Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Tản Mạn[1]


Thiện Chiến

1. Hoạt động tông đồ của Dòng
Trong bối cảnh những anh em Kinh viện đang bước vào kì nghỉ hè để bắt đầu với những công tác mục vụ ngắn cũng như dài hạn, người viết xin được có một suy nghĩ về hoạt động tông đồ của Dòng.
Suy nghĩ của người viết đó là: trong hoạt động tông đồ, anh em có thể hiện được đặc sắc (căn tính) của Dòng không?

Đôi khi người viết vẫn nghe nói là trong hoạt động tông đồ thì mình cứ làm cho tốt như bao người khác đã là quá tốt rồi, cần chi phải thế này phải thế nọ cho rờm rà lôi thôi, hoặc cứ làm theo yêu cầu nơi mình hoạt động, như vậy là chắc chắn, an toàn, không phải lo sợ … Với lại, nói cho cùng thì chúng ta làm cũng là phục vụ Chúa và Giáo Hội.
Đồng ý là chúng ta làm là để phục vụ Chúa và Giáo Hội, nhưng chúng ta còn là những người tu Dòng nữa. Vì nếu chỉ phục vụ Chúa và Giáo Hội mà không thể hiện được sự đặc sắc của Dòng trong những hoạt động của mình thì chúng ta không nên đi tu Dòng làm gì. Ở ngoài đời chúng ta cũng có thể làm tốt mà chưa chắc đi tu đã làm tốt hơn. Có những lãnh vực mà chúng ta thấy ngày hôm nay nhiều giáo dân còn làm hay hơn người tu sĩ nữa. Như vậy, nếu chúng ta đi tu mà không thể hiện được căn tính của Dòng trong các hoạt động thì là một thiếu xót lớn.
Ngoài ra, chúng ta cũng thấy mỗi Dòng đều có đặc sủng riêng, không Dòng nào giống Dòng nào. Vậy nếu chúng ta không thể hiện được căn tính của Dòng hay chỉ nghĩ là làm như bao người khác thì một cách gián tiếp chúng ta đã khoá tay Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong hội Dòng nói chung và trong mỗi người nói riêng.
Tóm lại, theo người viết, chỉ khi thể hiện được sự đặc sắc của Dòng trong những hoạt động tông đồ, chúng ta mới có thể nói là chúng ta trung thành với Đấng sáng lập, trung thành với ơn đoàn sủng của Dòng. Hay nói cách khác, anh em chúng ta mới có lý do để tu Dòng Thánh Gia cũng như Dòng Thánh Gia có lý do để hiện hữu trong Giáo Hội. Bởi vậy, thể hiện sự đặc sắc của Dòng trong các hoạt động tông đồ là bổn phận và trách nhiệm của anh em Thánh Gia. Dòng Thánh Gia có phát triển, có đứng vững là do anh em chúng ta thể hiện điều đó như thế nào.
2. Giáo dục âm nhạc như thế nào?[2]
Người viết có một vài suy nghĩ về việc giáo dục âm nhạc trong Dòng cũng như trong các Giáo xứ mà anh em Thánh Gia đi làm mục vụ.
Người viết thấy trong nhà Dòng cũng như trong các giáo xứ khi được nhờ dạy âm nhạc thì mục đích của việc dạy là làm sao cho người được dạy có thể tập hát hoặc đệm đàn được, và chỉ dừng ở đó. Điều này hoàn toàn chính đáng vì nhu cầu cần người tập hát hay người đệm đàn còn rất thiếu trong những vùng xa. Nhưng người viết nhận thấy cần phải bổ sung một số điểm về việc giáo dục âm nhạc trong Dòng cũng như trong Giáo xứ. Vì giới hạn bài viết, người viết xin được đưa ra một vài ý sau:
Mục tiêu trước tiên của giáo dục âm nhạc là để làm cho con người trở nên đáng yêu, yên bình cũng như có khả năng thưởng thức cuộc sống cùng với người khác chứ không phải nhằm mục đích để đánh bại người khác cũng như trở thành người nổi tiếng. Bởi vậy, điều cần thiết trong giáo dục âm nhạc là làm sao cho người thụ huấn có khả năng chia sẻ niềm vui nỗi buồn với người khác thông qua âm nhạc.
Trong việc giáo dục âm nhạc thì không nên nhồi nhét kiến thức mà cần phải đặt nặng vào phát triển nhân cách. Ngoài ra, cần tạo cho người học cơ hội sáng tạo và tự khám phá hơn là chỉ luyện tập những cái được ghi trong sách nhạc. Và một điểm cũng cần để ý trong giáo dục âm nhạc là vấn đề học nhóm. Cuối cùng là trong khi dạy nhạc thì người dạy cũng cần để ý đến giai điệu, nhịp điệu, hoà âm.
Một điểm nữa trong giáo dục âm nhạc mà người dạy không thể không biết đến đó là hiểu và cảm nhận âm nhạc. Vì chỉ khi người tập hát hay đệm đàn hiểu và cảm nhận được âm nhạc thì người ta mới có thể hát hay đàn có hồn được, nếu không chỉ là làm cho xong, cho chu toàn bổn phận.
Nói tóm lại,
Hát hay là cầu nguyện hai lần. Vậy người ta có hát hay, đàn hay đó cũng là do cách giáo dục âm nhạc của chúng ta. Cuối cùng, người viết cũng mong ước những người được giao trách nhiệm giáo dục âm nhạc trong Dòng cũng như Giáo xứ cần để ý đến cái hồn của âm nhạc hơn là chỉ để ý đến cái hiệu quả bên ngoài như đệm đàn hay tập hát được hay không.


[1] Tựa là của BBT.
[2] Người viết lấy ý tưởng này từ cuốn Ý tưởng phổ biến âm nhạc, Trường Âm Nhạc Hoá Quang, Phạm Sơn Hải biên dịch. Ngoài ra, trong phần này người viết chỉ nói trong phạm vi giáo dục âm nhạc cho những người tập hát cũng như người đệm đàn cho dù người đó không có năng khiếu; còn giáo dục âm nhạc để đi thi hay để biểu diễn thì người viết không bàn đến vì nó thuộc ở lãnh vực khác.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP