Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Mầu nhiệm nhập thể trong đời tận hiến

Trời đã hơi se lạnh, đó đây đã ngân vang những bài thánh ca Noel. Lại một mùa Giáng Sinh đã đến gần. Tình yêu giáng sinh của Con Thiên Chúa mời gọi con người hãy làm sống lại nơi mình chính tình yêu đã đưa Con Thiên Chúa và trần gian. Mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa cũng là một hình mẫu cho hành trình của đời tận hiến.

Sự khởi đầu
Sách khôn ngoan miêu tả rằng: “Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường dường như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu” (Kn 18, 14-15). Vâng, khi bóng đêm tội lỗi đang bao phủ địa cầu, và khi sự tối tăm này lên đến cực điểm, thì Ngôi Lời Thiên Chúa đã hoá thành nhục thể và trở nên căn nguyên sự sống mới cho nhân loại.
Trong đời sống đức tin, con người cũng có lúc chạm tới một cái ngưỡng mà các nhà thần bí gọi là đêm tối đức tin. Đứng trước cái ngưỡng đó, lí trí con người phải nhường bước để nhường cho một hành vi đức tin. Dừng lại để mãi đi trong lối mòn hay lựa chọn dấn thân về phía trước để khai mở một cuộc sống mới.
Đời sống thánh hiến cũng đời hỏi vượt qua một ngưỡng như thế. Cho dù đã tìm hiểu, suy xét cách mấy thì cũng đến một lúc nào đó ta chạm đến một cái ngưỡng mà ở đó quyết định chỉ dựa trên một tiêu chuẩn duy nhất là lòng tin. Tin vào Đức Kitô đã yêu thương và kêu gọi mình bước theo Ngài. Chính sự vượt ngưỡng này là khởi đầu cho một đời tận hiến.

Một danh nghĩa mới
Và Ngôi Lời đã làm người (Ga 1, 14). Giờ đây Lời vốn vô hình đã trở nên hữu hình mà mang tên Emmanuel. Bằng việc nhận một danh nghĩa mới, một cuộc sống mới, Ngôi lời Nhập Thể đã bắt đầu hành trình nhập thể của mình.
Thánh Phaolô trong thơ gởi giáo đoàn Philippe khẳng định: “[Ngài] đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 7). Mầu nhiệm nhập thể đòi hỏi một sự từ bỏ tận căn để mặc lấy một danh nghĩa, một quy chế mới. Đức Kitô đã từ bỏ vị trí con Thiên Chúa để mang lấy thân phận con người khi Ngài bước vào thế giới của con người.
Đó cũng là điều mà đời tận hiến đòi hỏi những người chọn lối sống này. Sự lựa chọn đời tận hiến đồng nghĩa với việc từ bỏ lối sống, sự sở hữu và sự tự do định đoạt của mình. Từ bỏ cách sống cũ để bắt đầu một lối sống mới với những đòi hỏi, những khó khăn và niềm vui mới. Một số dòng vẫn giữ tục lệ đổi tên thánh khi bắt đầu dấn thân vào đời tận hiến để nói lên một bước ngoặt nơi đời sống của mình. Có một sự cắt đứt và một khởi đầu nào đó.
Hệt như mầu nhiệm nhập thể, đời tận hiến cũng bắt đầu với một danh nghĩa mới. Kèm theo danh nghĩa mới này là những đòi hỏi của nếp sống mới.
Một hành trình nhập thể nhiêu khê
Việc đầu tiên là Ngôi lời đã phải học cách thức làm người. Và đây là một công việc nhiêu khê, đến nỗi con Thiên Chúa đã phải mất 30 năm để học hỏi!
Đời tận hiến cũng sống chính mầu nhiệm nhập thể này. Chiếc áo dòng và những lời khấn không phải là chiếc đũa thần biến một người thành một tu sĩ thực thụ. Người ta đã chẳng bảo “Chiếc áo không làm nên thầy tu đó sao”? Người ta  phải cố gắng từng ngày, từng giây phút để trở nên tu sĩ (nên giống Chúa Kitô) mỗi ngày một hơn.
Ngay khi tuyên khấn để nhận lấy danh hiệu tu sĩ, người tu sĩ cũng bắt đầu sống hành trình nhập thể trong đời sống tận hiến. Họ phải nỗ lực học hỏi từng ngày để làm công việc khó khăn này. Khó khăn đến nỗi một tu sĩ khi mừng 50 năm khấn dòng khi được hỏi về cảm nghĩ đã nói rằng: “Tôi đã khấn 50 năm nhưng tu được bao lâu thì tôi không biết nữa”!
Mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu có thể diễn đạt trong hành trình này: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazareth và hằng vâng phục các ngài… Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (x. Lc 2, 51-52). Xin cho hành trình nhập thể này cũng được thể hiện từng ngày trong đời tận hiến.

Dom. Ninh Nguyễn Thông Phán

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP