Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Trông chờ và hy vọng !

Mỗi khi đến mùa vọng, lời Chúa nhắc nhở tôi luôn có những tâm tình và thái độ như: trông chờ, hy vọng đón Chúa giáng sinh đến với mình. Trông chờ là chờ đợi mong ngóng với nhiều hy vọng, còn hy vọng chính là tin tưởng mong chờ điều tốt đẹp sẽ đến. Con người ai cũng vậy đã từng có những lần hy vọng, cũng như đã từng có những lần trông chờ một điều gì đó sẽ tới và đem điều hạnh phúc đến cho mình.
Cuộc sống con người luôn luôn là những niềm hy vọng từ lúc nhỏ cho tới khi không còn trên cõi đời nữa. Trong những hy vọng đó có những hy vọng đã đạt được và mang đến cho con người những hạnh phúc. Tuy nhiên có những hy vọng mang lại những điều bất hạnh cho con người cũng không ngoại trừ. Đó là những hy vọng khi đạt được rồi thì nó không được như hy vọng nữa là vì, ở một thời điểm mới, hoàn cảnh khác nó không mang lại cho người hy vọng những giá trị của cuộc sống. Vậy đâu là hy vọng để khi hy vọng vào đó sẽ không sợ phải thất vọng. Đó chính là hy vọng vào Đấng vĩnh cửu mà chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm đón Người đến lần thứ nhất. Theo thánh Phao-lô trong thư gởi Roma hy vọng là: “Chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình thấy rồi? Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ” (Rm  8, 24-25).
Khi mùa vọng đến chúng ta thường được nghe nhắc lại niềm trông mong và hy vọng của dân tộc Do thái đang mong chờ một vị vua đến để giải thoát mình khỏi cuộc sống nô lệ của người Ai cập. Một niềm hy vọng mà đã được hy vọng bao năm tháng từ thời cha ông họ “Trời cao hỡi nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính; đất mở ra đi cho nảy mầm ơn cứu độ, đồng thời chính trực sẽ vươn lên” (Is 45, 8). Thiên Chúa đã chấp nhận lời kêu cầu dân Chúa và Ngài cho chính con một của mình xuống thế để giúp con người thoát khỏi cảnh nô lệ đó. Chúa đã đến cách nay hơn hai ngàn năm cho dân tộc Do thái và cho toàn thế giới. “Ngôi lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Không nhìn nhận Đấng cứu thế là Đức Kitô, dân tộc Do thái đã chối bỏ Người, vì hy vọng của họ, ông vua đó phải là vị vua quyền lực để đánh đuổi dân đô hộ Ai cập để giải thoát họ, cho họ một cuộc sống bá chủ thống lĩnh trên các dân tộc khác. Nhưng Thiên Chúa lại ban con một của mình xuống để đem một thông điệp kêu gọi họ sống tinh thần Tin mừng mà chính Đức Giêsu Kitô rao giảng là anh em hãy yêu thương nhau như chính Người đã yêu thương anh em để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu của nước trời. Chính Đức Kitô đến không phải là mang sự chia rẽ, không phải là mang hận thù, cũng không phải manh chiến tranh đến với con người mà Người mang đến tình yêu thương và sự tha thứ cho con người. Người không muốn chỉ mang lại hạnh phúc tức thời cho họ, mà Người muốn mang lại cho họ một hạnh phúc đời đời. Thật tiếc thay dân Do thái đã không chấp nhận kế hoạch tuyệt vời đó của Thiên Chúa. Còn chúng ta ngày nay thì sao, chúng ta cũng đang hy vọng tìm kiếm hạnh phúc cho mình. Tìm hạnh phúc là một hy vọng chính đáng, vì ai sống trên đời cũng mong muốn mình được hạnh phúc nhất. Con người ai cũng lo đi tìm kiếm hạnh phúc, nhưng mỗi người sẽ tìm hạnh phúc theo quan niệm của mình. Có người cho rằng, có nhiều tiền sẽ hạnh phúc; có người lại quan niệm có vợ đẹp con ngoan là hạnh phúc; có người cho rằng, khi làm việc gì cũng thành công thì hạnh phúc; có người cho rằng có đủ cơm ăn áo mặc là hạnh phúc rồi… Để đạt được hạnh phúc họ lên kế hoạch, lăn xả vào những công việc tìm kiếm hạnh phúc đó. Họ đặt nhiều hy vọng và trông chờ những điều đó sẽ đến với mình. Thực tế cho thấy trong xã hội ngày nay có rất nhiều người đã đạt được những thành công và được xem là hạnh phúc trong cuộc sống. Tuy nhiên những thành công vật chất vẫn không làm thoả mãn cho con người. Có một lúc nào đó họ cảm thấy bế tắc trong cuộc sống vì vật chất không giải quyết cho họ được vấn đề bình an tâm hồn. Ngày nay, chúng ta thấy có nhiều người đang hy vọng vào những vị thần thánh họ tôn thờ và họ mong tôn giáo sẽ giải quyết vấn đề tâm linh cho họ có cuộc sống bình an hơn trong một cuộc sống vật chất náo nhiệt bây giờ. Qua đó, chúng ta thấy được rằng hy vọng vào vật chất, hy vọng vào trần thế con người vẫn không giải quyết đươc vấn đề tâm linh và bình an. Lúc này con người mới quay lại thuở ban đầu như tổ tiên của mình là hy vọng vào Thiên Chúa đấng vĩnh cửu mới mang hạnh phúc thật sự cho mình và mong muốn Chúa đến để giải thoát mình khỏi cuộc sống nô lệ vật chất này.
Trong tâm tình chúng ta đang sống trong mùa vọng trông chờ đón Chúa đến. Đây là cơ hội giúp chúng ta nhìn lại chính mình, nhiều khi chúng ta cũng đang mải mê với những hy vọng viển vông, hy vọng vào những gì mang lại lợi ích chóng qua cho mình, hy vọng làm được việc này việc kia, để ngang bằng với những người này người nọ. Chúng ta nhiều lúc quá lệ thuộc vào những hy vọng đó. Mùa vọng giúp chúng ta suy nghĩ, là chúng ta phải đặt lại niềm trông mong và hy vọng vào Chúa, Đấng có thể giúp chúng ta tìm được bình an nội tâm, tìm lại lý tưởng dâng hiến đích thực mà chúng ta đang thực thi. Đồng thời trong cuộc sống tu trì chúng ta phải là những chứng nhân cho moi người thấy, là cuộc sống của chúng ta luôn luôn là sự hy vọng và mong đợi Đấng mà chúng ta quyết chí hiến dâng cho Người cách trọn vẹn. Hy vọng vào Chúa, chúng ta phải nhờ thần khí của Chúa củng cố vững bền cho đức tin của mỗi người, từ đó mới có thể giúp chúng ta giữ được niềm hy vọng đích thực vào Chúa. Nhưng thực tế con người luôn luôn còn những yếu đuối, nên không thể một sớm một chiều mà mình có thể đi theo con đường mình muốn đến. Không cách nào khác hơn là chúng ta cậy dựa vào Chúa qua đời sống kết hợp với Chúa bằng việc tham dự vào các bí tích và đời sống cầu nguyện, suy niệm và thực hành lời Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Đó cũng chính là điều thể hiện sự hy vọng trông mong đích thực nhất mà mỗi người cần hướng đến.

Barthélémy Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP