Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Người Tu Sĩ Hôm Nay

Trong xã hội ngày nay, con người ngày càng ý thức hơn về giá trị của mình, về quyền làm chủ trọn vẹn đối với lịch sử, đối với vận mệnh của mình. Họ càng ý thức hơn quyền năng vô hạn của mình trên thiên nhiên, trên vật chất … đến nỗi khó chấp nhận một sự lệ thuộc nào vào Đấng Tạo Hóa trong các hoạt động của mình, để rồi dần dần đi tới chỗ cần phải gạt bỏ Thiên Chúa, gạt bỏ ảnh hưởng của tôn giáo, gạt bỏ đời sống tu hành … để được hoàn toàn tự do. Như vậy đời tu còn ý nghĩa nữa không khi tự do của con người trở nên hàng đầu của họ? Thử đưa ra một vài suy nghĩ chủ quan về vấn đề này.

1. Ý Nghĩa Của Đời Tu
Đã hơn một lần, tôi được nghe anh em tu sĩ già, trẻ tâm sự rằng sống thế này trong xã hội hôm nay, thì đời tu của mình còn làm được gì cho cộng đoàn, cho Giáo Hội! Muốn phát triển Hội Dòng và thể hiện đặc sủng của Dòng mình cũng như ơn gọi của mình nhưng không được. Phần nào họ có lý khi những sinh hoạt sở trường của họ không còn chỗ đứng nữa, như giáo dục công tác xã hội, y tế, kể cả việc truyền giáo … Trong hoàn cảnh đó, Dòng Thánh Gia chúng ta cũng phải chịu ảnh hưởng từ ngày hồi hương về Việt Nam đến nay.
Nhưng xét lại nguồn gốc đời tu trong Giáo Hội từ thời các Tông đồ, ta thấy, đời tu không hẳn là các hoạt động bên ngoài, không hẳn là một sự phát triển theo cái nhìn của con người … mà là nhằm bắt trước một khía cạnh đặc biệt trong đời sống của Chúa Giêsu, trở nên đồng hình đồng dạng với Người. “vì dù đôi khi không trực tiếp phụ giúp người đồng thời với mình nhưng tu sĩ cùng hiện diện với họ cách sâu xa hơn trong lòng Chúa Kitô và cộng tác một cách thiêng liêng với họ, để việc xây dựng xã hội trần thế sẽ không luống công” (LG 46/2). Nói cách khác, người tu sĩ bước theo Chúa Kitô là hiện tại hóa cuộc sống của người trong nếp sống của mình.
Nếu ta nhìn vào tương quan của người tu sĩ với mầu nhiệm Giáo Hội, thì đời tu bao giờ cũng nhằm đáp ứng một khía cạnh nào đó trong sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Đó là phục vụ nhân loại bằng đời sống chứng tá về Chúa Giêsu, bằng đời sống âm thầm cầu nguyện, bằng việc rao giảng nước Thiên Chúa cho mọi người. Nghĩa là đời tu vừa làm chứng về sự siêu việt của nước Trời bằng đời sống thánh hiến của mình, vừa giải bày sự hiện diện và sức cứu độ của tình yêu Thiên Chúa bằng cuộc sống chiêm niệm và phục vụ. Hiến chế tín lý về Giáo Hội số 46/1 khẳng định: “các tu sĩ phải đem hết tâm lực làm cho Giáo Hội, qua con người của họ, thực sự biểu dương Chúa Kitô ngày một hoàn hảo hơn cho các tín hữu cũng như các lương dân: biểu dương Chúa Kitô đang cầu nguyện trên núi, hoặc đang loan báo nước Thiên Chúa cho dân chúng, hoặc chữa lành kẻ đau yếu tàn tật, hoặc hoán cải các tội nhân trở lại đời sống phong phú, hoặc đang chúc phúc cho trẻ em, ban ơn lành cho mọi người, và trong mọi sự luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai Người đến”. Trong cái nhìn này, tu sĩ vẫn luôn là những người đi tiên phong trong mọi lãnh vực thuộc về sứ mạng của Giáo Hội. Họ là những người hoàn toàn thuộc về gia đình của Giáo Hội  theo tinh thần và đặc sủng của Hội Dòng.
Xác định được vị trí và trách nhiệm của mình trong Giáo Hội, sự hiện diện của người tu sĩ bây giờ và mãi mãi không bao giờ dư thừa; đặc biệt trong một xã hội ngày càng coi trọng vật chất và coi khinh đời sống linh thánh. Đêm càng tối càng cần ánh sáng. Đời càng nhạt càng cần muối mặn. Chúa Giêsu đã chẳng nói: “chính anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 13-14) đó sao? Vì thế, người tu sĩ không được chùn bước trước những khó khăn, thách đố của xã hội. Ngay lúc này đây, nếu tu sĩ không là men, là muối, là ánh sáng trong xã hội ngày nay thì còn ai đảm nhận sứ mạng đó? Bởi đó, đời tu hôm nay cấp thiết hơn bao giờ hết. “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít” (Mt 10, 37).
2. Giá Trị Của Tu Sĩ Trong Giáo Hội
Dựa theo một số bản văn của CĐ. Vat. II, chúng ta nhìn lại cách chính xác vị trí và giá trị của tu sĩ hôm nay trong Giáo Hội
a. Vị Trí Của Tu Sĩ Trong Giáo Hội
“Xét theo thể chế của Giáo Hội do Chúa thiết lập và có phẩm trật, bậc sống tu sĩ không ở giữa bậc sống giáo sĩ và giáo dân; thực vậy Thiên Chúa kêu gọi một số kitô hữu ở cả hai bậc giáo sĩ và giáo dân đến hưởng lấy ân huệ đặc biệt trong đời sống Giáo Hội, và mỗi người một cách góp phần vào sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội” (LG 43/3).
“ … bậc sống được thiết lập do việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc âm tuy không liên quan đến cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, nhưng cũng gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội” (LG 44/4).
“ … Hơn nữa, bậc sống tu trì bắt chước cách chính xác hơn và thực hiện liên tục trong nếp sống Giáo Hội nếp sống con Thiên Chúa đã nhận khi Ngài xuống thế để thi hành thánh ý Chúa Cha và cũng là nếp sống Người đã đề ra cho các môn đệ theo Người” (LG 44/3).
Vâng, đời tu có được giá trị như vậy là nhờ đặc tính dấu chỉ của nó. Dấu chỉ của sự trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành. (x. Mt 5, 43–48)

3. Sứ Mạng Của Người Tu Sĩ Hôm Nay
Như đã đề cập ở trên, người tu sĩ là người tiên phong trong nhiệm thể của Giáo Hội. Cho nên sứ mạng của Giáo Hội cũng là sứ mạng của người tu sĩ. Mà sứ mạng Giáo Hội là sứ mạng truyền giáo: “như Cha đã sai Thầy thế nào, thì Thầy cũng sai các con như vậy” (x. Ga 20, 21).
Người tu sĩ hôm nay được sai vào một xã hội duy vật, một xã hội chủ trương vô thần, một xã hội đang có xu hướng khai tử Thiên Chúa. Vậy, khuôn mặt thật của người tu sĩ phải thế nào đây? Người tu sĩ phải thể hiện thái độ cách nào để chứng tỏ cho thế gian biết Thiên Chúa vẫn cần thiết cho họ và tình yêu của Ngài vẫn đang bao trùm trên họ.
Ngôi lời của Thiên Chúa được sai vào một thời gian nhất định, một dân tộc cụ thể. Ngài đã đến và cắm lều giữa nhân loại, đã sống chung và sống cùng vơi con người. Ngài yêu thương họ và chia sẻ với họ về những thách đố của xã hội mà họ là tâm điểm. Để thi hành ý định cứu rỗi nhân loại, một vì Thiên Chúa đã mặc lấy không phải chỉ có cái lốt bên ngoài của con người như đóng kịch, mà đã mặc lấy kiếp người, làm người, nói tiếng của con người. Ngài dạy luật yêu thương và sống yêu thương. Ngài đã hy sinh tất cả, từ uy quyền Thiên Chúa đến thân phận con người của Ngài cho nhân loại. Đó là mầu nhiệm Nhập Thể. Mục đích là đem yêu thương, bộc lộ tình yêu cho nhân loại.
Là tu sĩ sống mầu nhiệm hiệp thông với Giáo Hội, có lẽ khuôn mặt đẹp nhất là cùng với Giáo Hội sống mầu nhiệm Nhập Thể của con Thiên Chúa giữa lòng dân tộc. Nghĩa là, cùng với Giáo Hội, người tu sĩ đi vào đời với con tim tràn đầy yêu thương và tinh thần hy sinh phục vụ, “cũng như con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28). Ý thức được sứ mạng đó, đời tu không là thừa thãi, không mất giá mà trở thành vô giá trong xã hội hôm nay.
Cùng với Mẹ rất Thánh Mân Côi, Mẹ của Giáo Hội, chúng ta cầu xin Chúa ban cho Giáo Hội luôn có những người tu sĩ biết hiến thánh đời sống thánh hiến của mình, để cuộc đời của họ luôn là chứng tá sống động cho tình yêu Thiên Chúa giữa lòng dân tộc. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con. A-men.

Tất Bật

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP