Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Vài suy nghĩ vụn vặt liên quan đến Truyền giáo

Thời gian gần đây, hoạt động truyền giáo của Dòng Ta được nhấn mạnh rất nhiều. Cả về phương diện huấn giáo lẫn hoạt động thực tế.
Về mặt huấn giáo, ngay từ khi đắc cử BTTQ của Dòng, Bề Trên trên đương nhiệm không ngừng nhấn mạnh đến nhiệm vụ truyền giáo của anh em Thánh Gia. Trong những “thư chung”, cũng như trong những cuộc gặp gỡ các cộng đoàn (ít là tại CĐ Văn Thánh), việc truyền giáo luôn là điều ngài quan tâm nhất.

Về hoạt động thực tế, có thể tóm gọn trong khẩu hiệu “Tất cả cho truyền giáo”. Nhân sự được sai đi cho những công việc gọi là truyền giáo, hay những điểm truyên giáo tăng lên rõ rệt. Những điểm truyền giáo này được quan tâm ưu ái một cách đặc biệt.
Nhân dịp này, xin được chia sẻ một vài suy nghĩ vụn vặt liên quan đến vấn đề rất phức tạp và quan trọng này.
Truyền giáo là gì?
Câu trả lời xem ra không quá khó. Ta tìm thấy nó trong mệnh lệnh của Đức Kitô trước khi về trời “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Công đồng Vatican II đã quảng diễn mệnh lệnh của Đức Giêsu trong hiến chế Ad Gentes : “Hoạt động truyền giáo không gì khác hơn, cũng không gì kém hơn là biểu lộ hoặc bày tỏ ý định của Thiên Chúa và hoàn tất ý định đó nơi trần thế và trong lịch sử thế trần, chính trong lịch sử này mà Thiên Chúa hoàn thành lịch sử cứu rỗi một cách rõ rệt nhờ việc truyền giáo” (AG 9).
Như thế theo nghĩa chặt, truyền giáo là loan báo tin mừng cứu độ của Đức Kitô cho những người chưa nhận biết Người. Để qua việc truyền giáo này mà Thiên Chúa được nhận biết, ý định cứu độ tất cả mọi người của Thiên Chúa được bày tỏ và được thực hiện.
Tuy nhiên Truyền giáo là một hoạt động hết sức phức tạp, nên “Bất cứ một định nghĩa không trọn và khiếm khuyết nào để cố gắng dẫn giải thực tại truyền bá phúc âm hóa hết sức phong phú, phức tạp và năng động này đều có thể làm điều này một cách liều lĩnh trong việc nghèo nàn hóa nó, thậm chí làm cho nó bị méo mó đi nữa”(Evangelii Nuntiandi số 17). Do vậy phải hết sức ý tứ và không được phép giới hạn vào một khía cạnh nào đó và coi nó như là duy nhất của hoạt động truyền giáo.
Đối tượng của việc truyền giáo
Như đã thấy qua mệnh lệnh của Đức Kitô, đối tượng của việc truyền giáo là tất cả những ai chưa nhận biết Thiên Chúa và Tin Mừng. Ở đây hoàn toàn không có sự phân biệt hay ưu tiên : người giàu hay người nghèo, người trí thức hay kẻ thất học, người thành thị hay dân quê hẻo lánh… Tin Mừng đều tuyệt đối cần thiết cho tất cả mọi người, và Thiên Chúa không loại trừ một ai.
Những sự lựa chọn như “ưu tiên cho người nghèo”, “đến những vùng xa xôi”,… chỉ là sự “phân công lao động” để việc truyền giáo được thực hiện một cách nhịp nhàng và hợp lí về mặt tổ chức và xã hội, hoặc do khả năng giới hạn của chúng ta chỉ cho phép chúng ta chú trọng đến một mảng nào đó mà thôi, chứ bản chất của việc truyền giáo không cho phép chúng ta lựa chọn đối tượng.
Tất nhiên trên thực tế, việc lựa chọn đối tượng truyền giáo là cần thiết vì nó giúp cho công tác truyền giáo được thực hiện cách cụ thể và hiệu quả. Sự lựa chọn này cũng thường mang tính chiến lược và có liên hệ chặt chẽ với căn tính hay hoạt động chuyên biệt của một tổ chức hay dòng tu nào đó. Có những dòng ưu tiên đến những vùng xa xôi, có những dòng chú tâm đặc biệt đến tầng lớp trí thức, có những dòng lại đặc biệt quan tâm đến giới trẻ, hoặc những người nghèo, những người bị bỏ rơi…
Dòng Thánh Gia chúng ta được xác định theo hiến pháp (đ.2) là một dòng truyền giáo. Đối tượng được xác định là những người nghèo. Nhưng ai là những người nghèo này? Dường như họ vẫn được hiểu là những người nghèo về mặt vật chất. Tuy nhiên có đúng không khi giới hạn cái nghèo vào chỉ một chiều kích này mà thôi? Xã hội công nghiệp hiện đại ngày nay đang tạo ra nhiều loại người nghèo khác xem ra không kém phần bi đát so với cái nghèo vật chất. Đó là cái nghèo về tinh thần, nghèo về tình cảm,… Chỉ những người nghèo về mặt vật chất mới cần (hoặc cần hơn những người khác?) được loan báo tin mừng cứu độ của Đức Kitô hay sao? Như đã nói ở trên, vì khả năng con người có hạn nên ta chỉ có thể quan tâm đến một khía cạnh nào đó mà thôi. Tuy nhiên sự lựa chọn này không bao giờ được coi là tuyệt đối và mang tính loại trừ.
Truyền giáo ở đâu?
Trước đây, tôn giáo là yếu tố quan trọng nhất trọng nhất trong việc tổ chức xã hội. Thường những người chia sẻ cùng một niềm tin tôn giáo thì sống chung trong một khu vực địa lí. Do đó mà nơi nào được coi là “có đạo” thì gần như là toàn tòng,  ít có tình trạng “xôi đỗ” như trong xã hội hiện đại ngày nay. Có những “xứ đạo gốc” và những “xứ truyền giáo”. Trong điều kiện như thế, nói tới truyền giáo thường hiểu là  phải đi ra khỏi địa sở của mình, kể cả phải từ bỏ xứ sở của mình để đến những miền đất xa xôi, đến những xứ truyền giáo.
Ngày nay, sự phân bố dân cư chịu ảnh hưởng rất lớn bởi vấn đề kinh tế. Mô hình “toàn tòng” dần dần bị phá vỡ, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Ở đâu và bất cứ lúc nào ta cũng dễ dàng tiếp xúc với những người chưa được biết đến Đức Kitô. Truyền giáo (theo nghĩa là loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô) bây có thể thực hiện ngay ở địa bàn mình đang sống.
Đó là chưa nói đến sự đóng góp của khoa học kĩ thuật, nhất là trong lãnh vực truyền thông. Nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại, mà người ta có thể loan báo Đức Kitô một các nhanh chóng và hiệu quả cho những người sống cách xa hàng ngàn cây số mà không cần đến đó. Giáo Hội cảm thấy mình có bổn phận sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội để loan báo ơn cứu độ của Đức Kitô (xem Sắc lệnh về truyền thông Inter Mirifica của ĐTC Phaolô VI, số 3).
Đứng trước những thay đổi về cấu trúc xã hội, trước những thành quả tiến bộ của khoa học kĩ thuật, thiết nghĩ quan niệm về truyền giáo và cách thức truyền giáo cũng phải thay đổi và cập nhật cho phù hợp với tình hình hiện tại. Có như thế thì chúng ta mới có cơ may thực thi lệnh truyền của Đức Kitô (Mt 28,19-20) một cách hiệu quả nhất.
Làm như thế nào?
Chúng ta làm gì khi làm công tác truyền giáo? Câu hỏi có vẻ thừa thãi, vì phần định nghĩa đã nói rõ truyền giáo là giới thiệu Đức Kitô và sứ điệp của Người cho những người chưa được nghe biết. Tất nhiên để làm điều này có nhiều phương pháp được lựa chọn.
Có những nhà truyền giáo chỉ chú tâm về mặt thiêng liêng, chứ không quan tâm đến vấn đề vật chất, an sinh xã hội. Với họ, việc truyền giáo hệ tại chính yếu ở việc rao giảng (bằng lời nói) Đức Kitô.
Có những vị chú trọng cách đặc biệt đến việc phát triển đời sống vật chất và dân trí trước khi loan báo Tin Mừng. Đây là một việc làm hết sức đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên không nên coi đây là tất cả và là hoạt động chính yếu của truyền giáo. Trong lịch sử, phương pháp truyền giáo kiểu “theo đạo lấy gạo mà ăn” đã lôi kéo được khá nhiều người theo đạo. Ngày ngay, nhiều người vẫn còn rất chuộng phương pháp này (tuy nhiên dưới những hình thức tế nhị hơn chứ không lộ liễu như thế). Có người tuyên bố rằng, bây giờ truyền giáo dễ lắm, chỉ cần đưa tiền tới những xứ nghèo, giúp tụi nó, rồi lôi kéo tụi nó dần dần theo mình! Một phương pháp xem ra có vẻ hơi thủ đoạn và không mấy theo tinh thần Tin Mừng.
Trong khi đó khi đọc lại Tin Mừng, chúng ta thấy rằng, khi Đức Kitô sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Người nói : “Ði đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy [...] Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy.” (Mt 10,10-12). Như vậy điều đầu tiên mà người môn đệ (hay nhà truyền giáo) phải có và đem đến cho “nơi truyền giáo” chính là sự bình an. Sự bình an có được trước tiên là từ chứng tá đời sống (x. Evangelii Nuntiandi số 21) chứ không phải là những giá trị vật chất làm hoa mắt và sai lạc sự phán đoán của những người nghèo khổ. Nói thế không có nghĩa là phủ nhận giá trị vật chất, vì “làm sao có thể loan báo điều răn mới, nếu không chịu dấn thân vào việc cổ vũ sự tiến bộ đích thực của con người, trong công bằng và hòa bình?” (Evangelii Nuntiandi số 31), nhưng không nên coi vật chất là yếu tố then chốt trong công tác truyền giáo. Đức Giêsu cũng đã nhiều lần hoá bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, nhưng là chỉ sau khi Người đã giảng dạy họ (Mc 6,30-44; 8,1-9). Còn khi người ta tìm đến với Đức Giêsu chỉ vì vấn đề vật chất thì Người đã quở trách và tránh xa họ (Ga 6,26-27).
Yếu tố quan trọng nhất trong việc truyền giáo đối với những người dâng hiến vẫn là chứng ta đời sống của họ. ĐTC Gioan Phaolô trong tông huấn Đời sống thánh hiến viết : “Các người tận hiến, nhờ việc thánh hiến và việc hoàn toàn hiến mình, làm cho người khác thấy được sự hiện diện yêu thương và cứu độ của Đức Kitô, Đấng được Chúa Cha thánh hiến và sai đi” (VC 77). Đức Phaolô VI cũng nhấn mạnh rằng : “bằng việc làm và đời sống của mình, Giáo Hội sẽ truyền bá phúc âm hóa cho thế giới (Evangelii Nuntiandi số 41)
Một vài lãnh vực truyền giáo
Trong phần thứ III của Tông huấn Đời sống thánh hiến, ĐTC Gioan Phaolô II, sau khi nêu nên tầm quan trọng của việc truyền giáo trong đời sống thánh hiến, đã nêu lên một vài lãnh vực mà người tu sĩ cần quan tâm cách đặc biệt :
§ Lãnh vực Giáo dục : Đây là một lãnh vực hết sức quan trọng vì “Giáo hội vẫn luôn xác tín rằng giáo dục là một yếu tố chính yếu trong sứ mạng của Giáo Hội” (VC 96). Chính trong môi trường giáo dục mà con người, đặc biệt là những người trẻ, ngày càng hoàn thiện mình để vươn tới tầm mức viên mãn của con cái Thiên Chúa. Cũng chính trong môi trường giáo dục mà người trẻ không những được yêu thương,  mà còn cảm nghiệm và hiểu là họ được yêu thương. Đây là mục đích mà việc truyền giáo phải nhắm tới.
§ Phúc âm hoá nền văn hoá : Thế kỉ 21 có thể gọi là thế kỉ của sự gặp gỡ các nền văn hoá. Càng ngày Giáo Hội càng thấy có nhu cầu tìm hiểu các nền văn hoá bản xứ nếu muốn mang hạt giống tin mừng đến đó. Một cách khách quan, Giáo Hội ngày nay không thể thượng tôn mình trên các nền văn hoá khác, nếu muốn gặp gỡ và đối thoại với họ. Giáo Hội cũng không còn tự cho mình là người duy nhất nắm giữ chân lí. Để có thể phúc âm hoá nền văn hoá, Giáo Hội không còn lựa chọn nào khác là phải tìm hiểu cách thấu đáo các nền văn hoá bản xứ. Trong lãnh vực này, người tu sĩ càng phải chú tâm cách đặc biệt hơn nữa. Tông huấn nhắc nhở những người thánh hiến rằng : “Để loan báo lời Thiên Chúa, những người tận hiến cũng được mời chọn cách thích hợp với nhu cầu của các nhóm và các môi trường nghiệp vụ khác nhau, ngõ hầu ánh sáng Đức Kitô lọt vào được mọi lãnh vực trong đời sống con người và những mầm mống cứu độ biến đổi từ bên trong đời sống xã hội, phát huy sự hình thành một nền văn hoá thấm nhuần các giá trị Tin Mừng” (VC 98)
§ Lãnh vực truyền thông : Đây là một lãnh vực hết sức quan trọng, nhưng chưa được quan tâm đủ trong thực tế Giáo Hội. Với đà phát triển của kĩ thuật hiện đại như ngày nay, đặc biệt trong lãnh vực truyền thông thì nó sẽ ngày càng trở thành một công cụ vô cùng quan trọng cho việc loan báo Tin Mừng (xem Tông thư Sứ Vụ Đấng Cứu Thế số 37). Giáo Hội tha thiết mời gọi các người thánh hiến hãy dấn thân mạnh mẽ trong lãnh vực quan trọng và mới mẻ này, “ngõ hầu Tin Mừng của Đức Kitô được loan báo bằng những phương tiện hiện đại” (VC 99)
§ Đấu tranh cho công bằng xã hội : Trong bối cảnh châu Á, một lục địa mà ở đó nghèo đói và bất công đang đè nặng trên phần lớn dân số, thì Tin Mừng của Đức Kitô không thể tách rời sự giải phóng. Giải phóng khỏi sự nghèo đói và bất công. Nhận định của linh mục F. Gómez Ngô Minh trong thiên khảo luận  Truyền Giáo Học thật là chí lí : “Nếu hàng triệu triệu người dân Châu Á hiện đang sống trong cảnh nghèo đói, thế tất Giáo Hội tại Châu Á phải là Giáo Hội của người nghèo. Và như thế, thực thi công bằng là một yếu tố của thánh thiện. Công tác phúc âm hóa và nỗ lực phát triển là hai việc làm không đối nghịch nhau. Tại Châu Á ngày nay, các hoạt động ấy là phần bộ không thể thiếu của công tác rao giảng Tin Mừng.”
Đó là một vài lãnh vực hết sức quan trọng mà những người (đặc biệt là những người thánh hiến) tha thiết với việc truyền giáo không thể không quan tâm tới. Trong xã hội hiện đại mang tính thị trường như ngày nay, ở đó mọi giá trị đều được quảng cáo và giới thiệu một cách rất tự do, thì việc giáo dục là rất cần thiết. Con người và nhất là những người trẻ, cần phải được dạy cho biết lựa chọn những giá trị thật để xây dựng đời mình. Trong xã hội mà truyền thông ngày càng có ảnh hưởng mạnh mẽ trên đời sống, hoạt động truyền giáo cần phải biết tận dụng nó để rao truyền Đức Kitô theo ngôn ngữ của thời đại.
Những nhà truyền giáo
Để có thể thực hiện sứ mạng hết sức quan trọng này, những nhà truyền giáo cần phải được huấn luyện để có những phẩm tính nhất định. Sắc lệnh Truyền giáo (Ad gentes) của công đồng Vatican II dành cả một chương 4 để bàn đến những vị thừa sai. Điều này cũng dễ hiểu, bởi tầm quan trọng và sự sức nặng của công tác truyền giáo đòi hỏi một sự chuẩn bị thích đáng. Đặc biệt về mặt thiêng liêng và luân lí (AG 25). Vì nếu không được chuẩn bị tốt, thay vì giới thiệu một khuân mặt khả ái của Thiên Chúa, họ lại giới thiệu một khuân mặt méo mó về Người. Đồng thời nếu không được huấn luyện tốt về nhân bản họ sẽ khó có thể thích nghi trong những điều kiện phức tạp của môi trường truyền giáo.
Trong thời điểm hiện tại, đứng trước lời kêu gọi “Tất cả cho truyền giáo”,  thiết nghĩ người tu sĩ Thánh Gia cần phải hiểu rõ những yếu tố cốt thiết của Truyền giáo, hiểu được môi trường xã hội và văn hoá mình sống, biết những thao thức của Giáo Hội, hoà vào nhịp sống của Giáo Hội và nhất là biết tự đào tạo mình trở thành những con người mang tinh thần truyền giáo đích thực, tức là những người khao khát sống và chia sẻ với mọi người Tin Mừng của Đức Kitô. Tưởng cũng nên nhắc lại lời ĐTC Bênêđictô 16 trong sứ điệp truyền giáo 2007 : “chúng ta đừng quên rằng sự đóng góp chủ yếu và ưu tiên nhất cho hoạt động truyền giáo mà chúng ta được mời gọi là lời cầu nguyện”. Vâng, với những nỗ lực bản thân trong việc truyền giáo cùng với lời cầu nguyện liên lỉ, chúng ta sẽ góp phần làm cho Nước Cha Trị Đến.

Dom. Ninh Nguyễn Thông Phán

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP