Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Ăn Chay

Bước vào mùa chay, Giáo hội mời gọi con cái mình sống những tâm tình ăn năn sám hối. Nhất là bằng việc nhìn lại chính mình, nhìn lại những lời nói việc làm của mình trong cuộc sống đối với Chúa, đối với tha nhân và đối với cả bản thân nữa. Nói chung là có rất nhiều tâm tình được gợi lên trong mùa chay thánh.
Nhưng đặc biệt, khi bước vào mùa chay, điều đầu tiên mà người ta thường nghĩ tới, chính là việc ăn chay. Cũng dễ hiểu, vì mùa chay được khởi đầu bằng việc ăn chay kiêng thịt (thứ tư lễ tro), và kết thúc cũng là việc ăn chay (thứ sáu tuần thánh)?. Vì thế, trong bài viết này, xin được chia sẻ với “bà con cô bác” một vài suy nghĩ liên quan đến việc ăn chay.
Nói đến việc ăn chay của người giáo dân Việt nam, thì có rất nhiều điều thú vị, lạ lùng, có khi nực cười nữa là khác. Những năm gần đây, tôi có dịp về giúp ở những giáo xứ vùng quê, và thường được nghe vài câu chuyện, đúng hơn là những câu hỏi “théc méc” của người giáo dân. Đôi lúc cũng gặp phải những câu thắc mắc thật khó “gặm”. Thế nên, rút “kinh nghiệm” mỗi khi mùa chay đến, làm gì thì làm cũng phải lo chuẩn bị “tư thế” để trả lời những câu hỏi liên quan đến việc ăn chay.
Một hôm, có người đến thắc mắc: Không biết tại sao cứ đến ngày ăn chay là nó thèm hết cái này đến cái khác; thấy cái gì cũng muốn ăn? Quên một chút là kể như hỏng luôn cả ngày chay. Mà nếu cố gắng giữ thì sao mà bụng dạ nó cồn cào đến thế! Ngày thường đâu có dzậy! Đúng là Ma Quỷ cám dỗ mà!? Rồi có người đến hỏi. Ông thầy ơi, ăn chay kiêng thịt, dzậy có được ăn thịt trong bánh tét không? Đó là bánh mà! Nghe nói ăn trứng vịt lộn cũng được phải không? Vì vẫn còn là trái trứng! Chưa hết. Có người thắc mắc. Hôm qua con lỡ kho đậu hũ với thịt rồi. Con ăn đậu hũ, không ăn thịt. Hoan hô! Nhưng không biết con ăn nước kho đó thì có sao không…? Ôi trời! ăn chay quả là huyền nhiệm! Chưa hết. Có người lại hỏi. Ăn chay kiêng thịt, nhưng ăn cá được. Cá ở dưới nước. Vậy những con ở dưới nước như : Ếch, Rái cá, rắn nước và cả con Gà Nước nữa… ăn được hết chứ? Ở dưới nước mà! Tôi ngước mặt lên trời kêu Chúa: Chúa ơi, chỉ có Chúa mới thấu hiểu được lòng người. Sao người ta vẽ ranh giới giữa chay và không chay nó mong manh đến thế. Hình như  người ta có thể phân biệt được chính xác ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối? (điều không thể được).
Chính vì phân chia được ranh giới của chay và không chay mà có nhiều ông “bợm” nhậu, tối hôm ngày ăn chay rủ rê nhau làm thịt con gà. Luộc và nấu cháo. Rất thơm ngon. Dọn sẵn ra giữa nhà. Tất cả ngồi chung quanh mâm. Nhưng không ăn. Chờ! Để cái đồng hồ ở giữa. Canh! Kim đồng hồ vừa nhích qua 12 giờ đêm. Vỗ tay. Dzô dzô…! Ngon tuyệt. Ăn chay đấy. Chứng kiến cảnh đó. Trong tâm tư tôi thấy thấm thía Lời Chúa nói: “Ta cần lòng nhân chứ không cần lễ tế” (Mt 9,13).
Nhớ hồi còn học Triết ở Học Viện Đaminh. Có một cha giáo đã chia sẻ về việc ăn chay như thế này: Tại sao trong Giáo hội lại có luật ăn chay kiêng thịt? Nguồn gốc xuất phát từ đâu? Đặt câu hỏi rồi cha tự trả lời luôn. Thật sự, Giáo hội thời sơ khai không có luật ăn chay kiêng thịt. Có chăng là luật của người Do-thái ăn chay mừng lễ Vượt qua, là ăn bánh không men, nhưng vẫn được ăn thịt (giết Dê ăn, lấy máu bôi lên cửa). Nhưng sao bây giờ lại có luật ăn chay kiêng thịt? Số là, khi Hội Thánh được thiết lập ở Rôma. Thời bấy giờ vùng đất Lamã có rất nhiều thổ dân đón nhận Tin mừng Chúa Giêsu. Vào những dịp tưởng niệm cái chết khổ hình của Chúa trên thập giá, các Giáo phụ khuyên họ hãy hy sinh hãm mình, đền tội. Nhưng vì là thổ dân, nên họ không thể hiểu ý nghĩa của từ hy sinh hãm mình. Vì thế mà các Giáo phụ đành phải dùng hình ảnh và việc làm cụ thể để diễn tả điều đó. Các ngài đã giải thích cho họ rằng. “Ví dụ, hôm nay bạn đi săn được một con mồi ngon, nhưng vì thương Chúa đã chịu chết cho mình, nên bạn nhịn, không ăn con mồi đó hôm nay, ngày mai mới ăn. Đó chính là sự hy sinh hãm mình của bạn dâng cho Chúa”. Dần dà sau này, Giáo hội thấy rằng việc kiêng thịt để tưởng nhớ đến Chúa như vậy là một việc tốt đẹp, nên giữ, nên làm và có tính thánh thiện, nên đã cho trở thành luật buộc ăn chay kiêng thịt như hiện nay.
Thật ra, giải thích này của cha căn cứ vào đâu và thực hư thế nào chúng ta không được rõ lắm. Nhưng những lý giải đó gợi cho chúng ta suy nghĩ rằng. Nếu ngày hôm nay, một thời đại văn minh và con người đã phát triển hơn nhiều về mặt nhận thức cũng như về trí tuệ, mà chúng ta vẫn ăn chay, và giữ chay theo kiểu chia ranh giới: thịt trong bánh, vịt trong trứng, vật trong nước hay trên bờ…, thì hoá ra chúng ta cũng giống như những người thổ dân Lamã ngày xưa vậy.
Có thể, chính vì lẽ đó mà Hội Thánh không đưa ra một bản luật chi tiết nào để hướng dẫn, thế nào là ăn được và thế nào là không ăn được; cũng như thế là thịt và thế nào là không còn chất thịt. Vì nếu làm như thế thì thực là trẻ con quá. Hội Thánh để cho lương tâm con người thẩm định việc ăn chay của mình. Bởi vì việc ăn chay chỉ thực sự có giá trị, khi đó là sự biểu lộ của tâm hồn: “Ta cần lòng nhân chứ không cần lễ tế”.
Nếu chúng ta làm thịt con gà sẵn sàng, và chờ hết giờ chay là ăn ngay, thì tốt hơn chúng ta nên ăn trước luôn đi, rồi thú nhận với Chúa, rằng thân phận con người của con quá yếu đuối, chỉ cố gắng một tí với Chúa mà con cũng không làm được. Thiết nghĩ, điều đó sẽ làm cho Chúa hài lòng hơn. Hơn là ngồi đó nhìn chăm chú con gà luộc và suy nghĩ, có lẽ Chúa đang canh chừng mình: Tao xem mày có dám ăn không!!! Chúa sẽ buồn biết bao, bởi Chúa đâu phải thế.
Tôi không biết mọi người thế nào. Riêng tôi, khi ăn chay tôi suy nghĩ ba điều. Thứ nhất: khi bụng càng đói, tôi càng thấm thía về thân phận bụi tro yếu đuối của con người mình. Thứ hai: trong ngày ăn chay, tôi cảm nhận tình Chúa thương tôi biết dường nào, khi Ngài chịu chết trên thập giá. Thứ ba: nhịn đói một cách bình thản, đó là tôi muốn thể hiện một chút tâm tình thống hối với Chúa vì những lầm lỗi trong cuộc đời. Nói là một chút tâm tình thống hối, vì làm sao mà đáp đền tình Chúa chỉ bằng một ngày ăn chay chẳng đáng gì.
Thưa bà con! Xem ra cũng đã nói hơi dài dòng rồi. Xin được túm lại về việc ăn chay như thế này. “Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo”(Is 2,13). Ăn chay là một luật chung mà bất cứ người Công giáo trưởng thành nào cũng biết và cũng giữ. Nhưng tâm tình của việc ăn chay lại là một vấn đề hết sức riêng tư của mỗi người với Thiên Chúa. Cho nên, đôi khi mình đừng quá xét nét hình thức bên ngoài mà đánh mất đi sự thánh thiêng của tâm linh. Nhưng cũng đừng quá phán đoán rộng rãi mà vô tình làm gương xấu cho người có lương tâm nhạy bén, và trở thành coi thường việc ăn chay.
Một vài chia sẻ đơn sơ mộc mạc, mạn phép gởi đến “bà con”. Nếu có gì sai quấy, xin “bà con” lượng thứ cho kẻ mọn này. Xin kính chúc mọi người một mùa chay thánh thiện. Một mùa chay sinh được nhiều hoa trái thiêng liêng của tâm hồn. Một mùa chay ấm áp tình Chúa, ấm áp tình người trong cõi đời nhân thế. 
Mùa chay 2007

Fr. Lê Quốc Dũng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP