Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Mầu Nhiệm Sự Chết

Hàng năm, cứ đến tháng 11, Giáo hội Công giáo dành riêng tháng này để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Riêng tôi, sự nhắc nhở của Giáo hội làm cho tôi suy nghĩ về sự chết; một cái chết thường tình của con người; một cái chết phi thường của Con Thiên Chúa. Nhưng ở đời có ai muốn chết không? Đứng trước cái chết, Đức Kitô cũng phải lo sợ đổ mồ hôi máu cơ mà! “Mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22, 44b).

1. Chết Là Thế Nào Mà Ai Cũng Sợ?
Trong cuộc sống, dù người giàu sang hay kẻ bần cùng khố rách áo ôm đều tìm mọi cách để có thể tránh được con mắt của tử thần. Người giàu có, mạnh khỏe, lo cho cái ăn cái mặc được đảm bảo, lo an toàn đời sống, phải chăng là để chống chọi với cái chết? Hễ biết ở đâu nguy hiểm, thiếu sự an toàn cho sự sống là họ tìm cách tránh né. Với những kẻ nghèo đói, lam lũ làm ăn chật vật suốt ngày, hay những người không ngại ăn xin bên vệ đường, cũng tìm đủ mọi cách để bảo toàn mạng sống của mình.
Thực tế cho thấy, khi cảm thấy bệnh, người ta chạy vạy tìm thầy, kiếm thuốc, có khi bán cả ruộng vườn, nhà cửa để lo cho mạng sống của mình, hoặc có thể kéo dài sự sống ngày nào hay ngày đó. Ngày nay, người ta tìm đủ mọi cách để phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ quốc phòng… phải chăng là để khắc phục cái chết? Vâng, cái chết là gì vậy mà ai cũng phải nghĩ tới nó?
2. Người Ta Có Khắc Phục Được Cái Chết Không?
Con người càng văn minh, xã hội càng phát triển thì cái chết càng hoành hành dữ dội. Ngày xưa, con người có chiến tranh, có chém giết nhau thì cũng chỉ bằng vũ khí thô sơ, chỉ từng nhát đao, từng lưỡi búa, sát hại từng người. Ngày nay, chỉ cần một qủa bom, sau một tiếng nổ, con người chết hàng loạt. Ngày ngày, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đều loan tin chỗ này chết do khủng bố; chỗ kia chết do thiên tai; chỗ nọ chết do đói kém, bệnh tật, thiếu lương thực, nước uống… Người ta tính ra trên toàn cầu giây phút nào cũng có người chết. Bình quân có bốn người chết trên một giây. Thật khủng khiếp! Cách đây mấy trăm năm, đâu có nghe người ta nói về tai nạn máy bay, xe lửa, xe hơi, sập cầu như cầu Cần Thơ… gây nên cái chết tập thể như ngày nay.
Thì ra con người càng tránh né, xã hội càng cố gắng chống đỡ, thì cái chết càng bám lấy không rời con người. Từ tạo thiên lập địa chưa có ai tránh khỏi cái chết. Chưa ai có thể thuần hóa được cái chết và làm cho nó “dễ thương” với con người. Thế ra, đâu có ai khắc phục được cái chết! Đâu có khoa học kỹ thuật nào khử trừ được cái chết, luôn là mối thù của con người. Hậu quả của nó thật nghiêm trọng. Mỗi khi nó ghé thăm, nó phá tan những cuộc sum họp vui vầy; nó chia ly những mối dây liên hệ máu mủ; nó cướp đi hạnh phúc của con người; nó đánh đổ những dự định, chương trình tốt đẹp vững chắc… Cái chết trở thành “nhà vô địch”. Hàng tỷ tỷ người đã khuất phục trước sức mạnh phi thường của nó. Vâng cái chết là thế đấy!
3. Ai Đã Tạo Ra Nó?
Trong ngày hội thảo Pháp Lệnh Liên Quan Đến Tín Ngưỡng, Tôn Giáo, được tổ chức tại Đại Chủng Viện Thánh Quí Cần Thơ, ngày 01.10.2007, phó ban Tôn Giáo Chính Phủ, ông Nguyễn Thanh Xuân nói: ngày nay lũ lụt đã xẩy ra thường xuyên trên địa cầu, đặc biệt là ở Việt Nam chúng ta, không phải do thiên tai, mà là do “nhân tai”. Nạn khai thác rừng bừa bãi là nguyên nhân chính yếu của hậu quả này. Phải, con người đã dùng tự do của mình để tạo ra cái chết. Ngay trong vườn Địa Đàng, Thiên Chúa đã căn dặn ông bà nguyên tổ rất kỹ lưỡng: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2, 16-17). Một lời căn dặn đầy trách nhiệm và đầy yêu thương của Thiên Chúa. Thế nhưng con người vẫn chọn cho mình cái chết. “Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn” (St 3, 6). Cái chết bắt nguồn từ sự bất tuân của con người. Nguy hiểm và tồi tệ hơn, cái chết mà con người tự chuốc lấy cho mình đâu chỉ đơn giản là cái chết về thể xác mà là cái chết về linh hồn, mất sự sống Thiên Chúa trong mình; bị tuyệt giao với Thiên Chúa; bị loại ra khỏi “cuộc chơi” trong biển đời hạnh phúc vô tận mà ý định ngàn đời của Thiên Chúa chỉ muốn dành riêng cho con người. Từ đây số phận con người là phải đau khổ, phải chết. Một số phận nghiệt ngã mà không ai muốn, chính cả Thiên Chúa cũng không muốn như vậy. “Từ nay đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi… ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn và ngươi là bụi đất, sẽ trở về bụi đất” (x. St 3, 18-19). Đứng trước sự suy đồi của con người, thánh Tông đồ dân ngoại cũng đã phải cay cú nhắc lại lời Thánh Vịnh “Người người đã lìa xa chính lộ, chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi; chẳng có một ai làm điều thiện, dẫu một người cũng không” (Rm 3,12). Sự xấu, sự tội đã len lỏi vào thế gian. Tội lỗi đã hủy hoại bản tính thánh thiện nơi con người. Hết thảy đã phạm tội và mất hẳn vinh quang của Thiên Chúa đã ban tặng. Tội lỗi đã thống trị và điều khiển tư tưởng, ước muốn, ý định thánh thiện nguyên thủy của con người. Phao lô đã ý thức rõ ràng sự hư đốn và bất lực đó: “Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, thì tôi cứ làm” (Rm 7, 18-19). Và đến lúc vị thánh này đã gào lên trước sự oan nghiệt của cái chết mà hậu quả là do chính mình gây nên. “Tôi thật là một con người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7, 24).
4. Phản Ứng Của Con Người Trước Cái Chết.
Vâng, chết là thế đấy, bản chất của nó là ghê gớm như thế đấy. Không có ai có thể tránh được nó, và cũng không ai có thể chống đỡ được nó. Đành chấp nhận thôi! Nhưng thái độ chấp nhận nơi con người như thế nào?
Đối với những người không có niềm tin vào sự sống đời sau, thì trước cái chết, quả là một nghiệt ngã, một sự tuyệt vọng đối với họ. Vì họ đang có tất cả. Có thể nói, họ đang làm chủ tất cả. Thế mà phải chết! Đối với họ, chết là hết! Số những người khác, họ tin có đời sau, có sự sống lại, nhưng vì cuộc sống, họ bon chen, tích trữ, chạy theo những đam mê của cải vật chất, theo lạc thú trần gian, trước cái chết, họ hoảng sợ như tội nhân sắp bị đưa ra xét xử. Cái chết đối với họ là một sự hối tiếc, một sự kinh hoàng. Có những người sống vì một lý tưởng nào đó, như yêu tổ quốc, yêu đồng bào, họ coi thường cái chết. Cái chết đối với họ là một nghĩa hiệp. Họ muốn để tiếng cho đời. Và đối với những người có niềm tin thực sự vào Đức Kitô Phục sinh, thì chết là về Nhà Cha. Mẹ Têrêxa Calcutta đã nói như vậy. Một người chết trong ơn nghĩa Chúa là đang trên đường về với Cha, mặc dù theo lẽ tự nhiên thì sợ hãi, lo âu, tiếc nuối, nhưng không thất vọng, không phải là một điều ghê gớm, mà là một sự tốt lành.
5. Cái Chết Của Đức Ki Tô.
Đứng trước tội lỗi, trước cái chết, thánh Phao lô đã tìm thấy cho mình và cho nhân loại một vị Cứu Tinh: “Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7, 25). Con người đã dùng tự do để đi vào cái chết, thì cũng có một người đã hoàn toàn tự do chết để cứu lấy cái chết của con người. Con người đó là Đức Giêsu Kitô. Con người đã lâm vào cảnh chết chóc do tội lỗi của mình và không bao giờ tự mình cứu mình được. Muốn cứu con người ra khỏi cảnh lầm than này, Thiên Chúa đã làm người, xen vào thế giới con người để vực con người lên, để phục hồi phẩm giá nguyên tuyền của con người. Thánh Phao lô nói: “Điều mà lề luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm: khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta” (Rm 8, 3). Người đời cũng thường nói: “Muốn bắt cọp, phải vào tận hang cọp”. Đức Giêsu, Đấng thánh vô cùng, và với bản tính Thiên Chúa, không hề chết như chúng ta, vì yêu thương người tội lỗi, nên tự nguyện sống với người tội lỗi như những người thân thương. Ngài muốn cứu người chết nên Ngài đã vào tận cõi chết. Muốn chữa người tội lỗi, nên Ngài đã đến tận nhà người tội lỗi. “Này ông Gia-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người” (Lc 19, 5-6). Thì ra, Thiên Chúa đã làm người, trong cương vị con người, đã tự do đi vào cõi chết, để với quyền năng Thiên Tính của Ngài, tiêu diệt cái chết hầu cứu con người khỏi chết, nối lại tình nghĩa Thiên Chúa với con người.
Nhưng tại sao Đức Kitô lại chọn lấy cái chết nhục nhã như vậy?
Chúng ta phải khẳng định ngay rằng vì yêu thương chúng ta. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì người mình yêu” (Ga 15, 13). Đang khi chúng ta là tội nhân đáng chết thì Con Thiên Chúa đến tìm chúng ta để được chết thay chúng ta. Một cái chết tức tưởi trên thập giá! Còn cách nào để Ngài chứng tỏ tình yêu với chúng ta                 nữa không? Vậy là, khi chọn lấy cái chết tủi nhục thập giá, Con Chúa đã khéo léo tỏ cho chúng ta thấy tầm mức xúc phạm và tác hại của hành vi con người chối bỏ Chúa; đồng thời tỏ cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta lớn lao đến chừng nào. Ôi! Có bao giờ ta thấy một tình yêu cao cả như vậy đâu!
Vâng, nhắc đến cái chết của Con Thiên Chúa, không phải là nhắc lại một sự kiện lịch sử, mà là nhìn lại số phận của chính mình: số phận phải chết. Nhưng nhờ tình yêu của Chúa, chúng ta lại được cứu sống, được giao hòa lại với Thiên Chúa và được mãi mãi sống trong tình yêu ấy. Thật ra, đâu phải do công trạng gì của chúng ta, mà tất cả đều do lượng hải hà của Thiên Chúa. Như Thánh Phao lô đã nói: “Mọi sự đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người” (2Cr 5, 18).
Khi nhận ra ân huệ cao quí này, tôi không thất vọng, trái lại, tôi luôn tin tưởng, dâng lời cảm tạ Thiên Chúa và quyết tâm sống xứng đáng với ân ban cao cả đó. Tôi cũng không quên đến các linh hồn đang chờ đợi ngày vinh thăng với Chúa. Xin Chúa, vì công nghiệp của Đức Kitô, ban cho các linh hồn đang thanh luyện trong luyện tội, sớm được về hưởng nhan thánh Chúa muôn đời. A men. 


Tất Bật

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP