Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Sống đời sống Cộng đoàn dưới nhãn quan Tâm lý



Anthony Phạm

Theo kinh nghiệm chia sẻ của nhiều giới tu họ đều cho rằng không phải lời khấn Khiết tịnh, Thanh bần hay Vâng phục mà đời sống cộng đoàn chính là một trong những thách thức lớn nhất trong cuộc sống đời tu. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi do nhiều sự khác biệt giữa những cá nhân sống chung trong cộng đoàn dù cùng vươn tới một mục đích, một lý tưởng. Khác biệt và khoảng cách về tuổi tác, tính tình, kinh nghiệm, nhận thức và nhất là quan niệm sống và làm việc. Chính những sự khác biệt này càng bị đào sâu về chiều kích và rộng về cường độ nếu thiếu kiên nhẫn trong đối thoại, hy sinh trong phục vụ,  chia sẻ trong sự cảm thông, và đặc biệt là sự tin tưởng giữa những thành viên trong cộng đoàn. Thiếu vắng những yếu tố đó bầu khí cộng đoàn sẽ trở nên ảm đạm, tẻ nhạt và thiếu nhựa sống. Hậu quả là đời sống cộng đoàn sẽ bị mai một và mất đi ý nghĩa đẹp của nó. Xa hơn nữa là tính thánh thiện của đời sống cộng đoàn bị vẩn đục và cuối cùng là những thành viên trong cộng đoàn sẽ bị đánh mất chính mình hay nói đúng hơn là mất lý tưởng do coi thường và thiển cận trong cách sống và lối nghĩ về đời sống cộng đoàn.

Sống chung là phải có va chạm và xung đột, đó như một điều hiển nhiên mà ai cũng cần được lĩnh hội khi bước vào đời sống cộng đoàn. Biết về những khó khăn này không để sợ hãi, tránh né hay lo lắng, nhưng là để hiểu và giải quyết chúng bởi con người là người điều đình và hòa giải, còn khó khăn chỉ là những nhân tố thử thách sự kiên nhẫn và nghị lực của con người. Để đời sống cộng đoàn sinh được nhiều hoa thơm, trái ngọt, mỗi thành viên trong cộng đoàn cần phải gắn kết đời mình như một người điều đình bằng cách thấu hiểu nhau và cùng nhau vượt thắng những thách thức đã, đang và sẽ xảy ra trong đời sống cộng đoàn.
1.      Đối thoại (Dialogue)
Nhiều nhà xã hội học cũng như tâm lý học cho rằng cuộc sống là sự giao tiếp, liên lạc giữa con người với con người và với những sinh vật khác. Nếu thiếu những mối liên hệ và giao kết này đời sống con người coi như tắt hoặc không còn tồn tại. Hình dung rằng cuộc sống chỉ đơn độc một mình; không giao tiếp, không liên lạc với bất cứ ai, bất cứ sinh vật nào, cuộc sống con người sẽ ra sao? Chắc hẳn cuộc sống sẽ vô vị và vô cùng tẻ nhạt. Người ta nói rằng: không ai là một hòn đảo, bởi nếu như vậy, con người sẽ không thể sinh tồn.
Đối thoại là danh từ mang ý nghĩa lớn, người viết không đi vào việc giải thích từ nhưng muốn hàm ý rằng đối thoại cũng là một trong những hình thức giao tiếp và thông truyền thông tin, ý nghĩa và ngay cả quan điểm cho người khác. Khi đối thoại ít nhất phải có hai phía, cùng đưa ra những tiêu chuẩn, giá trị và mục đích đôi khi trái ngược nhau để tìm ra một điểm chung đó là hiểu, thông cảm và tôn trọng nhau. Trong đời sống cộng đoàn cũng vậy, cần có sự đối thoại để hiểu và tôn trọng nhau, bởi mỗi người đều có những quan điểm về lối sống, và ngay cả giá trị về đạo đức cũng khác nhau. Khi đối thoại cần nhất là lắng nghe và tôn trọng, bởi chỉ có như vậy mới đạt được những thỏa thuận cần thiết. Dùng quyền lực hay học thức lấn áp trong đối thoại để đưa ra những yêu sách đòi người này, người khác phải nghe theo cách lý giải logic và hợp lý là không thành công và mất đi ý nghĩa. Trái lại, những người có quyền, có được cơ hội học cao càng cần phải khiêm nhường.  Hãy tạo điều kiện đề cho những thành viên “thấp cổ, bé miệng” nói lên được suy nghĩ của họ. Cơ hội bày tỏ quan điểm, suy nghĩ và thái độ giữa những thành viên hoặc giữa trưởng cộng đoàn hay bề trên với những người bề dưới là ngang bằng nhau. Có rất nhiều người than phiền rằng, không thể đối thoại được với người này, người kia bởi họ thật khó chịu và ngang bướng. Những lúc đó lại càng cần nhìn về thái độ cũng như hành vi của chính mình, phải chăng mình cũng đang khó chịu giống họ. Hãy đưa ra những thỏa thuận mà đôi bên đều cảm thấy hợp lý và hài lòng. Mọi chuyện đều có thể giải quyết thông qua đối thoại. Có rất nhiều cách đối thoại chứ không đơn thuần là trên bàn họp với hai mặt hoặc ba mặt một lời. Đối thoại bằng cách sống và làm việc và ngay cả cách chơi. Đối thoại bằng sự chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Đối thoại bằng cách nghĩ và nói tốt về nhau. Đối thoại không thể thiếu vắng sự kiên trì. Hơn nữa, có thể nhờ một người trung gian nếu hai bên không thể trực tiếp nói và đưa ra những điều hợp tình hợp lý trong đối thoại. Đối thoại trong cộng đoàn là một thiết thực và đòi hỏi cấp bách, cần được diễn ra thường ngày mà trong đó mỗi thành viên nên biết  ý thức và tôn trọng.
2.      Hy sinh (Sacrifice)
Hy sinh là một đức tính cao quý cần được phát huy nhất là trong cuộc sống cộng đoàn. Nhiều thành viên đến từ những môi trường, hoàn cảnh với tính khí và quan niệm khác nhau cùng sống trong cộng đoàn, nhưng vẫn giữ những qui tắc và những khoảng riêng cho bản thân. Đến với cộng đoàn điều đầu tiên là phải nhìn lại mình, cần dung hòa những ý riêng trong nguyên tắc chung. Tất cả và trên hết là đặt lợi ích của cuộc sống cộng đoàn lên hàng đầu. Có nhiều thành viên chỉ quan tâm đến cá nhân hoặc những công việc được giao phó, còn những sự khác coi như không thấy dù nó hiển hiện. Nhiều lần, nhiều cách lập lại trở thành “cha chung không ai khóc” và kết quả là chỉ quan tâm đến bản thân và quên đi nhu cầu của người khác, nhu cầu của cộng đoàn. Đức hy sinh không đơn giản và có thể làm một sớm một chiều, cần có thời gian cố gắng  thực tập và rèn luyện hằng ngày trước hết qua những việc nhỏ nhặt. Đã hy sinh thì không có công bằng, bởi không có sự đòi hỏi điều này điều khác, nhưng tất cả là nhận phần thua thiệt và khó khăn về mình.
Nhiều người sống trong cộng đoàn chia sẻ, hy sinh là cần thiết nhưng nếu không xứng đáng thì không cần phải hy sinh, ví như hy sinh làm việc khó cho một ai đó mà y lại không biết điều, quay ra nói xấu và chỉ trích. Mình không thể cứ làm việc còn hắn thì cứ chơi, cứ dửng dưng mà lại được đánh giá là tốt là ngoan. Có vẻ hợp lý nhưng nhìn xa hơn thì lại thiếu tính chiều sâu của nó, bởi hy sinh không tồn tại tính công bằng, nhưng là sự thua thiệt và đôi khi nhục nhã và đau đớn. Vậy giá trị của hy sinh hệ tại đâu? Giá trị không nằm ở sự trả công, nhận phần thưởng, và được nhiều người biết đến và tôn vinh. Cao hơn và sâu hơn nó là sự no thỏa của lương tâm và bình an trong tâm hồn, tất cả là trong âm thầm và lặng lẽ như vậy giá trị sẽ được nâng cao. Hy sinh mà đòi hỏi phân minh và công bằng thì chẳng khác nhiều so với  khoe khoang và tự mãn.
Trong cuộc sống cộng đoàn càng cần sống và làm việc âm thầm và lặng lẽ, không thể nói tôi làm điều này cho anh thì anh phải làm lại cái khác đề đáp trả. Không thề nói tôi hy sinh cho anh thì anh phải thế này thế kia hoặc là thương tôi, đề cao tôi. Nhưng tất cả hãy âm thầm, như vậy sẽ nghe được tiếng của lương tâm hay của tâm hồn. Trong cuộc sống cộng đoàn có rất nhiều cách hy sinh. Hy sinh bằng cách chu toàn tốt trách nhiệm. Hy sinh bằng sự yêu thương và tôn trọng trong sự giống và khác biệt giữa hai hoặc nhiều cá nhân. Hy sinh bằng cách quên mình vì lợi ích và nhu cầu của người khác cũng như của cộng đoàn.
3.      Chia sẻ trong cảm thông (Empathy)
Chia sẻ trong sự cảm thông hay sự đồng cảm giữa những thành viên trong cộng đoàn đều có chung một ý nghĩa. Đồng cảm là gì? Khác nhau thế nào khi so sánh giữa đồng cảm (empathy) và thông cảm (sympathy). Đồng cảm là sự thấu hiểu người khác bằng cách đặt bản thân mình trong hoàn cảnh và sự việc của người khác mà họ đang mang hoặc gánh chịu. Đồng cảm là đặt mình trong thế giới của người khác cùng cảm nhận với họ. Không có nghĩa là phải nhảy vào lửa mới biết được sức nóng của nó. Hoặc một ai đó đang khóc và đau buồn khi bị mất mát một điều gì đó thì cũng phải làm giống như họ.
Đồng cảm là đặt mình trong hoàn cảnh người khác như tại sao họ khóc, tại sao họ đau buồn, chứ không có nghĩa là đau buồn và khóc với họ. Chẳng hạn, trong cộng đoàn có một anh em đang cay cú hoặc buồn nản khi bị hiểu lầm bởi anh trưởng công đoàn hay bề trên, thì đồng cảm chính là sự động viên, khích lệ anh em đó can đảm đối thoại với anh trưởng hay bề trên về vấn đề đó. Nhưng cũng buồn bực và chán nản, coi thường anh trưởng hay bề trên thay cho anh em đó thì đó chỉ dừng lại ở sự thông cảm. Đồng cảm là một cấp độ cao hơn nhiều so với thông cảm, bởi có phân minh và suy xét để giúp người khác nhìn xa hơn, sâu hơn và đúng đắn hơn về một vấn đề chứ không là vào hùa với người khác. Đời sống cộng đoàn rất cần có sự đồng cảm, đồng cảm giữa bề trên và  bề dưới, và giữa những thành viên trong cộng đoàn. Làm thế nào để đồng cảm với những anh em khác trong cộng đoàn? Điều quan trọng nhất là biết lắng nghe. Bề trên nên lắng nghe cấp dưới mình. Thiếu lắng nghe sẽ sinh ra sự độc tài. Lắng nghe không chỉ dừng lại ở nghĩa của từ, nhưng đi xa hơn là nhìn vào tâm trạng và thái độ của người nói. Chẳng hạn như tại sao anh ta nói vậy hoặc điều gì khiến anh ta hành động như thế. Đừng bao giờ kết luận ai đó khi họ làm điều sai quấy, nhưng hãy nhìn vào những điều tốt họ đã làm trước kia. Khi một ai đó cần được tâm sự hay chia sẽ hay mở rộng cõi lòng để tiếp nhận họ với trái tim yêu thương, tôn trọng và thông cảm. Điều này không có nghĩa là chấp nhận hay đồng lòng mọi ý với người chia sẻ, nhưng hãy biết lắng nghe, động viên và giúp đỡ người ấy.
Để đồng cảm với các anh em khác trong cộng đoàn, mỗi người phải tập sống khiêm nhường và hy sinh. Khiêm nhường trong cả lời nói và việc làm. Khiêm nhường trong sự thinh lặng, bởi trong thinh lặng sẽ có nhiều thời gian nghĩ và làm cho người khác nhiều hơn. Bên cạnh đó, phải có một trái tim nhạy cảm nghĩa là quan tâm đến nhu cầu cũng như hoàn cảnh của mỗi thành viên, không chỉ khi ốm đau, buồn chán, giận hờn, mà cả những khi vui và hạnh phúc. Đồng cảm chính là sự đồng hành giữa những cá nhân cùng chung lý tưởng hướng về chân thiện mỹ.

4.      Tin tưởng (Trust)
Tin tưởng dường như là một yếu tố không thể tách rời trên mọi ngả đường cuộc sống. Tin tưởng vào người khác trong cuộc sống, trong giao tiếp, trong đối thoại, tin tưởng về cuộc sống hôm nay, cuộc sống mai hậu, tin tưởng vào khả năng của bản thân. Tin tưởng còn là một sự hy vọng giúp con người trưởng thành hơn không chỉ trong cách ứng xử, suy nghĩ nhưng trong cả hành động. Theo nghiên cứu tâm lý thì có hai nguyên nhân khiến con người ta muốn từ bỏ cuộc sống. Thứ nhất đó là mất niềm tin hay mất niềm hy vọng (hopelessness). Khi không còn niềm tin, con người như rơi vào trạng thái trống vắng, cô đơn và cuối cùng là tuyệt vọng. Cuộc sống họ như đóng lại bởi trong họ chỉ toàn là bức màn đen của những bi thương, mất mát và những viễn tượng mất trật tự như không thể sắp đặp lại. Thứ hai đó là ý nghĩ về sự vô dụng của bản thân (helplessmess). Khi rơi vào hoàn cảnh này, con người cảm thấy cuộc sống vô vị và dường như không còn ý nghĩa. Họ cảm thấy mình vô dụng ngay trong công việc hằng ngày như nấu cơm, rửa chén hoặc lau dọn nhà cửa. Họ không còn quan tâm tới bất cứ một bận tâm nào dù cả những người thân thương nhất. Cả hai yếu tố này thật ra đều bắt nguồn từ sự không tin tưởng. Đó cũng là nguyên nhân nhiều anh em đánh mất lý tưởng của chính mình trong cuộc sống đời tu.
Nhiều thành viên trong cộng đoàn sống một cuộc sống bất cần đời, không nghĩ đến người khác, không quan tâm đến lợi ích chung, và khủng hoảng ơn gọi vì cuộc sống chung nguyên nhân là phát xuất từ sự thiếu tin tưởng. Bề trên không tin tưởng bề dưới và cấp dưới không phục cách sống và làm việc của những người cấp trên. Nhiều anh em tìm niềm vui cũng như sự chia sẽ từ những người khác, nơi khác ngoài cộng đoàn, không phải họ không tha thiết với những thành viên trong cộng đoàn, nhưng họ mất sự tin tưởng nơi những anh em đó. Họ không thể mở lòng ra khi thấy một số anh em khác lúc nào cũng lợi dụng những thời cơ để chọc vào những vết thương lòng. Đó như là nhu cầu sống của con người, khi không thấy niềm hạnh phúc nơi mình ở phải đi tìm những nơi khác để bù đắp, giải tỏa những mối bận tâm, những ức chế trong con người khi gặp những khó khăn trong cuộc sống.
Cộng đoàn được ví như một gia đình mà trong đó anh trưởng như người anh cả, luôn biết lắng nghe, động viên, thông cảm, giúp đỡ và đặc biệt là tin tưởng những người em của mình. Những thành viên khác cũng cần biết lắng nghe, quan tâm đến người khác cũng như chu toàn trách nhiệm của chính mình. Là người trong một nhà, cùng vươn tới một lý tưởng thì phải nắm tay nhau, tin tưởng nhau chứ không thể chia rẽ, nghi ngờ lẫn nhau. Để duy trì và phát huy sự tin tưởng giữa những thành viên trong cộng đoàn, mỗi cá nhân cần biết nghĩ về người khác, làm cho người khác, đặt biệt là tin vào khả năng của bản thân cũng như những thành viên khác trong cộng đoàn.
Sống cuộc sống cộng đoàn vẫn còn là một thách thức lớn trong đời sống tu, nhất là nơi những người trẻ khi đang phải đương đầu với những trào lưu mới hay sự toàn cầu hóa của nhân loại. Cuộc sống càng cao, đời sống càng hiện đại thì chủ nghĩa cá nhân và cái tôi càng lớn mạnh. Sự thách thức này đòi những người trẻ phải biết có quyết tâm cũng như ý thức về ý nghĩa và giá trị của cuộc sống cộng đoàn. Cộng đoàn chỉ đạt được giá trị thật của nó khi mọi thành viên đều có chung và đạt chung một mục đích. Sống cuộc sống cộng đoàn sẽ thực sự được thăng hoa, đó là có được niềm vui và hạnh phúc, nếu mỗi cá nhân biết quên mình vì lợi ích của người khác, cũng như của cộng đoàn. Cho thì sẽ gặp được hạnh phúc nhiều hơn là nhận. Giúp người khác, động viên và an ủi họ tìm thấy ánh sáng và niềm tin khi gặp những bất an, sầu thảm trong cuộc sống, đó là cách giúp bản thân được lớn lên trong cả suy nghĩ và hành động.■

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP