Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

THÁNH GIUSE,“Người Công chính”

Ông Giuse…là người công chính” (Mt 1,19) Phúc âm đã khẳng định như thế, ta thử tìm hiểu vì sao mà Ngài lại được gọi như vậy? Sự hiểu biết này sẽ giúp chúng ta thêm lòng tôn kính Thánh Giuse nhân dịp tháng 3 này được dành riêng cho Ngài.

Nhiều người cho rằng: “Ông Giuse đã đính hôn với Bà Maria rồi (x. Mt 1,18), nhưng khi thấy vợ mình mang thai thì lại định tâm bỏ trốn, vì biết rằng chủ nhân của bào thai đó không phải là mình (x. Mt 1,19); hành động ấy không quân tử chút nào sao lại khen ông là người công chính?”. Theo lời giải thích của Cha giáo Kinh Thánh, Tanila Hoàng Đắc Ánh, OP thì: “Thánh Giuse cư xử như vậy mới thật là công chính”:
  • Vì Ngài muốn giữ trọn luật Môsê. Luật cho phép ly dị trong trường hợp người vợ mang thai khi chưa chung sống với chồng. Mà trước khi về ở với Ngài, Đức Maria đã có thai, nên Ngài muốn ly dị.
  • Vì Ngài muốn cư xử công bình hợp lý với Đức Maria. Công bình hợp lý ở chỗ có tội mới bị phạt. Nhưng Ngài biết Đức Maria là người vô tội nên không đưa ra pháp luật, mà luật pháp bấy giờ rất khắt khe đối với trường hợp phụ nữ mang thai không có người thừa nhận. Theo luật Môsê, thì người phụ nữ không chồng mà có thai thì kể là người phụ nữ ngoại tình, tội của họ là phải bị ném đá cho đến chết (x. Ga 8,5), hoặc lôi ra mà thiêu sống (x. St 38,24), hay phải bị một hình thức xử tử nào đó (x. Lv 20,10; Đnl 22,20tt).
Mặt khác, ta còn có thể thấy ở đây, khi “quyết tâm bỏ Bà cách kín đáo” (Mt 1,19), Giuse đã có một quyết định can đảm, thực sự xả kỷ ở mức độ anh hùng. Vì nếu thực hiện ý đồ bỏ trốn này, Giuse tự chuốc vào thân lời chê trách của dư luận vì họ sẽ kết án ngài là hạng “sở khanh”, không đứng đắn: vì đã làm cho người ta có thai rồi…bỏ trốn một cách vô trách nhiệm! Nhưng thà nhận dư luận không tốt về mình như vậy còn hơn là đi “tố giác Bà” để Bà có thể bị ném đá! Hành động như thế đã đủ để Giuse đáng được gọi là “người công chính”.
Ngoài ra, dù Phúc âm không nói nhiều về Thánh Giuse, nhưng qua những gì chúng ta biết được về Thánh Gia thì cũng đủ để nhận ra tính công chính nơi Ngài, đặc biệt là các nhân đức mà chúng ta có thể học tập được nơi Thánh Giuse, chủ yếu là các nhân đức rất nhân bản, như nhân ái, khiêm tốn, khiết tịnh, khôn ngoan, vâng phục và tinh thần trách nhiệm mà chúng ta thử tìm hiểu kỹ hơn dưới đây.
Đức Nhân ái: Qua những gì đã trình bày trên đây đã đủ để chứng minh mức độ tuyệt vời của đức nhân ái nơi Thánh Giuse, đó chính là đức Ái của Ngài đối với Chúa khi vì mến Chúa mà ngài đã chăm sóc chu đáo cho Mẹ Maria và Chúa Giêsu trong Gia đình thánh với tư cách là gia trưởng (là chồng, là cha).
Đức Khiêm tốn: là một người rất khiêm nhường, Thánh Giuse thừa nhận vị trí của Ngài với sự kính trọng đối với Đức Maria và Chúa Giêsu. Ngài biết Ngài thua kém các Đấng trong bậc thang ân sủng, nhưng vì biết được thánh ý Chúa đã thương chọn Ngài cho một vai trò quan trọng trong Thánh Gia cũng như cho chương trình cứu chuộc của Chúa, Ngài đã chỉ xem mình như một công cụ Chúa dùng để hành động: “ ông Giuse làm như lời thiên thần Chúa dạy” (Mt 1,24).
Đức Khiết tịnh: Chỉ xét về mặt “con người” thôi thì cũng đủ để chúng ta phải chiêm ngưỡng “trình độ” cao siêu của Thánh Giuse trong việc giữ đức khiết tịnh: ngày đêm chung sống với một người phụ nữ hoàn toàn đẹp nết, đẹp người là Trinh Nữ Maria, mà lại là “vợ” của mình về mặt pháp lý, Giuse vẫn bảo vệ được sự trinh sạch của chính mình và của người bạn gái đặc biệt này, thì chúng ta chỉ còn biết bái phục ngài sát đất thôi! Xét về mặt siêu nhiên thì sở dĩ Thánh Giuse giữ mình như vậy, là vì Ngài luôn thi hành Thánh Ý Chúa, bảo vệ danh giá của Mẹ Maria và gìn giữ phẩm giá của Con Mẹ, Đức Giêsu là người Con mà Ngài biết rõ là được sinh ra bởi quyền phép của Thiên Chúa và Ngài có trách nhiệm dưỡng dục.
Đức Khôn ngoan và Vâng phục: “Đức khôn ngoan được chứng minh bằng hành động” ( Mt 1,19), câu này của Chúa Giêsu giúp chúng ta nhận định được đức Khôn ngoan nơi Thánh Giuse qua các hành động của Ngài. Đọc những gì (không nhiều lắm) trong Phúc âm nói về các hành động của Thánh Giuse, chúng ta đều thấy Ngài luôn hành động theo sự hướng dẫn của Chúa, chủ yếu là qua các giấc chiêm bao mà Chúa đã dùng như phương tiện để chuyển đạt Ý Chúa cho thánh nhân. Ngài đã đón nhận Trinh Nữ Maria về chung sống sau khi được thiên thần báo mộng (Mt 1,20). Cũng vậy, Ngài đã đưa gia đình trốn sang Ai Cập (Mt 2,13), rồi từ Ai Cập trở về Israel (Mt 2,19) và sau cùng là về lại quê nhà miền Galilê (Mt 2,22). Bằng những hành động luôn theo Ý Chúa như vậy, Thánh Giuse đã chứng minh sự khôn ngoan và Vâng phục của Ngài.
Tinh thần Trách nhiệm: Chúng ta tưởng tượng xem Thánh Gia sẽ ra sao nếu không có một người gia trưởng đầy tinh thần trách nhiệm như Thánh Giuse?! Ngài đã ra như quên mình để chỉ còn lo chăm sóc, bảo vệ Đức Maria và Con trẻ Giêsu qua mọi thăng trầm của cuộc sống, nhất là thời thơ ấu của Chúa Giêsu và trong suốt thời gian Thánh Gia sống âm thầm ở Nagiarét. Rõ ràng là với ý thức trách nhiệm cao, Thánh Giuse đã có phần đóng góp không nhỏ vào chương trình Cứu rỗi của Chúa.
Tóm lại, qua những phân tích trên đây, ta có thể khẳng định với Thánh Kinh rằng “Thánh Giuse là người Công chính”, để từ đó, mỗi người chúng ta cố gắng học tập gương sống của Ngài; thiết tưởng đó chính là cách tôn sùng Thánh Giuse thiết thực nhất trong thàng 3 này cách riêng, và trong suốt cuộc đời trần thế của chúng ta.
Vậy, chúng ta hãy thành khẩn dâng lên Thánh Cả Giuse lời nguyện của Dòng trong kinh Dâng mình cho Thánh Gia mà các thành viên của Dòng vẫn đọc:
“Lạy Thánh Cả GIUSE là Đấng đã nhờ sự lao tâm khó nhọc để bảo đảm cơm ăn, áo mặc, nhà ở cho Chuá GIÊSU và Mẹ MARIA, xin Thánh Cả chớ quên, Chúa cũng đã đặt Thánh Cả làm Đấng bảo trợ và cung cấp mọi nhu cầu cho Hội Dòng này; Vậy xin Thánh Cả che chở Hội Dòng khỏi mọi tổn hại hồn xác…”.

Chú Ba

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP