Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

Sự Thấu Hiểu & Yêu Thương Trong Đời Sống Cộng Đoàn

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta luôn luôn phải sống giữa những mối tương quan: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với vũ trụ vạn vật, tương quan với tha nhân và tương quan với chính mình. Nếu xét về khía cạnh con người, thì tương quan với tha nhân là mối tương quan được thể hiện rõ nét nhất trong đời sống gia đình, và nhất là trong đời sống cộng đoàn. Vì vậy, trong bài viết này, chỉ xin nhấn mạnh đến khía cạnh tương quan với tha nhân, qua đời sống cộng đoàn.

Thiết nghĩ rằng, đây là một điều quan trọng và cần thiết đối với cuộc sống của người tu sĩ, bởi lẽ cộng đoàn như thế nào, thì nhân cách của người tu sĩ sống trong đó cũng sẽ lớn lên và phát triển trong chiều hướng ấy. Tuy nhiên, cách sống của mỗi tu sĩ cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bầu khí chung của cộng đoàn. Đây là một phản ứng hai chiều mà nó luôn có sự ảnh hưởng mang tính cách hỗ tương cho nhau.
Khi nói về đời sống cộng đoàn, chắc chắn mỗi người chúng ta ai cũng có những kinh nghiệm về cuộc sống tương quan với người khác, đặc biệt với những người anh em sống chung. Kinh nghiệm đó cho ta thấy rằng, khi ta thương ai, ta mến ai là ta bắt đầu hiểu người đó, bắt đầu đi vào mối tương quan thông cảm với người đó, bắt đầu đồng hành với người đó... Vì chúng ta không thể nói yêu thương ai nếu ta chưa thấu hiểu được người đó; cũng vậy, không thể nói yêu ai khi chưa hoàn toàn tin tưởng người đó.
Thấu hiểu và yêu thương, tin tưởng và yêu mến, là những điều kiện cần và đủ cho một tình yêu chân thật. Bởi vì, nếu thương mà không hiểu, thì tình thương đó không có nền tảng, không có gốc rễ, tình thương đó chỉ như gió thoảng mây bay, chóng phai mau tàn. Tình thương đó chỉ cần một sự hiểu lầm nho nhỏ, hay một lời nói đùa, nói chơi thiếu sự cân nhắc, thì có thể người được thương sẽ trở thành kẻ thù, anh em sẽ trở thành người xa lạ. Vâng, ranh giới giữa bạn và thù sẽ trở nên rất mong manh, nếu như một tình thương không có sự thấu hiểu. Cũng vậy, nếu yêu mà không có tin tưởng, thì tình yêu đó không có chiều sâu, không có sự trao ban đích thực, và là đầu mối của sự tính toán hơn thua, so bì... Do đó, thấu hiểu và yêu thương là hai yếu tố không thể thiếu cho một mối tương quan chân tình, và càng không thể thiếu trong một tình yêu huynh đệ đích thực.
Thế nhưng, phải quan niệm thấu hiểu và yêu thương như thế nào, để có thể được gọi là yếu tố quan trọng của tình yêu, của tình anh em trong cộng đoàn? Câu chuyện sau đây sẽ ít nhiều cho chúng ta hiểu được điều đó:
“Mở mắt ra, hắn nhìn đồng hồ đã thấy 7 giờ kém 15’. Hắn vùng dậy, rửa mặt sơ sài. Đúng 7 giờ là phải vào lớp. Trễ học mất rồi! Hắn vội vàng xuống bếp pha hai gói mì tôm. Rồi hắn chạy vội lên phòng gọi em gái. Cửa vẫn đóng im lìm. Hắn đập cửa kêu lớn: ‘Dậy đi! Trễ học mất rồi’! Vẫn thấy im lìm. Hắn gọi thêm một lần nữa, rồi một lần nữa, vẫn không có gì động tĩnh. Sốt ruột. Hắn đập thật mạnh vào cửa. Bỗng trong phòng phát ra một tiếng thét vào tai hắn: ‘Anh đi đi! Tôi không đi học! Hôm nay tôi muốn nghỉ’. Hắn đỏ mặt tía tai. Tức giận quá sức. Hắn muốn xông vào phòng tát cho đứa em gái lười biếng và hỗn xược vài cái cho hả giận. Mình lo cho nó mà nó còn lại nói thế…!
Nhưng không biết tại sao hắn đã kiềm hãm lại được. Hắn đứng chết lặng. Hắn bắt đầu nhớ lại: hồi đêm hắn nghe em hắn ho nhiều lắm. Chắc nó bị sốt cao. Có lẽ suốt đêm qua nó không ngủ được. Đúng rồi, chiều hôm qua đi học về, cả hai anh em bị mắc một trận mưa tầm tả. Em hắn từ nhỏ, hễ mắc mưa là bị cảm sốt. Vậy là cả đêm qua, em hắn phải vật lộn với những cơn sốt run người. Nó phải xoay sở suốt đêm một mình… Càng nghĩ, hắn càng cảm thấy thương em. Hắn không còn ý định xông vào phòng nữa. Hắn lặng lẽ bước ra. Lòng hắn tràn ngập một tình thương, một nỗi niềm sâu lắng. Hắn cảm thấy chưa bao giờ hắn thương em hắn như lúc này. Tâm hồn hắn trào dâng nỗi xúc động. Bỗng dưng trên môi hắn có cái gì mằn mặn…”
Vâng, thưa anh em, hiểu và thương là như thế đó. Hiểu càng sâu sắc, thương càng vô biên, hiểu càng cặn kẽ, thương càng dạt dào.
Trong cuộc đời của chúng ta, khi ta ghét ai, khi ta thù ai, khi ta không muốn nhìn mặt ai, thì ta hãy biết rằng, ta đã không hiểu người đó, hay ta chưa hiểu người đó, chưa biết được những khổ tâm của người đó, chứ người đó vẫn tốt, vẫn đáng yêu như mọi người. Điều tệ hại nhất là ta không muốn hiểu người anh em, ta không muốn nhìn đến nỗi khó khăn, nỗi đau khổ và nỗi bất hạnh mà người anh em đang phải đối diện. Ta không muốn lắng nghe người anh em, ta không muốn nhìn vào sự thật, một sự thật quá hiển nhiên- đó là ai cũng mang thân phận một con người đầy bấp bênh, mỏng manh và yếu đuối. Ta khép lòng ta lại, rồi nhìn người anh em bằng những quan niệm của ta, bằng những thành kiến của ta, bằng cái lăng kính nặng màu chủ quan của ta. Cha Antony de Mello nói rằng: “con người không tốt cũng không xấu. Nó là nó. Tốt hay xấu là do ta dán cho nó cái nhãn hiệu nào: thông minh hay dốt nát, đẹp hay xấu, hiền lành hay khó tính vv…”
Chúng ta thường không chịu đặt mình vào hoàn cảnh của anh em, đặt mình vào những tập quán, văn hóa và sự hiểu biết của anh em. Sâu xa hơn, là chúng ta không muốn tôn trọng cái thế giới riêng tư của anh em - cái thế giới mà chỉ có mình Thiên Chúa mới có quyền được biết. Do đó, ta thấy anh em là kẻ đáng ghét, là người khó thương, thậm chí là người không thể đội trời chung với ta được; nhưng trớ trêu là, dù không muốn “đội trời chung”, mà chúng ta vẫn phải sống hằng ngày bên nhau, đối diện nhau trong cùng một cộng đoàn, cùng chia sẻ những sinh hoạt của cộng đoàn. Đó là một thảm cảnh, hay nói đúng hơn là một nỗi đớn đau của phận người yếu đuối. Và đó cũng là một hệ lụy tất yếu của một cách sống được gọi là yêu thương mà không có sự thấu hiểu.
Đọc Tin Mừng chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã yêu thương con người biết chừng nào. Ngài thương hết mọi người, Ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống vì mọi người. Thánh Gioan nói rằng “Ngài đã thương ai là thương cho đến cùng, thương cho đến chết”. Sở dĩ Ngài đã làm được như vậy là vì Ngài hiểu mọi người, Ngài hiểu từng người, Ngài đã cúi xuống tận cùng nỗi khổ đau, nỗi bất hạnh của con người. Do đó, Ngài thương họ hết lòng, “Ngài muốn cho họ được sống và sống thật dồi dào”; Ngài muốn cho “niềm vui của họ được nên trọn vẹn”. Ngài an ủi họ rằng: “Anh em đừng sợ, đừng lo lắng gì, vì Thầy đã thắng thế gian rồi !” “ Thầy sẽ ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế”. “Thầy đã cầu nguyện với Chúa Cha, để Thầy ở đâu thì anh em cũng được ở đó với Thầy”. Bởi vì “Thầy là cây nho, anh em là cành”. “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. “Như Cha đã thương Thầy thế nào thì Thầy cũng thương anh em như vậy”. Vì “không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” và “không có Thầy anh em không thể là gì được”. “Thầy là sự sống, ai tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết, nhưng được sống muôn đời”.
Sự thấu hiểu và yêu thương của Chúa Giêsu đã đạt tới cao điểm khi Ngài chấp nhận treo trên thập giá. Trên thập giá, giữa muôn sự đớn đau như vậy, nhưng Chúa Giêsu vẫn hiểu rằng, con người hành xử với Ngài như vậy là vì “họ không biết việc họ làm”. Chúa Giêsu đã hiểu con người, hiểu phận người hơn ai hết, cho nên Ngài đã thương con người đến vô cùng là vậy.
Trong đời sống cộng đoàn, cần và rất cần những con người biết thấu hiểu và yêu thương, biết cảm thông và biết chia sẻ với người khác, vì đó như là men, là muối, là chất keo để làm cho cộng đoàn luôn được sống động, luôn triển nở và liên kết với nhau trong một mối tình yêu thương gắn bó.
Sự cần thiết đó đã được Huấn thị về “Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn” nhấn mạnh ở số 57, rằng: “Trong một cộng đoàn với tình huynh đệ chân chính, mỗi người đều phải có tinh thần đồng trách nhiệm đối với sự trung thành của người khác. Mỗi người đóng góp cho bầu khí thanh bình của đời sống chia sẻ, của sự hiểu biết thương yêu và của sự hỗ tương, mỗi người cần lưu tâm đến những lúc chán nản, đau khổ, cô đơn hay những lúc thiếu sự động viện của người khác; mỗi người hãy sẵn sàng nâng đỡ những ai bị buồn sầu vì những khó khăn và thử thách…” Rõ ràng là Huấn thị đã cho chúng ta thấy sự nâng đỡ và yêu thương anh em là điều hết sức cần thiết. Bởi vì nếu trong cộng đoàn thiếu vắng sự thấu hiểu và yêu thương, thì con người tuy sống bên nhau đó, nhưng vẫn nghìn trùng xa cách, tuy cùng sánh bước bên nhau đó, nhưng mỗi người chỉ như hai đường thẳng song song chẳng bao giờ gặp nhau. Thấu hiểu và yêu thương là tìm lại được gương mặt thật của chính mình trong đôi mắt của người anh em, là nhận ra được cái chân tính của mình trong tấm lòng ưu ái bao dung của anh em, là khám phá ra khả năng phục vụ của mình trong những lời động viên khích lệ của anh em.
Hiểu và thương là biết cho và nhận; cho những gì là cao quý nơi phẩm chất của mình, cho những gì để mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác; nhận những gì còn khiếm khuyết nơi bản thân, nhận những lời chia sẻ chân tình của anh em để xây dựng bản thân ngày thêm hoàn thiện và trưởng thành hơn.
Hiểu và thương là bản chất của người môn đệ Đức Kitô, là bước theo chân Thầy Chí Thánh với một tấm lòng yêu thương bao la, với một con tim quảng đại tha thứ, với một ý chí phấn đấu không mệt mỏi, với một cách sống “biết người biết ta”, với một đức tin trung kiên bền vững; tin rằng Thiên Chúa luôn yêu thương ta, tin rằng tình yêu sẽ làm được tất cả, tin rằng con người luôn có khả năng làm lại từ đầu, và tin rằng con người sẽ chỗi dậy sau những lần vấp ngã.
Muốn thấu hiểu và yêu thương người khác cách chân thành, thì điều trước tiên là chính bản thân mình phải luôn xác tín rằng, mình luôn được Thiên Chúa yêu thương và thấu hiểu, đồng thời cũng phải luôn cảm thấy mình được cộng đoàn nâng đỡ và được anh em quý mến. Bởi vì khi và chỉ khi mình cảm thấy được yêu thương thì mình mới có thể yêu thương người khác được. Có một câu nói mà chúng ta vẫn thường nghe, đó là: “không ai có thể cho cái mà mình không có”. Thậy vậy, một ly nước khi đã đầy thì mới có thể tràn ra ngoài được, còn nếu như nó vẫn thiếu, vẫn vơi thì nó chỉ lo hút vào và không thể có khả năng cho đi được. Quy luật của yêu thương cũng như thế.
Tóm lại:
Sự thấu hiểu và yêu thương trong đời sống cộng đoàn là một điều hết sức cần thiết để cho một cộng đoàn được sống, tồn tại và phát triển. Một cộng đoàn mà lúc nào cũng là chốn an vui, lúc nào cũng được bao trùm trong một bầu khí của yêu thương thắm thiết, và lúc nào cũng là nơi mà các phần tử trong cộng đoàn dù đi đâu, về đâu cũng nhớ, cũng mong và luôn hướng về, thì đó là dấu chỉ một cộng đoàn đang có sức sống đi lên, một cộng đoàn luôn được Thiên Chúa yêu thương và chúc lành.
Thiên Chúa là người Cha nhân từ, Ngài luôn thấu hiểu và yêu thương chúng ta. Chắc chắn Chúa cũng muốn mỗi chúng ta thấu hiểu và thương yêu nhau như Chúa đã hiểu và thương chúng ta. Tuy nhiên, để hiểu và để thương chúng ta cần phải biết lắng nghe; lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe tiếng lòng của anh em, và lắng nghe tiếng lòng của chính mình. Như vậy, chúng ta mới dễ dàng hiểu, dễ dàng thương, dễ dàng chấp nhận nhau, chấp nhận cuộc sống này, chấp nhận người anh em này với tất cả sự thánh thiện và yếu đuối, với tất cả tấm chân tình và lòng cảm thông sâu xa của chúng ta.
Sống được như thế chúng ta mới mong được xứng đáng được gọi là người môn đệ dấu yêu của Chúa Giêsu, và xứng đáng được là những người con yêu dấu của Gia Đình Thánh Gia Nazareth. Và như vậy, cuộc sống của chúng ta mới là một bản tình ca, hân hoan hát lên tâm tình của thánh vịnh 133:
“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay.
Anh em được sống vui vầy hỷ hoan.
Nơi đây ân huệ Chúa ban,
Chính là sự sống chứa chan muôn đời”


Anphong Lê Quốc Dũng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP