Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

"Nhãn hiệu Thầy" trong tâm lí người Việt nam. Cảm nghiệm từ thực tế tông đồ

Trong những ngày cuối tháng năm vừa qua (2006), tôi có dịp đi gặp gỡ các giáo lí viên của các hạt thuộc giáo phận Long Xuyên. Cụ thể là ngày 25/05/2006 : Hạt Long Xuyên ; 26/05/2006 : Hạt Chợ mới ; 29/05/2006 : Hạt Rạch giá ; 30/05/2006 : Hạt Tân hiệp ; 31/05/2006 : Hạt Thốt nốt. Trong chuyến đi này tôi học hỏi được nhiều điều bổ ích. Tuy nhiên tôi cũng cảm nghiệm được một thực tế khá buồn : người tu sĩ nam (giáo dân) khó được đón nhận một cách đúng mức trong vị trí cũng như hoạt động chuyên môn của mình.
Ban đầu là…
Từ dịp cấm phòng năm của địa phận Long Xuyên, tôi được Bề Trên chính thức giới thiệu làm việc trong Ban Giáo Lí Đức Tin của địa phận Long Xuyên. Ban Giáo Lí Đức Tin của địa phận Long Xuyên gồm có 6 thành viên : cha FX Hoàng Đình Mai (Trưởng ban), cha Augustin Phạm Văn Dũng (phụ trách hạt Rạch giá), cha Đaminh Phạm Văn Tư (phụ trách hạt Tân hiệp), cha Gioan Hồ Ngọc Trứ (phụ trách hạt Chợ mới), cha Giuse Đinh Công Oánh (phụ trách hạt Long Xuyên) và tôi thầy Dom. Ninh. Nguyễn Thông Phán, tu sĩ Thánh Gia.
Từ khi được làm việc với Ban Giáo Lí Đức Tin của Địa Phận, tôi có tham gia một dịp hội thảo chuyên đề về lá thư mục vụ của HĐGMVN 2005 do Uỷ Ban Giáo Lí Đức Tin trực thuộc HĐGMVN tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ TPHCM trong hai ngày 15 và 16.03.2006. Đó là một cuộc thảo luận có thể nói là dành cho đại chúng (tuy nhiên thành phần tham dự chủ yếu là linh mục, tu sĩ và các giáo lí viên của các địa phận giáo tỉnh Miền Nam).
Riêng trong hạt Long Xuyên, tôi được mời họp ngày 16/04/2006 để chuẩn bị cho các buổi gặp trên. Tuy nhiên vì bận, tôi không thể tham dự buổi họp này được. Sau đó tôi nhận được bản báo cáo kết quả buổi họp. Tôi cùng với cha Oánh được giao nhiệm vụ phần sinh hoạt trong những ngày gặp gỡ GLV các hạt. Thật ra sinh hoạt không phải là «chuyên môn» của tôi. Nhưng có lẽ chỉ có tôi là thầy và lại trẻ nhất nên đảm trách phần này thì cũng rất hợp lí thôi!
Những điều trông thấy
Tôi thật may mắn được làm việc với các Cha thật thân thiện và cởi mở. Tôi cảm nhận được sự cảm thông và gần gũi nơi các Cha. Tuy nhiên cái mác «Thầy» của tôi đôi khi cũng làm cho các ngài cảm thấy nhiều phen khó xử!
Khó khăn đầu tiên là phần giới thiệu : Mỗi khi giới thiệu với cử toạ, lại một phen, không phải chỉ riêng tôi, mà có lẽ cả người giới thiệu cũng cảm thấy … làm sao ấy! Thường thì vị đại diện giới thiệu «các Cha trong ban giảng huấn… và Thầy giúp sinh hoạt!». Hoặc Thầy (Tôi) thường được cám ơn chung với các Sơ (nếu các Sơ có mặt trong cử toạ). Nếu xét về mặt danh nghĩa thì tất cả đều là thành viên của Ban Giáo Lí Đức Tin của Giáo Phận. Tuy nhiên nếu xếp thầy ngang hàng với cha thì xem ra có cái gì đó nó không phải! Vì vậy các Cha khi  giới thiệu mời «các Cha trong Ban Giáo Lí Đức Tin» lên trước cử toạ thì… Thầy cũng phải lẽo đẽo bước lên… ăn theo! Tình trạng khó xử này đều diễn ra ít nhất 2 lần tại mỗi hạt (lần giới thiệu và phần cám ơn).
Đến một nơi kia, chúng tôi sẽ nghỉ đêm tại đó, cha xứ ra đón tiếp chúng tôi và mời quý Cha vào nghỉ ở một phòng "VIP", còn mời Thầy và anh tài xế sang phòng bên cạnh. Một vài Cha trong ban GLĐT lấy làm ái ngại, nói tôi sang ở chung với các ngài nhưng tôi từ chối. Thật ra đối với tôi chuyện đó không hề quan trọng một chút nào. Nhưng tôi thấy rằng ở xứ ta, người ta còn quá coi trọng cái nhãn hiệu. Điều này tôi không hề gặp thấy trong những năm tôi sống ở Pháp. Ở đó, có rất nhiều linh mục đến dự lớp với một giáo sư là giáo dân, hơn nữa lại là một nữ giáo dân. Chuyện đó là rất đỗi bình thường.
Trong những lúc mạn đàm ngoài lề, cha FX. Mai có nói vui : «Ở đây chỉ có cha Tư (cha Tư đã đi du học về mục vụ bên Philippines) và thầy Phán (du học Pháp) là có bằng cấp mà thôi». Tôi trả lời ngài rằng «Bằng cũng chỉ là mảnh giấy thôi cha ơi, kinh nghiệm làm việc thực tế còn gấp mấy bằng cấp ấy chứ». Có lẽ cha Mai nói thế để yên ủi tôi thôi!
Thêm nữa, ngày 29/01/2007, tôi được chỉ định đi tham dự Uỷ ban Truyền Thông Xã Hội trực thuộc HĐGMVN. Trong phần đề cử nhân sự vào các tổ làm việc, tôi được trao nhiệm vụ tổ trưởng tổ "Văn Kiện Giáo Hội". Ban thơ kí nghiễm nhiên ghi trong biên bản là "cha Phán" mặc dù trước đó tôi đã giới thiệu mình là "Thầy Phán, tu sĩ dòng Thánh Gia Long Xuyên"! Khi đọc lại biên bản tôi mới vỡ lẽ và phải yêu cầu sửa lại cho đúng!
Và ngày 06/02/2007, tôi lại được mời tham gia buổi họp Ban Giáo Lí Đức Tin giáo tỉnh TPHCM. Vừa vào khuôn viên Trung Tâm Mục Vụ TPHCM, đã thấy ngay tấm bảng chào "Hân hoan đón chào quý Cha & quý Sơ"! Trong suốt buổi họp, ngoại trừ bài phát biểu của cha FX Hoàng Đình Mai, không bao giờ từ "Thầy" được sử dụng! (chỉ có một lần, một vị nói tới "quý tu sĩ nam nữ"! Dòng tu nam chỉ có hai : Don Bosco và Thánh Gia Long Xuyên, tuy nhiên chỉ mình tôi là thầy, còn các tu sĩ Don Bosco đều là linh mục.) Trong các bài phát biểu hầu như chỉ có một công thức được sử dụng : "Kính thưa quý Cha và quý Sơ", "Cám ơn quý Cha và quý Sơ". Thật khó mà có một chỗ đứng chắc chắn cho người mang nhãn hiệu "Thầy"!
Tất nhiên, từ phía giáo dân thì sự khác biệt giữa cha và thầy càng rõ ràng hơn nữa. Trong chuyến đi bồi dưỡng GLV tại các hạt của giáo phận Long Xuyên, tất cả các bài cám ơn của những đại diện GLV, tôi đều cảm thấy một điều là : Họ rất hạnh phúc, rất may mắn được các Cha đến dạy dỗ, huấn luyện. Đối với người giáo dân tấm bằng «cha» có một giá trị gần như tuyệt đối. Có lẽ cũng vì thấu hiểu được tâm lí đó nên các cha không nhờ tôi (Thầy) trình bày đề tài nào cả, dẫu vẫn biết rằng chuyên môn của tôi là ở lãnh vực thần học.
Một vài suy nghĩ
Hiện tại người tu sĩ nam (giáo dân) khó có thể được đón nhận và chấp nhận đúng với khả năng của mình đó là một thực tế tại Việt Nam. (Đối với các nữ tu thì không phải đối diện với tình trạng khó xử này, vì giữa các nữ tu không có sự phân biệt các cấp bậc như vậy : vì Sơ không thể làm "Cha" được!). Ngoài ra người tu sĩ nam giáo dân còn gây nên tình trạng khó xử cho cả những người cùng làm việc chung. Đó cũng là một thực tế. Vấn đề đặt ra là ta có nên dốc sức để xoá bỏ những quan niệm không hoàn toàn đúng đó? Người tu sĩ giảng viên giáo lí có thật sự cần thiết cho Giáo Hội Việt Nam bây giờ và tương lai hay không?
Một sự ngộ nhận không dễ làm sáng tỏ
Trong tiếng việt người ta dùng chung một từ «thầy» để chỉ những đại chủng sinh và các tu sĩ. Tuy nhiên giữa đại chủng sinh và các tu sĩ có một khác biệt rất lớn về bản chất. Thứ nhất các chủng sinh không phải là tu sĩ (vì không có lời khấn và không sống cộng đoàn). Kế đế, chủng sinh không phải là một bậc sống ổn định, mà chỉ là một giai đoạn «quá độ» chuẩn bị cho bậc sống linh mục. Do vậy không một chủng sinh nào lại muốn cứ là chủng sinh mãi mà không trở thành linh mục. Thậm chí có thể nói rằng vì muốn trở thành linh mục mà họ chấp nhận trải qua giai đoạn chủng sinh. Có người còn ví giai đoạn chủng sinh như giai đoạn làm dâu, nín thở qua cầu! Trái lại đời sống tu sĩ (đời sống thánh hiến) là một đời sống ổn cố (Canon 573§1) được Giáo Hội thiết lập và khuyến khích (LG 44- 45; Canon 574).
Tuy nhiên không nhiều người hiểu được sự khác biệt cơ bản này, kể cả một số linh mục! Từ thực tế trên, cách chung người Việt chúng ta thường xem các thầy nói chung như đang ở trong thời kì quá độ. Thầy tức là tu chưa tới, tu chưa đậu. Mà tu chưa đậu thì chưa đáng tin, làm việc làm sao mà đạt được! Do vậy mà câu hỏi người ta thường được đặt ra với các thầy là : «Bao giờ thầy đậu cha ?». Trong một chừng mực nào đó câu hỏi trên cũng đúng, và nó diễn tả quan niệm như thế nào của người Việt về vấn đề tu trì.
Ta có nên trách cứ về sự nhầm lẫn này và có nên dồn công sức để làm sáng tỏ vấn đề này không? Việc này có thể thực hiện được không? Phải nhận rằng «những người hiểu biết» về giá trị thật của đời thánh hiến có tăng theo thời gian nhưng không đáng kể. Theo tôi, đầu tư công sức để xua tan những quan niệm sai lạc về đời tu là một việc làm không thực tế tại Việt Nam. Không thực tế vì nó sẽ tốn hao rất nhiều công sức mà chưa chắc đã đạt kết quả. Không thực tế vì Giáo Hội Việt Nam còn có nhiều việc khác quan trọng hơn cần phải làm ngay như việc loan báo Tin Mừng (vì Công giáo việt nam chưa tới 10%), các công tác giáo dục, xã hội, từ thiện chẳng hạn... Trong những lãnh vực này thì người linh mục làm hiệu quả (về mặt con người) gấp nhiều lần người tu sĩ hay giáo dân. Chúng ta vẫn biết rằng giá trị đời tu không hệ tại vào hiệu quả công việc họ làm mà vào chính chất lượng đời sống hiến dâng của họ. Tuy nhiên, đời tu không phải là cho riêng mình mà cho tha nhân, cho Giáo Hội và cho thế giới. Nên, nếu như nhu cầu thời đại thật sự cần đến những đóng góp mang tính hiệu quả của họ, thì người tu sĩ cần suy nghĩ đến cách thức hiện diện và làm việc của họ trong Giáo Hội và trong Xã hội. Vì theo như định nghĩa của Vatican II, đời sống thánh hiến chính là hồng ân Thiên Chúa ban cho Giáo Hội nhằm phục vụ thế giới (LG 43-45). (Vita consecrata, tựa chương 3, Xuất phát lại từ Đức Kitô số 36)

Vậy đâu là viễn tượng của người tu sĩ giảng viên giáo lí?
Theo chiều hướng của công đồng Vatican II, vai trò người giáo dân ngày càng phải được đề cao và khuyến khích trong các sinh hoạt của Giáo Hội. Thực tế ngày nay trình độ người giáo dân đã được nâng cao đáng kể, và họ ngày càng ý thức và tham gia tích cực hơn trong các sinh hoạt của Giáo Hội, đặc biệt là công tác giảng dạy giáo lí. Đây là một hướng đi thật đúng đắn và cần phải được phát triển.
Đặc biệt trong bối cảnh chính trị và xã hội tại Việt nam, thì người giáo dân có nhiều thuận lợi hơn các tu sĩ trong công tác giảng dậy giáo lí ở các họ đạo. Sự hiện diện của người tu sĩ kéo theo nhiều vấn đề phức tạp khác trong khi những công tác họ sẽ đảm nhận thì những người giáo dân cũng có thể đảm nhận được.
Thật ra Giáo Hội Việt Nam cần hơn những người có thể đảm nhận công tác đào tạo những người giáo lí viên có năng lực để phục vụ trong các họ đạo. Đây là thao thức và cũng là công tác của các cha xứ. Tuy nhiên đây là một công tác hết sức nặng nề, nên nhiều khi các ngài không thể đảm trách nổi, mà cần có sự hỗ trợ từ những chuyên viên trong lãnh vực này. Các tu sĩ có thể góp tích cực cho công tác hết sức quan trọng này.
Thế nhưng qua thực tế chuyến đi gặp gỡ các Giáo lí viên của các hạt trong giáo phận Long xuyên, tôi thấy rằng người tu sĩ (nếu không phải là linh mục) đóng góp chẳng được là bao cho công tác thật nặng nề này. Đồng thời họ cũng mặc cảm không được đón nhận đúng như họ đáng được. Đây cũng là điều làm cho họ mất đi hứng khởi trong việc phục vụ Giáo Hội, mặc dù đó lại nằm trong bản chất của đời dâng hiến. Làm thế nào để thoát ra sự giằng co bế tắc này ?
Để có thể sống trọn vẹn trong tươi vui đời thánh hiến của mình, đồng thời đóng góp hữu hiệu cho Giáo Hội, ngoài việc xác tín bản chất đời tu của mình, người tu sĩ nam (giáo dân) cần phải nỗ lực tìm kiếm cho mình một sự hiện diện nào đó phù hợp với hoàn cảnh Việt nam. Nếu không họ dễ bị mặc cảm và bị cám dỗ an thân tự tại không muốn tham gia vào các công tác tông đồ tại giáo hội địa phương. Đây là một thách thức không nhỏ đòi hỏi nhiều sáng kiến, trao đổi và cảm thông liên đới với nhau. Xin Thánh Thần hướng dẫn tâm trí của chúng ta để chúng ta tìm ra hướng đi đúng đắn và xin Người ban sức mạnh để chúng ta ngoan ngoãn và vững bước theo sự hướng dẫn của Người nhằm phục vụ cho "Nước Cha Trị Đến".

Văn Thánh, tháng 02 năm 2007
Dom. Ninh Nguyễn Thông Phán

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP