Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Sống và Học ở Philippines

Nhiều người biết đến Philippines – một đất nước gồm 7107 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều ngôn ngữ, nhiều cơn bão lớn, động đất, núi lửa, khủng bố… và có một điều mà ai cũng biết là người Thiên Chúa Giáo chiếm 85% (64,5 triệu trên tổng số 75,8 triệu dân) đứng thứ ba trên thế giới sau Brazil và Mexico. Và chiếm 60% trong tổng số 105 triệu người công giáo ở Châu Á.
Người viết bài này chưa thật sự hiểu hết về đất nước Philippines, nhưng cũng mạo muội chia sẻ với các bạn việc học tập và cuộc sống ở Philippines. Có thể bài viết này nghiêng về những điểm tiêu cực hơi nhiều nhưng dù sao cũng là một mảng trong tổng thể bức tranh về đời sống của các du học sinh ở Philippines. Qua đó, các bạn có thể tham khảo và có thêm kinh nghiệm học tập nếu đang chuẩn bị đi học ở nước ngoài.
          Chưa có một thống kê về số lưu học sinh đang theo học và nghiên cứu ở Philippines, nhưng theo phỏng đoán của người viết con số khoảng trên 500. Đó là chưa kể một số người đang làm việc và tị nạn ở Phi. Mỗi năm, người Việt họp nhau một lần ở Đại Sứ Quán Việt Nam, đây là dịp có nhiều người Việt cùng họp nhau lại, cùng hướng về tổ quốc và vui vẻ với nhau bằng những hương vị quê hương (cây mai, dưa hấu, bánh chưng, câu đối và có cả thêm rượu đế…). Ngoài ra, tùy mỗi trường các sinh viên Việt Nam cũng hay thường tổ chức họp nhau trong các dịp lễ, đặc biệt là các sinh viên công giáo thường họp nhau ở đài Chân Lý Á Châu vào các dịp lễ lớn của người công giáo.
          Sinh viên Việt Nam học ở Philippines cũng gồm tất cả các ngành nhưng những ngành có nhiều người theo học là về tôn giáo và xã hội. Bằng cấp ở Philippines có giá trị quốc tế nên sau khi học và lấy bằng ở Philippines cơ hội kiếm việc làm cũng không khó. Vì là đất nước có nhiều đảo nên ở Philippines có rất nhiều ngôn ngữ, hai ngôn ngữ chính là tiếng Anh và Tagalog.
Các sinh viên theo học ở Philippines rất khó tìm được việc làm thêm như ở các nước khác,vì ở đây các công việc thời vụ và tạp dịch đã được ưu tiên cho các thanh niên ở dưới tỉnh lên. Nói tới việc học thì có lẽ cái khó khăn nhất chính là vấn đề ngôn ngữ. Như các bạn biết, việc sử dụng một ngôn ngữ thứ hai để giao tiếp thì không khó nhưng dùng nó để nghiên cứu lại là chuyện khác. Khó khăn nhất có lẽ là thời gian đầu, hầu như ai cũng gặp khó trong kỹ năng nghe và nói. Có thể nếu bạn đã học đại học Anh Văn ở Việt nam, bạn đọc được, viết được, tốt văn phạm, nhưng thời gian đầu ở đây bạn sẽ rất chán nản vì nghe họ nói mình không hiểu và mình nói họ cũng không hiểu luôn.
Vấn đề tôi muốn chia sẻ với bạn ở đây là tình trạng của những người chưa khá tiếng Anh. Một đứa bạn Banglades tâm sự: vì ở nước của nó cũng như ở Việt Nam Anh Văn không phải là ngôn ngữ giao tiếp nên thời gian đầu qua đây nó cực kỳ chán nản, hầu như mấy tháng đầu nó không dám tiếp xúc với ai vì xấu hổ, nói họ không hiểu và họ hỏi mình không biết đường trả lời. Đến nỗi giáo sư cho bài tập về nhà làm, đề bài khỏang ½ trang giấy nhưng nó phải mở từ điển (từ điển bằng sách chứ không có kim từ điển như ở Việt Nam) gần một ngày thế mà cũng không hiểu đề người ta hỏi cái gì để mà làm. Nhiều lúc mở đi mở lại cuốn từ điển tức quá muốn đá luôn cuốn từ điển đi.
Bão và động đất là những thiên tai mà không ai muốn nhưng có một bà soeur già Việt Nam được nhà dòng gửi qua Philippines học, luôn mong bão hay động đất để …. sập trường, khỏi phải học. Một cô bé người Myanma khi còn ở trong nước có tiếng là nhiều chuyện (bà tám), nhưng khi qua đây thời gian đầu cũng chấp nhận tình trạng “cấm khẩu” thế mới biết, không có gì dễ dàng cả.
          Đó là chưa kể những người lo lắng qúa mất ăn mất ngủ và sụt kg, người viết bài này cũng mất 10kg trong 4 tháng nhưng không phải lo lắng về học tập mà do ngủ nhiều qúa, nên phải có chế độ thể dục đặc biệt nếu không sau 2,5 năm học ở đây chắc đi không nổi.
          Nói như thế không phải để bi quan nhưng đó là một thực tế cho thấy, nếu bạn muốn học hay nghiên cứu ở một nước mà ở đó người ta không sử dụng tiếng mẹ đẻ của bạn thì bạn sẽ có rất nhiều khó khăn trong việc tiếp thu. Nên tôi khuyên các bạn nếu muốn đi học hãy có một số vốn thật khá về ngôn ngữ của nước mà bạn sẽ theo học thì sẽ tốt hơn.
Nhưng khó khăn trong việc học còn nhiều nhưng hẹn dịp khác sẽ chia sẻ tiếp với các bạn, bây giờ xin được nói về mảng ăn uống và sinh hoạt. Philippines về khí hậu và ẩm thực cũng gần giống như ở Việt Nam. Mọi thứ ở Việt Nam có thì ở đây cũng có, tuy có điều là mắc hơn rất nhiều. Cách chế biến thức ăn của người Philippines thì không thể so sánh với ẩm thực Việt Nam vốn đã có tiếng trên bản đồ ẩm thực thế giới. Sinh viên Việt Nam luôn tự hào là có những món ăn mà tất cả các nước đều ăn được và khen ngon hết lời như gỏi cuốn và phở. Thức ăn của Philippines thiếu rau xanh trầm trọng chủ yếu chất đạm nên ai cũng “có da có thịt”, ở Philippines mà không có “tí bụng” thì bị coi là con nhà nghèo vì …. thiếu ăn.
Có những thức ăn ở Việt Nam được xem là đặc sản và  mắc thì ở đây lại rất rẻ. điển hình nhất là dồi trường và tim  heo là những thứ rất ngon và mắc ở Việt Nam thì ở đây chỉ độ chừng 15 ngàn đồng một kg. Những thứ khác thì hầu như đều mắc hơn ở Việt Nam vì mức sống của họ cao hơn. Người viết có dịp về vùng nông thôn của Philippines, ở đó họ nghèo thật sự vì không có đất nông nghiệp canh tác nên họ sống nhờ vào các tổ chức phi chính phủ tài trợ. Và cứ vui vẻ với cuộc sống có người mang cơm tới cho ăn. Bởi thế không lạ gì khi ở Philippines có khoảng 60.000 (sáu muơi ngàn) tổ chức phi chính phủ cùng hoạt động để giúp đỡ người dân nghèo. Trong khi ở Việt Nam, con số các tổ chức phi chính phủ không quá 100.
Nếu bạn muốn ăn thức ăn Việt Nam thì có thề đến các siêu thị lớn. Hầu như tất cả các siêu thị lớn ở Philippines đều có nhà hàng của Việt Nam với đủ các món ăn thuần Việt. Tuy chất lượng không bằng ở quê nhà nhưng cũng tạm ăn được. Tuy nhiên, bạn phải coi túi tiền trước khi đi vì giá cả tính ra tiền Việt Nam sẽ khiến bạn chặc lưỡi… mắc quá, một tô phở ở Việt Nam có giá 10 ngàn, ở đây có giá 180 pêsô khoảng hơn 50 ngàn đồng. Những món khác thì mắc hơn nhiều; một dĩa hai cái gói cuốn 30 ngàn, 4 miếng chả giò chiên với 2 cọng xà lách 35 ngàn, dĩa bách cuốn đủ cho…. mèo ăn có giá 45 ngàn.
Bạn cũng có thể mua các gia vị thuần Việt về nấu món Việt Nam. Ở Manila bạn đến chợ Baclaran tới tiệm tạm hóa của bà Bái (một người Việt tị nan và định cư luôn ở Philippines) bạn có thể mua mọi thứ nhưng tính tiền xong bạn cũng phải thốt lên …bái bà Bái,  còn vì sao chắc bạn đã hiểu.
Với những người nghiền món thịt chó thì có một tin buồn cho bạn là qua đây bạn sẽ không có thịt chó để xơi vì giết chó ở đây là bất hợp pháp. Tuy nhiên, nếu may mắn bạn vẫn có thể có thịt chó đề ăn. Các vùng quê và núi cao họ vẫn giết chó để ăn. Hoặc là làm quen với các cô cậu sinh viên Hàn Quốc đang theo học ở đây vì tháng nào gia đình bọn nó cũng gửi thịt chó qua. Và đặc biệt, một nơi duy nhất có lá mơ (loại rau không thể thiếu ăn kèm với thịt chó) được trồng ngay trước cổng Đại Sứ Quán Việt Nam. Và nếu như muốn thêm củ riềng thì liên lạc với tác giả bài viết, đang trồng được bụi riềng đủ để làm thịt mấy chú cẩu.
Nói về chuyện ăn uống hơi nhiều, bây giờ nói về con người Philippines. Có thể nói họ không có ý chí cầu tiến như người Việt Nam. Họ nói rất nhiều và rất thuyết phục người nghe nhưng xem việc họ làm thì ngược lại. Tuy nhiên, họ là những người bạn rất thân thiện và có thể giúp bạn nhiều thứ. Với người Philippines những thứ quan trọng nhất không phải là nhà cao cửa rộng mà là ăn (ăn bất kể thứ gì và ăn liên tục), mặc đẹp (tuy cái nhìn thẩm mỹ về ăn mặc không được pro cho lắm), có điện thoại và máy nghe nhạc đắt tiền còn những thứ khác không quan trọng lắm. Không lạ gì với những ngôi nhà tạm bợ bằng nilon nhưng bên trong đầy đủ tivi, máy nghe nhạc và chủ nhân có khi sử dụng vài chiếc điện thoại đắt tiền.
Thế hệ trẻ Philippines hiện nay không thích sống ở đất nước của họ, họ muốn kiếm một công việc ở nước khác, chấp nhận cả nghề giúp việc ở các nước trung đông miễn lương cao là ok. Thế hệ trẻ sống khá thực dụng nhưng họ có trách nhiệm, ở đất nước mà thanh niên rất thoáng trong việc quan hệ tình dục nhưng tỷ lệ phá thai rất thấp. Lý do, vì họ được giáo dục về giới tính rất bài bản, nhờ đó học được cách phòng tránh thai. Họ có trách nhiệm với hành động của họ,  nên nếu lỡ  có thai thì giải pháp cuối cùng không phải là phá thai, mà là kết hôn nên có những cặp gia đình trẻ đến bất ngờ.
Vấn đề xã hội lớn mà xã hội Philippines phải đối mặt là tham nhũng. Nhưng điểm đặc biệt tham nhũng ở đây là công khai và người dân sống… hòa bình với tham nhũng. (nếu bạn muốn hiểu rõ thêm về tham nhũng ở đây tôi sẽ giải thích cho bạn khi có dịp)
Những điều lớn nhất mà người viết học được trong thời gian ở đây chính là ý thức tự giác rất cao của người Philippines. Bạn không hề thấy bóng giác cảnh sát ở các trục lộ giao thông, nhưng người dân chấp hành đúng luật giao thông… nghiêm văn chỉnh, mật độ xe rất dày và tốc độ chạy rất cao nhưng rất ít tai nạn giao thông. Đến bất cứ chỗ nào từ người nông dân đến người trí thức đều tuân thủ việc xếp hàng trong trật tự để được tới lượt. Một hình ảnh hiếm thấy ở Việt nam.
Kết thúc bài viết xin được nói về hệ thống giao thông công cộng ở Philippines. Có thể nói, nhờ tính trước, tính xa, nên Philippines có một hệ thống giao thông công cộng rất tốt, nhờ đó mà giải quyết được bài toán giao thông đô thị. Trong khi Việt Nam đang nát óc để giải. Các hệ thống xe điện có từ thập niên 80 đã giải quyết phần lớn việc di chuyển cho người dân đô thị. Để làm được điều này, họ đã tính từ rất lâu kể cả việc nhỏ nhất chính là giáo dục ý thức xếp hàng….. mua vé. 10 năm nữa Việt Nam cũng có xe điện, còn chần chừ gì nữa, ngay từ bây giờ hãy tập cho người dân công việc đơn giản nhất là xếp hàng, nếu không lúc có xe điện sẽ bát nháo lên.
Ngành học của người viết bài này là phát triển và phục vụ cộng đồng, một trong những công việc sẽ làm là giúp người dân xếp hàng trong trật tự, xem ra qúa dễ hỉ, nhưng câu trả lời xếp hàng cho người Việt Nam….khó,.?!

HOÀI PHÚ (từ Philippines)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP