Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Hãy Xé Lòng (Joel 1,13)

            Vậy là sau những ngày vui chơi Xuân Đinh Hợi, chúng ta bắt đầu bước vào Mùa Chay với Lễ Tro. Bài đầu tiên chúng ta nghe trong thánh lễ này được trích từ sách Ngôn sứ Joel : “Đừng xé áo nhưng hãy xé lòng”.
            Để hiểu rõ hơn lời nhắc nhở này của vị ngôn sứ, nhằm giúp chúng ta sống đúng tinh thần Muà Chay, tôi xin kể một câu chuyện mang tính minh hoạ sau đây :

            Một cha xứ trên đường đem Mình Thánh cho kẻ liệt vào một buổi tối giá lạnh, ngài khoác một áo gió đen trên chiếc “clergyman” của ngài. Đang lầm lủi đi, khi đến một khúc vắng thì bỗng từ gốc cây bên đường một người đàn ông vạm vỡ chạy vụt ra, dí một lưỡi dao sắc lạnh vào cổ cha và hét to:
-          “Đưa bóp tiền cho tao ngay, không được chống cự!”
-          Cha hoảng hốt, vội cởi fermeture áo gió để móc túi trong lấy ví tiền ra theo lệnh tên cướp. Nhưng đúng lúc ấy thì tên cướp cũng nhận ra cổ áo trắng linh mục của ngài;
-          Hắn liền rút dao lại và đổi giọng : “Cha à ?! Thôi, con xin lỗi...Cha cứ tiếp tục đi”.
-          Thấy tên cướp có vẻ “biết điều” vì còn nể cha kính thầy, nên thay vì rút bóp tiền, ngài rút một điếu thuốc thơm ra mời .
-          Nhưng tên cướp vội xua tay nói : “Cám ơn Cha, con không hút thuốc đâu ạ vì là đang... Muà Chay !”
            Bạn nghĩ sao về thái độ của tên cướp “ngoan đạo” này? Rõ ràng là anh ta đã có  hành động “xé áo” mà không “xé lòng” ! Từ đó nhìn lại cách sống đạo, đặc biệt là cách sống Mùa Chay của chúng ta, có lẽ có phần nào cũng giống tên cướp kể trên! Vâng, tôi không quá bi quan khi nhận định như thế , vì nếu chúng ta, với tất cả lòng khiêm tốn và thiện chí, tự nhìn thẳng vào cách sống của mình, chúng ta có dám chắc là mình đang thực sự “xé lòng” hay không, hay chúng ta chỉ “xức tro” và “xé áo” qua một số hình thức khổ chế bên ngoài như ăn chay, kiêng thịt, kiêng hút thuốc... nhưng lại vẫn “ăn cướp” bằng những hành vi lỗi công bằng và bác ái ( trong “tư tưởng, lời nói và việc làm”) trong quan hệ với tha nhân ?! Ngay từ đầu Mùa Chay, chúng ta đã được Chúa mượn lời ngôn sứ Isaia (58/6-7 ) nhắc nhở :
            «Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?7 Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục»

            Vậy là đã quá rõ : Cách ăn chay mà Chúa ưa thích chính là sống yêu thương và chia sẻ ; do đó, ích lợi gì khi ta ăn chay (theo sát nghĩa đen) mà vẫn dửng dưng, vô cảm  trước những đau khổ của người khác, không quan tâm đến những người khốn khổ đang mong đợi sự trợ giúp của chúng ta ? Hoặc tệ hơn nữa, ta vẫn tiếp tục làm khổ anh em, làm phiền lòng những người đang chung sống, vẫn cứ là gánh nặng cho tha nhân ?! Dĩ nhiên là khi nói như thế ta không phủ nhận giá trị tích cực của việc chay kiêng theo giáo luật hoặc coi thường giá trị của hy sinh và khổ chế trong tu đức. Nhưng điều căn bản là tất cả những hy sinh hãm mình đó phải được thúc đẩy do lòng mến và phải được tô điểm bằng các hành vi bác ái cụ thể, ít nhất cũng là bằng những cử chỉ thân thương, những nụ cười thân thiện, những lời nói chân thành, khiêm tốn làm vui lòng mọi người ta tiếp xúc... Tất cả những điều này xem ra không có gì là ghê gớm và có lẽ ai cũng biết như thế về mặt lý thuyết. Vâng, có những cái rất tầm thường nhưng lắm khi, có lẽ vì quá tầm thường, mà chúng ta không còn để ý, để rồi chúng ta trong khi vẫn ăn chay đúng qui định của giáo luật, nhưng đồng thời vẫn tiếp tục là gánh nặng, là sự chán nản, là nỗi khổ cho mọi người chung quanh! Chúng ta hãy dành chút thời gian trong mùa Chay này mà tự vấn lương tâm, tự xét mình kỹ lưỡng với tất cả lòng khiêm tốn và chân thành về mọi quan hệ của chúng ta với tha nhân..., nhất là với những anh em chúng ta đang chung sống trong cộng đoàn, có lẽ khi đó chúng ta sẽ thấy rõ là mình phải lo “xé lòng” chứ không chỉ “xé áo” thôi đâu.

            Đó cũng là điều mà chúng ta cần nhắc nhở nhau trong tinh thần khổ chế của mùa chay thánh này. Mong thay!

Túc Trưng, đầu Mùa Chay 2007

            Chú Ba

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP