Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

THA THỨ: MỘT SỰ CHỮA LÀNH


Hồn Nhiên

Hạnh phúc và an bình là ước mong, là mục tiêu mà con người đặt ra và hướng tới trong cuộc sống. Những niềm vui và sự an lành này, không đến một cách hiển nhiên, nhưng đòi hỏi một cuộc tìm kiếm và kiến tạo. Trên hành trình kiếm tạo, mặc nhiên sẽ gặp những đau thương và thử thách, do người khác cũng như chính bản thân mình gây nên. Sự tổn thương này, đôi khi để lại những vết thương không thể chữa lành, đó là lòng thù hận và căm ghét. Hận thù cuộc sống, căm ghét bản thân và muốn người khác bị quả báo. Cả hành trình sống đôi lúc là nhiều chuỗi ngày buồn đau và bóng tối, khi luôn bị dằn vặt bởi việc báo thù và rửa hận. Giận hờn nối tiếp oán căm, sẽ chẳng bao giờ ngừng nếu không được chữa lành. Chữa lành về mặt thể xác và tâm linh. Chữa lành về cách suy nghĩ và hành động. Chữa lành người khác và chữa lành bản thân. Những sự chữa lành này, bắt nguồn từ sự tha thứ, đến từ trong sâu thẳm của trái tim và tiềm tàng trong trí óc của mỗi con người.

Tha thứ là gì?
Tha thứ là sự vượt thắng khỏi những sự phán quyết và nhận định một cách tiêu cực hướng về người gây hại. Nó không có nghĩa là chối bỏ những cảm xúc và phán nghĩ một cách tiêu cực, nhưng bằng nỗ lực hết mình để nhìn người xúc phạm với ánh mắt và trái tim của lòng vị tha, tình thương người, ngay cả tình yêu, dù người ấy không có quyền được như thế. Nói một cách khác, khi một ai đó chấp nhận tha thứ, họ sẽ phải chịu đựng những tổn thương và phẫn uất. Họ có quyền được oán hận đối với người đã xúc phạm họ, nhưng chấp nhận từ bỏ nó, bởi vì lòng thương hay lòng yêu mến. Không có nghĩa là sự thương hại, nhưng là lòng thương cảm xuất phát từ tình người, sự hiểu người và tôn trọng tính con người.
Ở khía cạnh tâm lý, tha thứ bao gồm những cảm xúc, nhận thức và hành vi tha thứ khi nghĩ về kẻ thù hay người xúc phạm. Tha thứ không chỉ ở lời nói, nhưng còn ở suy nghĩ và hành động hướng về kẻ thù của mình.
Về mặt tâm linh, tha thứ là những hành vi của sự cảm thông từ tận đáy lòng con tim, những suy nghĩ tiềm tàng trong trí óc, trong tưởng tượng và trong cả niềm tin. Trong niềm tin đó, tâm hồn người tha thứ được thảnh thơi và an lành khi đối diện cũng như nghĩ về kẻ đã hại mình.
Một hành vi tha thứ trưởng thành, không có nghĩa là thay thế những thái độ và cái nhìn tiêu cực, bằng sự tích cực và cái nhìn tốt lên người xúc phạm hay kẻ thù, nhưng là nhìn bản thân mình cũng như người gây hại ở hai mặt tích cực và tiêu cực. Qua sự tiêu cực, kẻ gây hại có thể nhìn thấy sự tai ác và dã mãn mà y đã gây nên cho người khác. Dưới lăng kính về lòng thương và yêu mến của người bị xúc phạm, kẻ xúc phạm nhìn thấy tính nhân bản hay tính con người trong họ, và từ đó họ có thể tự cảm hóa chính họ.
Tại sao phải tha thứ?
Tha thứ chính là cửa ngõ dẫn đến sự bình an và niềm hạnh phúc. Tha thứ là một món quà của mình tặng cho chính mình. Khi tha thứ, con người sẽ vượt thắng được những gánh nặng của nỗi cay đắng, tức giận và phiền muộn của thân xác và tâm linh. Sự an lành hiện diện khi tâm hồn được thanh thản, không vướng bận bởi những mối âu lo. Tha thứ chính là giải pháp tự hòa giải những mối bận tâm và làm cho lòng được an lành.
Tha thứ còn có ý nghĩa bảo vệ bản thân, chống lại những cám dỗ làm xúc phạm đến người khác. Khi bị mất mát, bị ai đó xúc phạm hay lăng nhục một cách vô tình hay cố ý, con người thường dễ đi vào tình trạng cáu gắt và phiền muộn. Hậu qủa là những người xung quanh thường bị vạ lây hoặc trở thành những nạn nhân một cách vô cớ. Theo phân tích tâm lý, khi con người nóng giận, những suy nghĩ trong đầu rất rời rạc và thiếu tổ chức, họ khó có thể làm chủ được bản thân, bời vì trong họ luôn muốn tìm cách để giải tỏa những xung khắc đang diễn ra. Điều đầu tiên họ nghĩ tới là báo thù. Báo thù như một hệ thống bảo vệ chống lại sự tự phá hủy, đó là tính thiếu tổ chức về suy nghĩ trong mỗi con người. Chỉ có báo thù thì cơn giận sẽ nguôi, và sẽ dập tắt được ngọn lửa bực tức đang cháy trong lòng.
Tuy nhiên, nhiều chứng thực cho thấy rằng, báo thù không những không làm giảm sự nóng giận và tổn thương, ngược lại nó còn làm cho vết thương thêm sâu và lan rộng. Báo thù làm tổn thọ và tê liệt nhiều chức năng phát triển khác, do bị tắc nghẽn bởi sự nóng giận và ức chế. Báo thù không lấy lại được những gì đã mất, nhưng còn lộ diện rõ sự dã man và thiếu tính người. Khi kẻ thù làm thiệt hại một phần thì khi báo thù phải làm cho hắn tổn hại ít nhất là hơn một. Còn luôn có ý tưởng và mong muốn rằng, kẻ gây hại sẽ bị trừng phạt, quả báo, gặp nhiều tai ương. Cứ thế, hận thù sẽ nối tiếp và lưu truyền, trở thành ngày một dã man và có tính tổ chức.
Trái lại, tha thứ  giúp con người nhìn lại bản thân, hay nói đúng hơn là giúp đi vào chính đời mình, khi nhìn vào những khuyết điểm của kẻ gây hại. Có thời gian luợc lại lịch sử và phân tích tính cách của kẻ gây hại, đặt mình trong hoàn cảnh của họ. Họ làm như vậy là để bảo vệ bản thân, và mong lấp đầy những thiếu hụt trong họ. Thiếu hụt về suy nghĩ, về tình cảm, về ý thức. Đó cũng là một cách tự vệ chứng minh rằng, họ vẫn đang tồn tại và cần được nhiều người biết đến. Qua những điểm khuyết đã được liệt kê, khi nhìn lại kẻ đã gây hại cho mình, ta sẽ nhìn thấy được chính mình. Trong hoàn cảnh như họ, biết đâu ta cũng giống họ, thậm chí tồi tệ hơn. Nhìn được như thế, sẽ thấy được sự giới hạn và tính bất toàn của con người, giúp bản thân khám phá được chính mình. Cho nên, tha thứ cho người khác cũng chính là cách để tha thứ bản thân, giúp bản thân từ từ vượt thắng được tính con người, khi nhìn vào những thiếu hụt của chính mình và người khác.
Làm thế nào để tha thứ?
Tha thứ không phải một việc dễ dàng, nó là một tiến trình lâu dài để có thể thực hiện,  đôi lúc nó còn là một sự đau đớn tột cùng và kéo dài liên lỉ. Hiểu về tha thứ, cần phân biệt tha thứ khác với quên lãng, sự chấp nhận, và sự chịu đựng. Quên lãng đồng nghĩa với việc vô tình hay cố ý quên, do yếu tố thời gian. Chấp nhận không có nghĩa là tha thứ, bởi vì nó có thể là đồng lõa với những hành vi xấu, mà kẻ gây hại đã làm. Chịu đựng là dung dưỡng cho người khác, cũng như bản thân đối diện với sự thật. Nó có thể dẫn đến hai khía cạnh tiêu cực cho tiến trình của sự tha thứ. Thứ nhất, là sợ kẻ xúc phạm sẽ gây thêm bạo hành và áp lực cho bản thân mình, nếu y không được tha thứ. Thứ hai, là thương xót cho kẻ đã xúc phạm, bởi họ thật đáng thương hại. Cả hai đều giống như một hành vi chối bỏ mình chính là nạn nhân, chối bỏ những đắng cay và tủi hờn mình đang gánh chịu, và chối bỏ sự xấu xa của người gây hại. Tha thứ cũng không có nghĩa là lời xin lỗi, bởi xin lỗi là sự thú nhận khi nhận định sai, về điều gì đó hay về một người nào đó.
Để có thể tha thứ, cần lĩnh hội bốn tiến trình của sự tha thứ.
Thứ nhất, đó là nhận thức và chấp nhận sự tổn thương, đau đớn của bản thân khi bị xúc phạm. Khi nhìn thấy và chấp nhận sự đau khổ, sẽ nhìn thấy được giá trị của cuộc sống, nhìn thấy chính mình và đó là cơ hội tốt khám phá con người mình.
Thứ hai, là sự tức giận khi nhìn thấy đau khổ, nhìn thấy sự bất công mà mình không đáng gánh chịu do người khác gây ra. Sự tức giận trở thành căm ghét, ghét cả bản thân và người khác. Lúc đó, trong ý nghĩ đã manh nha hình thành ý định trả thù. Trả thù để có thể xoa dịu được vết thương lòng, cũng như ngọn lửa hờn căm. Trả thù là mong muốn cho kẻ đã hại mình đau khổ, thậm chí biến mất trên cõi đời. Sự mong muốn này, đôi lúc chỉ tồn tại trong suy nghĩ và không tỏ hiện ra bên ngoài. Để chứng minh mình là người bình tĩnh, người ta thường chối bỏ sự tức giận, cay đắng này bằng cách đè nén nó cách này hay cách khác.
Khi nhận thức được sự vô hiệu của đè nén, con người sẽ tìm cách tháo gỡ hay giải quyết nó, đó giai đoạn thứ ba. Giai đoạn mà vết thương cần được chữa lành. Đè nén cần được giải tỏa. Khi đó, con người bắt đầu cách ly những tổn thương mà họ đang mang chịu. Khi những cơn đau được phân cách, họ bắt đầu ý thức cần phải tha thứ, bởi những đớn đau và tức giận là những rào cản,  không cho họ nhìn nhận sự thật về chuyện đã xảy ra do kẻ gây hại.  Khi nhìn kẻ đã gây nên mối hại, dưới sự yếu đuối và sự thiếu hụt về suy nghĩ và ý thức, lòng vị tha sẽ thể hiện.
Người gây hại cần được tha thứ, cần được quan tâm, bởi họ cần được ý thức hành vi họ đã làm. Đó cũng là lúc gắn kết với giai đoạn cuối, giai đoạn trở về nguyện vẹn sau khi vết thương đã được chữa lành. Trong giai đoạn này, người tha thứ sẽ mở lòng ra, nhìn bằng đôi mắt mới, trong một tương lai mới. Không chối bỏ những khổ đau đã mang chịu, nhưng xác định nó sẽ không tái diễn trong tương lai. Nó đã được tinh luyện thành những kinh nghiệm và giá trị đích thực, để hiều mình và hiển người khác.
Tha thứ cho ai?
Cuộc sống không thể tránh khỏi những xung đột, hiểu lầm và cả sự thù hận. Những điều đáng tiếc này kìm hãm sự phát triển về mặt nhận thức và tính nhân văn của con người. Mặt khác, đây là những cơ hội giúp con người nhìn lại và nhìn thấy chính mình. Bài học giá trị nhất là chính kinh nghiệm của sự đau khổ, cay đắng và bị bóng tối bao phủ. Tha thứ như là cây cầu duy nhất đưa con người vượt qua đau khổ, tìm thấy ánh sáng và niềm tin. Trong tha thứ con người tìm được sự qúi báu và ý nghĩa của cuộc sống. Tha thứ, một sự chữa lành không những không để lại những vết tích, mà còn nối liền tình con người, đưa con người xích lại gần nhau, hiểu nhau và yêu mến nhau nhiều hơn. Mọi người cần học biết tha thứ. Biết tha thứ cho những người khác và nhất là biết tha thứ cho chính mình.
Tha thứ cho những thành viên trong gia đình, trong cộng đoàn
Cuộc sống chung và những mối quan hệ thân mật, sẽ dễ dàng phát sinh những xung đột hoặc mâu thuẫn.
Tha thứ cho cha mẹ đôi lúc không chu toàn trách nhiệm nuôi nấng và giáo dục. Tha thứ cho họ khi ghen tuông, gây gỗ với nhau. Tha thứ cho các ngài vì đã làm bạn thất vọng khi họ nhận ra lỗi lầm. Tha thứ cho người cha thường xuyên vắng mặt và im lặng khi gia đình có chuyện. Tha thứ cho mẹ, do tính cáu gắt và chán nản bởi bệnh tật. Tha thứ cho anh hai, chị hai khi luôn lấy quyền anh trưởng. Tha thứ cho những đứa em út khi cậy nhờ thế của mẹ cha. Tha thứ cho sự độc tài của những đấng bề trên  do áp lực. Tha thứ do sự nổi nóng và  áp đặt của các ngài. Tha thứ do sự ghen tức và phân biệt trình độ, giàu nghèo giữa những  anh em sống trong một gia đình, trong một cộng đoàn.
Tha thứ cho bạn bè
Bạn bè là những tài sản quí giá, giúp con người tự tin và can đảm khi đối diện với những khó khăn, nhất là điều hòa những mối quan hệ xã hội. Nhưng bạn bè cũng làm cho bạn đau khổ và buồn phiền khi bất hòa.
Tha thứ cho thằng bạn thân đã làm bạn thất vọng. Tha thứ cho hắn khi chứng kiến bạn ngã qụy mà cứ dửng dưng. Tha thứ vì hắn nói xấu và tìm mọi cách chà đạp lên bạn. Tha thứ cho hắn vì đã không giữ lời hứa. Tha thứ cho những người bạn tham danh vọng, tiền tài mà quên đi bạn. Tha thứ cho họ khi lợi dụng bạn là vật thế thân. Tha thứ vì tấm lòng chai đá và thiếu tình người của những người bạn, khi bạn muốn giúp đỡ họ.
Tha thứ cho những người xa lạ
Hằng ngày trên thế giới xảy ra biết bao nhiêu tang thương do bạo hành, đau khổ do bất công, và chết chóc do tai nạn.
Tha thứ cho những tay khủng bố đã gây nên những cảnh tang thương, chết chóc cho gia đình bạn, cho môi trường bạn sống, cho quốc gia bạn. Tha thứ cho những tên tội phạm làm cho cuộc sống của bạn trở nên bất ổn và thiếu an toàn. Tha thứ cho những “quái xế” coi nhẹ sự sống của bạn, khi bất chấp luật lệ và đạo đức khi giao thông. Tha thứ cho những người gây phạm, nhưng đã khuất do bị trừng phạt hoặc qủa báo.
Tha thứ cho cơ chế
Các tổ chức, cơ quan, hội đoàn góp phần rất lớn trong việc trợ giúp con người. Mặt khác, chúng cũng gây ảnh hưởng không ít đến cuộc sống và phát triển của con người, do cơ chế quản lý và làm việc.
Tha thứ cho một hệ thống làm việc lỏng lẻo và tách trách của những cơ quan, tổ chứ khi bạn cần đến họ. Tha thứ cho hệ thống làm việc của bệnh viện, trường học do xử lý kém và chậm khi bạn muốn họ giúp. Tha thứ cho những người lãnh đạo những cơ quan, tổ chức, hội đoàn làm việc thiếu phân minh và khách quan, ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn.
Tha thứ cho chính mình
Tha thứ cho bản thân là việc rất khó.  Nhiều người có thể tha thứ cho người khác nhưng bản thân thì không thể. Họ cứ hối tiếc và dằn vặt về một việc đã là quá khứ, về người bị hại, dù họ đã khuất và cũng đã tha thứ.
Tha thứ cho chính mình vì đã làm tổn thương khi tự dằn vặt và trách móc bản thân. Tha thứ cho mình khi tự suy sụp bởi những lời lăng mạ, chỉ trích của người khác. Tha thứ cho mình, vì đã tự để mình trong bóng tối của sự ghen ghét, hận thù người khác quá lâu. Tha thứ cho mình, khi bị quyến rũ theo chiều hướng tiêu cực bởi những lời ngon ngọt. Tha thứ cho mình bởi sự yếu đuối, tính nóng giận và lòng tự trọng quá cao.
Con người cần được chữa lành. Chữa lành sự tổn thương của bản thân cũng như các mối quan hệ xã hội khác. Mỗi sự chữa lành là mỗi bài học cho cuộc sống. Bài học về lòng vị tha và tình nhân loại. Bài học về cách đối xử giữa mình với mình, mình với người khác. Cuộc sống, nhất là cuộc sống chung rất cần những bài học về sự tha thứ. Tha thứ cho người khác và tha thứ cho chính mình. Tha thứ không làm cho con người hèn nhát, mất phẩm chất, nhưng được tăng thêm giá trị do tính quảng đại và tấm lòng rộng mở. Điều đó góp phần cho sự nở hoa của tình thương người, tình đồng loại giữa con người với nhau. ■

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP