừa nêu trên chỉ là những nguyên nhân có tính căn cơ, vì ai cũng có thể thấy được, nghe được và cảm nhận được ngay trong xứ đạo của mình. Còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa, mà cách này này cách khác, trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra tình trạng người tín hữu rời xa và quay lưng lại với Giáo Hội. Đứng trước và thấu biết những nguyên nhân như vậy, chúng ta phải làm gì cho công cuộc truyền giáo hôm nay, phải làm gì để giảm bớt tình trạng bỏ đạo ngày càng gia tăng trong Giáo Hội? Đức Cha Giuse cũng đã tạm đưa ra 6 phương thức cần thiết, nhấn mạnh đến vai trò vô cùng quan trọng của linh mục quản xứ trong việc gìn giữ và nuôi dưỡng đức tin của người tín hữu.  
3.    Cần phải làm gì để lấy lại niềm tin?
a/ Cần phải có tấm lòng mục tử: Trong Tin mừng, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta thấy hình ảnh của người mục tử nhân lành, đó người vô cùng thương mến đoàn chiên của mình. Ông ta có khả năng nhận biết và kêu tên từng con chiên một. Ông săn sóc chúng hết sức tận tình, nhất là những con chiên què quặt và đau yếu. Thiết nghĩ, người linh mục quản xứ cũng phải luôn có trái tim người mục tử như thế, để luôn luôn đi đến và nâng đỡ những người tội lỗi, là những người luôn có nguy cơ lìa bỏ Giáo Hội nhiều nhất. Tất nhiên, họ sẽ không thể lìa xa Giáo Hội một cách dễ dàng, nếu như họ tìm thấy được hình ảnh của Chúa Giêsu nơi vị linh mục mà họ gặp gỡ hằng ngày.
b/ Người mục tử cần phải biết hoán cải bản thân: Để có được tấm lòng của người mục tử, vị linh mục phải luôn biết nhìn lên Chúa, nhất là nhìn lên trái tim bị đâu thâu trên Thập giá, để nhận ra thân phận thấp hèn của mình. Từ đó, sẽ có thái độ khiêm tốn, bao dung và không ngừng hoán cải bản thân. Với thái độ khiêm tốn và lắng nghe đó, vị linh mục sẽ có khả năng đồng hành với đoàn chiên của mình, chăm sóc đoàn chiên mình, nhất là những con chiên đang bị đau yếu, què quặt. Khi một cha xứ sống được như thế, thể hiện được như thế thì chính là lúc ngài đang trực tiếp tăng cường sức mạnh niềm tin nơi người tín hữu, và đang gián tiếp làm giảm bớt tình trạng những con chiên xa rời Giáo Hội.
c/ Cần phải quan tâm tích cực đến việc dạy giáo lý: Nhiều giáo xứ ngày nay dạy giáo lý rất ư lơ là và lỏng lẻo. Một năm chỉ tập trung các em vào những tháng hè, dạy một rất cách phong trào và dồn dập, rồi sau đó cho các em “qua cửa”: xưng tội, thêm sức, bao đồng, thậm chí có thể qua cả “cửa” hôn nhân nữa. Kiểu dạy như thế thật là tai hại. Nhiều em sau này lớn lên hỏi giáo lý chẳng biết gì, hay chỉ biết mơ mơ màng màng. Tai hại nhất là nhiều người không hiểu phải giữ điều luật này, điều luật kia để làm gì? Có ích gì? Và nó phát xuất từ đâu? Họ không hề hiểu được rằng, giữ Luật Chúa như là một bảng chỉ đường để dẫn đưa họ đến sự sống đời đời.
Thế nên, các cha xứ cần phải hết sức quan tâm và tích cực trong việc dạy giáo lý. Tích cực ở đây chính là cần phải có những sáng kiến tùy theo hoàn cảnh sống của xứ đạo. Ngài có thể dạy giáo lý trong Thánh Lễ, có thể dạy giáo lý qua những cuộc học hỏi thi đua, có thể dạy giáo lý qua những tiết mục đố vui có thưởng…vv. Có rất nhiều sáng kiến để đưa việc học hỏi giáo lý vào trong đời sống giáo dân, từ trẻ em cho đến người lớn. Một khi đã hiểu rõ giáo lý rồi thì chắc chắn niềm tin sẽ được củng cố hơn rất nhiều.
d/ Cần phải kiến tạo một bầu khí sống động cho xứ đạo: Cũng lâu rồi có một cha xứ nọ than thở rằng: “bây giờ ở vùng quê cứ hễ điện về đến đâu thì con nít hư đến đó”? Ngài chia sẻ như vậy là bởi vì, khi đã có điện về khắp vùng, thì nhà thờ không còn là nơi trung tâm sinh hoạt vui chơi của con trẻ nữa. Xưa kia khi chưa có điện, thường chỉ có nhà thờ mới có máy phát điện, đồng thời có luôn một cái sân rộng lớn, sạch sẽ để chơi đùa, và con nít rất thích tập trung ở đấy. Cũng theo lời cha ấy, từ khi có điện, bọn trẻ không muốn đến nhà thờ nữa, mà là đến những tụ điểm trò chơi điện tử, chơi games, chat, xem phim, nghe nhạc online …vv.
Chính vì vị thế thu hút tự nhiên của nhà thờ ngày xưa không còn nữa, cho nên các cha xứ hôm nay cần phải nghiên cứu cách thức nào đó, để kiến tạo một bầu khí có phần sôi động trong xứ đạo nhằm gợi lên cho người giáo dân, nhất là giới trẻ cảm thấy phấn khởi khi nghĩ đến nhà thờ. Nhận thấy ngày nay, đã có những xứ đạo ở TP HCM, ngoài những sinh hoạt sôi động thu hút giới trẻ như: hội thi thánh ca; phong trào sinh viên Công giáo; công tác bác ái từ thiện…Họ còn thiết lập cả một văn phòng tư vấn và giới thiệu việc làm miễn phí cho giới trẻ trong giáo xứ. Có nơi khá hơn nữa là mở lớp dạy nghề cho các em nghèo trong xứ. Những việc làm như thế đã tạo cho bầu khí xứ đạo “nóng” lên và có sức thu hút người trẻ rất nhiều.
Một công việc nữa mà cha xứ cũng phải rất quan tâm, đó là bầu khí phụng vụ thánh. Một giáo xứ không thể phát triển đời sống thiêng liêng được, nếu như nền phụng vụ ở đó cứ èo ọït, nhạt nhẽo và bát nháo. Để có được bầu khí phụng vụ thật sốt sắng và trang nghiêm, khâu chuẩn bị là rất cần thiết. Ca đoàn được chuẩn bị tốt; bài giảng được chuẩn bị tốt; âm thanh cũng chuẩn bị tốt; ban trận tự trong nhà thờ hoạt động tốt… tất cả những yếu tố đó nếu được quan tâm đúng mức, ít ra cũng làm cho bầu khí phụng vụ bên ngoài thêm sốt sắng, trang nghiêm.
e/ Cần quan tâm đến đời sống các gia đình trong xứ đạo: Thông thường người ta gặp nhiều những khó khăn từ phía gia đình. Khi những tương quan trong gia đình bị xáo trộn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống đạo của mỗi người. Nếu như Công đồng Vat. II quan niệm, gia đình như là một Giáo Hội thu nhỏ, thì vị thế của gia đình trong lòng Giáo Hội là rất quan trọng. Chính vì thế mà mục vụ gia đình cần phải được các cha xứ quan tâm cách đặc biệt. Nếu như người mục tử mà Chúa Giêsu mong muốn là có khả năng biết tên từng con chiên một, thì việc biết rõ và thấu hiểu hoàn cảnh của từng gia đình trong xứ đạo là một sứ vụ không thể bị bỏ quên hay trốn tránh được. Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào mà các gia đình được cha xứ thường xuyên quan tâm nâng đỡ và đồng hành khi gặp những khó khăn, thì nơi ấy tình trạng bỏ đạo là rất hiếm, nếu có thì cũng chỉ là trường hợp ngoại lệ thôi. Đức Cha có kể lại rằng, hồi ngài còn làm cha sở Nhà thờ Chính tòa, thời gian đầu gia tài của ngài chỉ có một chiếc xe đạp mà gom góp mãi mới mua được. Thế nhưng, với chiếc xe đạp đó, ngài đã đi thăm các gia đình trong họ đạo. Vậy mà suốt bao nhiêu năm, với biết bao đổi thay về mặt địa bàn và đường sá, ngài vẫn nhớ từng con đường dẫn đến các gia đình. Khi có dịp được ở gần ngài, tôi mới nhận thấy tấm lòng mục tử của ngài thật tuyệt với lắm thay.
f/ Cần phải tạo những nhóm nhỏ sống Lời Chúa trong xứ đạo: Hẳn rằng chúng ta còn nhớ lời Chúa Giêsu đã hứa “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy hiện diện ở đó” (Mt.18,20) . Việc có nhiều nhóm nhỏ họp lại sống và chia sẻ Lời Chúa trong xứ đạo, là một việc làm mang lại rất nhiều lợi ích thiêng liêng cho chính bản thân người tín hữu và cho cả đời sống đức tin của cộng đoàn Dân Chúa nữa. Một khi Lời Chúa thường xuyên được mang ra đọc, nghiền ngẫm và thực hành, thì chắc chắn đời sống đức tin sẽ được củng cố thêm từng ngày. Những nhóm nhỏ chia sẻ Lời Chúa trong giáo xứ, được ví như chất men trong bột, sẽ làm dậy lên lòng yêu mến Chúa, yêu mến tha nhân và yêu mến Giáo Hội nơi người tín hữu. Và chắc chắn bầu khí sốt mến này sẽ lôi kéo, cũng như khích lệ được rất nhiều người gắn bó với giáo xứ, và qua giáo xứ là gắn bó với Giáo Hội hoàn cầu. Vì thế, cha xứ cũng như ban hành giáo, phải hết sức quan tâm nâng đỡ, tạo điều kiện và khích lệ sự phát triển của các nhóm nhỏ cầu nguyện trong giáo xứ, phát triển trong tình yêu thương hiệp nhất và trong sự hướng dẫn  của Chúa Thánh Thần.
Tóm lại: Việc càng ngày càng có nhiều tín hữu rời bỏ Giáo Hội, như là một tiếng chuông gióng lên thức tỉnh Giáo Hội, cũng như thức tỉnh mỗi người chúng ta về cách sống đạo của mình. Mỗi một người chúng ta cần phải chân thành với chính mình qua lời dạy của Chúa Giêsu: “anh em hãy là muối men cho đời”. Vậy chúng ta đã là muối là men hay chưa? Nếu chưa, chúng ta cần phải xem lại những nguyên nhân nào đã đưa chúng ta, cũng như xứ đạo chúng ta đến việc đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa. Một khi đã biết được những nguyên nhân, biết được cội rễ của sự việc, chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra được những phương thế tốt nhất nhằm củng cố niềm tin của chúng ta, và dẫn đưa được nhiều người đến cùng Thiên Chúa, là Đấng luôn yêu thương con người.
Kết thúc bài nói chuyện, Đức Cha đã nhấn mạnh đến vai trò hết sức quan trọng của các tu sĩ và linh mục trong công việc truyền giáo hôm nay. Vai trò đó phải được thể hiện qua hai chiều kích. Một mặt người tu sĩ và linh mục phải là người họa lại hình ảnh của Chúa Giêsu qua chính đời sống của mình; mặt khác, phải luôn hân hoan đón nhận lệnh truyền của Chúa Giêsu: “ Anh em hãy ra đi giảng dạy muôn dân…”. Và để sống tốt hai chiều kích đó, đòi hỏi người tu sĩ và linh mục phải hy sinh rất nhiều, cố gắng rất nhiều và nhất là phải có trái tim yêu mến nồng nàn qua việc phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội của Người.

Anphong Lê Quốc Dũng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP