Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Tinh Thần Nghèo Khó

Nói tới Tết ai lại không mong chờ, mong chờ được nghỉ học, được nghỉ làm việc để đón một cái Tết thật vui, thật hạnh phúc bên gia đình. Mọi người trao cho nhau những lời chúc như: chúc nhau an khang thịnh vượng, vạn sự như ý,… và còn mong chờ được ai đó lì xì để có tiền xài Tết hay lấy hên cho năm mới. Để đón Tết, mọi nhà, mọi người đều sắm sửa, chuẩn bị mọi thứ. Họ sẵn sàng rộng tay mua sắm những món hàng đắt tiền như: Cây mai, cây đào, có cây lên hàng mấy trăm triệu mà không tiếc gì cả, và đó cũng là cách để họ phô trương sự giàu sang, sung túc của họ. Người ta nghĩ rằng, mỗi năm chỉ có một cái Tết mà thôi, và đây cũng là cơ hội để họ tiêu xài. Cả năm làm việc mệt mỏi nên cần phải nghỉ xả hơi chứ. Nhưng bên cạnh đó, biết bao nhiêu người không mong chờ một tí gì về cái Tết. Họ phải quần quật làm việc để kiếm cái ăn chứ đừng nói tới cái mặc. Họ luôn sống trong cảnh nghèo đói thì làm sao đón tết được.
Còn đối với chúng ta là tu sĩ , chúng ta đón Tết như thế nào? Mỗi người chúng ta luôn được mời gọi sống triệt để tinh thần nghèo khó theo gương Đức Giêsu: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày và theo tôi” (Mt 16,24). Hoặc “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26). Như vậy, với lời kêu gọi đó ta phải thực hiện như thế nào trong hoàn cảnh và xã hội hiện nay?
Sự nghèo khó và từ bỏ của Đức Giêsu không nhắm vào những cái sở hữu nhưng vào chính sự hiện hữu. Công đồng Vatican II đã nhắc nhở chúng ta: “Giá trị con người hệ tại ở cái họ “là” chứ không phải ở cái họ “có”. (x. Hiến chế Gaudium et Spes, số 35). Như thế  sống nghèo ở đây là sống tinh thần nghèo, của cải vật chất chỉ là những phương tiện mà thôi. Và với thời đại này thì Sống nghèo phải là sống chia sẻ, đó mới thực sự là phù hợp với tin mừng: Đức Kitô đã đến chia sẻ thân phận con người chúng ta. Ngài cũng như các tông đồ đều xuất thân từ quần chúng và làm việc phục vụ quần chúng. Ngài đã không giả vờ sống nghèo giữa những người nghèo. Ngài đã thực sự sống nghèo bằng cách hủy mình ra không, để chia sẻ thân phận nghèo khổ của chúng ta. Và ta cũng cần phải bắt chước sống tinh thần nghèo bằng cách chia sẻ với con người những gì mà ta có thể  không vì lợi ích của ta mà vì lợi ích của họ.
Nói như vậy để mỗi người chúng ta có một chút suy nghĩ về mùa xuân sắp tới đây. Mùa xuân là mùa đem hạnh phúc đến cho mọi người và mỗi người cũng biểu lộ niềm vui của mình cho những người xung quanh. Không lẽ ta cũng giống như họ, cùng họ nghỉ ngơi, thư giãn chăng? Cùng họ lao vào những cuộc chơi mà không đem lại cho ta mục đích nào cả sao. Đó mới là cái mà ta phải suy nghĩ, tìm ra phương cách để thể hiện điều mà Chúa Giêsu kêu gọi. Nếu  như một ngày nào đó Chúa hỏi ta bất thình lình: Tết năm này con đã làm được gì ? Con đã thực hiện lời hứa của con đối với Ta như thế nào? Con đã chia sẻ được gì cho những người mà con gặp gỡ? Những người nghèo ở bên con con đã làm gì cho họ? v.v…
Với một chút suy nghĩ của bản thân tôi về cái Tết sắp tới. Cái tết mà ai cũng mong chờ; ta thì mong chờ cái gì ở đó, còn Chúa thì mong chờ điều gì ở ta. Điều  mong chờ của ta có đúng với điều mong chờ của Chúa không. Với những câu hỏi đó ta thử giải đáp xem, và chính những lời giải đáp đó ta có thể thực hiện được không? Nếu có tấm lòng yêu mến Chúa thì mọi điều đó không có gì là khó khăn đối với ta. Ước gì mỗi người chúng ta sẽ thể hiện được tình yêu của mình đối với Chúa bằng những hành động thiết thực trong cuộc sống. Có như vậy Nước Cha mới trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Bonaventure Phạm Vũ Duy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP