Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Sống là sống với…

Nếu trước đây, từ Kierkegaard đến Jaspers, triết học hiện đại đặt trọng tâm vào suy nghiệm nơi con người xét như là một nhân vị có định mệnh riêng biệt và sinh hoạt trong những hoàn cảnh đặc biệt, thì ngày nay triết học không còn chú tâm vào giải nghĩa con người nữa, nhưng chỉ cố gắng giúp con người sống cuộc đời của mình cho có ý nghĩa.

Triết học hiện sinh vì nó chú trọng đặc biệt đến ý nghĩa cuộc đời của con người. Triết học hiện sinh đã nối lại truyền thống xưa kia của triết học là môn học giúp con người sống và chết một cách xứng đáng với định mệnh của mình.
Luồng tư tưởng triết học mệnh danh là hiện sinh, chúng ta thấy chỉ có triết học của Jaspers và Marcel xứng danh là hiện sinh. Còn như triết học Heidegger thiếu hẳn hai thông lộ của hiện sinh: thông cảm với tha nhân và tương quan với Thượng Đế. Đặc sắc của ngành hiện sinh này là nhấn mạnh về tương-chủ-tính (intersubjectivité) và về vai trò tối quan trọng của Thiên Chúa trong cuộc đời của mỗi nhân vị chúng ta[1].
Triết học hiện sinh nói chung cũng là những suy tư về cuộc sống thực tại của con người. Những gì đang xảy ra trước mắt chúng ta và những gì liên hệ đến chúng ta. Suy tư về vấn đề này, người viết nhận thấy triết học hiện sinh không chỉ giúp con người khám phá ra chính mình trong tương quan nhân vị, mà nó còn là một lời gọi tự do dấn thân vào gặp gỡ và yêu mến.
Con người trong mối tương quan nhân vị
Tự bản chất, con người có nhu cầu tương quan với người khác, vừa khi lọt lòng mẹ con người đã cần đến sự bảo bọc, che chở, giúp đỡ của người khác. Đó là mối tương quan gần gũi nhất và cơ bản nhất của một tình mẫu tử, mà mỗi người trong chúng ta đều trải qua. Trong cuộc sống còn có rất nhiều tương quan khác nữa, nhu cầu gặp gỡ, chia sẻ, yêu thương, dấn thân… Thật vậy, tự bản chất con người là nhu cầu thông đạt, nếu không con người sẽ chết ngạt trong nỗi cô đơn của chính mình, cũng như cá cần nước, chim trời cần không khí vậy. Nhưng trong vũ trụ bao la, có lẽ chỉ có loài người là biết yêu nhau, thông cảm và chia sẻ cho nhau những tình cảm chân thành và ý nghĩa, cũng như có một mối tương quan giữa tự do và ý thức. Và mỗi người là một huyền nhiệm, một độc đáo, riêng biệt, không ai giống ai, nhưng không phải là đơn độc, một mình “không ai là một hòn đảo”. Hiện sinh tôi phải gắn với hiện sinh khác, hoà nhập, hoà điệu vào với thiên nhiên; cái tôi của tôi không phải chỉ là của tôi nhưng phải mở ra để đón nhận, để ngỏ lời với cái tôi khác tôi để cùng vươn lên một hiện sinh đích thực. Chỉ những ai dám mở cái tôi ra để đón nhận và để mở lời với hiện sinh khác thì lúc đó con người mới thực sự là chính mình. Vì tương quan là một quá trình bắt buộc trên đường đi tới hoàn thiện chính mình, hoàn thiện mỗi cá nhân cũng như toàn thể nhân loại. Tương quan chính là điều kiện để chúng ta gặp gỡ, một sự gặp gỡ đích thực.


Gặp gỡ
Đi vào mối tương quan gặp gỡ, Gabriel Marcel muốn nói đến sự gặp gỡ đích thực giữa hai nhân vị. Đây là sự gặp gỡ cảm thông giữa hai nhân vị tức là mối cảm thông hai chiều: cả hai đều coi nhau là nhân vị. Sự gặp gỡ biết chờ đợi ở tha nhân, chờ đợi sự thông cảm. Điều này không phải dễ, thực tế cho thấy, khi gặp gỡ tha nhân ta chỉ coi sự gặp gỡ như một tình cờ, giáp mặt, hay đụng độ… vì khi đó ta chưa đối thoại thì làm sao có sự cảm thông thế nhưng không phải cuộc đối thoại nào cũng đưa đến cảm thông, chờ đợi ở tha nhân một điều gì. Vì nhiều khi chúng ta nghĩ rằng ta nói chuyện là đối thoại với tha nhân, trong khi thực sự ta vẫn độc thoại, vì ta không chờ đời ở tha nhân một câu trả lời có tính quan trọng, ta chưa đặt ưu tư của ta vào sự chờ đợi đó, và tha nhân cũng suy nghĩ đắn đo trước khi trả lời. Khi câu trả lời đã nói ra, tha nhân thấy hồn mình dính với câu nói. Phần chúng ta, khi nhận câu trả lời của tha nhân, ta nhận thấy một chuyển biến sâu xa trong con người mình, bởi câu trả lời của tha nhân là một phần trong con người chúng ta.
Để có những câu trả lời thông cảm đó, tất nhiên phải có tương quan giữa tha nhân và tôi, hai bên đều tôn trọng nhau như những nhân vị có đầy đủ chủ quyền và đầy đủ khôn ngoan. Tôi chờ đợi câu trả lời của tha nhân vì tôi coi đó như là ánh sáng cho đời tôi; còn tha nhân cũng băn khoăn suy nghĩ, vì biết rằng tôi tôn trọng câu trả lời đó. Kinh nghiệm của Marcel cho thấy, mối tương đồng này rất ít, mặc dù người ta thường đưa ra những danh từ để chỉ về mối tương quan này như “đồng bào”, nam nữ “bình đẳng”, tôn trọng “nhân vị”… thế nhưng thực sự con người chỉ biết có mỗi mình thôi, ích kỷ, hẹp hòi, tự đề cao mình hay hạ thấp người khác khi nói chuyện và khi bàn chuyện với nhau, chỉ có tôi là nhân vị, chỉ mình tôi là chủ thể, còn người khác là một đơn vị người, nên khi nói chuyện người trên thường lấy giọng phán truyền mà nói với người khác, cho dù người khác có ý kiến hay đi chăng nữa thì cũng không được chấp nhận. Như vậy làm sao mà nói được rằng có sự đối thoại và gặp gỡ thực sự?
Gặp gỡ là một thái độ tinh thần, không phải là một vị trí vật chất[2]. Hai người đi chung một chuyến xe, ngồi kề nhau nhưng ai dám bảo rằng họ gặp gỡ nhau thực sự? Ngược lại hai người yêu nhau cho dù cách nhau nửa trái đất, xa hàng ngàn dặm nhưng họ vẫu gặp nhau, vẫn hướng về nhau, vẫn đối thoại với nhau và nghĩ về nhau, lòng kề bên nhau. Còn hai người ở trên xe, cho dù họ có đụng chạm đến nhau về thể xác nhưng họ vẫn chưa gặp nhau thực sự trong tương quan bởi vì ở trên xe, ngồi cạnh nhau nhưng lòn họ thì đang hướng về một nơi nào xa xôi. Hai người yêu nhau tuy xa cách về mặt địa lý nhưng họ vẫn kề bên nhau, nghĩ đến nhau qua những tin nhắn, qua email hoặc qua điện thoại… nối hai bờ xa cách. Sự phân cách không gian đó chẳng những không vơi đi, không nhạt nhoà theo năm tháng mà trái lại,  ngày càng phát tiển, gia tăng thêm mối tình của hai người yêu nhau. Vậy nên, thái độ của ta mới là quan trọng: tha nhân ở ngay trước mặt ta, mà ta không gặp. Khi đã thực sự gặp gỡ giữa hai nhân vị, lúc đó, con người mới có thể giao tiếp và đối thoại thực sự. Vì gặp gỡ mà không giao tiếp, không đối thoại thì ta vẫn còn coi thường người khác, thiếu nhân vị, thiếu nhân đạo, chỉ coi mình là nhân vị mà chưa coi người khác là nhân vị. Một khi đã gặp gỡ thực sự, con người sẽ đi đến chỗ yêu mến tha nhân, yêu nhau thực sự. Như vậy, yêu mến theo quan điểm của Marcel là thế nào? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu sau đây.
Yêu mến
Khi đã gặp gỡ nhau rồi thì con người coi nhau như là hai nhân vị thực sự, coi nhau với nhau. Tôi coi tha nhân như một Anh/Chị, và biết chờ đợi ở tha nhân, truy nhận tầm quan trọng của câu trả lời nơi tha nhân, băn khoăn, áy náy khi chờ đợi, khi hy vọng một ánh sáng nào đó trong câu trả lời[3]. Thế nhưng đó cũng chỉ là một điều kiện sơ đẳng của mối giao tiếp giữa hai nhân vị, giữa người với người. Cao hơn một bậc, Marcel cho ta thấy rằng tình yêu và điều kiện là cầu khấn. Sự gặp gỡ, cách nào đó mới chỉ dừng lại ở sự chờ đợi câu trả lời của tha nhân. Tuy chờ đợi đã là đề cao tha nhân lắm rồi, sự chờ đợi không chỉ là truy nhận tầm quan trọng nơi nhân vị  tha nhân mà còn là sự lệ thuộc của tôi vào câu trả lời của tha nhân. Cử chỉ này biểu lộ thái độ  cầu khấn, van nài. Nó làm cho tha nhân cảm thấy xao xuyến, bồi hồi. Xao xuyến, bồi hồi vì tha nhân biết rằng câu trả lời của tha nhân đối với tôi là rất quan trọng.
Van nài, cầu khấn là nhận ra tôi và anh khác nhau, mỗi người chúng ta là một độc đáo, anh có những cái tôi không có và ngược lại, những cái anh có thì không thể thay thế cho những cái tôi có vì vậy tôi mới có thể yêu mến anh, thấy những khác biệt nơi anh và tôi yêu mến điều anh có mà tôi không có. Trong tình yêu cũng thế, luôn là bổ túc cho nhau, người này thấy sự khác biệt của người khác. Hai người yêu nhau, càng cảm thấy những đức tính cao quý của nhau, càng nhận ra những cái mình không có và người yêu thì lại có thừa, lúc đó van nài, cầu khấn càng trở nên nhịp thở của tình yêu, sự cầu khấn đó càng trở nên tương đồng[4]. Tuy nhiên, tình yêu không phải là chiếm hữu, anh có cái tôi không có, thì tôi phải chiếm hữu lấy những cái đó, lúc ấy, tha nhân không còn là độc đáo khác tôi nữa mà là sự vật, tôi có thể chiếm hữu được, tha nhân như một dụng cụ cho tôi. Song, nhờ cầu khấn và tin tưởng lẫn nhau, những người yêu nhau thấy được sự tiến triển và phong phú của tình yêu họ dành cho nhau.
Theo đó, tình yêu là hình thức tinh thần cao quý nhất nơi con người và chỉ có tình yêu mới dẫn con người vươn tới Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa là tình yêu mà mọi điều răn đều quy về hai luật căn bản là mến Chúa và yêu người. Đó cũng là chủ trương của Gabriel Marcel khi gia nhập đạo Kitô giáo vào năm 1929, ông viết trong nhật ký: “Trong một trạng thái nội tâm mà tôi chẳng dám mong được: không hề có sự hứng khởi, nhưng một cảm giác bình an, thăng bằng, tin cậy… gần gũi Thiên Chúa, gần gũi đến phát chóng mặt…”[5]. Không đi tìm hiểu sâu xa vấn đề, người viết chỉ dừng lại ở chỗ yêu mến, đó là thứ tình yêu chân chính mà chỉ nơi con người mới có nếu như con người biết trân trọng và sống đúng với nhân vị của mình trong gặp gỡ và yêu mến thực sự. “Một tình yêu như thế chắn hẳn có khả năng cảm thụ được tha nhân. Đó cũng chính là công dụng của cái đức người quân tử và sự thánh thiện của thánh nhân”[6].
Tóm lại, chỉ khi con người sống mối tương quan nhân vị như là sự gặp gỡ thực sự giữa hai nhân vị và điều đó thể hiện qua sự van nài, cầu khấn của tình yêu, lúc đó con người mới hiểu được chính mình, hiểu được tha nhân, thông cảm với tha nhân đồng thời thấy được những khác biệt nơi tha nhân để yêu mến và cầu khấn điều đó nơi tha nhân. Con người cần nhu cầu tương quan để cộng sinh, cộng hưởng vào với gia đình, cộng đoàn, xã hội, với nơi mình sống, cùng với những khác biệt và chấp nhận những khác biệt ấy để cùng nhau vươn tới Thiên Chúa của tình yêu, trung tín cho dù chúng ta có bất trung với Ngài. Và cuộc sống con người chỉ có ý nghĩa khi con người sống với tất cả niềm tin, lòng yêu mếm trong tương quan với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa. Đó cũng là 3 chiều kích căn bản để giúp con người phát triển toàn diện và vươn mình lên tới Thiên Chúa cùng với tha nhân.
Để kết, người viết xin mượn lời của triết gia Trần Thái Đỉnh thay cho kết luận của mình:
“Hiện sinh là hiện hữu. Marcel chủ trương như thế. Và ta thấy hiện hữu đã đặt con người lên con đường tự do chân chính và đích thực; hiện hữu lại dẫn con người đến chỗ gặp nhau trong niềm tin tưởng và kính yêu nhân vị nhau; cuối cùng hiện hữu đã giúp con người khám phá ra bản tính đích thực của tình yêu. Nhưng ở chặng đường tự do, chúng ta đã gặp thấy Thượng đế vì tự do là cộng tác với ý trời để thể hiện con người tới mức toàn thiện toàn mỹ; và chúng ta cũng đã gặp Thượng đế trong huyền nhiệm của tình yêu; cái chết của người yêu ném ta vào trong lòng hư vô hay ném ta vào trong lòng của trung tín? Thượng đế là niềm trung tín cao cả đó”[7].

Hoàng Thượng Vương



[1] Xc. Trần Văn Hiến Minh, Triết Học Tổng Quát, Tủ sách ra khơi, saigon 1961, tr. 89
[2] Xc. Trần Thái Đỉnh, Sđd, tr. 289
[3] Nguyễn Trọng Viễn, Sđd, tr. 132
[4] Trần Thái Đỉnh, Sđd, tr. 291
[5] Trích lại trong Nguyễn Trọng Viễn, Sđd, tr. 118.
[6] Trích lại trong Trần Thái Đỉnh, Sđd, tr. 292
[7] Trích lại trong Trần Thái Đỉnh, Sđd, tr. 292-293

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP