Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Tại sao phải hy sinh ???

Sống trong xã hội hôm nay, hầu như người ta rất dị ứng, hay có khi còn cảm thấy bị “sốc” khi nghe ai đó nhắc đến những từ ngữ như: hy sinh, từ bỏ, quên mình, khổ chế… Và nếu người nào hay dùng những từ đó, thì sẽ bị gán ngay cho cái “mác” là “trường phái khắc kỷ”, hay là “đạo đức cha già”… Thật vậy, sở dĩ con người ngày nay bị dị ứng với những từ ngữ đó, là vì người ta đang sống trong một thời đại, mà cảm thức “hưởng thụ là chính!” đang chi phối toàn bộ cuộc sống con người.

Cũng chính vì sống với cảm thức “hưởng thụ là chính” ấy, mà ngày nay nhiều người không thể hiểu nổi và đã quay quắt với chính mình về những câu hỏi: Tại sao phải hy sinh? Tại sao phải từ bỏ? Tại sao phải sống quên mình và khổ chế??? Có gì “trục trặc” không,  trong khi mọi sự phát triển của xã hội, từ khoa học, tin học, y khoa cho đến kinh tế và thực phẩm… đều nhằm đáp ứng một cách tốt nhất cho mọi nhu cầu của cuộc sống con người. Phải chăng hy sinh, từ bỏ, khổ chế là những điều đi ngược lại với phẩm chất con người và sự phát triển của thời đại?
Đặt ra câu hỏi như thế, nhưng không nhằm để trả lời, mà là để nhìn nhận sự hình thành một quan niệm sống của con người ngày nay, nhất là nơi thế hệ trẻ. Cho nên, điều muốn suy tư ở đây, chính là quan niệm sống đó (quan niệm “hưởng thụ là chính!”), ngày hôm nay cũng đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của những người tu sĩ.
Thật vậy, người tu sĩ hôm nay, với sự tác động của xã hội, cũng đã bắt đầu ít nhiều hướng về lối sống hưởng thụ, dưới hình thức này hay hình thưc khác. Nhưng điều nguy hại chính là, chúng ta (những linh mục, tu sĩ) đã tìm mọi lý lẽ có khi rất là có “tính thần học” hay “Giáo hội học” để giải thích và “hợp thức hoá” cho lối sống đó của mình. Đúng vậy, trong những câu chuyện hằng ngày chúng ta vẫn thường nghe nói đâu đó rằng: phải có tiền mới làm việc bác ái được, hay để đi làm mục vụ nhất thiết phải có phương tiện thật tốt, hoặc muốn làm việc đạt hiệu quả cao, cần phải có những dụng cụ tối tân, như sở hữu “một con léptép, một con Zrojecto..!” chẳng hạn…vv hợp lý đấy chứ! (tất nhiên tinh thần là quan trọng, chứ không phải những gì bên ngoài).
Tuy nhiên, khi đọc lại Lời Chúa Giêsu trong Tin mừng thánh Luca 14, 26-27, bản thân tôi không khỏi bị giật mình. Tôi giật mình là bởi vì, ở đó (Lc 14,26-27) Chúa Giêsu đòi hỏi một sự quyết liệt. Dường như Ngài không chấp nhận một lối sống dễ dãi nơi người môn đệ của mình. Ngài đòi hỏi một sự từ bỏ dứt khoát, mạnh mẽ và kiên cường. Việc đi theo Ngài đồng nghĩa với “vác thập giá…” (Lc 14, 27) với “chết đi…” (Ga 12, 24), và “chịu đau khổ?…” (Lc 9, 22). Và người môn đệ Chúa Giêsu phải kinh qua con đường gian khó trong đời mình, chỉ với một lý do duy nhất, đó là vì Thầy mình đã đi qua con đường đó, và Thầy mình xác quyết đó là con đường đưa đến hạnh phúc bất diệt.
Nhìn vào đời sống của mình, mỗi người chúng ta phải chân nhận một sự thật rõ ràng; đó là, chúng ta, những người tu sĩ hôm nay, đang bị tác động rất nhiều bởi cảm thức hưởng thụ. Vì thế mà trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng bắt đầu e ngại với những hy sinh, xa dần với những quan niệm từ bỏ, và lạ lùng với những điều khổ chế. Chúng ta luôn có khuynh hướng chạy theo trần thế, nghĩa là có khuynh hướng phải sở hữu thật là nhiều: sở hữu kiến thức, sở hữu tài năng, sở hữu vật chất, và sở hữu ngay cả tình cảm nữa…
Chính khuynh hướng sở hữu đó, thúc đẩy chúng ta phải xoay sở thế nào để cuộc sống luôn được: tiện nghi, tiện lợi, tiện dụng và tiện ích. Và cũng chính các thứ “tiện” đó như là một động lực, thúc đẩy đời sống chúng ta: vơ vét hơn là từ bỏ, hưởng thụ hơn là hy sinh, tích luỹ hơn là chia sẻ… Lời Chúa bị lu mờ trong tâm trí. Ý chí hiến dâng bị suy giảm. Sự đơn sơ phó thác nhường chỗ cho những toan tính hơn, thiệt. Và tình yêu dành cho Chúa thuở ban đầu đang bị mất dần… Đó là hệ lụy tất yếu cho người môn đệ Chúa Giêsu khi bị cảm thức “hưởng thụ là chính!” chi phối cuộc đời.
Tại sao phải hy sinh? Tại sao phải khổ chế? Tại sao phải từ bỏ? Đó không phải là những câu hỏi được tuôn ra từ môi miệng người môn đệ Chúa Giêsu. Vì sao? Vì đó là những âm thanh lạc điệu trong bản nhạc đời dâng hiến, và là những rào cản nội tại trên con đường tiến về Quê Trời.

Anphong Lê Quốc Dũng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP