Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Tin Mừng Cứu Độ

“Vinh danh Thiên Chúa Trên Trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.
Lời ca của các thiên sứ trên đây là lời loan Tin Mừng cứu độ. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, được sinh ra trong cảnh khó nghèo tại Bê-lem là Đấng Cứu Độ, là Kitô Đức Chúa. Với mầu nhiệm Giáng sinh, Đức Giêsu đã mở ra một chân trời mới trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Lời hứa cứu độ của Thiên Chúa nay đã được hoàn tất nơi con người Đức Giêsu. Hồng ân cứu độ của Thiên Chúa đã được ban tặng cho nhân loại nhờ tiếng Magnificat của Đức Maria và sự vâng phục triệt để của Ngôi Hai Thiên Chúa.

 I. Yếu Tố Lịch Sử.
1. Con người của lịch sử.
Biến cố Đức Giêsu sinh ra được đặt trong bối cảnh lịch sử thời đó. Rô-ma bấy giờ là một đế quốc hùng mạnh nhất. Thời bấy giờ người ta quan niệm đế quốc Rô-ma như toàn thể thế giới, tận cùng trái đất (x. Cv 1, 8) và hoàng đế như vị chúa tể. Thậm chí hoàng đế còn bắt dân chúng thờ lạy ông như một vị thần. Và Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, cũng đã chịu chung một số phận như bao con dân khác. Ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, Người đã phải qui phục vị vua trần gian. Không những thế, Người đã phải khinh chê và bị ruồng rẫy như một người bần cùng nhất trong xã hội. Trần gian đã chối từ Người. Chào đời không có chỗ đặt lưng! Lớn lên không có nơi gối đầu và chết không có gì che thân! Một con người có lịch sử, lai lịch rõ ràng; nhưng lịch sử đã không khoan nhượng cho Người. Trong khi đó Người rất cần cho lịch sử và chính Người đã làm nên lịch sử. Đó là Lịch Sử Cứu độ (x. Lc 2, 1-7). 

2. Con người của lời hứa.
Cuộc điều tra dân số theo lệnh hoàng đế Au-gút-tô đã bắt buộc ông Giu-se và bạn của mình là bà Maria đang thai nghén từ Na-da-rét về Bê-lem. Và chính tại Bê -lem, đức Maria đã sinh Hài Nhi Giêsu (x. Mt 2, 1-6).
Lời tiên báo của ngôn sứ Mi kha được ứng nghiệm:“Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ep-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh It-ra-en. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mk 5, 1). Với biến cố cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta có thể nghĩ đó là “định mệnh” không, hay đó là sự quan phòng của Thiên Chúa. Không. Đối với chương trình của Thiên Chúa thì ta thấy dường như sự quan phòng thì đúng hơn. Vì theo Tin Mừng (Mt 2, 6. 9) thì lời loan báo về Đấng Cứu Độ sẽ được sinh ra tại Bê-lem Ep-ra-im, Người là Đấng Messia. Ông Giu-se và bà Maria biết rõ hoàn cảnh riêng của mình nhưng ông bà vẫn phó thác trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, không làm điều gì ngược lại lịch sử của cuộc sống. Sự phó thác này xuất phát từ niềm tin, mặc dù biết rằng sắc lệnh của Au-gút-tô sẽ gây nhiều khó khăn, bất lợi, nhưng: để cho Con Chúa được sinh ra theo đúng kế hoạch, theo sự sắp xếp của Thiên Chúa chứ không phải theo sự xếp đặt của mình. Đức Giêsu đã được sinh ra theo như lời hứa.
Chúng ta không có quyền chọn lựa cuộc sống của mình. Chúng ta không có quyền chọn lựa cha mẹ này hay cha mẹ khác, gia cảnh này hay gia cảnh khác… Chúng ta chỉ có thể là người học nhiều hay học ít; người của gia đình này mà không là của gia đình kia; giàu hay nghèo, đạo đức hay nguội lạnh, êm đềm hạnh phúc hay không. Chính trong lịch sử cụ thể đó, kế hoạch của Thiên Chúa về đời ta sẽ được định hướng. Điều quan trọng hơn hết là chúng ta có tự do để cho ý định của Thiên Chúa được thực hiện trong đời hay không.
Khi suy nghĩ về cuộc đời tôi, với những biến cố trong đời, tôi chỉ có thể giải thích cuộc đời của mình cách hậu sự (post factum) dưới ánh sáng Tin Mừng của Chúa mà thôi. Nhìn vào hoàn cảnh của tôi và của anh em khác, nhiều khi không được may lành mấy, tôi hay tự an ủi: số trời đã định. Hoặc là tôi lấy ý trời, ý Chúa để biện minh cho những bất lợi hay sai lầm của mình; mà thực ra những hậu quả đó là do chính mình gây ra. Trước những hoàn cảnh như vậy, có lẽ, cách bao dung hơn, chúng ta có thể gọi đó là các yếu tố ngẫu nhiên hay tình cờ. Chúng ta cũng có thể nói theo ngôn ngữ  định mệnh: số tôi là vậy. Nhưng đức tin luôn khẳng định: đó là sự quan phòng của Thiên Chúa (x. Vĩnh Sơn Đinh Trung Nghĩa, Sj. Khoa Sư Phạm I Nhã, An Tôn và Đuốc Sáng). 
3. Con người của người nghèo.
“Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2, 6-7).
Mở mắt chào đời, Đức Giêsu đã gặp phải sự nhẫn tâm lạnh lùng của đồng bào Người. Sự bi đát trong máng cỏ chiên bò đã là dấu hiệu sự từ chối của Người Do thái với Đấng Cứu Độ mà họ đang mong mõi đợi chờ. Đấng mà các thiên thần sắp công bố là Đấng Cứu Độ, là Đấng Ki tô Đức Chúa. Thế mà muôn dân đã lạnh lùng với Người. Người đã phải đồng số phận của người nghèo, một kiếp nghèo thực sự. Cái nôi để nằm là máng cỏ hôi tanh! Tấm chăn để đắp trong mùa đông giá rét là miếng tã. Lò sưởi đêm đông là hơi thở của bò lừa! Túp lều che sương là chuồng chiên bò dơ bẩn! Và bà con thân thuộc là các mục đồng nghèo nàn! Từ đây, sự nghèo khó là đặc điểm, căn tính và là dấu chỉ của Người. “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 12).
Ngày nay, người ta vẫn nhìn giá trị con người qua nhiều lớp trung gian như: của cải, chức quyền, sắc đẹp, tài năng… Thế nhưng Con Thiên Chúa cao sang lại chọn lấy cái nghèo làm gia nghiệp. Chính cái nghèo của Người là dấu chỉ của Nước Trời, là mối phúc (x. Mt 5, 30). Chính cái nghèo đã làm cho sự liên đới giữa Đức Ki tô với những người nghèo trở nên rất thật, rất hiện sinh chứ không phải là một lời hô hào giả hiệu. Bi đát thay, xã hội hôm nay có biết bao người đã nhân danh người nghèo để trục lợi cho mình. Họ làm giàu cho cuộc sống mình trên những “thân xác nghèo” kẻ khác. “Xóa đói cho mình, tăng bần cùng cho người!”. Thực trạng này cũng đã thâm nhập vào trong nhà tu chúng ta. Chúng ta đã và đang nhân danh người nghèo để xây nhà tình thương, mở nhiều nhà nội trú, lập nhiều nhà dạy trẻ, để trục lợi cho mình và làm giàu cho cộng đoàn. Tội nghiệp cho những người nghèo của Thiên Chúa! Đương nhiên không phải là tất cả, nhưng cảnh “xây ít, cất nhiều” vẫn còn đó! Đây là một nỗi đau cho Giáo hội, một phản chứng của Tin Mừng. Ý thức rất rõ tiêu cực này nên mẹ Têrêxa Calcutta đã nói: “Khi nào các nữ tu chúng tôi có quá nhiều của cải vật chất, thì chúng tôi sẽ không đủ thời giờ để yêu thương và chăm lo cho người nghèo khổ”.
Thiên Chúa có một cái nhìn khác về con người. Người không đánh giá theo dáng vẻ bề ngoài hay trên những công trạng của con người. Trước hết, con người là một thụ tạo do chính Ngài tạo nên; là một công trình của Thiên Chúa; là phản ánh tình yêu của Ngài trong chương trình sáng tạo. Trước mặt Thiên Chúa, con người chỉ là một thụ tạo trần truồng, luôn đón nhận tình yêu nhưng không của Ngài. Con người sống được là do lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không do công trạng của mình. Dụ ngôn người pha-ri-sêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện đã chứng minh điều đó(x. Lc 18, 9-14). Và thật ra, trước mặt Thiên Chúa, con người cũng chỉ là một người nghèo; người nghèo của Gia-vê. Vì đối với Thiên Chúa, người nghèo mới đích thực là người. Chỉ có người nghèo mới biết tin tưởng, cậy trông và khiêm nhường phó thác. Không phải nghèo mà phẩm giá bị suy giảm. Không phải nghèo mà giá trị Thiên Chúa ban cho con người bị mất đi. Nếu giữa xã hội người nghèo bị khinh chê, coi thường, thì Thiên Chúa coi trọng họ, chúc phúc cho họ. 
II. Tin Mừng Cứu Độ.
“Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki tô Đức Chúa” (Lc 2, 10-11). 
1. Tin vui của sứ điệp.
Sứ điệp Tin Mừng bắt đầu được ló rạng. Sứ điệp này được khởi đi từ những người bé nhỏ nghèo hèn nhất trong xã hội Do thái thời bấy giờ. Các mục đồng là những người bị khinh thường nhất vì họ là những người nghèo, dốt nát, quê mùa. Với nghề du mục này đây mai đó, họ không có cơ hội để đến hội đường nghe giảng dạy. Họ bị những nhà chức trách Do thái đối xử rất nghiêm khắc. Nhưng với Thiên Chúa, họ là những người đầu tiên được chiếu cố. Họ là những người đầu tiên được đón nhận Tin Mừng Cứu Độ. Đơn giản chỉ vì họ là những người nghèo. Tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em (x. Lc 2, 10-11). Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa cứu độ và mạc khải mầu nhiệm cao quí nhất cho những người nghèo, một Tin Mừng và mạc khải mà, theo những người Do thái, thì chỉ những ai có địa vị, quyền thế mới đáng được đón nhận. Tin Mừng và mạc khải này không loại trừ Đức Maria, một thiếu nữ hèn hạ, khiêm nhường, âm thầm ở làng quê Na-da-rét. Tất cả là những người nghèo của Thiên Chúa. Họ mau mắn đón nhận Tin Mừng, có lẽ, vì họ có lòng đơn sơ, quảng đại đáp lời Thiên Chúa chứ không kiêu căng khép kín trong trí khôn của mình. 

2. Trọng tâm của sứ điệp.
“Anh em đừng sợ! Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân” (Lc 2, 10).
 Sự xuất hiện của các Thiên sứ trong vinh quang khiến các mục đồng sợ hãi. Họ biết mình đang đứng trước một cuộc thần hiện, trước một mạc khải vĩ đại của Thiên Chúa. Sứ điệp mà các thiên sứ loan báo mạc khải cách chính xác mầu nhiệm siêu việt của Hài Nhi Giêsu. Trọng tâm của sứ điệp này là Tình Yêu, một tình yêu đã đến cắm lều giữa nhân loại. Sứ điệp càng long trọng hơn khi các thiên sứ hát vang lời ca: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 14). Ngay “hôm nay”, khi trẻ Giêsu cất tiếng khóc chào đời đã khai sinh một thời đại mới, thời đại trong đó ơn cứu độ được thi thố một cách hữu hiệu. Tính cách hiện tại, cái “hôm nay” của ơn cứu độ mà các thiên sứ loan báo không giới hạn vào lúc Đức Giêsu sinh ra, nhưng kéo dài suốt cuộc đời trần thế của Người; và cụ thể hơn, kéo dài tới chúng ta hôm nay.
Mầu nhiệm Giáng sinh hoàn toàn được chứng thực bởi các mục đồng. Những gì họ chứng kiến ngoài đồng vắng không phải là một giấc mơ. Cũng thế, sứ điệp mà các thiên sứ loan báo có đầy đủ tính chân thật của nó. Một vì Thiên Chúa nằm trong máng cỏ và họ biết ngay đấy là vị Cứu tinh mà mọi người đang mong chờ. Sự nghèo khó của Hài Nhi Giêsu cũng cho thấy cách thức Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ của Ngài. Thay vì bằng binh hùng tướng mạnh, thì lại là một trẻ thơ bọc tã nằm trong máng cỏ; thay vì quyền thế cao sang thì lại chọn mái tranh chuồng lừa; thay vì phố xá xa hoa tráng lệ thì lại chọn nơi đồng vắng hoang vu. 
3. Tin mừng cứu độ được loan báo.
Các mục đồng là những người đầu tiên được đón nhận Tin Mừng Cứu Độ. Họ cũng là hình ảnh báo trước các tông đồ trong sứ mạng loan báo Tin Mừng sau này và xa hơn nữa là sứ mạng của Giáo hội. Tuy nhiên, trước sứ điệp mà các mục đồng loan báo, người ta đã có những phản ứng khác nhau. Phần đông chỉ bở ngỡ, ngạc nhiên trước một sự kiện lịch sử, hơn là đón nhận một tin vui. Dân chúng không thể tin được Đấng Cứu Độ trần gian mà cha ông họ chờ đợi từ bao ngàn năm lại mang một hình hài tầm thường như vậy. Riêng với Đức Maria, mẹ đã chiêm ngưỡng, âm thầm khắc ghi những điều đó và suy đi nghĩ lại trong lòng (x. Lc 2, 19). Mầu nhiệm này thật lớn lao và khó hiểu, có thể nói khó chấp nhận, nếu con người không tập cho mình có tâm hồn như Đức Mẹ (x. Lc 2, 15-18).  
Vâng, biến cố Giáng sinh tại Bê-lem cách đây hơn hai ngàn năm chỉ có ý nghĩa với những ai tin nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ. Đấng mà, nơi Người và trong Người là sự gặp gỡ giữa trời và đất, giữa con người với Thiên Chúa; Đấng là bước chân của Thiên Chúa cao cả đi vào lịch sử nhân loại khốn cùng nhằm hiệp thông với nhân loại và hiện diện luôn mãi giữa nhân loại. Một tình yêu có tên Giêsu đã cắm lều ở giữa dân Người. Người được sinh ra ở Bê-lem không phải là một sự ruồng rẫy của Chúa Cha, nhưng là kế hoạch của Chúa Cha trong sự vâng phục tuyệt đối của Chúa Con yêu dấu.
 Sự kiện Chúa Giêsu được sinh ra ở Bê-lem, với các biến cố phức tạp tiếp theo sau, kể cả việc Hài Nhi bị sát hại, cho tôi hiểu rằng: tôi phải nhìn các biến cố trong đời tôi cách lạc quan, tin tưởng hơn. Tất cả những gì xẩy ra trong đời tôi đều được nhìn dưới cái nhìn của Thiên Chúa, trong ý định mầu nhiệm của Ngài, dù hoàn cảnh bên ngoài có bị ép buộc, đổi thay, hay những cái nhìn sai lạc của người khác kể cả những quyết định không chính xác của Bề trên. Tôi không thể giải thích được ý định của Thiên Chúa và cũng khôn hiểu nỗi đường lối của Ngài. Thái độ khiêm nhường, âm thầm tin nhận của thánh Giu-se và mẹ Maria là cách chọn lựa tốt nhất và có giá trị nhất. Xin tình yêu của Ngôi Hai Giáng sinh luôn hiện diện trong gia đình Thánh Gia. A men.


Tất Bật.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP