Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Kinh Mân Côi và Chuỗi Hạt

Chúng ta đã cùng với Giáo Hội bước vào tháng mân côi kính Đức Mẹ. Kinh mân côi đã trải qua một lịch sử thăng trầm, có khi được thực hành một cách rất nhiệt thành, nhưng cũng có khi bị lãng quên, thậm chí coi thường như là một “việc lẩm cẩm của các bà già”! Tuy nhiên, Giáo Hội luôn nhìn thấy giá trị lớn lao của hình thức đạo đức đơn sơ này và không ngừng kêu gọi con cái mình chuyên tâm cầu nguyện với Mẹ bằng kinh Mân Côi. Xin được lược qua nguồn gốc lịch sử, những hình thức khác nhau của kinh Mân Côi và chuỗi hạt, cũng như sự quan tâm của các vị giáo hoàng trong lịch sử Giáo Hội đối với cách thức cầu nguyện này.

1. Nguồn gốc và Lịch sử của kinh Mân côi
Từ mân côi (rosaire) có nghĩa là “vòng hoa hồng”. Có xuất xứ từ thói quen thời Trung Cổ trang điểm vòng hoa hồng trên các tượng Đức Trinh Nữ Maria, mỗi bông hồng tượng trưng cho một lời kinh.
Nguồn gốc của kinh Mân Côi có từ thế kỉ thứ 11-12. Trong những đan viện, những tu sĩ không hiểu tiếng latinh, đọc 150 kinh Kính Mừng thay vì 150 thánh vịnh của kinh nhật tụng. Người ta gọi cách cầu nguyện này là đọc thánh vịnh Đức Maria.
Một tu sĩ Đaminh tên Alain de la Roche thành lập một nhóm đọc thánh vịnh Đức Maria năm 1470, và thầy cho rằng chính thánh Đaminh đã khởi xướng việc sùng kính này. Những tu sĩ Đaminh đã phổ biến rộng rãi kinh Mân Côi. Người ta kết hợp việc đọc từng chục kinh Kính Mừng với việc suy gẫm các mầu nhiệm vui, thương, mừng trong cuộc đời Đức Kitô. Từ sau công đồng Trente (1545-1563), kinh Mân Côi trở thành một việc đạo đức chung. Chính ĐTC Pie V đã gắn chiến thắng quân thổ ở Lépante năm 1571 với việc đọc kinh Mân Côi.
Sau một thời gian bị sao lãng, kinh Mân Côi lấy lại sức sống từ thế kỉ thứ 19 với một số sự kiện sau : Năm 1828, Pauline Jaricot thành lập Hội Mân Côi Sống; Năm 1858, Đức Maria hiện ra với Bernadette với xâu chuỗi trên tay; Đức Léon 13 dành nhiều tông thư nói về kinh Mân Côi, đặc biệt vào những năm 1883 và 1891; sau cùng vào năm 1917 Đức Mẹ hiện ra ở Fatima và mạc khải danh hiệu “Đức Bà Mân Côi”
2. Một vài hình thức chuỗi hạt khác nhau
Trong dòng lịch sử đã hình thành nhiều chuỗi hạt và các cách thức cầu nguyện khác nhau. Đây là một vài loại chuỗi điển hình :
  • Chuỗi Máu Châu Báu : Gồm 33 hạt, để ghi nhớ 33 năm đời sống tại thế của Đức Giêsu.
  • Chuỗi kính tổng lãnh thiên thần Micae gồm 39 hạt.
  • Chuỗi cầu cho các linh hồn trong luyện tội gồm 4 chục. Được chuẩn nhận chúc phúc bởi ĐTC Pie IX năm 1873.
  • Chuỗi 7 sự thương khó Đức Mẹ gồm 49 hạt (mỗi mầu nhiệm 7 hạt).
  • Chuỗi lòng thương xót Chúa, được mạc khải cho Sr Faustine năm 1936.
3. Nơi các tôn giáo khác
Xâu chuỗi không phải là của riêng Kitô giáo. Đây là một phương thế cầu nguyện được sử dụng trong nhiều tôn giáo khác nhau. Đặc biệt nó đã được biết đến rất sớm nơi Ấn giáo và Phật giáo.
  • Tại Ấn độ, việc lần chuỗi đã được thực hành từ thế kỉ thứ 5 trước Công nguyên. Xâu chuỗi thường được đeo như dây chuyền.
  • Chuỗi phật giáo : vay mượn của đạo Bà la môn, ý nghĩa của các hạt thường mang tính biểu tượng. Ngày nay chuỗi 108 hạt vẫn được dùng để đọc những câu thần chú.
  • Chuỗi Hồi giáo : Một số người hồi giáo sử dụng chuỗi 99 hạt tương ứng với những danh hiệu của Đấng Allah được ghi trong kinh Coran. Chuỗi gồm ba phần mỗi phần 33 hạt.
4. Ích lợi của việc lần chuỗi
Một số kitô hữu rất dị ứng với sự lập đi lập lại của việc lần chuỗi. Họ nghĩ rằng việc lập đi lập lại kinh Kính Mừng dẫn đến sự nhàm chán buồn ngủ hoặc chia trí vào những chuyện khác.
Tuy nhiên sự hơi đơn điệu này lại tạo điều kiện thuận lợi cho việc tĩnh tâm và suy gẫm các mầu nhiệm của kinh Mân Côi. Hơn nữa việc các ngón tay lần chuỗi cũng làm giảm bớt sự mệt mỏi của sự bất động. Lần chuỗi là sự cầu nguyện của những người bé mọn.
5. Các Đức Giáo Hoàng và kinh Mân Côi
Từ khi được khởi xướng, kinh Mân côi luôn được các giáo hoàng coi trọng và cổ võ. Đây là một vài trích dẫn của các vị chủ chăn của giáo hội nói về kinh Mân côi :
Urbain IV (+1264) : “Đó là một nghi thức đạo đức chống lại những nguy hiểm của thế gian. Chúng ta đọc kinh Kính Mừng bằng với số thánh vịnh của vua Đavít, bằng cách đọc từng chục và được bắt đầu bằng lời nguyện của ngày chủ nhật. Với quyền tông toà, Ta chuẩn y cách đọc thánh vịnh Đức Maria này […] Mỗi ngày, kinh Mân Côi đem lại nhiều ích lợi cho các kitô hữu”.
Thánh Pie V (+1572) : “Một khi biết cách cầu nguyện này, các tín hữu, được soi sáng bởi sự suy gẫm, được sốt mến bởi chính lời kinh, sẽ trở nên một con người khác; Bóng tối lạc giáo sẽ tan biến và như vậy ánh sáng của đức tin công giáo sẽ chiếu soi rạng ngời…”
Grégoire XIV (+1591) : “Kinh Mân Côi là một phương thế tuyệt vời để tiêu trừ tội lỗi và lãnh nhận ơn Chúa.”
Léon XIII (+1903) : “Trong những thời điểm tăm tối của Giáo Hội, phải lo sao cho thói quen thánh thiện đọc kinh Mân Côi được gìn giữ hết sức chu đáo. Ngày nay chúng ta cũng cần sự trợ giúp siêu nhiên như thời điểm mà thánh Đaminh đã giương cao hiệu kì kinh Mân Côi để chữa lành những thương tích thời đại ngài […] Cha đặt hy vọng lớn lao vào kinh Mân Côi. Cha muốn rằng việc thực hành đạo đức thánh thiện này được tái lập khắp nơi với danh dự như xưa kia. Ước mong rằng thực hành đạo đức này được yêu mến và thực hành ở thành phố cũng như nông thôn, trong các gia đình, bởi những người trí thức cũng như những người bình dân, như là một dấu hiệu vinh quang của người kitô hữu và như một phương thế tuyệt hảo và chắc chắn để có được sự khoan dung của Thiên Chúa.”
Thánh Pie X (1914) : “Trong tất cả các lời kinh, kinh Mân Côi là lời kinh đẹp nhất và làm vui lòng Đức Mẹ Đồng Trinh Rất Thánh nhất.”
Pie XII (+1958) : “Cha không ngần ngại lập lại rằng : Cha đặt hy vọng lớn lao vào kinh Mân Côi trong việc chữa lành những đau khổ của thời đại chúng ta. Ước gì các tín hữu cố gắng, đặc biệt nhờ kinh Mân Côi, xin Mẹ rất yêu thương, ban cho Giáo Hội và xã hội một thời đại tốt đẹp.”
Jean Paul II (+2005) : “Kinh Mân côi là một trong những lời kinh ý nghĩa nhất đối với các tín hữu ở mọi lứa tuổi và mọi điều kiện sống. Trong kinh mân côi, dù một người nhỏ nhất trong dân Chúa cũng khám phá ra sự tròn đầy ơn gọi thánh tẩy, chức tư tế, ngôn sứ và vương giả của họ, họ nhận được khả năng phi thường để cầu xin Chúa Kitô và Thiên Chúa Cha, nhờ Mẹ và trong Mẹ. Trong kinh Mân Côi, chính Đức Mẹ, đón nhận lời kinh của những người nghèo hèn và bầu cử mạnh mẽ cho họ trước toà Đấng Tối Cao.”
Benoît XVI
“Đức Mẹ mời gọi chúng ta khám phá lại vẻ đẹp của kinh nguyện này, thật giản dị nhưng cũng thật sâu sắc. […] Kinh Mân Côi là kinh nguyện chiêm ngắm và tập trung vào Đức Kitô, không thể tách rời sự suy gẫm Thánh Kinh. Đây là kinh nguyện của người kitô hữu trên hành trình đức tin, theo Đức Kitô. Con đường mà Đức Maria đã đi qua”.

Dom. Ninh Phán tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP