Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Nói Thêm Về

“Phải Chăng Thiên Chúa Không Công Bằng? Cuộc Đời Giu-Se Là Một Điển Hình” (DL10)
(Nguyên thuỷ có tựa đề là: “Thiên Chúa Không Công Bằng: Cuộc Đời Giu-Se Là Một Điển Hình”

Nhân việc BBT trả lời về sự không hài lòng của người viết khi bài viết bị sửa đổi tựa đề từ “Thiên Chúa Không Công Bằng: Cuộc Đời Giu-Se Là Một Điển Hình” thành “Phải chăng thiên Chúa không công bằng? Cuộc đời Giu-se là một điển hình” như đã đăng trong DL10 vừa qua, người viết nhận thấy có những vấn đề chưa thấu đáo, nên xin được có những nhận định, giải thích và ý kiến đóng góp thêm trên tinh thần trao đổi, học tập và xây dựng.

Xin được trích dẫn nguyên văn thư của BBT như dưới đây:
Anh Phủ thân mến,
Trước tiên BTT xin lỗi anh vì đã sửa tựa đề bài viết của Anh đăng trên DL 10 mà chưa có sự đồng ý của Anh. Sở dĩ có điều này là vì thời gian gấp rút và lại khó liên lạc với Anh (Anh không lên mạng thường xuyên lắm?); vả lại cái tựa Anh đặt không phản ảnh thật sự nội dung Anh viết, mà nó chỉ mang tính giật gân không cần thiết! Nghĩ như vậy nên BTT tìm cách giảm nhẹ tính khiêu khích và giật gân của cái tựa.
Anh vẫn biết, những phẩm tính của Thiên Chúa (ví dụ như công bằng, chân thật,…) là những điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên với cái nhìn của con người nhiều khi ta chưa/không đạt thấu được. Do vậy mà, theo cách nhìn, cách nghĩ và sự cảm nhận của con người, nhiều khi ta thấy rằng Thiên Chúa không công bằng, thiếu xót thương,… xem ra rất hữu lí, nhưng thật sự nó không đúng về mặt thần học. Những điều cảm nhận hoặc suy nghĩ của con người chưa/không phải là chân lí vẹn toàn. Ta có thể tìm hiểu, tra vấn về một vấn đề, nhưng bao lâu chưa được thẩm quyền chuẩn nhận thì ta chỉ có thể nói dưới dạng nghi vấn chứ không thể dùng một mệnh đề khẳng định.
Do đó tuyên bố bằng một mệnh đề khẳng định chắc nịch rằng "Thiên Chúa không công bằng" là một điều không thể chấp nhận được. Nhất là câu nói đó lại xuất phát từ một sinh viên thần học!
Cuối cùng Dựng Lều xin cám ơn những đóng góp của Anh, chúc Anh nhiều sức khoẻ, bình an và mong ước luôn nhận được những đóng góp tích cực Anh cho Dựng Lều, để DL ngày càng tiến triển.
BBT Kinh Viện
BBT kính mến,
Xin chân thành cảm ơn về thư trả lời với những đóng góp xây dựng của BBT về vấn đề sửa tựa đề bài viết trong DL10!
Có thể nói đây là cơ hội để được “giãi bày tâm sự” và được lắng nghe những góp ý cũng như những chỉ dẫn của BBT và các Tu huynh, nên em mạn phép được trình bày những ý nghĩ như sau:
Thứ nhất, BBT cho rằng, “cái tựa Anh đặt không phản ảnh thật sự nội dung Anh viết, mà nó chỉ mang tính giật gân không cần thiết!” Em nghĩ rằng, nhận xét này đã đánh giá không đúng về sự thống nhất của bài viết, giữa bài viết và tựa đề ban đầu của nó.
Xét về mặt ngữ pháp, tựa đề như nguyên thủy: “Thiên Chúa không công bằng: cuộc đời Giu-se là một điển hình” là một tựa đề hoàn chỉnh. Hai vế làm thành một nội dung hoàn chỉnh: một dẫn chứng cụ thể cho một nhận định cụ thể. Khi nó được sửa thành: “Phải chăng Thiên Chúa không công bằng? Cuộc đời Giu-se là một điển hình.” Thì rõ ràng ta nhận thấy rằng, hai vế này chẳng ăn nhập vào nhau cả về nội dung và ngữ pháp của hai vế. Tuy tựa đề có thể được đặt dưới những dạng không hoàn chỉnh về ngữ pháp, nhưng chúng cũng phải tuân theo một logic nhất định.
Xét về mặt nôi dung, tựa đề nguyên thủy đã phản ánh thật sự nội dung của bài viết. Vâng, chúng ta vẫn biết rằng Thiên Chúa công bằng, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải thừa nhận rằng Thiên Chúa là Đấng nhân từ và tình yêu của Ngài vượt trên mọi giới hạn bất toàn của con người. Như vậy, vấn đề ở đây là sự nhấn mạnh về lòng từ bi nhận hậu của Thiên Chúa. Thêm vào đó, vế thứ hai “cuộc đời Giu-se là một điển hình” (như sự tôn kính của chúng ta đối với thánh Cả) it nhiều gợi ý rằng, đằng sau những vất vả của Giu-se, chúng ta nhận thấy ân huệ của Thiên Chúa. Hai vế hợp thành một nội dung duy nhất, đó là sự ưu đãi của Thiên Chúa đối với hết mọi người. Ý chung của cả bài và tựa đề của nó có thể được khái quát với sự nhấn mạnh về tình yêu của Thiên Chúa như sau: Tình yêu của Thiên Chúa vượt trên sự công bằng theo như quan niệm về sự công bằng của con người, vì tình yêu của Ngài chan chứa, vì Ngài ưu đãi đối với hết mọi người chúng ta: nhìn vào cuộc đời của Giu-se – người đã phải trải qua biết bao những khó khăn, chúng ta có thể nhận ra ân huệ của Thiên Chúa là nguồn cội của tất cả. Trọn vẹn bài viết đã nói lên hai vế có sự bổ túc lẫn nhau này, thì rõ ràng rằng tựa đề và bài viết là một chỉnh thể thống nhất. Nhưng tiếc thay, nó đang hoàn chỉnh thì được hiểu và bị cô lập ra từng “đoạn” rời rẽ nhau!
Xét về mặt sống động, “không khí” của bài viết, tính chất tưởng tượng rất quan trọng vì nó tạo nên sinh khí cho nội dung được truyền tải. Nếu chỉ có tính chất “giật gân” thôi, thì e rằng khả năng tưởng tượng và tư duy của người đọc không được đánh giá cao lắm. Người đọc không thụ động, nhưng tham gia vào bài viết như một chủ thể của một cuộc hội thoại. Khi người viết đặt một tựa đề có vẻ mâu thuẫn như thế, thì người viết đã mặc định rằng người đọc đã có những nền tảng về vấn đề (ít nhất là biết rằng Thiên Chúa công bằng và thánh Giu-se là người công chính, đày ân huệ Thiên Chúa), và tư duy cùng sự tưởng tượng của người đọc giữ một vai trò trong bài. Mặt khác, người viết không đơn thuần chỉ viết cho người đọc, mà còn viết cho chính mình. Cùng với những kinh nghiệm về những ngang trái, đâu khổ trong cuộc sống hàng ngày, người viết và người đọc cùng chia sẻ, cảm thông và tìm kiếm những câu trả lời cho những khắc khoải ngang trái của cuộc đời, của con người. Chúng ta, người đọc và người viết, cùng giúp nhau tìm kiếm những ý nghĩa đích thực đằng sau những khắc khoải ngang trái của cuộc đời đang diễn ra kia. Nếu người viết không được phép nói lên một “khẳng định” như lòng mình nghĩ, như lòng mình đang khắc khoải đi tìm một câu trả lời, thì làm sao có thể có một cuộc đối thoại đúng nghĩa?
Thứ hai, BBT đề nghị: “Ta có thể tìm hiểu, tra vấn về một vấn đề, nhưng bao lâu chưa được thẩm quyền chuẩn nhận thì ta chỉ có thể nói dưới dạng nghi vấn chứ không thể dùng một mệnh đề khẳng định.” Vâng, chúng ta phải lắng nghe và tôn trọng giáo huấn của Giáo hội, của Giáo quyền. Tuy nhiên, ở đây không có vấn đề gì nghi vấn hoặc đi ngược lại giáo huấn của Giáo hội cả! Từ ngữ “không công bằng,” theo cách hiểu thông thường, thì có thể không chính xác, nhưng xin được lưu ý cho hai điểm sau: ngôn ngữ là một hệ thống đặc biệt, nó sinh động và phát triển; và nguyên tắc về sự thống nhất của một chỉnh thể, nghĩa là không tách các câu chữ ra khỏi mạch văn, hoàn cảnh. Thành thật mà nói, khi đọc qua nhận xét này:
“Anh vẫn biết, những phẩm tính của Thiên Chúa (ví dụ như công bằng, chân thật,…) là những điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên với cái nhìn của con người nhiều khi ta chưa/không đạt thấu được. Do vậy mà, theo cách nhìn, cách nghĩ và sự cảm nhận của con người, nhiều khi ta thấy rằng Thiên Chúa không công bằng, thiếu xót thương,… xem ra rất hữu lí, nhưng thật sự nó không đúng về mặt thần học. Những điều cảm nhận hoặc suy nghĩ của con người chưa/không phải là chân lí vẹn toàn. Ta có thể tìm hiều, tra vấn về một vấn đề, nhưng bao lâu chưa được thẩm quyền chuẩn nhận thì ta chỉ có thể nói dưới dạng nghi vấn chứ không thể dùng một mệnh đề khẳng định”.
Em thật sự buồn, vì thật sự, em không có ý gì nghi ngờ hoặc phủ nhận những giá trị truyền thống cũng như giáo huấn của Giáo hội qua việc đặt một mệnh đề khẳng định như thế. Có lẽ câu chữ và hệ thống bài viết đã không rõ hoặc gây nên sự hiểu lầm; hoặc BBT nên đọc lại bài viết trong tính hệ thống của nó cùng với sự quảng đại chấp nhận sự sinh động và phong phú của ngôn ngữ!
Thứ ba, kết luận của BBT, theo như em, hơi “nặng.” Một lần nữa xin nhắc lại, xin đừng tách một mệnh đề ra khỏi bối cảnh, hoàn cảnh của nó! Xin đừng xét các khái niệm, từ ngữ như là những gì khô đét và đơn nghĩa! Hơn nữa, tuy “tuyên bố bằng một mệnh đề khẳng định chắc nịch rằng "Thiên Chúa không công bằng,"” nhưng đây không phải là một tuyên bố của khoa học hoặc văn bản hành chánh hoặc tuyên ngôn đức tin, mà là một “khắc khoải” của cuộc sống. Có một câu chuyện kể rằng, đang trong cơn mưa bão, một người phụ nữ vừa chỉ chỏ lên mặt tượng Mẹ Ma-ri-a kèm theo những lời nguyền rủa, thóa mạ, vừa vo những nắm đất sình, ném lên mặt Mẹ. Người ta biết rằng, đứa con yêu quý của bà vừa qua đời tuy rằng bà rất tôn sùng Đức Mẹ và xin Mẹ cứu chữa đứa con duy nhất của bà. Nhưng đứa con bà vẫn chết thê lương, nên bà giận dữ và có những hành động như thế. Nhiều người trình bày với Cha Sở rằng bà ta đang phạm thánh, nhưng chính Cha Sở lại nhận ra rằng, bà đang cầu nguyện với Đức Mẹ một cách chân thành và sâu sắc tận đáy tâm hồn bà. Nếu nhận xét, “Nhất là câu nói đó lại xuất phát từ một sinh viên thần học!” được áp dụng vào hoàn cảnh này, thì ta có thể nói được như sau: “Bà kia không có quyền làm như thế, vì bà là người Công giáo và là một giáo dân !!!”
Thứ tư, qua bài viết, thật sự người viết muốn nói lên rằng, “Đừng xét một cuốn sách bởi bìa của nó” nhưng là bằng cả nội dung chỉnh thể của nó. Trong cuộc sống, chúng ta cần lắng nghe và chia sẻ những điều hay cũng như những khắc khoải buồn đau. Người đọc và người viết cùng nhau đi tìm chân lý như sự khắc khoải của lòng mình, chứ không đơn thuần là một sự cho đi và một sự lãnh nhận khô cứng. Tâm trí của em đã từng có những băn khoăn rằng, “Tôi tin rằng, và tôi cố gắng thuyết phục bản thân tôi rằng Thiên Chúa công bằng và tốt lành, nhưng những đau khổ vẫn còn kia, những oan trái vẫn đang đầy dẫy trước mặt, những cuộc đời bất hạnh không tìm ra niềm hy vọng vẫn đang rên xiết từng giây phút mà nhiều khi muốn la to lên cho cả đất trời biết rằng ‘Thiên Chúa không công bằng!’” Băn khoăn với muôn nỗi đau của nhân loại, nên một tựa đề như thế được đặt ra, chứ không chỉ vì sự “giật gân” đâu! Nỗi niềm của nhân loại vẫn còn đó, trăn trở của con người vẫn còn đây. Ai có thể hiểu thấu, ai có thể cảm thông?!!!
Trong tinh thần gia đình Thánh Gia, nếu có gì quá đáng hoặc không phải, xin BBT và quý Tu huynh lượng thứ cho! Đồng thời, xin chia sẻ và chỉ dẫn cho em thêm; em xin chân thành đón nhận và biết ơn!
Philippines ngày 31 tháng 3 năm 2008

                   Âu Phủ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP