Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Sống - Một hành trình


Thế Hưng

Sống là một hành trình mà bất cứ ai cũng phải đi. Đi để lớn lên và để hiểu chính mình. Đi để học hỏi và cảm nghiệm được diễn biến và ý nghĩa của thế giới bên ngoài. Đi để tìm thấy giá trị của cuộc sống. Để được lớn lên và trưởng thành hơn về nhận thức và cách sống cũng như sứ mệnh của bản thân, mỗi con người cần  phải gắn kết đời mình một cách mật thiết với những cuộc hành trình.
1. Hành trình của đấu tranh
Con người là loài động vật được coi là ưu việt về mọi mặt so với các loài động vật khác, nhưng nếu thiếu sự đấu tranh của bản thân, con người sẽ không thể tồn tại. Ngay từ lúc lọt lòng mẹ, thậm chí trong bụng mẹ, con người đã phải đấu tranh, đấu tranh bằng những những biểu hiện và hành vi tâm lý như khóc khi đói, khi đau, khi không nghe được tiếng nói người thân. Trong bụng mẹ bào thai vẫn có thể nghe nhạc, nghe lời ru, tiếng hát của cha mẹ được thể hiện qua đạp chân hoặc cựa quậy. Tất cả những hành vi đó, chứng tỏ con người đang tồn tại. Khi trưởng thành con người lại càng phải đấu tranh. Đấu tranh bằng cách tập thể dục, ăn uống điều độ và sống tốt để tránh bệnh tật. Đấu tranh cho công bằng và văn minh bằng cách chống lại sự bất công, phân biệt đối xử và bạo lực.
Một trong những sự đấu tranh mà hầu như ai cũng từng có kinh nghiệm, đó là đấu tranh cho niềm tin của bản thân qua sự nhận thức và lĩnh hội có được do học hỏi từ những kinh nghiệm sống, những kiến thức của sự nghiên cứu hoặc qua cách này cách khác. Thông thường trước khi tin điều gì đó là hiệu hữu và xác thực, con người thường vận dụng khả năng hoặc những kiến thức vốn có để phân tích và lý giải điều đó phải chăng có hợp lý hay là không. Khi bản thân đã được thuyết phục, con người sẽ tự tin và gắn kết với điều đó, coi nó như là một “chân lý”.
Mỗi người có mỗi sự đấu tranh khác nhau cho dù hoàn cảnh có tương tự. Cách đấu tranh của anh nông dân và anh học thức là hoàn toàn không giống nhau. Anh nông dân hẳn sẽ đơn giản và mộc mạc hơn. Người có trình độ học thức, thì phức tạp hơn  nhưng tinh xảo hơn và có vẻ hợp lý hơn. Theo một số nhà nghiên cứu, thì những người có trình độ thường gặp xung đột trong vấn đề đấu tranh cho sự nhận thức về niềm tin của bản thân khi nhìn nhận hoặc đánh giá bất cứ một sự vật hoặc hiện tượng gì. Điều này cũng có thể hiểu được, bởi họ thường sự dụng “cái đầu” hơn là con tim. Họ thường nghĩ trước khi cảm nhận hoặc đánh giá về một điều gì đó. Quá nghiêng về lý trí nên nhiều người đã gặp sự mâu thuẫn khi nhìn nhận một vấn đề bởi giữa kiến thức đã học, khả năng nhận thức và thực tế đôi khi là những khái niệm riêng biệt và hoàn toàn khác nhau. Như vậy, sự đấu tranh dễ trở thành mâu thuẫn. Sự mâu thuẫn giữa nhận thức của bản thân và sự vật vốn có và hiện hữu. Để giải quyết mâu thuẫn, con người thưởng dùng trí hiểu để lý giải theo một hướng nhìn tương đối chủ quan. Chủ quan  mang tính thiên vị, nghĩa là quá tin tưởng vào khả năng bẩm sinh cũng như được hấp thụ qua tu luyện cũng như qua kinh nghiệm sống hàng ngày. Quá chủ quan thường rất thường không thể giải quyết mâu thuẫn. Muân thuẫn kéo dài mà không được giải quyết sẽ dẫn đến khủng khoảng. Khủng hoảng là nguyên nhân của sự bất mãn, chán nản, buồn sầu  thậm chí chống đối và phá hoại.
Nhiều cá nhân khác khi đấu tranh không gặp mâu thuẫn và xung đột, nhưng lại theo hướng gọi là độc đoán bởi tất cả những gì mình làm hoặc đề xuất là ưu việt và hoàn toàn hợp lý xét cả về hoạch định lẫn như kết quả. Vì vậy, khi có sự lên tiếng, phê bình ngay cả góp ý từ một luồng tư tưởng và quan điểm khác sẽ bị coi là “tạo phản” hoặc “chọc gậy bánh xe”.  Một điều ai cũng có thể hiểu độc đoán là con đường đi đến sự độc tài. Độc tài chính là nguyên nhân của chia rẽ và loại trừ.
Để có một sự đấu tranh lành mạnh và lợi ích, mỗi cá nhân cần biết kết hợp giữa lý trí và tình cảm. Lấy lý trí để phân tích, lý giải, nhưng lấy con tim để cảm thụ và đánh giá. Khi có sự dung hòa cần thiết thì sự đấu tranh của con người trở nên hài hòa hơn, thậm chí ý nghĩa và giá trị hơn.
Sống là một hành trình tranh đấu. Bất cứ ai dấn thân vào hành trình đều phải đấu tranh. Thiếu đấu tranh sẽ thiếu trưởng thành và thiếu ngay cả hơi thở để sống. Đấu tranh không chỉ dừng lại là làm bản thân được lớn lên, nhưng giúp cả nghững người khác ngay cả những kẻ chống đối được cùng lớn lên. Đấu tranh có rất nhiều phương cách. Mỗi cá nhân nên biết suy xét và lựa chọn cho bản thân một sự đấu tranh để cho phù hợp với giá trị và đạo đức của con người.
2. Hành trình của  học  hỏi
Sống là một hành trình học hỏi. Khi còn nhỏ thì học ăn, học nói, lớn lên thì học gói học mở. Mỗi cá nhân đều phải học hỏi để sống và trưởng thành. Đối với một nhà kinh doanh muốn thành công thì việc học đầu tiên là làm thế nào để hiều được qui luật và nhu cầu của thị trường. Với một người đi học muốn học hiệu quả và thành danh, thì cũng phải học. Học trước tiên là ngôn ngữ, sau đó là văn hoá và lối sống và học mọi thứ bởi tất cả đều phục vụ cho lợi ích và nhu cầu của con người, làm cho con người sống tốt hơn và vui vẻ hơn . Một người tu lại càng phải học nhiều hơn, nhất là hiện hữu trong một thế giới triển với trào lưu toàn cầu hoá. Bởi như một hiển nhiên là nếu không học, họ sẽ bị hất văng ra khỏi vòng quay của tự nhiên hay nói đúng hơn là đà tiến bộ của nhân loại.
Có rất nhiều quan niệm cho rằng sự nhiệt huyết và lòng hăng say phục của người tu sĩ thì quan trọng hơn gấp nhiều lần so với trình độ. Thực tế như một minh chứng rằng những người có trình độ chưa hẳn làm việc tốt và hiệu quả hơn những người trình độ thấp hơn. Nhiều cá nhân với lòng hăng say và ý thức vượt bậc đã nhận được những kết qủa rất khả quan khi bắt tay vào việc.  Điều này hoàn toàn đúng, đáng được tuyên dương và phát huy để kéo dài và nối tiếp những thành tích.
Con người có giới hạn đó là một thực tế mà ai cũng phải chấp nhận. Lòng nhiệt huyết và hăng say cũng sẽ có hạn đặc biệt nếu thiếu hoặc mất  “nhựa sống”. Nhựa sống chính là sự khính lệ và ủng hộ. Nhựa sống chính là năng lực và sở trường của bản thân. Nhựa sống chính là những trang bị cần thiết để chống lại những lúc “trái gió, trở trời”, những cô đơn và thất vọng. Một trong những trang bị tốt nhất và hữu hiệu nhất đó là kiến thức. Kiến thức là một trong những trang bị không thể thiếu cho mỗi con người.
Con người là động vật có lý trí, khi nhận ra mình gặp nguy nan, tự nhiên biết đề ra những phương thức và giải pháp để đề phòng và chống đỡ. Người tu sĩ cũng vậy, khi thấy có sự nản lòng và buồn tủi, tự bản thân biết cách đối phó và chống chọi. Điều khó khăn của nhiều con người là làm như thế nào để tìm ra những phương án thích hợp và hiệu quả để đối phó khi gặp khó khăn và khủng hoảng. Nhiều tu sĩ chông chênh, thậm chí bỏ quên ơn gọi bởi thiếu kiến thức trong việc đối phó và phòng ngừa với khó khăn và thách đố. Khi gặp thử thách mà sức bản thân không thể lý giải được, con người thường đánh giá thấp bản thân hoặc tự coi mình là yếu kém và bất lực. Không tin vào bản thân thì năng lực thực tự nhiên cũng sẽ bị thuyên giảm và hao mòn. Một người tu sĩ khi bị khủng hoảng cũng vậy. Xét về mặt con người, họ thường đặt ra nhiều câu hỏi như: phải chăng ơn gọi của tôi là ở một địa vị khác, tôi dường như đang sống không đúng hoặc xứng đáng với ơn gọi mình đang chọn hoặc tôi sẽ tốt hơn nếu tôi ở cương vị khác… Khi không được giải đáp những câu hỏi trên một cách thoả đáng, họ thường đi tìm hướng mới hoặc vẫn tiếp tục nhưng trong một tâm trạng không thoải mái thậm chí một cảm giác tội lỗi. Tội lỗi là không sống xứng đáng với ơn gọi. Khi rơi vào tâm trạng như vậy họ thường tạo cho mình một thế giới riêng hoặc một khoảng cách với người khác.
Sống là một hành trình học mà mỗi con người cần phải nhớ và nhắc nhở bản thân hàng ngày. Có rất nhiều cách học, giảng đường là một môi trường tốt và thiết thực, nhưng chỉ giới hạn ở đó thì chưa qúa đầy đủ. Học có thể qua kinh nghiệm sống, qua người xung quanh và qua cách sống của bản thân cũng như của những người khác. Học cách biết lắng người khác, đặc biệt là lắng nghe bản thân. Mỗi cá nhân nên được học cách học và có cách học vừa hợp lý vừa hợp thời, bởi học trang bị cho con người không chỉ những “vũ khí” cần thiết cho cuộc sống nhưng cho cả một lối sống, một tương lai.
3. Hành trình của cảm nhận
Bên cạnh sự nhận thức qua sự học hỏi, qua sự đấu tranh, cuộc sống của con người còn là hành trình của sự cảm nhận. Cảm nhận là giai đoạn lắng đọng sau khi đấu tranh và học hỏi. Cảm nhận là quá trình của sự thấu hiểu sau khi được lĩnh hội về một điều gì đó. Cảm nhận là một mức độ được đánh giá là cao nhất và sâu sắc nhất của con người.
Sống là một quá trình cảm nhận. Cảm nhận khi được nghe những âm thanh của vạn vật, đất trời, cảm nhận khi được giao tiếp và đối thoại với người khác, cảm nhận khi lắng nghe tiếng nói của trí óc, con tim và cả tâm linh. Cảm nhận chính là hơi thở của con người. Cảm nhận không thể thiếu bóng của sự khiêm nhường, đấu tranh và học hỏi. Có được cảm nhận như vậy sẽ làm con người được lớn lên không chỉ về tri thức nhưng còn là tâm thức.
Cảm nhận rất đa dạng và phong phú. Đối với những nhà nghiên cứu, việc cảm nhận của họ là phân tích và đánh giá về một điều gì đó sau khi đã “thành phẩm”. Sản phẩm này được ra lò, rao bán và nhận được sự phản hồi từ đọc giả, đó là lúc họ phải cảm nhận ở mức độ cao nhất. Mức độ này không chỉ giới hạn ở tính đúng sai, nhưng là tính con người, xa hơn nữa đó là tính nhân văn.
Đời sống của những người tu, thì cảm nhận chính là đời sống nội tâm hay có thể gọi là tâm linh. Để có một sự cảm nhận sâu sắc họ phải làm cho bản thân trở nên “trống rỗng và hư không”. Cầu nguyện là một một sự cảm nhận sâu sắc, giúp bản thân nhìn lại địa vị và sứ mệnh của con người. Biết cách cầu nguyện sẽ giúp con người được tĩnh lặng.  Khi bản thân trở nên tĩnh tại, sự thinh lặng trở nên tuyệt đối về mặt nội tâm, đó là lúc tuyệt vời nhất và hiệu qủa nhất để nối kết người với Đấng siêu việt. Khi con người thoát khỏi tính người hay vượt thắng được tính người như là sự ghen tuông và đố kỵ chỉ trích và kiêu căng,… đó là lúc họ thiết lập được một mối tâm giao tuyệt hảo giữa bản thân và Đấng họ tin. Đó là lúc đời sống tâm linh phát triển. Khi đời sống tâm linh thật sự được trưởng thành thì sẽ không còn rào cản khi gặp gian nan và thách thức.
Sống là một hành trình của sự cảm nhận. Cảm nhận làm con người trưởng thành và mạnh mẽ hơn từ những hành vi nhỏ nhặt thể hiện trong cuộc sống cho đến những ý tưởng cao to và siêu việt. Để có sự cảm nhận thiết thực, mỗi cá nhân phải biết nhìn lại bản thân, lắng chính mình và người khác. Lắng nghe qua sự hiểu và đồng cảm với người khác. Đồng cảm là đặt bản thân mình vào địa vị và hoàn cảnh của người khác. Lắng nghe bằng sự thinh lặng của chính mình. Một trong những sự cảm nhận mang tính chiều sâu là hãy để khuyết điểm của chính mình lên tiếng, hãy để người khác đánh giá mình và chấp nhận sự yếu đuối và mỏng dòn của tính con người. Được như vậy, thì sự cảm nhận sẽ được lớn lên. Lớn lên trong bình an và hạnh phúc. Lớn lên trong phục vụ và hy sinh.
Thật vậy, hành trình sống gắn liền với sự đấu tranh, học hỏi và cảm nhận. Tất cả những điều đó trở thành sứ mệnh nhưng vì hoàn cành này hoàn cảnh khác làm con người đôi khi quên hay sao nhãng đi sứ mệnh của mình. Từng ngày nhắc nhở và lắng nghe sẽ giúp bản thân ý thức về cuộc hành trình của đời người. Một khi vô thức trở thành ý thức sẽ làm con người thật sự tỉnh thức và trưởng thành. Tỉnh thức khi gặp thử thách. Tỉnh thức khi cần thiết và khi đến giờ đã định. Trưởng thành trong suy nghĩ và ý tưởng. Trưởng thành trong cách sống và trong ơn gọi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP