Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Sống là “dám liều”

Sau những năm học triết, tôi được tiếp cận rất nhiều với tư tưởng cũng như lập trường sống của một số triết gia, đặc biệt là các triết gia hiện sinh. Sự tiếp cận này đã làm cho cuộc đời tôi có ít nhiều thay đổi; thay đổi của nhận thức, thay đổi của tư duy, và thay đổi của cái nhìn… Thú thật, những thay đổi ấy đã làm cho cuộc sống của tôi có nhiều khắc khoải, nhiều thao thức, nhiều rung cảm với những hoàn cảnh thực tại, nhất là rung cảm trước những mảnh đời nghèo đói và bất hạnh.
Sở dĩ tôi nhận thức được những thay đổi nơi lòng mình, là vì thời gian gần đây, mỗi lần ra phố, tôi thấy lòng mình tự nhiên đau đáu, khi bắt gặp dáng dấp của những người gánh hàng rong đang vất vả bên đời, khi thấy một em bé gầy guộc, tất tưởi trên tay những tấm vé số lúc trời đổ cơn mưa, khi thấy một cụ già còm cõi ngồi ăn xin bên hè phố… Những hình ảnh ấy, đã làm cho lòng tôi cứ như bị chùng xuống; cứ như thấy buồn buồn khi nghĩ về phận người.
Thế nhưng, bên cạnh những nỗi buồn chơi vơi về phận người, tâm hồn tôi cũng rực lên những niềm vui nhẹ nhàng, thanh thoát khi nhìn thấy hình ảnh của một người mẹ nghèo, đang âu yếm vỗ về đứa con yêu bé bỏng của mình nơi góc phố, khi thấy đôi tình nhân ríu rít bên nhau trên chiếc xe đạp cũ kĩ, khi thấy ai đó đang ân cần giúp một người già yếu băng qua đường giữa dòng xe xuôi ngược… Đó là những hình ảnh tuyệt đẹp, rất tình người và rất nhân văn. Cứ thế, bức tranh cuộc đời đẹp và xấu cứ đan dệt với nhau, làm cho lòng tôi cũng theo đó mà vui buồn với những thăng trầm thế sự; khi chạnh lòng, khi ray rứt khôn nguôi…
Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy rằng, những gì dấy lên trong lòng tôi, đó cũng mới chỉ là những cảm xúc, là thiện chí. Còn tận đáy lòng, tôi nhận thấy rằng, để chuyển những cảm xúc đó thành những hành động cụ thể, thành những nghĩa cử yêu thương thật sự thì sao mà khó quá, bản thân chưa đủ can đảm để làm một điều mà thâm tâm cảm thấy cần phải làm.
Tôi xin kể ra đây một kinh nghiệm đã làm tôi phải ray rứt mãi trong cuộc sống: “Một lần đi về trên con đường phố, tôi thấy có một vật gì “nằm vắt” ngang đường. Đến gần, tôi mới nhận ra đó là một người đàn ông bên ngoài bẩn thiểu, lem luốc, quần áo rách nát và hôi hám. Ông ta đang trong cơn thở dốc như một người hấp hối. Có bao nhiêu người cùng đi qua con đường đó. Nhưng dường như chẳng ai quan tâm, ai cũng tránh qua một bên và tiếp tục bước đi như không hề nhìn thấy gì. Tôi cũng đi đến. Ngập ngừng một lúc; dường như tôi muốn làm một điều gì cho ông ấy. Nhưng rồi tôi cũng lặng lẽ đi qua như bao người. Tôi không đủ can đảm để làm một nghĩa cử tốt đẹp cho người đàn ông xấu số đó. Tôi đã đi qua… Tôi đi qua một phận người, nhưng lòng tôi cứ ray rứt mãi…”.
Sau sự kiện đó, tôi suy nghĩ nhiều về cuộc đời và về phận người, và tôi nhận ra rằng, không dễ gì để sống một phận người cho ra người, nếu như mình không “dám sống liều”: Sống liều trong những chọn lựa; sống liều trong những tương quan; và sống liều với  vận mạng đời mình… Vậy nên, trong bài viết này, xin được chia sẻ một vài thao thức riêng tư,  liên quan đến phận người, dựa trên lập trường sống của một số triết gia hiện sinh.
1.      Sống Là “Dám Liều” Trong Những Chọn Lựa.
Cuộc đời con người, từ khi có trí khôn cho đến lúc nhắm mắt lìa đời, gần như lúc nào con người cũng phải đứng trước ngã ba cuộc đời, ngã ba đó đòi buộc con người phải chọn đi lối này hoặc là lối kia. Sống, gần như là đồng nghĩa với những chọn lựa, và chọn lựa mỗi ngày. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết rằng: “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa, chọn những nụ cười…”.
Chọn lựa, không phải một lần là đủ, là đúng cho cả một đời người, nhưng là chọn lựa trong mỗi một ngày sống và trong từng khoảng khắc của cuộc đời. Như thế, chọn lựa gắng liền với cuộc sống của mỗi con người, và là điều thiết yếu để làm nên những giá trị đời người. Bởi vì, chọn lựa xuất phát từ chính tự do, mà tự do là một khả năng cao quý nhất để con người được là người. Cho nên, không thể là một con người thực sự, nếu như cuộc đời không có những chọn lựa của chính mình. Sống giữa một thế giới “vàng thau lẫn lộn”, giữa một thế giới mà điều thiện và điều ác luôn vây quanh cuộc sống, giữa một thế giới mà thế lực của vật chất tưởng chừng như đang lấn át những giá trị tinh thần, thì chọn lựa một thái độ sống, một lý tưởng sống, là việc cần thiết, và có tính sống còn đối với một đời người. 
“Dám liều” trong những chọn lựa là một đòi hỏi có tính căn cơ cho một phận người. Bởi lẽ, có những con người cả một đời không dám có một chọn lựa cho chính mình. Họ sống vất vưởng vào những chọn lựa của bố mẹ, của thầy cô, của bạn bè, của bề trên, của xã hội vv… để rồi suốt đời sống trong bối rối, trong hoang mang, không định hướng, không lý tưởng, không có những thao thức về vận mạng đời mình, và sau cùng là không còn nhận ra mình là gì nữa. Và điều tệ hại hơn cả là chính họ cũng không nhận thức được điều đó; họ không hề biết mình đang sống trong tình trạng vong thân giữa cuộc đời.
Các triết gia hiện sinh thì khác hẳn. Khi nói đến các triết gia hiện sinh, là người ta nghĩ ngay đến những con người “dám liều” trong những chọn lựa: chọn lựa một lối đi, chọn lựa một cách sống, chọn lựa một chân trời lý tưởng, và tất cả họ đều đã can trường trong những chọn lựa của mình, có khi họ phải trả một giá rất đắt cho những chọn lựa đó, nhưng bù lại họ được là chính mình. Bởi vì đối với họ, hiện sinh là sống sao cho ra sống, sống với tất cả trách nhiệm và vận mạng đời mình; sống thênh thang và an vui với những lối nghĩ, lối suy tư và với những chọn lựa của riêng mình. Đôi khi trong số họ, có những người có những quan niệm và lối sống khác người, lắm khi quá kích nữa là khác, nhưng họ sẵn sàng trả giá, miễn là được sống điều mà mình xét là chân chính.
Hiện sinh là sống một cách có nghệ thuật, mà nghệ thuật hàng đầu là nghệ thuật chọn lựa, chọn lựa một lối sống có giá trị nhân sinh. Nhưng điều đó đâu phải dễ, đâu phải chỉ nói, chỉ nghĩ mà được, mà là đôi lúc phải “gồng mình” lên, phải “dám liều”. Có những tu sĩ, sau những năm tháng dài theo đuổi ơn gọi, rồi một lúc, chợt nhận ra đó không phải là lối đi của mình. Nhưng “ván đã đóng thuyền rồi”, đã khấn rồi, đã phó tế rồi, đã làm linh mục rồi… biết làm sao bây giờ? Sống đời tu thì sống không nổi, mà quyết định ra tu thì phải vượt qua bao nhiêu là áp lực: áp lực của gia đình, của cha mẹ, của thân nhân, của ân nhân, của nhà dòng, của dư luận xã hội…. Nhiều người trong số đó đã không vượt qua nổi những áp lực đó, và đã chấp nhận một cuộc đời trôi nổi, sống vất vưởng và không bao giờ hài lòng với chính mình.
Các triết gia hiện sinh, những con người như Nietzsche, như Heidegger, như J.P.Sarte… đã dám chấp nhận, dám chọn lựa một lối sống của riêng mình, và “hiên ngang” trong lối sống ấy. Như  Nietzsche chẳng hạn, đã dám chấp nhận và lựa chọn một hành trình đời người là “đi từ một con lừa đến con sư tử và cuối cùng là hồn nhiên như đứa trẻ với nụ cười thanh thoát trên môi”. Phải nói rằng, các triết gia hiện sinh đã đẩy nhận thức con người đến một thái độ sống đầy chất nhân sinh: đó là, sống sao cho ra sống, và sống là phải “dám liều” với những chọn lựa mà lương tâm mình xét là chân chính.
2.      Sống Là “Dám Liều” Trong Những Tương Quan.
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những môi tương quan giữa người với người càng ngày càng có nguy cơ bị “kỹ thuật hoá” và “vật chất hoá”. Thật vậy, với một mạng lưới thông tin hiện đại và công nghệ tối tân như hiện nay, thì đối với một số người, thế giới này chỉ còn ví bằng bàn tay. Người ta chỉ cần một vài giây là đã có thể liên lạc với bất cứ một ai, dù người ấy đang ở tận chân trời góc bể nào. Điều này tưởng chừng như đã đưa con người xích lại gần nhau hơn và gắn bó với nhau hơn. Nhưng thực ra không phải thế. Khi nền công nghệ thông tin phát triển, thì những gặp gỡ tương giao giờ đây được thay bằng những cuộc thông tin ngắn gọn, những tương quan ngôi vị giờ đây chỉ còn là những cuộc xã giao mang tính sự kiện. Con người có nguy cơ bị giản lược thành những đối tác của một nền kinh tế thị trường.
Giữa một thế giới có nguy cơ bị “vật chất hóa” như thế, một lối sống tương quan thực sự phải là một lối sống “dám liều”. Vì sao phải liều? Vì con người không phải chỉ là vật chất. Con người là “ôi, bao la sâu thẳm! (St Augustinô) và “con người là một huyền nhiệm. Nơi con người là cả một thế giới được hình thành bởi quá khứ, hiện tại, và tương lai, được hình thành bởi hoàn cảnh, môi trường, truyền thống, văn hoá và cả chiều dài lịch sử của nhận thức. Do đó, sống tương quan với một con người là dám phiêu lưu vào một chân trời vô hạn, dám phiêu lưu vào một lối đi khác biệt của lòng người; phiêu lưu vào không phải để tìm ra một mẫu số chung (tính đoàn lũ) cho phận người, mà là nghiêng mình kính cẩn trước một cá vị, mà Pascal khẳng định là có “giá trị hơn tất cả tạo thành”. Thật vậy, triết gia Pascal đã từng nói một câu thời danh: “con người chỉ là một cây sậy, nhưng là cây xậy biết suy tư… con người mong manh như giọt nước, nhưng có giá trị hơn cả vũ trụ, vì khi chết, con người biết mình chết, còn vũ trụ thì không.”
Trong cuộc đời, nếu chúng ta có tham vọng muốn thấu hiểu rốt ráo một con người, hay nói theo kiểu bình dân là “đi guốc trong bụng” một người, thì đó chắc chắn là một ảo mộng. Có lẽ chính vì kinh nghiệm sâu xa về điều ấy mà G. Marcel cũng đã phải thốt lên: “con người là một huyền nhiệm”. Huyền nhiệm là bởi vì “con người không bị quy định vào quá khứ hay định mệnh. Con người là một hữu thể dấn thân có tự do và biết mình có tự do”(Nguyễn Trọng Viễn, triết học hiện đại, trang129). Và cũng chính nhờ sự tự do đó mà con người trở thành huyền nhiệm; huyền nhiệm trong sự dấn thân và trao ban, huyền nhiệm trong việc thể hiện mình là mình chứ không là ai khác.
Do đó, sống tương quan với một con người là sống “dám liều” trong dấn thân và gặp gỡ, “dám liều” trong sự chấp nhận và mở ra một chân trời khác biệt của tâm hồn, “dám liều” xây dựng một mối tương quan mà luôn có nguy cơ đổ vỡ, “dám liều” xây dựng một tình liên đới mà “cốt yếu của lời hứa là có thể bị phản bội”. (Heidegger).
Nhìn vào lịch sử cứu độ của Kitô giáo, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, đó là một lịch sử được hình thành từ những mối tương quan đầy tính mạo hiểm: Một Thiên Chúa tín trung nhưng “đã dám” lập giao ước với con người là một thụ tạo đã mang trong mình một tiềm năng phản bội. Ngược lại, một con người với bản tính yếu đuối thấp hèn, nhưng đã dám tin tưởng vào lời hứa của Đấng mà mình không thấy, để đi đến một nơi mà mình không hề biết (St 11). Thế đó, Thiên Chúa đã “dám chơi” với con người, và Thiên Chúa cứ mạo hiểm đi vào hành trình đời người, và con người cũng liều lĩnh đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Một tương quan liên chủ thể được thiết lập dựa trên một bản “hợp đồng” là: lòng yêu thương – tình yêu mến – sự tự do trao ban và đáp trả.
Có thể nói rằng, sự “liều lĩnh” tột cùng nhất của Thiên Chúa chính là một “Thiên Chúa làm người để con người được trở thành con Thiên Chúa”. Sự liều lĩnh đó chính là một sự ban tặng, sự ban tặng để được “trở nên một” với con người, và để “sự sống của con người trở thành vinh quang của Thiên Chúa”(St.Irênê).
Sống “dám liều” trong tương quan là một nét đẹp của cuộc đời và của con người. Nét đẹp đó mở ra cho con người một lối đi thênh thang đến với tha nhân để trao ban và dâng tặng. Đồng thời, qua đó con người tìm ra được “gương mặt” của mình nơi hành trình tương quan liên chủ thể tính đó.
Chúa Giêsu đã nói rằng: “Ai cố giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ được sự sống đời đời”. Con người chỉ có thể là mình khi biết hiến thân và dâng tặng. Con người chỉ có thể sống đúng với bản chất của mình khi biết tự nguyện cho đi. Và điều đó, theo niềm tin Kitô giáo cũng có nghĩa là con người sẽ được  bất tử  khi dám hy sinh tính mạng của mình vì Thầy, nghĩa là vì tình yêu. Chính tình yêu mới làm cho con người trở nên vĩ đại trong những điều tầm thường nhất, (con đường nên thánh của thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu).
3.      Sống Là “Dám Liều”  Với Vận Mạng Đời Mình.
Một khía cạnh nữa mà trong cuộc đời con người phải “dám liều” và dám đối mặt, đó là “dám liều” với vận mạng đời mình. Triết gia Heidegger nói rằng: “con người là một hữu thể bị vất ra đó, và là hữu thể phải sống trong những nỗi lo âu khắc khoải của cuộc đời. Rồi chính “cái chết sẽ làm dang dỡ phận người”. Thật vậy, khi đối diện với vận mạng đời mình, ít nhiều trong chúng ta cũng cảm thấy rùng mình, lo sợ. Không rùng mình sao được, khi con người luôn luôn phải đối diện với một tương lai mà mình không nắm chắc được điều gì.
Hằng ngày trên thế giới, có biết bao nhiêu con người đã tìm đến con đường tự tử, vì đã không chịu nỗi cái ám ảnh của quá khứ hoặc cái áp lực của tương lai. Đó là hai thế lực mà theo Brunschvieg, nó luôn giằng co trong tâm tư con người. Cho nên, sống và đối diện với vận mạng đời mình chính là sống với một niềm tin. Bởi vì không có niềm tin, con người không dễ dàng gì vượt qua nổi những bấp bênh và bế tắc của phận người. 
Đọc lại lịch sử của dân tộc Do thái, chúng ta nhận thấy rằng, đây là một lịch sử của niềm tin và lòng trung tín; lòng tin để vượt qua những khó khăn, cam go của cuộc đời, và lòng trung tín để lý giải mọi huyền nhiệm ở nơi Thiên Chúa và chỉ do Thiên Chúa. Dân tộc Do thái đã “dám sống liều” với vận mạng đời mình bằng việc tin vào tình thương bao la của Thiên Chúa.
Đối với triết gia Heidegger, con người còn được định nghĩa là những gì mình đã thể hiện ra trong lịch sử, hay nói khác đi là những gì mà mình đã tương quan với thế giới. Như thế, con người là hữu thể “tự viết” lên trang sử đời mình, và đồng thời cũng chịu trách nhiệm về những gì mà mình “đã viết”. Tuy nhiên, cái khả năng tuyệt vời này của con người không phải lúc nào cũng dễ dàng, nó luôn luôn phải đối diện với những lo âu khắc khoải, đối diện với một tương lai mù tối, và nhất là đối diện với “cái chết làm dang dở cuộc đời”.
Cho nên, “dám liều” với vận mạng đời mình chính là dám sống “chân lý đức tin”. Tin, đối với G. Marcel, “không phải là tin điều gì, mà là tin ai, và đặt niềm tin vào một người nào đó. Và hành vi đức tin chính là hướng đến một Đấng siêu việt mà con người cầu khẩn với”. Đức tin mở ra cho phận người một chân trời hy vọng, một khung trời có những ước mơ và hoài bão, để từ đó hành trình đời người là một hành trình lịch sử trong đức cậy. Chính đức cậy sẽ không cho phép con người tin rằng “cái chết làm dang dở cuộc đời” như Heidegger quan niệm, nhưng ĐỨC CẬY giúp cho người môn đệ Chúa Giêsu biết và tin chắc rằng, cái chết sẽ là đích điểm mà con người “hoàn tất cuộc đời” trong viên mãn.

TẠM KẾT
Các triết gia hiện sinh là những con người đã “dám sống liều” với lý tưởng, với quan niệm và với những chọn lựa của đời mình. Đối với họ, qua rồi cái thời mà con người được định nghĩa bằng những ngôn từ và những quy luật cứng nhắc. Con người là con người của hiện sinh, là những gì con người đã chọn lựa, đã sống, đã tương quan và đã thể hiện chính mình trong lịch sử.
Cũng chính vì lẽ đó, giá trị của một con người được hình thành từ việc con người đã thể hiện quyền tự do của mình như thế nào, trong tương quan, trong chọn lựa, trong dấn thân và trong niềm tin vào Đấng siêu việt. Đặc biệt là (nói theo kiểu của cha giáo Viễn) con người đã thể hiện “cuộc chơi” của mình với tha nhân và với Đấng siêu việt như thế nào. Nghĩa là “cuộc chơi” đó có “ăn rơ” hay không. Điều ấy còn lệ thuộc rất nhiều vào việc con người có “dám sống liều”, và có dám mạo hiểm trong huyền nhiệm đời người hay không. Và huyền nhiệm đó chỉ được con người biểu lộ, khi con người biết chân thành hiến dâng và thiết tha trao tặng cho đồng loại.

Anphong Lê Quốc Dũng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP