Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Triết Kinh Viện - Sự Hình Thành và Phát Triển

(Từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII)

Bertrand Nguyễn Thanh Hoài

Lời nói đầu: Sau những ngày bàn đi bàn lại, anh em Kinh viện quyết định ra mắt tập nhỏ Nội san Kinh viện. Có thể nói, đây là một “sân chơi” tốt cho anh em Kinh viện để tập viết lách, nghiên cứu, bày tỏ những suy tư, trăn trở của mình về một vấn đề nào đó trong cuộc sống và trong quá trình “mài kinh sử”. Như chúng ta đã biết, để chuẩn bị theo học các môn thần học và theo quy định của tông hiến Sapientia Christiana về các môn học thuộc thánh khoa, tất cả sinh viên phải theo học 2 năm của tuyến triết Kinh viện. Nay người viết mời độc giả cùng xem lại thế nào là triết Kinh viện? Sự hình thành và phát triển của triết Kinh viện? Vai trò của triết Kinh viện với Thần  học theo từng giai đoạn lịch sử?
Các sách tham khảo:
  1. Thiện Cẩm. Lịch Sử Triết Học Tây Phương Thơi Trung Cổ. Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, 1974.
  2. Con Người Biết Suy Tư. Giáo Trình Dự Bị Thần Học.
  3. Doãn Chính và Đinh Ngọc Thạch. Triết Học Trung Cổ Tây Aâu. NXB Thanh Niên: Hà Nội, 2003.
  4. Đinh Ngọc Thạch. Đại Cương Lịch Sử Triết Học Tây Phương. NXB. Tp. Hồ Chí Minh, 1993.
  5. Phạm Minh Lăng. Những Chủ Đề Cơ Bản Của Triết Học Phương Tây. NXB Văn Hóa Thông Tin: Hà Nội, 2003.
  6. Trần Văn Hiến Minh. Triết Học Tổng Quát. Tủ Sách Ra Khơi: Sài Gòn, 1961.
  7. __________________. Từ Điển Và Danh Từ Triết Học. Tủ Sách Ra Khơi: Sài Gòn, 1969.
  8. Lê Tôn Nghiêm. Lịch Sử Triết Học Tây Phương. NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 2000.
  9. Lê Thanh Sinh. Triết Học Tây Âu Trước Mác - Những Vấn Đề Cơ Bản. NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 2001.
  10. Vũ Đăng Trình. Đại Cương Triết Sử Tây Phương. Đại Chủng Viện Thánh Quí, 1992.
  11. Nguyễn Trọng Viễn. Lịch Sử Triết Học Tây Phương. Học Viện Đa Minh. 1998.
DẪN NHẬP
Về mặt lịch sử, triết học Tây Phương tạm được chia thành 4 giai đoạn chính: Thời Thượng Cổ, Thời Trung Cổ, Thời Cận Đại, và Thời Hiện Đại[1]. Triết Kinh viện bắt dầu hình thành và phát triển vào thời Trung cổ. Có thể nói trong giai đoạn này, tư tưởng triết học có một vai trò hết sức quan trọng không những trong nhà trường của Giáo hội mà còn cả ngoài xã hội. Nói chung, trong thời kỳ này triết học có mối liên hệ rất mật thiết với tôn giáo. Đặc tính của triết học trong thời kỳ Trung cổ là “nô tỳ của thần học”. Mục đích chính của những suy tư triết lý là nhằm nỗ lực dung hòa giữa niềm Tin và Lý trí[2]. Từ thế kỷ X đến thế kỷ  XV, triết học kinh viện, tiêu biểu là triết học Thánh Toma Aquino[3], truyền đạt tư tưởng thần học của Kitô giáo. Do đó, triết học kinh viện đã đã trở thành công cụ chính trực tiếp biện hộ, hệ thống hóa và bảo vệ hệ thống tư tưởng thần học chính thức của Giáo hội Kitô giáo trong thời Trung cổ của lịch sử triết học Tây phương. Như vậy, yếu tố nào đã làm cho Triết học kinh Viện lên như diều gặp gió? Lịch sử hay chính trị? Văn hóa hay tôn giáo? Trước tiên, để có thể xác định được những yếu tố trên, thiết tưởng chúng ta nên tìm hiểu về bối cảnh lịch sử thời Trung cổ: lịch sử, tình hình chính trị và văn hóa khoa học trong thời triết học kinh viện. Kế tiếp để hiểu rõ ràng hơn về Triết học Kinh viện, chúng ta cũng nên tìm lại nguồn gốc, ý nghĩa tầm nguyên của nó. Sau cùng, như đã đề cập ở tựa đề trên, người viết chỉ tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của triết Kinh viện. Do đó, bài viết không thể không thiếu những chặng đường mà Triết học Kinh viện đã đi qua trong thời trung cổ của lịch sử triết học Tây phương.
BỐI CẢNH LỊCH SỬ THỜI TRUNG CỔ Ở TÂY ÂU
Khái quát về lịch sử
Do sự khủng hoảng của chế độ chiếm hữu nô lệ và sự ra đời của chế độ phong kiến vào những năm đầu công nguyên mà chế độ nô lệ và “man di”[4] đã kết hợp lại để đấu tranh giai cấp quyết liệt đã tạo nên một sự biến chuyển mới trong các nước Tây Âu. Kết quả là chế độ phong kiến bị sụp đổ (thế kỷ V) và bắt đầu manh nha xuất hiện các hình thức đầu tiên của chủ nghĩa tư bản (thế kỷ XV-XVI).  Trong những giai đoạn đầu của sự chuyển biến từ chế độ nô lệ sang chế độ phong kiến đã làm cho nền kinh tế  văn hóa xã hội Tây Âu bị suy sụp. Nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, bao gồm trồng trọt và chăn nuôi.
Tuy nhiên, đến thời kỳ trung cổ bộ mặt kinh tế xã hội đã có nhiều phần thay đổi. Các ngành nghề thủ công và những tầng lớp giai cấp mới đã xuất hiện. Do sự phát triển như vậy, dân cư ở các thành thị thời trung cổ đã tạo nên sự phân chia giai cấp rõ rệt.
Những mâu thuẫn nội tại và với sự tấn công của các sắc  tộc “man di” đã đưa đến sự sụp đổ của chế độ nô lệ. Thay vào đó là sự ra đời của chế độ phong kiến với hai thành phần giai cấp căn bản là: nông nô và lãnh chúa. Trong đó, phong kiến là giai cấp nắm trong tay quyền lực nhà nước. Trong giai đoạn đầu của sự chuyển biến từ chế độ nô lệ sang chế độ phong kiến ở các nước Tây Âu  đã làm cho nền kinh tế, văn hóa, xã hội bị suy sụp.
Chính sức ỳ của xã hội phong kiến đã làm cho dân chúng lúc bấy giờ có một cảm tưởng về mộ thời đại trì trệ và tệ hơn là tụt hậu so với trình độ phát triển của xã hội nô lệ.  Nhưng, thật tình mà nói, về khía cạnh sản xuất sự hình thành chế độ phong là một điều tất yếu của lịch sử để tạo nên những mối quan hệ trong gia đình, xã hội biến đổi theo quy mô phát triển của nó. Thêm vào đó nữa, tri thức triết học và khoa học đã có những góp phần đáng kể trong hoàn cảnh xã hội mới này[5].
Khái quát về văn hóa và khoa học
Trong thời kỳ này hầu như mọi lãnh vực từ triết học, chính trị, pháo luật,… đều do Giáo hội điều khiển và mang một tinh thần cơ bản là thần học.
Trong thiên văn học, Tholese đã xây dựng được đài quan sát thiên văn ở Tây Ban Nha vào thế kỷ VIII. Cũng vậy, dựa vào hệ thống tư tưởng của Aristote, các nhà thiên văn cũng đã lập ra các bảng hành tinh mới.
Về lãnh vực toán học, người ta tìm thấy một tác phẩm của Leonard Fibonatiz trình bày khá đầy đủ về những cơ sở toán học và đại số học. Cũng vậy, trong thời kỳ này xuất hiện những cải tiến về kỹ thuật trong vật lý như nghiên cứu  tiêu cự của các điểm của những thấu kính hình cầu, chế tạo được kính đeo mắt vào hậu thế kỷ XIII.
Trong lãnh vực hóa học, vào trung thế kỷ XII, đã xuất hiên những bản dịch các tài liệu giả kim thuật Ả Rập ra La Tinh. Nổi bật nhất về trong lãnh vực này là Albertus Magnus với hai tác phẩm nổi tiếng là Sách Về Giả Kim Thuật và Năm Cuốn Sách Về Kim Loại và Khoáng Chất.
Về giáo dục,  đầu tiên chỉ có một số trường học do các tu viện mở nhưng về sau, khi các thành thị đã mọc lên, do đó các trường đại học cũng được thành lập nhiều hơn. Các môn học đều dạy bằng tiếng La Tinh và phương pháp dạy chịu ảnh hưởng bởi phương pháp của kinh viện.
Về lãnh vực văn học nghệ thuật, hầu như các sáng tác văn học đều được viết bằng tiếng La Tinh: văn học kỵ sĩ, văn học thị dân, và văn học truyền khẩu bình dân.
Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và hội họa, có hai loại kiến trúc phổ biến Romanestique và Gothique. Còn điêu khắc và hội họa chủ yếu có trong các nhà thờ của Kitô giáo.
Tất cả những đặc điểm lịch sử, kinh tế, và văn hóa của thời kỳ xã hội trung cổ Tây Âu đã ảnh hưởng thực sự đến sự hình thành và phát triển của triết học trung cổ Tây Âu, đặc biệt là triết Kinh viện.

(còn tiếp)



[1] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Lịch Sử Triết Học Tây Phương, 1996.
[2] Sđd trang 6.
[3] Là tu sĩ của Dòng Đa Minh, học trò của Thánh Albeto Cả (Alberuts Magnus). Ngài là một trong những khuân mặt “nặng ký” tạo nên triết học  kinh viện. Toàn bộ các chân lý và nền tảng của triết học kinh viện đều được trình bày qua Hai Mươi Bốn Luận Đề Tinh Túy và Căn bản của Thánh Toma. Do đó, người Công giáo muốn học hỏi  Giáo lý cần đến triết học (24 luận đề của triết học của Thánh Toma), cũng như muốn thông thạo ngoại ngữ , thì cần nghiên cứu văn phạm rất phiền phức.
[4] Đinh Ngọc Thạch. Đại Cương Lịch Sử Triết Học Tây Phương. trang 39.
[5] Đinh Ngọc Thạch. Đại Cương Lịch Sử Triết Học Tây Phương. trang 39.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP