Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Thánh Thể, tâm điểm của Giáo hội

Bài giới thiệu của Đức TGM Paris André Vingt-Trois về tông huấn Sacramentum Caritatis của ĐTC Bênêđictô XVI

Tông huấn Sacramentum Caritatis của ĐTC Bênêđictô đề nghị chúng ta đọc lại một cách có biện chứng công việc của các giám mục trong khoá họp thượng hội đồng thứ 11 tại Rôma vào tháng 10 năm 2005. Tông huấn đáng được đọc một cách kĩ càng : Thật ra, bản văn dẫn chúng ta lượt qua tất cả sự cộng hưởng của bí tích Thánh Thể trong đời sống Giáo hội và trong đời sống từng người tín hữu. Những ai ham thích những điều mới lạ hoặc những kẻ săn tin giật gân có lẽ sẽ bị thất vọng. Tông huấn này không mang lại một điều gì mới mẻ có liên quan đến kỉ luật của Giáo hội; Tông huấn đặt tổng thể những kỉ luật này vào trong sự suy tư rộng lớn thực tại Thánh Thể trong tất cả mọi chiều kích.
Đối với những ai còn nghi ngờ sự tiếp tục của ĐTC với đường lối Công Đồng Vaticanô II, và những ai nghĩ rằng ngài tương đối hoá những định hướng phụng vụ của Công Đồng, thì Tông huấn đã đem lại những giải thích rõ ràng và cần thiết ngay ở phần giới thiệu (số 3). ĐTC đã đặt lại những quyết định và những định hướng phụng vụ của Công Đồng trong việc đọc lại lịch sử một cách tuần tự những thích nghi của các nghi lễ. Ngài viết : "Đặc biệt, các nghị phụ đã ghi nhận và nhắc lại những ảnh hưởng tích cực đối với đời sống Giáo hội mà việc cải tổ phụng vụ mang lại kể từ Công Đồng Vaticanô II... Cụ thể, điều này liên quan đến việc nhìn ra những thay đổi theo chiều hướng Công Đồng trong sự hiệp nhất đối với sự phát triển của chính các nghi lễ, không cần phải đem vào những sự cắt đứt mang tính giả tạo."
Trong mọi lúc, sự suy tư mang tính thần học và thiêng liêng luôn được áp dụng vào những tình huống mục vụ để có những định hướng thực hành thích hợp. Như thế những định hướng này không bị cắt đứt khỏi nền tảng của nó; nhưng xuất hiện trong chân lí vẹn toàn. Tông huấn không muốn là một danh mục những quy định về nghi lễ. Sự suy tư của ĐTC về bí tích Thánh Thể và về đời sống Thánh Thể của Giáo hội được triển khai qua ba phần :
·           Thánh Thể, Mầu nhiệm để tin
·           Thánh Thể, Mầu nhiệm để cử hành
·           Thánh Thể, Mầu nhiệm để sống.
Phần thứ nhất trình bày và giải thích đức tin của Giáo hội trong bí tích Thánh Thể. Nó được đặt trọng tâm hoàn toàn trên tình yêu của Chúa Ba Ngôi và tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Tình yêu này được diễn tả  qua hiến tế của Đức Kitô trên Thập giá, và được hiện tại hoá trong bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể được nhìn trong mối tương quan căn nguyên với Giáo hội và với các bí tích khác, đặc biệt là các bí tích khai tâm kitô giáo.
Phần hai có liên quan trực tiếp đến việc cử hành Thánh Thể, bằng việc nhấn mạnh đến mối tương quan giữa sự cử hành và vẻ đẹp. Đây không chỉ là vẻ đẹp của những toà nhà và khung cảnh phụng vụ, mà trước nhất là vẻ đẹp của chính hành động phụng vụ : cách thức cử hành, vị trí của âm nhạc và thánh ca, sự nội tâm hoá của mỗi mầu nhiệm được cử hành. Cấu trúc của việc cử hành cũng được nhắc lại cách vắn tắt, đặc biệt để nhấn mạnh tính thống nhất của các hành vi phụng vụ từ lúc bắt đầu tới lúc kết thúc của buổi cử hành. Theo ý hướng mục vụ của Công Đồng, tất cả những suy nghĩ này là nhằm phục vụ sự tham dự tích cực của các tín hữu vào phụng vụ.
Sau cùng, phần thứ ba khai thác những cách để áp dụng các hình thức cử hành Thánh Thể được áp dụng trong đời sống kitô hữu. Nó cũng nhắc lại ý nghĩa và sự bó buộc phải thánh hoá Ngày của Chúa. Nhưng, hơn thế nữa, nó cho thấy Thánh Thể có thể biến đổi cách sống của chúng ta như thế nào bằng việc liên kết chúng ta cách tròn đầy với ân huệ tình yêu mà chúng ta lãnh nhận nơi bí tích Thánh Thể : Một lần nữa, hãy để cho tập quán thói quen của chúng ta được nhào nặn bởi tình yêu mà chúng ta được kêu gọi tới.
Hơn nữa, ĐTC mời gọi chúng ta cùng tạ ơn với các nghị phụ vì những hoa trái đã trổ sinh nhờ sự áp dụng những cải cách phụng vụ của Công Đồng. Chúng ta được củng cố trong lòng muốn cải thiện không ngừng cách thức cử hành phụng vụ một cách xứng đáng, quyết tâm sửa chữa những gì cần phải sửa chữa trong cách thức thực hành của chúng ta để cho vẻ đẹp trong đời sống giáo hội mỗi ngày một tiến triển.
André Vingt-Trois,
Tổng Giám Mục Paris
Lão Phu chuyển ngữ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP