Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

GIAO THỪA

Gió xuân ấm áp thổi về lùa trên những hàng cây, thế là mọi người lại có dịp được vui xuân. Năm cũ cứ lặng lẽ ra đi để chuẩn bị cho năm mới. Xuân là của mọi người. Ngay đầu ngõ, những nhánh mai, nhánh đào đã bắt đầu phóng những nụ hoa nho nhỏ để báo hiệu cho một mùa xuân mới. Xuân đến với không khí tưng bừng, đâu đâu người ta cũng vui mừng nao nức một mùa xuân mới.

Ở thành thị, Tết đến với vẻ xa hoa lộng lẫy, đâu đâu cũng thấy cành mai cành đào, dọc theo các ngả đường người người xôn xao tấp lập mua sắm để chuẩn bị cho ngày xuân. Đó là chuyện Tết ở đô thị. Còn ở chốn thôn quê thì sao? Có lẽ nơi đây Tết đến một cách êm ái thầm dịu và linh thiêng hơn. Nhưng đã là người Việt Nam thì dù ở bất cứ nơi đâu, bên Tây hay bên Tàu người Việt vẫn cứ đón xuân với những phong tục tập quán thắm nhuần tính “văn hoá” của mình. Người người vẫn hân hoan đón Tết hết sức rộn ràng, tưng bừng của ngày xuân: nào là trang trí dọn dẹp lại nhà cửa, lau dọn bàn thờ tổ tiên, nào là mua sắm đồ Tết, chuẩn bị cành mai, cành đào, câu đối đỏ… Người người bận rộn cho đến tận đêm Ba Mươi Tết để cùng nhau sum họp mời tổ tiên về hưởng Tết. Vui hơn nữa là cả nhà cùng quây quần bên ngọn lửa canh nồi bánh chưng, bánh tét đợi Giao Thừa, đón chờ một thời khắc linh thiêng.
Quả thực, đầu năm mới, cái khoảng thời gian mấy ngày Tết là lúc người người cảm thấy hoàn toàn nhẹ nhõm và thong dong để vui xuân cùng gia quyến. Lúc này mới cảm nghiệm được: ăn mà biết mình ăn ngon, mặc mà biết mình mặc đẹp, cảm nghiệm được niềm vui thực sự của đời mình.
Điều thú vị nhất trong cách sống, cách ứng xử của người dân đất Việt vào những ngày Tết, đó là cảnh người ta vừa mới cằn nhằn xích mích nhau hồi hôm Ba Mươi Tết, ngày cuối cùng của năm cũ, nhưng một đêm thức dậy sang sáng Mồng Một Tết, ra đường gặp nhau đã tay bắt mặt mừng nở nụ cười chúc nhau Năm Mới làm ăn phát tài phát lộc bằng mười năm cũ. Thế là bao nhiêu giận hờn đay nghiến nhau thì qua năm mới kể như tan thành mây khói. Thế mới hay tấm lòng  bao dung trong văn hoá của người dân Việt Nam, quả là một điều thiện cảm, một điều kỳ diệu và đáng khâm phục của người dân Việt Nam.
Dù cho ai đó có mang trong mình ý niệm về sự kiêng cữ hay không thì lúc này mỗi người đều cảm thấy ngại ngùng trước những việc nặng tay nặng chân, và không ai muốn chứng kiến những gì đổ bể, hư hỏng, những điều xấu xa… trong những ngày đầu năm để rồi tất cả mọi người trong xã hội đều nhận thấy rằng ngày Tết là ngày đặc biệt khác hẳn với những ngày thường trong năm ở điểm là trong đó chỉ toàn những lời nói vui tươi và lời chúc tốt đẹp.
Ngày Tết là để mọi người nghỉ ngơi sum họp bên gia đình dòng tộc. Nhưng thiết nghĩ nếu như không có ngày Tết thì cuộc sống con người cũng chỉ bình dị ngày này qua ngày khác như bao ngày. Rồi nhà nào biết nhà nấy chẳng ai nghĩ đến ai, chẳng ai nghĩ đến nghỉ ngơi sum họp bên họ hàng dòng tộc cùng chúc mừng nhau, ôn lại những kỷ niệm buồn vui làng xóm. Cho dù bạn là những học giả uyên thâm, hay là một người bình dân quê mùa thất học, thì cũng đều cảm thấy mình như vừa giũ bỏ đi một chuỗi ngày cũ kỹ, với bao điều lắng lo trăn trở, để sẵn sàng đón nhận những ngày tháng mới với bao hy vọng và niềm vui, luôn tha thiết yêu đời. Người ta trút bỏ đi những gì là buồn phiền, dấu kín, những khổ đau để không làm ảnh hưởng đến sự bình an, cũng như niềm vui của người khác trong dịp đầu xuân. Đó chính là đặc trưng riêng về thái độ và cử chỉ văn minh của người dân đất Việt.
Chẳng biết bạn có cảm nhận gì về bầu khí của ngày Tết hay không? Riêng tôi, ngày Tết là một ngày thiêng liêng lắm. Bởi lẽ đó là điểm xuất phát của năm mới, đồng thời cũng là điểm cuối những chuỗi ngày đã qua của năm cũ với biết bao những thành công thất bại của một năm, đồng thời là mốc điểm cho những dự định tương lai. Một trẻ thơ cất tiếng chào đời trước giờ Giao Thừa trong “tích tắc” ấy vậy mà trong ngày Mồng Một Tết là đã được hai tuổi rồi đấy. Một bệnh nhân sắp từ giã cõi đời nếu cơn hấp hối dài thêm qua khỏi giờ Giao Thừa là đã hưởng thêm được một tuổi nữa rồi. Có lẽ không một ngày giờ nào khác trong năm lại có tính huyền nhiệm và quan trọng khiến mọi người phải công nhận và mong đợi như thế.
Nhưng tầm quan trọng của cái ngày thiêng liêng ấy còn ảnh hưởng sâu rộng hơn nữa. Nó làm cho mọi hoạt động của xã hội như ngừng lại cùng với cỏ cây hoa lá để chờ đón bầu khi Giao Thừa. Tất cả mọi công việc dù là quan trọng hay không thì cũng đều được nghỉ. Từ công trường đến cơ quan, công sở, từ làng quê, thôn xóm đến thành thị, mọi hoạt động đều nhất loạt nghỉ hết để sẵn sàng “ tiễn cựu nghinh tân” đón mừng xuân mới.
Nếu có ai hỏi tại sao như vậy? thì tôi nói ngay Tết là thế đấy! chẳng cần giải thích làm chi. Ngay cả cầm cây chổi quét rác quanh nhà người ta cũng không quét nữa. Kẻ “ăn mày cũng phải treo bị” trong ngày này, để có cái ý niệm nghỉ ngơi diễn ra theo đúng nghĩa của nó. Không làm gì cả để cho tâm hồn cùng thể xác được hoà điệu trọn vẹn với cảnh sắc xuân tươi, để con người được đổi mới cùng với mùa xuân.
Ngày Tết với muôn màu của hoa lá, cỏ cây, nhà cửa khang trang, với những câu đối rồng bay phượng múa, xanh đỏ quanh bàn thờ. Những đồ đạc, quần áo đều mới tinh đẹp đẽ trong ngày Tết cùng với đĩa bánh mứt, đủ loại trái cây cũng không quên bao lì xì…đã nhuộm thắm lòng mỗi người và được biểu lộ qua nét mặt tươi như hoa của hội ngày xuân. Chính vì thế mà người dân Việt Nam muốn chia sẻ cho nhau “ Niềm vui ngày xuân” qua những lời cầu chúc rất mộc mạc chân tình:
“Người người chúc nhau được an khang thịnh vượng, tuổi thọ miên trường, sức khỏe phi thường, phát tài phát lộc, con cháu đầy nhà tất cả đều ngoan, chăm học chăm làm, hiếu thảo vâng lời gia đình hạnh phúc”.
Người Việt Nam ta đã đón mừng Tết Nguyên Đán từ lâu lắm rồi, và sẽ còn mừng đón mãi vì nó là nét đặc trưng văn hoá đã thấm nhuần trong xương máu của người dân Việt Nam. Vâng chỉ những ai biết thưởng thức cái “giờ phút đẹp nhất, linh thiêng nhất” của vũ trụ trong một năm, mới cảm nghiệm được thế nào là Việt Nam, một đất nước trải dài suốt bốn ngàn năm văn hiến.


Bênađô

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP