Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Đời Sống Cộng Đoàn:

Cấu Trúc của Đời Sống Cộng Đoàn
và Đời Sống Cộng Đoàn như Một Ân Sủng

Âu Phủ

1. Đời sống cộng đoàn không chỉ là một nhu cầu của con người, không chỉ là một sự tương trợ lẫn nhau để sinh tồn và không chỉ là môi trường để con người phát triển tài năng, nhưng là một phần bản chất của con người. Aristotle nhận định rằng, ngoài khả năng tư duy, con người còn có tính xã hội. Theo ông, người sống ngoài cộng đoàn - xã hội (polis: tạm dịch là cộng đoàn - xã hội) thì không phải là người, hoặc là dã thú hoặc là thần minh.[1] Karl Marx thì định nghĩa con người là một tổng thể các mối quan hệ xã hội, là sản phẩm của xã hội mà con người đang sống trong đó.[2] Hơn thế nữa, với niềm tin Kitô Giáo, chúng ta còn nhận thấy rằng, đời sống cộng đoàn còn là một phần ơn gọi của con người, ơn gọi sống gắn bó với nhau và với chính Thiên Chúa, bởi Đức Giê-su đã nói: “Ở đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Ta, thì có Ta ở đo, giữa họ” (Mt 18, 20). Hiểu về đời sống cộng đoàn, cộng đoàn nhân loại nói chung và cộng đoàn đức tin Thánh Gia của chúng ta nói riêng, sẽ giúp chúng ta duy trì và phát triển ơn gọi, ơn gọi làm người và ơn gọi một tu sĩ Thánh Gia, một cách đúng đắn. (Hy vọng là như vậy!)
Có nhiều cách tìm hiểu về đời sống cộng đoàn, nhưng ở đây người viết xin bắt đầu bằng việc nhìn vào cấu trúc của nó, tức tìm hiểu về cơ cấu và nguyên lý mà nó được hình thành. Từ cấp độ cá nhân trong cộng đoàn, cộng đoàn có được những tế bào sống của nó; nhưng với cấp độ cấu trúc tập thể thì cộng đoàn mới thực sự được thành hình. Tuy nhiên, đó chỉ là bề mặt của vấn đề. Nếu chỉ dừng lại ở đây, thì cộng đoàn chỉ là một hệ thống khô đét và không sinh khí, giống như một bộ máy tính hoạt động nhưng vô tri. Thực chất, đời sống cộng đoàn vượt trên giới hạn cấu trúc của nó, nó được nhận ra như là một ân sủng. Để cụ thể hơn, chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng cấp độ này:
2. Mỗi cá nhân là một tế bào
Mỗi phần tử của cộng đoàn là một tế bào của một cơ thể sống. Vì vậy, tự bản thân mỗi phần tử đều có giá trị của chính nó, và đồng thời mang giá trị của cả tập thể mà nó là một phần cấu tạo nên. Vai trò quan trọng này được thể hiện qua việc mỗi cá nhân trả lời câu hỏi chung: Tôi phải làm/là gì trong cộng đoàn?
Nếu không có các phần tử thì không có cộng đoàn, và mỗi phần tử thể hiện trọn vẹn vai trò của mình qua việc cho đi trọn vẹn chính nó. Thật không thể hình dung một cá nhân vừa trong cộng đoàn lại vừa không thuộc cộng đoàn. Một viên gạch không thể vừa được dùng để xây nên căn nhà lại vừa nằm ngoài căn nhà đó. Mặt khác, khi cho đi chính nó, không có nghĩa là bản chất của mỗi phần tử bị mất đi; nhưng ngược lại, giá trị và bản chất của nó được thể hiện cụ thể, được làm cho triển nở và kết sinh hoa trái, như ngôi nhà lớn được thành hình từ những viên gạch nhỏ.
Vì mỗi thành viên là một chỉnh thể sống động, nên đời sống cộng đoàn không bị bó buộc bởi giới hạn vật chất. Trong cộng đoàn, một người anh em, tuy sinh sống vật chất giữa cộng đoàn nhưng nhân tố tôi – sự hiện diện với hết cả tâm trí - nằm ngoài cộng đoàn, thì cộng đoàn đó đã có một lỗ hổng, một viên gạch đã rơi khỏi vị trí của nó. Ngược lại, một người anh em sinh sống ở một nơi xa xôi, tưởng chừng không có liên quan gì đến cộng đoàn, nhưng qua sự hiệp thông vô hình lại có thể là đang rất gắn bó với cộng đoàn. Như thế, mỗi phần tử, như là một chỉnh thể, chứa đựng cơ cấu và sự sống còn của cả cộng đoàn trong chính bản thân nó, một cách vật chất và trên cả phạm vi vật chất nữa.
Nếu có các phần tử, nhưng không có chất men kết dính từ mỗi phần tử, thì cũng không thể có cộng đoàn, vì những phần tử đó không liên kết với nhau, mà chỉ là một mớ hỗn độn rời rạc. Vì vậy, để cộng đoàn được hình thành và phát triển, tôi – một phần tử - phải luôn đi đôi với làm/là gì – chất men kết dính. Chất men kết dính này chính là nỗ lực của mỗi cá nhân trong cộng đoàn, nó làm nên tính “anh em trong cộng đoàn”, như những đoạn trích dưới đây, từ Hiến pháp Dòng Thánh Gia (HPDTG), chỉ rõ:[3]
“Anh em nhận thức mình là men tác động trong lòng cộng đoàn. Nhờ thấu triệt được mục đích chung mà anh em chấp nhận sứ mệnh của Dòng như của riêng mình. Anh em tìm cách thắt chặt thêm dây liên kết các tâm hồn và chu toàn mọi trách nhiệm giao phó. Tình huynh đệ là gia sản chung mà mỗi anh em đều ra sức và làm cho thêm phong phú. Anh em cầu nguyện cho đức bác ái được phát triển liên tục.” (HPDTG, 62)
“Do tinh thần gia đình tác động, anh em cố gắng sống trong tình huynh đệ đích thực:
·       Anh em yêu thương nhau như chính Chúa Ki-tô đã yêu họ.
·       Chính trong cuộc sống thường nhật mà anh em nỗ lực nên một tấm lòng và một linh hồn.
·       Anh em thi đua sống tế nhị, chú tâm duy trì sự nhất trí nhờ giây an bình.
·       Anh em chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau.
·       Anh em vun trồng tình bằng hữu, lòng quý chuộng nhau, sự tín nhiệm và tôn trọng lẫn nhau.
·       Anh em quyết chống lại cá nhân chủ nghĩa và tất cả mọi hình thức của tính ích kỷ”. (HPDTG, 64)
Các việc làm quan trọng khác được đề cập đến trong Hiến pháp như: đối thoại huynh đệ (số 65), cộng tác huyênh đệ (số 66) và quan tâm đến nhau (số 67).
Khi mỗi cá nhân đã sẵn sàng trả lời câu hỏi “Tôi phải làm/là gì trong cộng đoàn?”, thì có thể nói rằng cộng đoàn đã bắt đầu hình thành. Tuy nhiên, nếu chỉ mình tôi làm/là cho cộng đoàn mà không có sự thống nhất của một tập thể các tôi, thì cộng đoàn vẫn chưa hiện hữu. Đồng thời với tôi, phải là chúng tôi.
3. Cấu trúc một tập thể thống nhất là cơ thể hữu hình của đời sống cộng đoàn
Cộng đoàn đòi hỏi sự tham gia của một tập thể, và một tập thể chỉ thống nhất khi các cá nhân trong tập thể đều có chung một mục đích. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng, đời sống cộng đoàn là sự đồng nhất của tập thể trong việc trả lời câu hỏi chung: Chúng ta phải làm/là gì cho cộng đoàn?
Trước tiên, chúng ta cần nhận thấy rằng, cộng đoàn là một cơ cấu xã hôi. Dù mang bất cứ tính chất nào: kinh tế, chính trị, văn hóa hay tôn giáo, cộng đoàn luôn là một tập thể gồm những cá nhân có tương quan với nhau, tương quan giữa người với người. Ngay trong lĩnh vực tôn giáo, thì mối tương quan giữa các cá nhân cũng vẫn mang tính chất tương quan giữa người với người, chứ không phải hoàn toàn siêu nhiên. Ân sủng hoạt động không ngoài tự nhiên, nhưng trên nền tảng tự nhiên. Giáo hội trần thế nhận biết rằng mình là Giáo hội lữ hành (LG 7).[4] Nói như thế có nghĩa rằng, cộng đoàn nào cũng cần được xây dựng, để nó được biến đổi và trở nên tốt đẹp hơn.
Giữa cá nhân và cộng đoàn có một mối tương quan kết dính, không thể tách rời nhau. Sẽ thật sai lầm khi chúng ta đặt ra vấn đề, “Tôi phải làm gì cho cộng đoàn hay cộng đoàn phải làm gì cho tôi?” Vấn đề sẽ chẳng được giải quyết vì câu hỏi không đúng, hoặc ít nhất là khiếm khuyết. Nó tách cá nhân ra khỏi cộng đoàn và cộng đoàn ra khỏi cá nhân, như hai thực thể khác biệt, tách rời nhau; trong khi thực tế, cá nhân và cộng đoàn lại nằm trong một liên hệ không thể tách rời. Triết học Trung Hoa nói rằng, trong cái vi mô có vĩ mô và trong cái vĩ mô có vi mô, con người và vũ trụ luôn trong sự hợp nhất.[5] Triết gia và đồng thời là nhà xã hội học Theodor W. Adorno thì khẳng định rằng, “Không thể có cuộc sống tốt đẹp trong một cộng đoàn/xã hội xấu”.[6] Cộng đoàn là một cấu trúc của một tập thể, trên cấp độ cá nhân. Vì thế, đời sống cộng đoàn bao gồm đời sống của các cá nhân và đời sống của tập thể – cấu trúc một tập thể. Đời sống cá nhân và đời sống cộng đoàn, tuy được nhận biết như hai cấp độ khác nhau, nhưng không thể tách rời nhau. Chúng gắn bó, đan kết và cùng tồn tại. Vì sự gắn bó không thể tách rời giữa cá nhân và cộng đoàn, nên để có được một đời sống cộng đoàn tốt đẹp, các cá nhân đòi hỏi phải được sống trong một cấu trúc của một cộng đoàn tốt; và ngược lại, cấu trúc của một cộng đoàn đòi hỏi phải có những cá nhân tốt. Nếu cấu trúc này không đựợc tốt, thì nó cần được chỉnh đốn hoặc thay thế để trở nên tốt.
Trong truyền thống, việc chỉnh đốn và phát triển nhân đức thường chỉ được ủy thác cho cá nhân. Những đoạn trích từ Hiến Pháp Dòng Thánh Gia ở trên là một ví dụ: việc phát triển nhân đức là thuộc về “anh em”. Từ “anh em” được lặp đi lặp lại thành một công thức, anh em phải… và anh em phải… Điều thiếu sót cần nhận ra ở đây là việc phát triển nhân đức cộng đoàn bị lãng quên hay bị lu mờ. Công thức truyền thống nên được đổi thành, anh em và cộng đoàn phải… Để thực hiện được một lúc hai vai trò này, mỗi cá nhân không chỉ lo chỉnh đốn bản thân, mà đồng thời còn Phải Tham Gia Chỉnh Đốn Cấu Trúc Cộng Đoàn mà mỗi cá nhân là một phần tử - vừa giữ vai trò một viên gạch vừa giữ vai trò người thợ xây - để cộng đoàn cũng được phát triển và đổi mới. Đời sống cộng đoàn trở nên tốt đẹp không chỉ hệ tại ở nơi anh em tốt, anh em nhân đức, anh em yêu thương…, nhưng hệ tại chính yếu nơi cộng đoàn tốt, cộng đoàn nhân đức, cộng đoàn yêu thương…
Cấu trúc của một tập thể không chỉ thuộc về ban lãnh đạo, mà thuộc về mọi phần tử trong tập thể. Mỗi cá nhân trong cộng đoàn không chỉ là một viên gạch bị động, nhưng nó đồng thời còn là người thợ xây và là nhà kiến trúc. Những giá trị mà các cá nhân đóng góp cho cộng đoàn cũng chính là những giá trị của riêng các cá nhân đó, và ngược lại. Mục đích cuối cùng của cá nhân và cộng đoàn phải hợp nhất. Nếu không, cá nhân bị triệt tiêu, thì cộng đoàn cũng không tồn tại. Trong khi đó, mục đích cuối cùng giữa cá nhân và tập thể chỉ có thể đạt được sự hợp nhất một khi mỗi cá nhân đều được tham gia vào việc xây dựng và lãnh đạo cộng đoàn một cách tự do, chủ động và sáng tạo.
Lời khấn vâng phục của người tu sĩ không lấy mất sự tự do của cá nhân. Thật vậy, nếu người tu sĩ không có tự do trong việc giữ các lời khấn khiết tịnh, thanh bần và vâng phục, thì họ không có công trạng gì, vì họ không giữ những điều đó từ chính bản thân họ. Vâng phục, được hiểu một cách đúng đắn, là sự tín thác nơi Thiên Chúa, là lời đáp trả cho chân lý duy nhất, là tiếng xin vâng trước lời mời gọi đến với ơn cứu độ được ban tặng từ nơi Thiên Chúa. Vâng phục là sự chọn lựa cuối cùng và dứt khoát mà con người phải chọn: đáp trả lại Thiên Chúa hoặc là quay lưng lại với Ngài. Như thế, vâng phục không những không lấy mất tự do, nhưng còn đưa tự do đến hoàn hảo. Thực tế cho thấy, tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, nhưng tự do chỉ thật sự là tự do khi những chọn lựa đó tốt và hữu ích cho con người. Chọn lựa con đường hút chích nghiện ngập của con người không phải là một chọn lựa tự do, vì nó làm cho con người nô lệ vào sự nghiện ngập có hại cho con người. Ăn uống điều độ có thể được xem là một chọn lựa tự do, vì chọn lựa này làm cho con người không lệ thuộc vào đam mê ăn uống và đồng thời làm cho cơ thể khỏe mạnh. Tự do có nhiều mức độ, cấp bậc khác nhau. Mức độ cao nhất và trọn vẹn nhất là tiếng xin vâng với Thiên Chúa, như tiếng xin vâng của Chúa Giê-su trên thập giá cho sự cứu rỗi và sự sống muôn đời của nhân loại.
Tu sĩ giữ lời khấn vâng phục, không phải là nói tiếng xin vâng tới đấng Bề trên, nhưng là với Thiên Chúa. Mọi thành viên, dù là Bề trên hay bề dưới, cùng nhau tìm kiếm, thực thi và thể hiện tiếng xin vâng này trong cuộc đời riêng và giữa nhân loại. Tiếng xin vâng với Thiên Chúa là mục đích chung của cá nhân và cộng đoàn tôn giáo. Vai trò của đấng Bề trên là đại diện cho cộng đoàn trong việc nói lên lời xin vâng và là biểu tượng của cộng đoàn vâng phục. Tiếng xin vâng của Bề trên không thể thay thế cho tiếng xin vâng của mọi cá nhân trong cộng đoàn, nhưng tất cả đều phải cộng tác để nói lên tiếng xin vâng một cách tự do và với hết khả năng mình.
Ngoài sự tự do, con người còn có khả năng tự làm mới, tự biến đổi bản thân mình và khả năng sáng tạo. Tất cả những gì ngăn trở sự phát triển các khả năng này của cá nhân đều là mối đe dọa cho sự tồn tại và phát triển của cộng đoàn. Các cá nhân được đổi mới thì cộng đoàn được đổi mới, các cá nhân sáng tạo thì cộng đoàn cũng sáng tạo. Cũng như tự do, các khả năng này hết sức cần thiết cho cá nhân và cộng đoàn trong việc đi tới mục đích chung. Điều cần lưu ý ở đây, điều kiện phát huy khả năng cho vài cá nhân tiêu biểu không thể thay thế cho đòi hỏi phát huy khả năng của mọi thành viên. Một khi tự do, năng lực tự đổi mới và tính sáng tạo của mỗi cá nhân được phát huy đầy đủ, thì đời sống cộng đoàn sẽ trở nên năng động. Đối với cộng đoàn tôn giáo, nếu các khả năng này  được đồng hành với đời sống nhân đức và cầu nguyện, thì đó thật sự là sức sống dồi dào của cộng đoàn.
Cấu trúc cộng đoàn, dù mang bất cứ tính chất nào như kinh tế, chính trị hoặc tôn giáo, cần phải đáp ứng được những nhu cầu trên của cá nhân. Nghĩa là, trong cấu trúc của một cộng đoàn, các cá nhân không chỉ có tự do, chủ động và sáng tạo trong phạm vi của vị trí riêng mình: như việc bồi dưỡng nhân cách riêng, trau dồi kiến thức riêng hay việc phát triển nhân đức riêng…; mà còn phải có được tự do, chủ động và sáng tạo trong việc thay đổi vị trí của mình - trong phạm vi của cấu trúc cộng đoàn: như việc có được tiếng nói trong cộng đoàn, sự hiện diện như một chủ thể phải được tôn trọng trong cộng đoàn, hay việc phát triển cộng đoàn nhân đức… Không thể dựa vào lời khấn vâng phục mà Bề trên/ban lãnh đạo cộng đoàn tu có thể áp đặt mọi việc trên người khấn sinh trong khi không có ý kiến của họ. Việc trao đổi và nhất trí giữa hai bên là hết sức cần thiết, vì nó là dấu chỉ của sự hiệp nhất, là cách thức mà qua đó con người học hỏi và nâng đỡ nhau trong việc thực thi tiếng xin vâng với Thiên Chúa. Ngay chính Thiên Chúa, Ngài vẫn luôn tôn trọng tự do, tính chủ động và sự thông phần sáng tạo của mỗi con người. Dù là ngu dốt, bất tài hay sa đọa đến mấy, thì mỗi người đều là một mầu nhiệm và là hình ảnh của Thiên Chúa; nên cần được trân trọng và yêu quý, nhất là trong phạm vi một cộng đoàn tu trì.
Cấu trúc của một cộng đoàn như là cơ thể của đời sống cộng đoàn, nên đời sống cộng đoàn chỉ có thể tốt đẹp trong cơ thể tốt đẹp của chính nó – cấu trúc của cộng đoàn đó. Nếu cấu trúc cộng đoàn không tốt đẹp, thì nó cần được thay thế hoặc ít nhất là phải được chỉnh đốn để trở nên tốt đẹp hơn.
Với cái nhìn Ki-tô giáo, người Ki-tô hữu nhìn vào đời sống cộng đoàn, đặc biệt là cộng đoàn tu, vượt trên giới hạn logic mà đời sống cộng đoàn được hình thành, vượt trên cơ cấu mà nó tồn tại như đã được xem xét ở trên.
4. Đời sống cộng đoàn là một ân sủng
Tưởng chừng con người làm nên cộng đoàn, và cộng đoàn mà họ làm nên phục vụ cho mọi nhu cầu của con người; nhưng không, đó chỉ là bề mặt, thực chất, cộng đoàn được ban tặng cho con người từ tình yêu Thiên Chúa, là món quà mà bởi nó con người được tháp nhập vào đời sống viên mãn của Cộng Đoàn Thiên Chúa Ba Ngôi.[7] Chúa Giê-su đã mạc khải sự gắn kết mật thiết này qua hình ảnh hết sức sinh động, “Thầy là cây nho, các con là nhành” (Ga 15, 5).
Cộng đoàn được ban tặng, ngay từ ý định ban đầu của Thiên Chúa, để con người có được sự cộng tác, giúp đỡ lẫn nhau. “Người đàn ông ở một mình thì không tốt…” (St 2, 18), nên họ được trao ban bạn đồng hành. Sự giúp đỡ mà con người được mời gọi cộng tác ở đây, không phải bằng quyền lực áp đặt trên nhau, không phải bằng nghĩa vụ chủ - tớ, nhưng là bằng tình yêu: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34).
Cộng đoàn còn là con đường, là cách thức mà Thiên Chúa dùng để Ngài hiện diện với con người, và là con đường để con người đến với Thiên Chúa. Thánh Gio-an đã làm chứng về điều này trong thư thứ 1: “Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày; chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người” (1 Ga 1:2-3).
Cộng đoàn, tuy được thông phần với sự sống của Thiên Chúa, nhưng sự thông phần này chưa toàn vẹn. Cộng đoàn còn trên đường lữ hành, nên còn lệ thuộc vào thời gian và không gian, còn gặp sự vấp ngã và gian truân. Mỗi người đều có thể cảm nghiệm được điều này từ trong thực tế. Nhiều khi, cộng đoàn còn được cảm nghiệm như là một hỏa ngục. Làm sao có thể hiểu được nghịch lý này? Nhìn vào cộng đoàn của các Tông đồ, thì có lẽ chúng ta sẽ học được câu trả lời.
Các Tông đồ là những con người bình thường, thuộc những tầng lớp, địa vị khác nhau trong xã hôi, được mời gọi để xây dựng một cộng đoàn có mối tương quan mật thiết với Chúa Giê-su. Họ được mời gọi không phải để có được một tấm bằng tốt nghiệp hoặc để có một địa vị, nhưng là để cuộc đời gắn kết mật thiết với cộng đoàn, trong đó Chúa Giê-su là đầu. Họ là những người thất bại và phản bội. Họ chối bỏ và trốn chạy trước nguy nan, trước cuộc khổ nạn của Thầy Giê-su. Tuy nhiên, trong đêm tối tuyệt vọng, với ánh sáng của Chúa Giê-su phục sinh, họ được đưa trở lại Ga-li-lê, nơi họ đã bắt đầu, để bắt đầu lại một hành trình mới. Họ đã được hòa giải và được sai đi.
Chúng ta có thể gặp nguy nan, thất vọng nơi cộng đoàn, nhưng với ánh sáng Chúa Giê-su phục sinh chúng ta có thể bắt đầu lại một hành trình mới. Đời sống cộng đoàn vẫn luôn mãi là ân sủng, nhưng điều quan trọng là chúng ta có biết bắt đầu và lại bắt đầu hay không.
5. Đời sống cộng đoàn là một hồng phúc Chúa ban, nhưng đồng thời đời sống cộng đoàn cũng đòi hỏi sự cộng tác, hy sinh nơi mỗi người. Việc cộng tác này không chỉ ở mức độ cá nhân, nhưng đồng thời còn ở mức độ tập thể. Bên cạnh việc phát triển nhân đức cá nhân, cộng đoàn còn phải chú trọng đến việc phát triển nhân đức của cấu trúc cộng đoàn. Nếu cấu trúc của một cộng đoàn xấu, thì nó sẽ làm mai một các khả năng của các phần tử và làm cho chính cộng đoàn tàn lụi. Cấu trúc của cộng đoàn tốt thì nó không chỉ mang lại một đời sống cộng đoàn tốt đẹp, mà nó còn khích lệ các cá nhân phát triển hết mọi khả năng: tự do - biến đổi - sáng tạo trong nhân đức và ơn nghĩa với Chúa, để rồi tất cả có thể tìm ra chính mình trong sự nên một với Thiên Chúa và với nhau giữa cộng đoàn.
Đỉnh cao của sự hiệp nhất trong ân sủng mà cộng đoàn chia sẻ là Thánh Lễ mà cộng đoàn cử hành mỗi ngày. Trong Thánh Lễ, không chỉ có sự hiệp nhất của những người tham dự, mà còn có sự hiệp nhất của toàn nhân loại, người sống và kẻ chết, của hết mọi thụ tạo trong Đức Ki-tô, qua sự thánh hóa của Chúa Thánh Thần, hướng về Chúa Cha. Những ngày lễ các Thánh và các đẳng Linh hồn hàng năm nhắc nhở chúng ta rằng, dù sống hay chết, dù nơi lửa luyện tội hay trên thiên đàng, hoặc còn trên trần gian, tất cả chúng ta đều được mời gọi nên một trong một cộng đoàn tình yêu với Thiên Chúa và với mọi loài thụ tạo. Xin Chúa cho chúng con biết sống yêu thương và cho chúng con nghị lực để biết bắt đầu và lại bắt đầu! Amen!■

Trước Lễ Các Thánh năm 2007




[1] Aristotle: Nicomachean Ethics, trans. by Martin Ostwald, New York/London: Macmillan, 1962. 1097b11.
[2] Trích ý theo Microsoft Encarta Encyclopedia 2003, Sociology

[3] Hiến Pháp Dòng Thánh Gia Việt Nam, 1983, Tái bản lần thứ 3, Long Xuyên, 1999.
[4] Vatican II, Lumen Gentium, 7.
[5] Microsoft Encarta Encyclopedia 2003, Chinese Philosophy, Daoism.
[6] Theodor W. Adorno: Problems of Moral Philosophy, ed. By Thomas Schroder, transl. by Rodney Livingstone, Standford: Standford University Press, 2001. p. 1.
[7] Hiến Pháp Dòng Thánh Gia: “Thiên Chúa Ba Ngôi là một Cộng đoàn Tình yêu vì “Thiên Chúa là Tình Yêu.” Một Cộng đoàn tràn ngập tình yêu thương, một gia đình hạnh phúc khôn lường” (số 124); “Do tình yêu sung mãn, Thiên Chúa tạo dựng loài người để san sẻ hạnh phúc, để san sẻ Tình yêu cho gia đình nhân loại. Thiên Chúa đã truyền lệnh: “Hãy sinh sôi nảy nở cho khắp đầy mặt đất!” Để hễ con người đến đâu là hình ảnh Thiên Chúa Tình yêu lan tràn, được phô bày đến đó.” (số 125)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP