Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

“LỜI” cư ngụ giữa chúng ta

“ Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Gioan 1, 14)
Thường trong tình yêu, hai người yêu nhau luôn quấn quýt lấy nhau, sống bên nhau, hòa hợp với nhau để gần như đồng hóa với nhau = cả hai “nên một”. Chắc chúng ta ai cũng không nhiều thì ít, đều đã có cảm nghiệm bản thân về điều đó, ít là trong tình thương gia đình ruột thịt. Nhìn vào “Thiên Chúa là Tình Yêu”, chúng ta thấy ngay sự hòa hợp tuyệt diệu này trong chính Mầu nhiệm Ba Ngôi mà sau này Thánh Gia Nagiarét đã phác họa lại cách trung thực nhất trong cuộc sống trần thế của ba Đấng. Chính Tình Yêu đã hợp nhất Ba Ngôi lại thành Một Chúa Duy Nhất, cũng chính Tình Yêu đã làm cho ba Đấng trong gia đình Nagiarét hợp nhất với nhau trong cùng một lý tưởng là luôn làm và sống theo ý Chúa.

Nếu tìm hiểu kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy cái yếu tố “kết dính” của Ba Ngôi cũng như của các Thành viên Thánh Gia đều chỉ là một, đó là “Ngôi Lời” của Chúa. Vâng, thánh Gioan đã khẳng định như vậy khi bắt đầu sách Tin Mừng của Ngài : “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1, 1); đó là về phương diện “nội tại” trong cuộc sống của Ba Ngôi. Về mặt “hướng ngoại”, dù Ba Ngôi luôn cùng hành động, thì cũng vẫn muốn “Nhờ Ngôi Lời mà vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 3). Trong tất cả những sinh vật “được tạo thành” duy chỉ có con người là được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1, 26), nhưng rất tiếc là nguyên tổ chúng ta đã đánh mất hình ảnh tốt đẹp đó do lạm dụng tự do, để biến mình thành đối lập với Chúa!
Tuy nhiên và cũng may mắn thay, Tình Yêu vẫn toàn thắng (Omnia vincit Amor! Thi hào Virgile đã khẳng định như vậy) vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 8). Mặt khác, như văn sĩ Pháp, Saint-Exupéry đã nói:  “yêu nhau không phải chỉ ngồi nhìn nhau, mà phải cùng nhìn về một hướng”. Do đó, yêu Chúa, ta không chỉ cứ ngồi đó mà nhìn lên Chúa, nhưng còn phải nhìn về hướng Chúa muốn chúng ta cùng nhìn với Ngài. Hướng đó, chính LỜI Nhập Thể là Đức Kitô đã chỉ cho chúng ta và chúng ta có thể tìm thấy trong LỜI Mạc Khải chứa đựng trong Thánh Kinh.
Trong tinh thần Mùa Vọng rồi Mùa Giáng Sinh mà chúng ta đang sống, thiết tưởng để có thể hiểu thêm về Chúa, về đường lối của Ngài thì không gì hơn là chúng ta nhìn vào chính Mầu nhiệm Nhập Thể, cùng nhau suy tư về Ngôi Lời “cư ngụ giữa chúng ta”, để trở nên “giống anh em mình về mọi phương diện” (Dt. 2, 17). Tình yêu là thế, như đã nói trên, là một nỗ lực đồng hóa. Vậy để đáp trả Tình Yêu, chúng ta cũng không còn con đường nào khác hơn là biến mình thực sự thành một “Alter Christus”, tức thành một “kitô khác”, một phiê bản (photocopy) của Chúa Kitô để có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi,mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl.2, 20).
Khi Philiphê xin Chúa Giêsu chỉ cho biết Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nói với ông: “…Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy” (Ga 14, 8-9). Giả như có một người lương nào hỏi chúng ta về Chúa Giêsu, chắc không ai trong chúng ta dám nói:” Ai nhìn thấy tôi là thấy Chúa!” Từ đó chúng ta thấy còn một khoảng cách quá xa giữa lý thuyết (tôi là “Alter Christus) với thực tế là cái tôi còn đầy tính hư tật xấu của mỗi người chúng ta hôm nay để có thể trở nên một hình ảnh sống động của Đức Giêsu Kitô! Dĩ nhiên với sức riêng mình thì khó có thể biến lý thuyết này thành hiện thực, nhưng với sức Chúa thì tất cả đều có thể, với điều kiện là ta phải tích cực cộng tác với ơn Chúa, tức phải chịu khó, phải vào cửa hẹp.
Mong rằng Mùa Vọng và mùa Giáng Sinh này, với gương sống động của Con Chúa làm Người, và với sự trợ lực của Thánh Thần cũng như nhờ gương sáng của Thánh Gia, mỗi người chúng ta sẽ cố gắng thể hiện được trong bản thân mình, ít là một phần, cuộc sống dấn thân và dâng hiến của Đức Kitô. Có như vậy chúng ta mới góp phần thiết  thực vào việc làm “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời” để có thể hưởng được lời chúc của các Thiên thần trên Hang đá Bê-lem là: ”Bình an dưới thế cho người thiện tâm”! 
Chú Ba

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP